Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HẠT LẠNH MỌC TRÁI MÙA (C4)

Giàng Khánh Ly


KHÁT VỌNG (Kỳ IV)
 
   Trong mười hai năm sống cuộc sống như thế với cái bản Lũng Xá ấy. Lanh nghĩ đã ba lần chết mà không thành thì chắc cái con ma nó không muốn bắt Lanh rồi. Lanh nghĩ: Bao nhiêu năm nhà trường nuôi dạy Lanh ăn học, Lanh phải nghĩ cách để làm điều gì đó khác hơn những phụ nữ Mông không biết cái chữ chứ! Xã Lóng Luông khi đó không có phụ nữ Mông biết chữ, bác chủ tịch UBND xã nói với gia đình nhà chồng Lanh, cho Lanh làm Hội phó phụ nữ xã, sau ít thời gian thì Lanh làm Hội trưởng phụ nữ xã. Khi đó cán bộ xã không phải công chức như hiện nay mà chỉ là cán bộ bán chuyên trách, không có lương chỉ có chút ít phụ cấp. Lanh cảm giác cuộc sống đã có tia hy vọng điều gì đó. Lanh bắt đầu lăn lộn với công việc của hội phụ nữ xã lúc bấy giờ. Hồi đó là năm 1986, từ đó phong trào phụ nữ xã Lóng Luông cũng bắt đầu phát triển, chị em phụ nữ được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến phụ nữ. Chị em phấn khởi lắm, chẳng mấy Lanh đã vận động và thành lập được các chi hội phụ nữ trong tất cả các bản của xã. Xã Lóng Luông lúc đó 100% bản là bản người Mông. Ngoài công tác tuyên truyền, Lanh còn tổ chức dạy xóa mù chữ cho chị em vào ban đêm, dạy hát, dạy múa cho chị em. Mỗi lần đến họp chi hội bản, Lanh cõng con cùng chị hội phó phải đi bộ hàng chục cây số với cái đèn pin hay bó đuốc. Lanh lăn lộn với phong trào phụ nữ một cách say mê, không quản gió mưa nên các bác lãnh đạo xã kết nạp Lanh vào đảng viên và Lanh cũng được mệnh danh là “Hạt giống đỏ” của xã Lóng Luông thời đó.
    Năm 1988 Lanh xin phép bố chồng để làm cô giáo dạy học, bố chồng Lanh là xã đội trưởng và là bạn thân của anh trai Lanh, họ cùng làm cán bộ xã nên họ đã thông đồng với nhau bắt Lanh lấy chồng. Trong cái rủi lại có cái may, bố chồng là cán bộ xã lại là đảng viên nên bố chồng đồng ý cho Lanh làm cô giáo cắm bản để mở lớp dạy cái chữ cho lũ trẻ trong bản. Khi đó cái bản Lũng Xá ấy không có lớp học, trẻ con lêu lổng không được học cái chữ, chỉ đi trông em, chăn trâu, Lanh thương bọn nhỏ quá. Khi đó cả xã Lóng Luông không có một người phụ nữ Mông biết chữ, Lanh vui mừng như chết đuối vớ được cọc. Lanh ra bản Lóng Luông gặp thầy giáo hiệu trưởng trường tiểu học ở đó và trình bày với thầy. Thầy đồng ý cho Lanh mở lớp dạy học ở bản Lũng Xá. Lanh vui mừng về báo cáo với bố chồng, Lanh bắt đầu mở lớp học tại bản Lũng Xá. Đêm nằm Lanh trằn trọc không ngủ được vì cứ trăn trở: Nếu mở lớp dạy học thì phải có nhà, có bàn ghế và bảng, những điều kiện cần thiết cho một lớp học chứ! Lanh đến nhà ông trưởng bản và nhờ ông trưởng bản họp dân để vận động dân bản đóng góp gỗ, tre nứa, công sức làm lớp học. Khi làm được lớp học rồi, nhưng ở bản người Mông thì Lanh không lạ gì. Người Mông không muốn cho con đi học đâu mà chỉ để con đi chăn trâu, trông em cho bố mẹ đi nương thôi. Để có được học sinh, Lanh lại đi mua lấy ít bánh kẹo mang đến từng gia đình có con trong độ tuổi đi học và vận động bố mẹ cho các cháu đến lớp học. Lanh làm như thế được một tháng sau đã vận động được 46 cháu đến lớp. Lanh vui lắm, cứ sáng Lanh dạy học, chiều Lanh đi nương. Thời đó Lanh được dân bản gọi với cái tên “Thân thương” là “Cô giáo cắm bản” nên không có lương, nhưng mỗi tháng thầy giáo hiệu trưởng trường tiểu học của xã lại mang lên cho Lanh được mấy chục nghìn gọi là phụ cấp hay gì đó. Cuộc sống lúc đó cũng chẳng đầy đủ gì nhưng Lanh đâu có nghĩ dạy học là phải có lương đâu. Lanh chỉ nghĩ làm sao để Lanh được dạy học, dạy chữ cho bọn trẻ để sau này người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn, tiến bộ hơn, để cái đói, cái nghèo nó phải tránh xa họ thế thôi. Mỗi ngày ngoài dạy chữ Lanh còn dạy cho bọn trẻ hát, múa nữa. Những đứa trẻ được học rất ngoan, biết nghe lời bố mẹ, ông bà lại rất lễ phép và biết giữ gìn vệ sinh nữa nên gia đình nào cũng muốn cho con đi học với Lanh. Bản Lũng Xá hồi đó đâu có ai biết tiếng Kinh, nhưng Lanh vừa biết tiếng Kinh, lại là người Mông nên biết cả hai thứ tiếng. Lanh dạy học nơi đây rất thuận lợi. Lanh miệt mài dạy học trò, sau ba năm Lanh mở được ba lớp với 138 cháu học sinh, có cháu đã lên được lớp Một, lớp Hai. Nhà trường tổ chức dự giờ xem Lanh có dạy được không. Sau nhiều lần dự giờ nhà trường đánh giá cao về cách dạy, hiệu quả dạy học của Lanh. Dân bản ai ai cũng vui mừng vì có cô giáo người Mông dạy chữ cho con em trong bản. Từ đó cứ mùa hè mỗi năm nhà trường cho Lanh cùng một số người dân tộc khác trong xã, trong huyện đi học chuyên tu về nghiệp vụ sư phạm tại trường sư phạm I tỉnh Sơn La. Lanh không dấu nổi niềm vui và cảm giác cuộc đời được hồi sinh. Lanh không ngại khó khăn gian khổ gì hết. Lanh miệt mài học sau bốn năm Lanh hoàn thiện chuyên môn về sư phạm cấp I., Lanh được phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mộc Châu tuyển dụng chính thức vào biên chế của ngành.
    Ngoài việc dạy học, mỗi tuần Lanh phải đi bộ từ bản Lũng Xá đến UBND xã Lóng Luông khoảng trên 10 cây số để trực theo phân của xã. Thấy đi lại vất vả, năm 1992, Lanh đành xin ý kiến với bố chồng để chuyển ra ở bản Lóng Luông cho gần UBND xã, và xin chuyển ra dạy học tại bản Lóng Luông. Bố chồng đồng ý, Lanh và gia đình chuyển ra bản Lóng Luông. Do không có đường ô tô, Lanh không chuyển được ngôi nhà gỗ trong bản Lũng Xá ra nên đã để lại cho đứa em chồng ở. Lanh lên Mộc Châu mua được ngôi nhà kê lợp ngói cũ về dựng tại bản Lóng Luông nơi gần trường học. Đến năm 1996, Lanh được bổ nhiệm làm hiệu phó trường tiểu học xã Lóng Luông. Làm hiệu phó nhà trường Lanh vẫn kiêm nhiệm Hội trưởng phụ nữ xã Lóng Luông. Lanh xây bể chứa nước mưa, trồng lạc, trồng khoai lang, những thứ mà dân bản Lóng Luông từ bao đời nay không biết trồng. Họ quan niệm những thứ đó chỉ người Kinh mới trồng được. Ngoài công việc ra Lanh còn nuôi lợn, nấu rượu, làm đậu phụ bán để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình. Dân bản ai cũng khen Lanh giỏi dang, họ thường nói với nhau “Cái Lanh nó biết cái chữ nên biết làm cho cuộc sống tốt thế đấy, mình cũng phải cho con đi học thôi”. Họ nói với nhau như vậy nhưng hồi đó cả cái xã Lóng Luông ấy có ai đi học đâu, nhất là con gái thì lại càng không được đi học. Họ luôn coi con gái là con người ta, có giỏi thế nào thì đi nhà chồng rồi thành người của người ta, đâu có phải người nhà mình. Với cái tư tưởng phong kiến ấy nên Lanh biết họ nói thế nhưng một mình Lanh chưa đủ để làm gương cho dân bản nơi đây. Vì thế ngay từ lúc này Lanh đã nghĩ: Bằng mọi giá phải cho các con gái của mình đi học mới có thể làm cho mọi người dân nơi đây tin tưởng và làm theo.lanh12345678
    Với phong tục tập quán của người Mông cùng tư tưởng lạc hậu do chế độ phong kiến để lại, sức ép từ gia đình, họ hàng nhà chồng, Lanh cố sinh nhưng chỉ có con gái, trong đó những anh em trong gia đình thì đều sinh con trai, con gái. Cả họ hàng và gia đình nhà chồng càng có cớ để tạo áp lực cho Lanh, họ nói “Nó không biết đẻ đấy”. Càng ngày càng áp lực từ phía gia đình nhà chồng. Lanh không biết phải làm sao đây. May mắn cho Lanh, sau đó thì có cô giáo hiệu trưởng (Cô giáo Nguyễn Thị Yên) trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mộc Châu xuống nhờ Lanh lên để hỗ trợ phiên dịch giúp nhà trường, hồi đó huyện đón 5 chị em các cháu người Mông ở xã Xuân Nha do bố mẹ bị sốt rét mà chết cả rồi. Lanh thu dọn đồ đạc và cõng con cùng cô giáo Yên lên trường nội trú huyện. Lanh ở với các cháu mồ côi được hơn một tuần thì nhà trường cử người cùng với Lanh đưa bọn trẻ lên trại mồ côi tỉnh Sơn La. Hiện nay 5 cháu đều trưởng thành. Chị cả về quê Mộc Châu lấy chồng ở trong xã, còn 4 người em thì mỗi đứa một công việc và đều đã có gia đình, cuộc sống của bọn trẻ đều ổn định, chúng lại nhớ tới mẹ Lanh, thi thoảng lại đến thăm mẹ Lanh. Lanh thương chúng lắm vì chúng cũng giống như Lanh mồ côi cả cha cả mẹ. Lanh rất mừng vì hiện nay bọn trẻ đều được học hành tiến bộ và trưởng thành.
    Nhân cơ hội này Lanh đã tâm sự với cô giáo Yên hiệu trưởng và muốn đưa các con gái của Lanh đến học tại trường nội trú của huyện. Cô giáo Yên là người rất tốt bụng, cô ấy thương học sinh dân tộc lắm. Cô hiệu trưởng Yên bảo “Tốt quá, hiện nay chúng tôi phải đến từng bản để tuyển sinh đấy, mà con gái Mông thì gia đình không có cho đi học đâu”. Thế là Lanh gửi các con gái của Lanh đến trường nội trú học tập. Từ đó xã Lóng Luông bắt đầu có con gái Mông đi học và thu hút được một số cháu gái đi học nữa nhưng chúng chỉ học hết lớp 5 lớp 6, về nghỉ tết Mông chúng đi lấy chồng hết, chỉ còn con gái của Lanh theo học đến cùng. Dù vậy nhưng sau này thấy con gái của Lanh học hành và trưởng thành, nhiều cháu gái người Mông thi nhau đi học. Mỗi lần Lanh về quê thấy bọn trẻ chơi trò chơi với nhau, người làm cô giáo, người làm học sinh, có nhiều cháu tranh nhau nói “Tao làm cô Lanh”. Lanh không nói ra nhưng trong lòng Lanh thấy rất vui. Hiện nay nhiều chị em phụ nữ Mông quê Lanh đã biết chữ, có trình độ, được bình đẳng trong cuộc sống, trong xã hội, nhiều cháu gái người Mông quê Lanh đã trở thành bác sỹ, cô giáo, cán bộ quản lý ở trường học, công tác ở xã, ở huyện; chúng biết làm kinh tế gia đình giỏi, từ đó cuộc sống của đồng bào nơi đây đã khác xưa nhiều lắm rồi. Lanh nghĩ: Dù Lanh đã phải trải qua bao thăng trầm cũng chỉ vì mục đích đó nên Lanh thật ấm lòng và nghĩ: Mình đã biến cái đau khổ thành cuộc sống tốt hơn cho quê hương, nhất là chị em phụ nữ và trẻ em gái ở quê Lanh cũng như các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mộc Châu. Với những cố gắng của Lanh cùng phong trào phụ nữ, sự nghiệp giáo dục của xã Lóng Luông, Lanh thường xuyên được các bác lãnh đạo huyện Mộc Châu quan tâm.
    Đến năm 1999, Lanh được huyện ủy Mộc Châu điều động lên nhận công tác tại Ban Tuyên giáo huyện ủy. Khi đó Lanh không còn ở ngành giáo dục nữa nên lương của Lanh chỉ còn 370.000 đồng trên một tháng để trang trải cho cả gia đình. Cuộc sống lúc này vô cùng khó khăn. Mẹ con Lanh ở tập thể với một gian nhà nhỏ chưa đầy 8 mét vuông. Để thuận lợi cho công tác của Lanh cũng như việc học hành của các con, Lanh đã xin các anh lãnh đạo huyện ủy để cho ông chồng ấy làm bảo vệ. Các anh lãnh đạo huyện đồng ý, nhưng Lanh vận động mãi ông chồng không chịu lên vì ông ấy không biết chữ cũng chẳng biết tiếng Kinh, hơn nữa ông ấy bảo “Còn cái con ma nhà của tao, tao không mang đi theo được nên tao không đi đâu hết”. Cuộc sống hết sức khó khăn, ông chồng lại không chịu lên Mộc Châu ở, đã có lúc Lanh nghĩ: chắc mình phải quay về bản Lóng Luông thôi, nhưng nghĩ lại nếu về bản thì không những mình khổ mà cuộc đời của con cái sau này cũng khổ, phụ nữ người Mông mãi phải chịu cuộc sống bất công! Bên cạnh đó Lanh luôn được các anh, chị trong cơ quan, trong chi bộ thương yêu, giúp đỡ, động viên nên Lanh có thêm động lực để tiếp tục công tác, nuôi con cái học hành. Trong suốt những năm từ năm 1999 đến năm 2002, mẹ con Lanh cứ thứ bảy lại chở nhau bằng xe máy về bản Lóng Luông. Đến chiều chủ nhật chuẩn bị gạo nước, mắm muối cho ông chồng ấy rồi lại lên Mộc Châu. Lanh vừa công tác vừa phải học tại Trung tâm giáo dục Thường xuyên của huyện để hoàn thiện bằng trung học phổ thông vì trước đây Lanh đang học dở dang thì bị bắt cóc đi lấy chồng.
    Đến năm 2002, Lanh có cô con gái đã học hết cấp II nhưng trường Nội trú của huyện lúc đó chưa có cấp III, Lanh loay hoay không biết cho con đi học chỗ nào. Lanh đến hỏi lãnh đạo huyện xin chỉ tiêu đi học trường Hữu nghị 80, hay trường nội trú tỉnh để có chút chế độ Nhà nước, đỡ được một phần khó khăn của gia đình. Lãnh đạo huyện bảo “Hết chỉ tiêu rồi”. Lanh buồn lắm, Lanh lại đến gặp cô giáo Yên hiệu trưởng trường nội trú huyện, cô Yên bảo “trường Hữu nghị 80 là trường nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, chế độ như trường mình, có anh Hùng làm hiệu trưởng. Anh ấy tốt lắm, chị cho địa chỉ em cứ xuống gặp anh Hùng thế nào anh Hùng cũng giúp đỡ em”. Lanh nghe lời cô giáo Yên và đi xuống trường Hữu nghị 80 gặp thầy giáo hiệu trưởng nhờ thầy xem có khuyết chỉ tiêu hệ A không, nếu các tỉnh xa không xuống được thì cho con gái Lanh vào học với. Thầy hứa nếu có thầy sẽ báo cho Lanh. Lanh đi về và đến ngày nhập học rồi Lanh không biết phải làm sao. Bỗng có chuông điện thoại cơ quan reo lên, Lanh cầm máy nghe thì là thầy hiệu trưởng trường Hữu nghị 80 gọi. Thầy bảo “Có một học sinh ở tỉnh Hà Giang không xuống học và tôi đã thay thế tên con gái của em vào rồi. Mẹ con xuống mà nhập học cho cháu nhé”. Lanh  ôm con khóc nức nở trong niềm vui không tả nổi. Đến năm sau thì con gái nhỏ của Lanh cũng học hết cấp II và được huyện cho một chỉ tiêu về học ở trường Hữu nghị 80. Hai con gái biết mẹ vất vả nên chúng chăm ngoan học giỏi, chúng nói với Lanh “Với chế độ của nhà trường thế là tốt quá rồi, mẹ không phải lo cho chúng con đâu”. Trong suốt thời gian các con học rồi Lanh cũng học, cuộc sống khó khăn vô cùng. Mặc dù các con có chế độ Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng lúc này, lúc khác, khoản này khoản khác Lanh vẫn phải lo. Nhiều khi Lanh ngẩng đầu lên trời gọi: Chí nả ơi! Giờ Lanh biết đi vay đâu ra tiền gửi cho con, cho Lanh đi học nữa? ở dưới quê thì họ hàng cũng chẳng khá giả gì, thậm chí có lúc họ còn lên tìm Lanh để vay tiền đi chữa bệnh nữa. Cơ quan thì không có quỹ, hơn nữa Lanh cũng rất ngại khi cầu cậy đến cơ quan. Lanh cũng không mấy kêu ca chuyện gia đình với cơ quan nên ít người biết là Lanh khó khăn như thế. Lanh đến Ngân hàng dù chỉ vay vài triệu cũng vay rồi vay Ngân hàng này trả Ngân hàng kia, miễn làm sao có tiền cho mấy mẹ con học. Có người bảo “Mày khó khăn thế thì học vừa thôi không sau này một đống nợ thì khó mà trả được”. Lanh không hiểu nữa, với những khó khăn như thế nhưng chưa bao giờ Lanh nghĩ “Không học”. Sự “Thèm học”, “Khát học” từ lâu của Lanh không làm cho Lanh từ bỏ việc học. Lanh chỉ nghĩ đơn giản: Cố gắng là vượt qua thôi!

                                          Còn nữa - Kỳ cuối: Cái phải đến, sẽ đến

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 54
Trong ngày: 265
Trong tuần: 989
Lượt truy cập: 435636
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.