Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HÀ NỘI TRONG MẮT NHÌN NGƯỜI NÚI

HÀ NỘI TRONG MẮT NHÌN “NGƯỜI NÚI”

          Qua 2 tập thơ Lê Tuấn Lộc – Người núi người phố ( 2005) và Không tin về Hà Nội mà coi ( 2009, Nxb Văn hóa dân tộc.

                                  Vũ Nho

vu_nho_dieu

         Tiến sĩ nhà thơ Lê Tuấn Lộc, quê Thanh Hóa, nhưng gắn bó với nghề tìm quặng và làm mỏ chủ yếu ở Tuyên Quang và miền núi phía Bắc. Rồi  nhà thơ lại về định cư Hà Nội. Về Hà Nội, thành công dân Thủ Đô, nhưng cái cốt cách của “người núi” đã ăn sâu vào  cách nghĩ,  cách nhìn, cách nói,  và cách thể hiện. Về Hà Nội, sống trong môi trường đô thị hiện đại, khác hẳn môi trường rừng núi tự nhiên, phóng khoáng, khiến cho tác giả trăn trở khôn nguôi. Anh viết “ có cách gì để thể hiện cái cổ truyền trong cái hiện đại, cái riêng của dân tộc- miền núi trong lòng Thủ đô Hà Nội, nơi mà tôi đang sống, với một phong cách chân chất nhưng lại sinh động nhất” ( Tự bạch – trong tập “Không tin về Hà Nội mà coi”). Sự trăn trở đó cuối cùng đã tìm được lời giải bằng thực tiễn sáng tác trong 2 tập thơ “ Người phố- Người núi” và “ Không tin về Hà Nội mà coi”.

           Hà Nội thành phố cổ kính và hiện đại, là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của cả nước. Hà Nội là thành phố đã có hơn ngàn năm tuổi. Trước đây chỉ có ba mươi sáu phố  thôi. Bây giờ thì nhiều phố quá. Lại thêm rộng vô cùng sau khi nhập cả tỉnh Hà Tây vào nữa!

          Người núi, người bản về Hà Nội, đi thăm phố cổ, vô cùng ngạc nhiên bởi:

                   Phố cổ cái gì cũng mới

                   Nhìn mãi không cổ tí nào

Không tìm thấy nét “cổ”, mà cái tên phố cũng không khớp với tên hàng hóa bày trên phố, thậm chí khác xa, rất xa:

                   Hàng Giấy bán đầy những phở

                   Hàng Giầy bán cả quang treo

                   Hàng Đường những là tơ lụa

                   Hàng Than không ai bán than

Lạ nhất là  không phải 36 phố như sách nói, mà có nhiều “phố lạ”, chỗ nào cũng giống nhau cả, làm người bản “lạc đường”. Lại lạ  hơn nữa là giá cả đắt kinh hoàng “ Cổ đắt cắt cổ”. Người bản thèm rượu, nhưng không thể uống rượu:

                    Thèm rượu vào tiệm uống rượu

                   Chủ bày ra toàn rượu tây

                    Chai rượu bằng hơn tấn sắn

                    Bữa nhắm, mình ăn cả năm

Chỉ nguyên bấy nhiêu chuyện mà người bản đi phố cổ nhận xét cho thấy phố khác xa bản, người phố khác xa người núi, khác nhau thật nhiều!

          Nhà thơ mượn lời hồn nhiên của con trẻ để nhận xét về Hà Nội:

          Người Hà Nội thích ở ngoài đường

          Không thích ở nhà […]

          Người đông như kiến

          Đi như hội

          Người Hà Nội chỉ đi chơi

          Không đi làm

                             ( Cháu tôi bảo)

Nhìn những con đường Hà Nội đông chật xe máy  như nước chảy suốt ngày đêm thì cứ ngỡ “ Người Hà Nội chỉ đi chơi”, biết đâu phần lớn người đi trên đường là đang “đi làm”!

          Có điều này thì đúng trăm phẩn trăm, “chuẩn không cần chỉnh”. Ấy là “ Hà Nội nhiều người giỏi”. Đi chợ gặp “chị Vụ trưởng”; đi đổ rác gặp Giáo sư Thứ trưởng. Đúng là “ Người giỏi Hà Nội nhiều như lá rừng”. Đã thế , số lượng người giỏi cứ tăng không ngừng:

          Mấy cháu bản mình đi học Hà Nội

          Chả đứa nào muốn về quê

          Về bản khổ lắm

          Không giỏi được

          Làm cho Hà Nội đã giỏi lại càng giỏi

Một ước muốn rất chân thành nhưng mãi mãi chỉ là ước mơ, mãi mãi chỉ có trong mơ:

          Cách gì chia bớt tiền người giàu Hà Nội cho người nghèo ở bản

          người bản bớt nghèo đi

          Hà Nội không nghèo hơn

          chia bớt người giỏi Hà Nội cho miền núi

          chắc miền núi giỏi lên rất nhiều

          chia bớt đất rừng miền núi cho Hà Nội

          Hà Nội bớt chật hẹp hơn

                         (Hà Nội nhiều người giỏi)

          Gặp bóng áo chàm trên đường phố Hà Nội, người núi  không thấy vui mừng mà cứ “day dứt mãi”. Bởi vì sao? Vì cái “màu xanh dầu dãi” ấy không ở nơi quen thuộc của nó!

          Nào đâu những triền đồi

          Bóng áo chàm lóa nắng

những hoàng hôn bằng lặng

lóc cóc trâu về chuồng

bóng áo chàm thoáng qua

người áo chàm ngoái lại

 thế rồi day dứt mãi 

cánh rừng có nương ngô

                  (Bóng áo chàm trên đường Hà Nội)

Tập thơ “ Không tin về Hà Nội mà coi” có 20 bài nói về Hà Nội trong mắt nhìn của “người núi” hoặc “ người bản”. Vẫn một quan sát tinh tế, một cách nghĩ đơn giản, mộc mạc mà chuẩn xác.

Hà Nội bây giờ mở rộng bao gồm cả Hà Tây cũ. Hà Nội không chỉ có người Tày, người Nùng, người Thái, người Mông, người Dao,… Thế nhưng “ Hà Nội không thấy người thiểu số” ! Vì sao?

          Người Sán Chay về Hà Nội nói tiếng Kinh

          Không nói tiếng Sán Chay

          Người Mường về Hà Nội không nói tiếng Mường

          Nói tiếng Kinh Thanh Hóa […]

          Gái Thái có chồng không búi tằng cẩu

          Cô gái người Dao vòng cổ không đeo

Các dấu hiệu tiếng nói, trang phục, tập quán không được thể hiện, người dân tộc, người thiểu số lẫn vào người Kinh nên viết thế có cái đúng. Tác giả tự tin khẳng định:

          Mình nói thật đấy

          Tìm mà không thấy

          Đừng gân cổ lên mà cãi

          Cho dù em là người Sán Chay

Và  để đoan chắc cho phát hiện của mình, tác giả viết như cam đoan, như thách thức:

          Không tin về Hà Nội mà coi!

                   ( Hà Nội không thấy người thiểu số)

Trong con mắt của “người núi”, Hà Nội thật kì lạ, thật văn minh. “Hà Nội ăn cả ngày  cả đêm”, “ Hà Nội người nào cũng đẹp”, “ Hà Nội có máy rút tiền”. Hà Nội có “ Máy tự làm sướng”, “ Nhà sàn giả”,  “ Cửa tự động đóng mở”, “ Nước chảy theo ý mình”,…

          Cả đến rác thải ở Hà Nội cũng không giống như ở miền Rừng.

          Rác chất cao như núi

          Đến nỗi Hà Nội nhiều người sồng bằng nghề bới rác

          Đến nỗi Hà Nội có cả nhà máy xử lí rác

                   ( Rác ê!)

Thật thú vị khi “người núi” cảm nhận về đêm nhạc giao hưởng:

          Nhà hát lớn Hà Nội choáng ngợp

          Đèn hoa lung linh

Tường thơm

          Người thơm

              Ghế ngòi cũng thơm[…]

          Chẳng nhẽ bỏ về giữa chừng

          Bất lịch sự

          Giao hưởng là thứ gì mình không hiểu

          Cứ đi

          Cứ nghe

          Nghe mãi không hiểu

          Mà cứ giả vờ hiểu

                   ( Nghe nhạc giao hưởng).

          Đúng như nhà thơ Bằng Việt đã nhận xét “ Anh làm ta bất ngờ vì chính chúng ta ở đây lâu. Đã quen, đã bị chai cứng đi vì mọi thói quen hàng ngày, còn anh, anh lại đã có vốn mười mấy năm ở mãi vùng cao, anh đã biết lạ hóa không gian sống miền xuôi bằng một cách nhìn khác, sắc sảo  và nhạy bén, đến mức chúng ta lại phải cười xòa và chịu phục anh: “ Miền núi gì mà tinh tường, ma xó thế!”. Cái cảm giác thú vị và bất ngờ song đôi ấy, từ cảm nhận ở cả hai chiều: Thô mộc và tinh tế, chất phác và lọc lõi,  nôm na và khái quát, trần thuật mà lại là triết lí, buông thả mà lại thành đúc kết.v.v. luôn luôn là những phẩm chất song trùng” ( Lời giới thiệu tập thơ Người núi – người phố).

          Vâng! Đúng là thủ pháp “lạ hóa” được tác giả Lê Tuấn Lộc vận dụng một cách nhuần nhuyễn, hồn nhiên, mặc dù có thể chưa từng liếc qua định nghĩa “ lạ hóa” của các nhà nghiên cứu. Lạ hóa vì Hà Nội được nhìn bằng cặp mắt của người núi, được cảm bằng tỉnh cảm của người núi, được đánh giá bằng lí trí khôn ngoan của người núi. Vậy nên rất yêu Hà Nội, rất thích Hà Nội, nhưng chỉ ở  chơi, chỉ sống ít ngày thì  thú vị, còn ở mãi thì… không!

          Cá chuối đắm đuối vì con

          Hà Nội mế đâu có thích

          Chỉ thằng cún con là nghịch

          Cho mế vơi nỗi nhớ rừng

          Thì mai cún con đầy tháng

           Chúng mày cho mế về quê

           Nơi vui không người trò chuyện

           Còn buồn hơn trên nương ngô

                   (Mế về thôi!)

Chúng tôi nghĩ rằng tác giả đủ tình cảm, đủ lí trí  để yêu Hà Nội, cũng đủ cả tình cảm và lí trí để yêu miền núi. Vì thế mà viết người núi tập làm người phố nhưng không như người phố được. Vì thế mà cái “ý thích” chỉ là nhất thời, không bền của cả người nọ (người núi) lẫn người kia (người phố):

          Người núi thích về thành phố […]

          Ra đường không ai hỏi ai

          Người núi lại muốn về núi […]

          Người phố thích về rừng […]

          Về rừng

          Bí rì rì […]

          Người phố lại muốn về phố

                          ( Người núi người phố)

Vì hiểu thấu cảm xúc của người núi, người phố nên Lê Tuấn Lộc có những bài thơ viết về Hà Nội độc đáo, đặc sắc không lẫn với bất kì nhà thơ nào! Đó chẳng phải là một thành công đáng ghi nhận hay sao!

                                                                             Hà Nội, 6/6/2024

                     

 BÀI IN TRÊN NGƯỜI HÀ NỘI, THÁNG 8/2024

anh_nhn_thang_8

 

 

 

 

 

 

 

 

         

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 57
Trong ngày: 220
Trong tuần: 739
Lượt truy cập: 439854
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.