Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

GỐC MAI HÌNH MẶT NGƯỜI

Nhật Hồng 

GỐC MAI HÌNH MẶT NGƯỜI
(Chiến tranh đi qua nửa thế kỷ nhưng chuyện đau lòng vẫn day dứt với người)

 

         Hai hố mắt sâu hút, đôi gò má cao lên, cái môi thì trệ xuống càm như vành trăng khuyết. Bên kia, hình người đàn bà tóc để thả xuống bờ vai ngồi ôm gọn trong lòng, mắt nhìn về một cõi - xa xăm. “Gốc mai đẹp… gốc mai lạ lùng… gốc mai hiếm… có một không hai…”. Những ngày nắng chỏi hỏi mặt người hiện lên rõ rệt, khi vui, khi buồn… Lời truyền miệng với nhau ngày một đi xa. Những tay sành điệu trả mua giá mười triệu… mười lăm… chú Ba không ừ, không hử. Sợ mất, chú Ba bứng dời vô sát hàng ba, chưa yên cho lắm Chú kê một cái giường sát một bên, giăng mùng ngủ.

         Thấy có giá, Thím Ba nhiều lần nói với chồng: “Bán gốc mai đi ông ơi! Để lo xoay trở nợ nần, từ ngày con Út vào Đại học, ông biết nhà mình thiếu nợ bao nhiêu chưa? Hồi sáng này, con Tám nó ghé buộc mình phải trả cho hết vốn lẫn lãi. Có những câu nói đụng chạm tự ái tui dữ lắm. Đành làm lơ không nghe, từng tuổi này mà bị con nít nó nặng nhẹ, tui tủi thân lắm ông ơi!” Chú Ba vẫn ngồi trầm ngâm, Thím Ba tiếp:

         “Một là bán gốc mai, hai là cho con Út nghỉ học, ông chọn cái nào?” Chú ba vẫn lặng lẽ lâu lắm mới thốt ra được một câu:

         “Bà để tui tính. Có cách mà! Người ta gặp cảnh cùng có thể bán đi nhiều thứ, nhưng có thứ mà chết cũng không bán! Một là lương tâm, hai là bạn bè:

         - Cái gì là lương tâm, cái gì là bán bạn bè? Không tiền tiếu nợ thì bán cây cối để trả, không có lương lẹo, không có bạn bè dính dấy gì ở đây hết! chuyện bán gốc mai làm cho gia đình Chú Ba nhiều lần cơm canh gia đình không ngon ở đôi vợ chồng già.

         Đã năm ngày Chú Ba nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Thím Ba túc trực một bên. Lo lắng hỏi Bác sĩ: “Ổng có làm sao không Bác sĩ” không sao, nhưng chậm bình phục, rất may cho ông cụ” Chú Ba vừa mở mắt gọi thím Ba lại gần thều thào:

         “Tui kể cho bà nghe chuyện này, đã mấy mươi năm rồi, tui giấu kín. Nay thì… phải nói ra mới được”. Chợt Thím Ba như bị xốc mạnh:

         - Thôi! Đừng nhắc! Để tui còn tới lui thăm ông. Chuyện của ông, ông cứ giữ nó trong lòng rồi chết mang theo tận dưới mồ mả thủ thỉ, mà yêu đương với nó!

         - Không! Không phải chuyện đó đâu. Chuyện này đau đớn lắm bà ơi!

         - Chuyện gì?nhunga

         - Chuyện gốc mai!

         - Tui… bán cho người ta rồi!

         - Trời ơi! Bà giết tui rồi! Mặt chú Ba tái nhợt. Thím Ba hoảng hốt.

         - Bác sĩ ơi!

         - Đừng! Để tui yên.

         - Ông đừng làm cho tui sợ. Mà tui chỉ mới hứa, chiều nay người ta mới bứng. Bán để có tiền thuốc thang cho ông. Mạng người quý hay gốc mai quý? Chú Ba thì thào nằm kể cho Thím ba nghe trên giường bệnh:

         “Bà có nhớ không? Lúc tui cưới bà về, đi dạy học một buổi, chiều về tranh thủ chăm sóc vườn ruộng. Mới vừa vác cuốc vô nhà, chợt thấy người lính súng ống đùm đề đi qua cửa chòi ngoài đầu vườn. Tim tui đánh thót: “Biệt kích hay không biết lính nào đây?” Chuẩn bị sẵn sàng những câu trả lời phòng thân, dù rằng tui có giấy hoãn dịch vì lý do “dạy học”, nhưng cũng sợ… người lính đến gần đây, tay xách khẩu súng mới tinh, cái băng đạn cong queo về phía trước. Miệng vui vẻ:

         - Mầy ở đây hả Lộc?

         - Ủa! Tùng phải không? Quá mừng, nó nhàu đến ôm tui. Đêm đó, tui lén bà bắt con gà đem ra chòi nấu cháo xé phai. Hai thằng ngồi ăn ngon lành dưới gốc cây mai. Gốc mai lúc đó chừng bằng cườm tay người lớn, mọc sát mé mương, kế bên bụi tre gai rất ấm. Tui với Tùng vừa học cuối năm đệ lục, bỗng dưng nó biến mất, con Dung cũng biến luôn. Cả lớp xầm xì bàn tán: “Con nít quỷ, vừa mới mở mắt, dẫn nhau làm chồng vợ, ít bữa chán rồi trồi đầu về cho mà coi!” Chuyện đời chóng quên theo ngày tháng, vừa gặp nó tui nhớ ra liền. Hỏi: “Con Dung có đi theo mày không? Bây giờ nó ở đâu?” Tùng trầm ngâm: “Nó làm y tá cho trạm quân y tiểu đoàn, chuyện dài dòng lắm, rồi mày sẽ biết! Bây giờ, tao với mày ở đây chơi đến sáng. Tui lo lắng nhìn chung quanh: “Mầy yên chí! Từ đây đến đó, cả khu vực này là của quân giải phóng, không có thằng lính nào dám lén phén vô đây được”. Hai thằng đang rù rì dưới gốc mai, chợt có hai chiếc máy bay Dacota quần đảo vài vòng, bỏ trái sáng ngay trên đầu tụi tui. Vòng trở lại, chiếc Dacota bắn một loạt đạn như bò rống. Tui không thấy gì hết. Chỉ thấy lửa tua tủa xung quanh mình. Tui vừa nhàu xuống mương, Tùng kéo lại: “Mày có sao không?” “Không!” Tùng nói: “Vậy là tốt, nó chỉ bắn vu vơ thôi, đừng sợ.” Coi lại, nồi cháo đổ lênh láng, dĩa thịt gà văng tứ tung. Khi chia tay, Tùng dè dặt dặn tui: “Tao đi rồi, mày xoá dấu vết này cho sạch, đừng cho người lạ phát hiện, tới lui xem ở gốc mai có dấu cào mạnh thì moi ở dưới gốc. “Có thư liên lạc nhau”. Nhớ nghen!” Sáng hôm sau, tui lén nhìn lại gốc mai, viên đạn bắn trổ ngang thịt cây tưa tải, ứ mủ ra đặc quánh. Nhớ lời dặn của Tùng, tui tới xem gốc mai có một dấu càu mạnh. Nhận được tin: “Đúng nửa đêm………tháng………năm…… ra đây gặp bạn.” Tui chuẩn bị một ấm trà nấu sẵn. Tùng bày ra một bọc bánh in, ba người bạn rì rì dưới gốc mai. Tùng nói:

         - Mầy biết đó, Dung là con nhà giàu đâu chịu theo tao. Tội nghiệp! Tao “gù” riết mà nó bỏ trường bỏ lớp đi theo cách mạng. Giờ Dung dạng dĩnh với máu me, với mổ xẻ, y sĩ rồi đó, chớ bộ! Tôi nhìn cô gái tiểu thư ngày nào, giờ cứng cỏi trong bộ quần áo ni lon dầy màu xanh ô liu. Những nụ cười sáng và đẹp còn hơn thời con đi học. Dung nói:

         “Biết nhau ở bậc tiểu học, qua trung học có hai năm mà tình cảm của tụi mình như thân nhau cả đời. Em thường nhắc với Tùng: “Cái thằng Lộc ngông ngông, lãng lãng… khó ưa… mà không quên được. Cũng lạ! Tùng nhìn tui ánh mắt như ánh sao. Hỏi:

         - Mai hết giặc mày làm gì?

         - Thì cũng dạy học… vậy thôi! Còn mày?

         - Cưới Dung, cho Dung học lên Bác sĩ, có con… Dung vui vẻ báo tin thật khẻ bên tai: “Em và Tùng được tổ chức tuyên bố đám cưới rồi đó! Nay ghé qua đây cho bọn mình biết. Tui đỡ lấy cái bánh in trên tay Tùng đưa mà nghe vị ngọt thấm vào cổ: “Chúc mừng cho đôi bạn trăm năm hạnh phúc”

         Bọn tôi chia tay nhau trong màn đêm lặng lẽ, chỉ có tiếng gió xào xạc. Tùng đi về phía có nhiều tiếng súng nổ và pháo súng. Dung lẫn vào bóng cây.

         Bà còn nhớ cái lần dẫn người đến bắt ghen, tui chịu đau đỡ đòn cho người đàn bà nằm trên giường với đứa con đỏ hỏn, là ai bà biết hay không?

         - Vợ bé của ông chớ ai?

         - Con Dung, vợ của Tùng đó!

         - Thiệt vậy hả? Tại sao ông không chịu nói thiệt, may hôn, tui phan khúc củi trúng nó rồi!

         - Lúc đó, hai bên nhà toàn là cảnh sát dân vệ, nói ra đặng chết cả đám hả?

         - Thì hòa bình rồi ông cũng nói chớ!

         - Nói để làm gì cho đau lòng thêm. Còn ai đâu mà nói. Gần một năm, lúc đó giặc càn quét mạnh. Tui nhận được tin từ ở gốc mai: “Đón Dung ra ngoài sinh nở”, chỉ còn có cách đó mới an toàn cho cả hai. Dung vừa sinh nở, vừa đau đớn báo tin Tùng đã hy sinh sau lần chia tay với nhau. Thím Ba khổ sở:

         “Con Dung, thằng nhỏ đâu rồi?”

         - Nhắc đến Dung, nhắc đến cảnh cùng lòng tôi đau đớn không nguôi. Năm 1971, Dung nhớ con quá, nhắn người ta đem xuống cho nó thăm. Nào ngờ hôm đó, bất thần lính đổ quân đầy hai bên bờ kinh. Dung chỉ kịp đưa thương binh xuống hầm bí mật và gài trái nổ tự vệ. Tốp lính ập tới, vướng dây nổ chết và bị thương cả chục. Dung bị chúng phát hiện bắn chết, thằng bé nằm gọn trong lòng. Bọn lính bắt thằng nhỏ lên máy bay biệt tích luôn. Không biết nó còn sống hay đã chết, nếu còn thì nó bằng tuổi thằng con trai lớn của mình đó!

         - Nghe ông kể, tui quá xúc động, thương cho nỗi niềm của hai người bạn. Vợ chồng mình thì được ở nhà yên ấm, bên con, bên vợ. Trong khi đó, các bạn của mình phải hy sinh cả mạng sống, một chút mụn con cũng không còn. Ước mơ đơn sơ nhất của đời người mà cũng bị bóp nát.

- Chuyện đau lòng như vậy, mà ông nỡ giấu tui kín mít. Báo hại tui ghen, tủi khổ, tui giận... Mai mà...

         - Ban đầu tui định kể cho bà nghe, nhất là sau khi yên giặc. Nhưng... hết rồi! Phanh phui ra làm gì nữa. Để yên trong lòng, coi như tôi giữ được... tình cảm với nhau trọn vẹn. Nhớ Tùng, nhớ Dung, năm 1975, tui đem gốc mai trồng trước sân. Cây mai vết đạn còn bưng mủ, khi trồng xuống một thời gian, gốc nó phát triển phình ra như cố chống chỏi, làm lành lặn với những nỗi đau rách nát; những vết cào “mật dấu” ngày một nổi gân lên thành những đường nét hình thù trông giống như mặt người. Mai có giá, sợ bị mất, tui đem vô mái hiên nhà kê giường ngủ giữ. Nói là ngủ giữ gốc mai quí, chớ ai biết: đêm đêm tui hủ hỉ với đôi bạn đời của mình ở đó!

         Đêm ấy, tui ngủ mê thấy Tùng và Dung ghé thăm. Tùng vui vẻ báo tin: “Dung tốt nghiệp Bác sĩ rồi, thằng con trai tên Trung vừa tốt nghiệp đại học. Gặp nhau, tụi nó mừng quá trời, nhảy bổ lại ôm tui. Dung bây giờ trắng trẻo, đẹp ra, có dáng như bà này, bà nọ, miệng cười xum xoe: “Xa nhau ba bốn chục năm, tưởng đâu anh thành đạt danh giá... Nào ngờ, cũng lẫn quẫn với vợ, với con, với số phận. Vừa nói, Dung quàng tay lên cổ tui vuốt vuốt mái tóc. Bỗng ở đâu bà xông ra xổ một tràng dài như Dacota bắn: “Đàn bà... trở trẽn báo hại cho gia đình tao sắp đỗ vỡ, bây giờ còn vác cái mặt tới đây nữa hả?” Tui can bà gần chết!

         - Tui đang ngủ, giật mình nghe ông ú ớ trong miệng lâu lắm. Khi tui ra gọi ông, tay chân đã lạnh ngắt, cấp tốc chở xuống đây!

         - Vậy thì... tui phải về gấp để hồi người ta, không cho bứng cây mai. Giá bao nhiêu cũng không bán.

         - Nè bà! Về lục dưới đáy rương lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm thủ tục vay tiền cho con đi học và thuốc thang cho tui. Tới đâu tính tới đó, như ăn bánh ít, lột tới đâu cắn tới đó. Bà nhớ chưa?

         Chú ba được Bác sĩ cho về nhà, cũng là lúc cây mai trổ bông vàng rực. Hoa mai thơm ngan ngát trong sân. Thím Ba lén đi đến gốc mai nói thầm: “Mong rằng, hai bạn tha thứ cho tui, từ nay... tui biết rồi! Nhờ có hai bạn mới có mùa xuân.”

                                                                                                                        N.H

(Nhật Hồng tức Nguyễn Văn Lộc - Hội viên Hội Nhà văn Cần Thơ)

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 390
Trong tuần: 1094
Lượt truy cập: 435829
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.