Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

GIỌT GIỌT ĐÊM HÀ NỘI

TỰ THINH KHÔNG VANG ẤM TIẾNG LÒNG NGƯỜI HÀ NỘI.
(Đọc trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo)
                                              Nhà văn Phùng Văn Khai
 
Tôi đã dừng lại rất lâu, đọc lại nhiều lần phần cuối Trường ca Giọt giọt đêm Hà
Nội khúc 57 - Triết lý từ dòng sông với những câu thơ như đồng điệu với mình:
Sông Hồng mang theo triết lý đời sống và câu chuyện về sự truyền sinh dòng giống người Việt. Bao áng thi ca cất lên khi ngợi ca tín ngưỡng thờ Mẫu từ phía đầu nguồn dòng sông. Sông Hồng còn chứng kiến bao câu chuyện thú vị về Hà Nội ngàn năm.
Sông Mẹ mở ra những con đường cho dân tộc Việt.
Những con đườngmang dấu chân huyền thoại.
Những dòng sông sẽ còn chảy mãi, chảy theo suốt cuộc đời mỗi con người!
 
Phạm Thị Phương Thảo dường như đã thay tôi cất lên thông điệp của dòng sông Hồng với ngọn nguồn lịch sử cũng là nền tảng để chị viết nên Trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội. Đây cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa ngôn ngữ, cánh cửa thi ca, nhất là Trường ca rất cần những nền tảng rộng dài, từ chất liệu đời sống tới trường thẩm mỹ. Đây cũng là sự từng trải của tác giả, nó âm thầm nhưng kiêu hãnh, lặng lẽ ngân rung. Một ý thức sâu đậm cũng là một trái tim trách nhiệm với cội nguồn lịch sử từ trái tim của người con Hà Nội, rất riêng mà cũng rất chung.
Tôi ít đọc thơ của Phạm Thị Phương Thảo. Ngày trước, khi biên tập thơ ở Văn nghệ quân đội, tôi từng trao đổi từng bài, thậm chí từng câu chữ và được lắng nghe, cùng chị chia sẻ để in thơ. Tôi rất hiểu con người thơ ca của chị. Đời sống của chị thế nào đều đã vào thơ ca của chị. Nồng hậu. Đắm say. Chênh chao. Yêu người và tự biết yêu mình đều đến tận cùng khổ đau và hạnh phúc. Thèm sự cao rộng thắm sâu của thiên nhiên. Rất biết đường xa chợ chiều thăm thẳm… Kể từ ấy, tôi đã cho rằng sớm muộn Phạm Thị Phương Thảo sẽ đến với Trường ca, bởi con người ấy, tâm hồn ấy sẽ không chịu đứng yên, không chịu dừng lại với những bài thơ đơn lẻ.
 giotdemhanoi1
Sức vóc của Giọt giọt đêm Hà Nội đã được khởi sự và đi một mạch trên nền cảm xúc ấy:
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.
(Ca dao)
 
Nếu không là người từng trải và tự lượng sức mình, chắc gì Phạm Thị Phương Thảo đã sử dụng những khúc ca dao để làm nền cũng là định hướng
từng trường đoạn trong trường ca vốn đòi hỏi sự biến ảo, đa cành nhánh, đa thể thức, hình thức và nội dung để dẫn dụ bạn đọc? Tác giả ngoài đời vừa
thông minh vừa đằm thắm, tất trong thơ sẽ tự biết quy hoạch các khu vực về một mối để phục vụ mục đích nghệ thuật của mình. Và cũng khá cao tay:
Ngắm những ngôi chùa cổ
Soi bóng xuống lòng sông
Kể bao câu chuyện cũ
Bên này là Thăng Long!
 
Đó là điều rất cần thiết để định vị tác giả. Mở ra một biên độ cũng chính là định vị để người thơ có những neo đậu nhịp nhàng. Thơ Phương Thảo tưởng dễ viết mà không hề viết dễ, bởi chị đã biết gói những câu chuyện rất tinh và rất khéo trong câu chữ tưởng chừng mộc mạc có phần nữ tính. Chỉ có người phụ nữ mới phác họa về đàn ông vừa đằm thắm, dịu dàng, lại như đi guốc vào bụng chàng ta:
“ Chàng hạnh phúc hơn nhiều mỗi khi được ra sông
Nơi Bãi Giữa sông Hồng
Chàng đứng đó
Hai bờ vai hứng gió
Hai dải phù sa nâu đổ bóng xuống lưng trần”.
 
Người ta vẫn bảo người đàn bà khi yêu không chỉ rất khù khờ dại dột mà còn rất biết tự chịu thân phận đớn đau. Yêu là chết ở trong lòng một ít (Xuân
Diệu). Người đàn bà tên Phương Thảo yêu ra sao, có lẽ chỉ trời biết, đất biết và chị biết? Nhưng người thơ Phương Thảo thấu cảm và yêu con người, nhất là những người đồng điệu với mình thì chỉ vài câu thôi, người ngoài đã biết:
“Ca nương trầm bổng đàn đêm
Tình yêu, khát vọng, nỗi niềm, đớn đau…
Lối xưa xe ngựa, nát nhàu
Nghe hồn thu thảo trong câu thơ buồn”.
 
Và đây nữa:
“Sông Hồng hát trong đêm Hà Nội
Phố cổ xênh xang, một giọng ca trù…”
Thì đó không chỉ là sự cảm hiểu về người, mà chính là hồn cốt của người xưa vọng lại, là thông điệp mang nhiều màu sắc tới tương lai. Hai câu thơ đẹp đứng cạnh nhau, làm sang cho nhau, tựa vào nhau hiên ngang giữa đất trời Hà Nội.
“Những người đàn bà
Vẫn mải miết gánh mùa thu vào phố
Thả sau lưng
Nỗi nhọc nhằn muôn thuở…”
 
Tôi cảm nhận rất rõ, sự tài hoa và mộc mạc luôn song hành trong thơ Phương Thảo, càng đậm nét ở Trường ca. Có người tài hoa và sắc sảo. Lại có người tài hoa mà phiêu bồng thanh thoát cũng là lẽ thường của thơ ca.
“Người thương lẫn vào trong sương
Nghe hồn Long Biên cuộn sóng
Ta vừa đi hết một vòng
Trời xoay một vòng số phận”
“Ngày lộng lẫy, thu vàng bay theo lá
Trấn Quốc lặng im một tiếng chuông chiều!
Thì sự mộc mạc của Phương Thảo chính là ở chiều sâu câu chữ vậy. Từ lâu nay, viết về Thăng Long - Hà Nội, có nhiều tượng đài thơ đã trở thành bất tử. Nhưng Hà Nội không thể nào chỉ của riêng cho người có tên tuổi. Hà Nội cao rộng trầm hậu, thăm thẳm cội nguồn lịch sử từ những mạch rễ li ti mà vươn khắp bốn phương trời. Hà Nội là một thức quà tâm hồn tuyệt không bao giờ chỉ dành riêng cho người Hà Nội. Bởi vậy chăng, mà Phạm Thị Phương Thảo đã chẳng ngại ngần thổ lộ tiếng lòng mình hòa với những ý thơ, câu chữ của những bậc thành danh:
“Phan Vũ xưa yêu Hà Nội
Thương đôi bàn chân nghệ sĩ lang thang trên
phố đêm
Từ “Những phím đàn long”…
Để đời sau còn da diết vang ngân: “Em ơi! Hà Nội phố”
Mắt phố buồn lang thang….
Đó cũng là dũng khí, là sự cảm nhận và hòa chung nhịp đập với những gì đã thuộc về Hà Nội, thuộc về các nghệ sĩ cũng là nhắc nhớ để trân trọng hồn thơ nét nhạc đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người ở khắp bốn phương. Nhưng, Phạm Thị Phương Thảo luôn có những khúc rất riêng, độc lập trong sắc màu chung:
“Người đàn bà mê đắm những mùa thu!
Chị vẽ bàn tay xưa
Và những ngón thu vẫn nồng nàn hơi ấm
Vẽ hơi thở mùa thu khe khẽ
Và ánh mắt ai nóng hổi, thật gần...”
 
Và cũng rất biết tự làm mới mình mà không sa vào hình thức:
“Lộng lẫy và kiêu sa
Cúc thắp lửa như sinh ra để cháy
Thu gọi nắng lên xanh…
Bên những nụ cười thơm nắng mới
Thu muộn màng thắp sáng một đoá em”.
 
Phạm Thị Phương Thảo trong Trường ca Giọt giọt đêm Hà Nội luôn biết mình ở đâu và cần phải làm gì, phải chủ động ra sao trong từng câu chữ. Với thể loại Trường ca luôn đòi hỏi đường đi và đích đến không riêng chỉ thỏa thích chính mình, mà sự thỏa đáng phải dành cho bạn đọc. Đó chính là điều khó nhất của người làm thơ. Trường ca không phải là chỗ để chắp nối, sắp đặt lần lượt từng bài thơ ngắn mà thành. Nhưng nhất định, mỗi khúc, mỗi chương, mỗi trường đoạn phải có tính độc lập và sự liên thông theo một mạch ngầm văn bản. Mạch nguồn văn bản của Giọt giọt đêm Hà Nội chính là tự thinh không vang ấm tiếng lòng người Hà Nội, một sự chung đúc với chủ ý và sự toàn tâm, nhất là tình cảm thiêng liêng dành cho đất và người, không gian hiện hữu và chiều sâu lịch sử, những kiến thức và cung bậc cảm xúc đến tận cùng của Phạm Thị Phương Thảo đều nhất loạt trổ hoa, đơm bông kết trái, hướng tới mùa quả ngọt:
 
“Gió vẽ dấu chân
Người về cát bụi
Trong cuộc phong trần
Ngàn xanh ở lại”!
 
“Hà Nội là những mùa hoa đang trôi
Năm cửa ô tường gạch phơi ngàn tuổi
Hà Nội bao kiếp người sinh ra, đến đây và ở lại…”.
 
Cách đây đã khá lâu, khi Văn nghệ quân đội tổ chức Trại sáng tác tại Đồng Tháp, các nhà thơ vùng đất Chín Rồng đã quy hoạch và giao nhiệm vụ cho tôi viết một chùm thơ về sen với giải thưởng đặc biệt từ Tỉnh ủy. Tôi rất xúc động trước những tượng đài liệt
sĩ lẫm liệt của các nghĩa binh đã mở đầu bằng bài Đêm sen Gò Tháp và từ mạch ấy đã có bảy bài thơ về sen trả nợ nghĩa tình đất Tháp Mười sông nước minh mang. Thật bất ngờ và vô cùng thú vị, khi trong Giọt giọt đêm Hà Nội, Phạm Thị Phương Thảo đã tổ chức hẳn một chương về sen với cái tên rất gợi “Giấc sen chạm gót Tây Hồ”. Giấc sen của Phạm Thị Phương Thảo sâu lắng và hiện đại chính là điểm nhấn của trường ca:
“Gió viết trên lá sen
Rưng rưng nét Tây Hồ...
Gió lưng ong
Thân vút cong
Mùa vừa sen
Ngày vừa em...”
 
“Hà Nội của chúng mình
Những ngọn bút gió viết xanh trên lá...
 
Cuộn chặn đến tức hương
Sen vẫn lặng lẽ thơm
Ngào ngạt đêm cùng gió
Sen an nhiên, trắng trong, thuần khiết...”
 
Cái cách thể hiện sen trong thơ Phạm Thị Phương Thảo không chỉ nữ tính, nhuần nhụy tinh khôi mà còn có chiều sâu triết học:
“Sen âm thầm tỏa hương
Vệt bùn đen thơm lên lấp lánh
Những ngón sen gió
Quấn quýt gọi mùa
Đầm sương bỏ ngỏ
Nằm ngoài được thua.”
 
Tôi khá bất ngờ khi đọc Giọt giọt đêm Hà Nội, bởi bắt gặp khá nhiều những câu thơ đi ra từ nội tâm một cách rất tự nhiên. Phạm Thị Phương Thảo đã dùng chính cuộc đời mình để viết ra những câu thơ thẳm xanh, vừa đớn đau vừa hiền hòa cũng chính là bản lĩnh và tầm vóc của người thơ Hà Nội. Người Hà Nội trước tiên và sau cùng phải thấy rằng vẻ đẹp nhất, chiều sâu nhất, những cao rộng cuộc đời chính là phải cống hiến đến tận cùng, không phải để nhận lấy mà là để cho đi tất thảy những gì mình có để góp phần làm tươi xanh, dày vững thêm niềm tin và lẽ sống:
 
“Sông chảy vào tôi ào ạt dòng lịch sử
Như Tổ quốc khắc vào trái tim tôi máu ứa
Lời ca ngân dài tự ngàn năm những thăng trầm, vẻ vang, ngọt đắng
Sông Hồng mang trên mình chiến tích những ngàn năm”!
 
Phạm Thị Phương Thảo đã dành phần cuối của Trường ca đưa ra những hình ảnh sinh động và sâu sắc về sông Hồng - dòng sông của thơ ca và lịch sử, dòng sông chuyên chở muôn vạn thịnh suy chìm nổi của các vương triều. Chảy đi sông ơi! Hãy tung mình ra biển lớn, hãy vượt qua mọi ghềnh thác, thị phi, tối tăm, dốt nát của con người mà dâng hiến đôi bờ mật ngọt phù sa. Giọt giọt đêm Hà Nội đã không là dòng sông riêng của Phạm Thị Phương Thảo nữa mà đã hòa vào sắc vóc Thủ đô, tượng hình vào trái tim và tâm hồn mỗi người con Hà Nội, và của mỗi bạn đọc thân thương ở khắp các vùng miền.
 
                                               Hà Nội tháng 8.2024
                                                           P.V.K
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 327
Trong tuần: 1041
Lượt truy cập: 435725
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.