Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

GÃ THỢ SĂN

Đinh Đức Cường
 
GÃ THỢ SĂN
 
   Buổi sáng. Lang thang trong thị trấn, tôi đến một nhà hàng đặc sản rừng. Láo nháo một đám đông hiếu kỳ, kẻ ra người vô. Hóa ra một đoàn khách du lịch sang trọng đang xúm lại mua thịt rừng. Hai đùi thịt thui vàng rộm tươi rói còn dính máu. Một người đàn ông trong đoàn nhìn dáng vẻ trí thức, sang và hiểu biết, cao giọng:
- Đúng là thịt hoẵng thật, còn tươi nguyên. Thịt này mềm và ngon phải biết.
- Cắt ra đi mỗi người mấy cân mang về nhà cho con cái biết như thế nào là thịt rừng. Một bà to béo đeo đầy vàng trên tay trên cổ trề môi:
- Có chắc thịt hoẵng không, sao đắt thể? Sáu trăm ngàn một cân thì giết dân à?
 Cô chủ quán đanh đá:
 - Bà chả biết gì. Thịt hoẵng thứ thiệt người ta vừa săn về xong, đắt thì thôi, để giành cho người biết thưởng thức. Về phố lại hơn triệu một cân ấy nhá. Sáng ra, vừa mở hàng đã chê ỏng chê eo. Kia kìa, ông thợ săn còn ngồi kia chờ lấy tiền đấy.
Mọi người quay lại nhìn. Một gã đàn ông tóc bù xù, khẩu súng săn dựng bên cạnh. Tay đầy cáu bẩn còn dính máu đang vắt chân hút thuốc rê. Cái quần zin bạc màu và cái áo vải thô đầy vết gai cào nhằng nhịt bẩn thỉu. Đôi giầy lính cô sư gin đầy bùn đất. Đúng thợ săn thật... Đám người du lịch nhốn nháo, mua loáng cái đã hết hai đùi thịt hoẵng. Lên xe rộn rảng tiếng cười nói. Xe nổ máy rời thị trấn với niềm hân hoan của khách có món quà là thịt hoẵng rừng xịn và những mớ ngọn su su xanh non...          Đám người vừa đi khỏi, cô chủ quán lại treo ra hai đùi thịt khác. Không có đầu, chân. Xương ống đã được lọc hết. Tôi bước vào quán. Cô chủ quán đon đả mời:
- Bác mua thịt rừng đi, thịt hoẵng tươi vừa săn được. Mọi hôm chả có đâu!
- Tôi muốn mua bộ đầu chân, cô có không?
- Dạ đầu chân khách lấy mất rồi ạ.
Nhìn qua miếng thịt, biết ngay không phải hoẵng, tôi đủng đỉnh nói:
- Rừng ở đây mà có hoẵng to nhỉ? Con hoẵng này phải hơn bốn mươi ký.
    Gã thợ săn ngồi hút thuốc lào, giật mình, ngước mắt lên nhìn tôi, nheo nheo mắt cảnh giác. Rồi cái nhìn đểu, và cuống họng phát ra tiếng gừ gừ đe dọa. Tôi nhìn xoáy vào mắt gã. Gã hơi cụp mắt xuống, rồi mở to mắt nhìn tôi chằm chằm. Có một ánh chớp nhoáng lên trong đầu tôi. Tôi đã bắt gặp khuôn mặt này ở đâu rồi. Hai vết sẹo trên má trái. Óc tôi lại lóe sáng lên lần nữa. Thằng nai hổ… Thằng Trung nai hổ. Tôi kéo ghế ngồi chếch với gã, rút thuốc lá hút cười mỉm. Bỗng dưng gã hơi giật mình. Lấy lại vẻ điềm nhiên, gã bặm môi rít thuốc rê rồi nhỏ nhẹ:
- Em trông đại ca quen lắm! Hình như trước đây anh đã là lính Tây Nguyên?
- Cậu là Trung. Trung nai hổ phải không?
Gã chồm sang cúi sát xuống chiếc bàn tôi:
- Anh Kiên! Đại ca Kiên phải không? Em đây, thằng Trung nai của anh đây.
Rồi nước mắt nó chảy ra trên khuôn mặt đen có những vết sẹo và nhọ bẩn. Hai anh em tôi ôm nhau trước sự ngỡ ngàng của cô chủ quán. Trung quay lại cô chủ quán, bảo:
- Này em, mang cho anh chai rượu đặc biệt ra đây và làm cái gì nhắm để anh tiếp đại ca ngay. Giới thiệu với em, đây anh Kiên, đại ca của anh là ân nhân cứu mạng anh hồi anh còn là lính ở Tây Nguyên. Giới thiệu với đại ca, đây là Lan chủ quán cùng làm ăn với em…
Trung liến thoắng rồi rót rượu ra hai cái ly đầy, hai tay bưng đưa lên:
- Em kính anh một chén nhân ngày tái ngộ.
Trung cầm ly lên ngửa cổ tu một hơi cạn sạch. Tôi cũng uống cạn ly.
 
 * * *
gathosan
 
   Kỷ niệm bỗng tràn về trong tôi. Ngày ấy, những tháng năm gian khổ của những năm bẩy mươi của thế kỷ trước. Trung là chàng trai lính mới quê ở Vĩnh Phú bổ sung vào mặt trận Tây Nguyên. Đẹp trai và có tài bắn súng “trăm phát trăm trúng” nên Trung được chọn làm công vụ cho một sếp ở mặt trận. Cậu ta luôn đi săn được nhiều nai, hoẵng, cầy cáo nên được anh em đặt cho biệt danh là Trung nai. Trung hiền lành tốt bụng và nhanh nhẹn, có cái gì ăn cũng chia sẻ cho anh em. Tôi rất quí cậu ta. Trung hay kể về quê hương đồi cọ khô cằn có món quả cọ om ngon tuyệt và cô bạn gái ở nhà. Rồi trong một lần đi săn, cậu chạm trán với hổ. Mặc dù hạ được chúa sơn lâm, song mặt cậu cũng lãnh hai vết vuốt của nó làm gương mặt loang máu, sau thành sẹo nhìn dữ tợn hơn. Từ đó cái tên Trung nai hổ gắn với cậu ta. Mỗi người đều có cái số. Trong một lần đi săn không hiểu thế nào, cu cậu lại nổ súng bắn nhầm chú voi nhà của đồng bào. Lúc con voi gục ngã rống lên, Trung chạy đến định cắt cái đầu vòi và bốn cái bàn đế gùi về báo đơn vị. Ngày đó ở Tây Nguyên, người bắn được voi có quyền cắt đầu vòi và bốn cái bàn đế, vì đó là thứ ngon nhất của con voi. Khốn khổ thay. Vừa lúc đó một toán dân bản hú vang xông đến. Cu cậu co cẳng chạy, dân bản đuổi theo về đến tận nơi đơn vị đóng quân. Sự việc vỡ lở to, dân bản kéo tới đòi bắt đền một con voi muối. Lấy đâu ra số muối lớn như thế, trong khi muối là thứ hiếm hoi, chỉ để bồi dưỡng cho thương binh, còn những người khỏe đều nhịn mặn, da xanh như lá rừng. Không có muối đền phải đền mạng, luật lệ của đồng bào là vậy. Trung bị trói tạm giam chờ xét xử, lúc ấy cu cậu đã nghĩ mình chắc chết. Nếu mất lòng đồng bào là mất hết. Còn bắn Trung ư? Trời! Sao nỡ! Mà tử hình phải công khai trước mặt dân bản. Lúc đó, tôi đã nghĩ ra một kế cho Trung mặc quân phục chỉnh tề, đội mũ cối có giấu túi thuốc đỏ trên đầu, và dặn khi nghe súng nổ thì ngoẹo cổ, cái mũ rơi ra, bịch thuốc đỏ sẽ đổ đỏ lòm. Các đầu đạn được tháo ra, nút giấy chặt, nòng súng được bôi đầy mỡ bảo quản khi nổ sẽ khói mù mịt. Giờ hành hình. Trung được trói vào gốc cây. Dân bản đứng rất đông đằng xa. Bộ đội dàn hàng bảo vệ. Sau khi tuyên án, năm tiếng súng nổ vang khói bay mù mịt dân bản nhắm mắt, khi mở ra đã thấy Trung đỏ loang máu khắp người. Họ hả hê lắm. Mấy anh em được bố trí sẵn chạy vội lên tháo dây chụp bao vào cậu ta cho lên xe đưa đi luôn. Đó chỉ là cái trò tháu cáy của vài ba người trong cuộc có trách nhiệm ở tiểu đoàn. Sau, cán bộ Sư đoàn biết thì mọi sự đã qua rồi, chả lẽ mời đồng bào đến, xin lỗi rồi trói Trung vào cột, xử tử lại. Cái tội dối dân bản, dối cấp trên chẳng hay ho gì, nhưng vạn bất đắc dĩ phải làm, lòng chúng tôi cũng day dứt lắm. Dân thì không biết không phản đối, cấp trên biết đành thở dài, nhắc nhở rồi cho qua. Tôi và mấy anh em bầy trò này cũng thoát nạn.
 
* * *
 
- Kìa anh! Uống đi. À em quên, anh đi nghỉ mát hay đi đâu mà ở đây? Gia đình anh thế nào? Anh phong độ quá em nhận không ra, khi nghe anh nói em giật mình, chỉ có ánh mắt và nụ cười là em không quên được.
- Cậu cứ bình tĩnh rồi anh sẽ kể hết cho mà nghe.
- Hôm nay, anh phải hết mình với em. Em sẽ đưa anh về nhà, vợ em nó chắc mừng lắm. Anh em ta sẽ nói chuyện; còn bây giờ kính anh ly nữa. Hai anh em cạn ly nào.
- Này, cậu kể đi sau vụ đó cậu đi đâu? Quả đất thật nhỏ, hôm nay lại gặp nhau thế này là sao?
Châm điếu thuốc tôi đưa, Trung kể:
- Hôm đó, em được đưa lên xe nằm im không dám thở. Khi ra khỏi bao em mới tin là mình còn sống. Anh em áp tải bảo: cậu sống được là nhờ anh Kiên. Anh ấy bày mẹo cho thủ trưởng tiểu đoàn làm cái chuyện bất đắc dĩ này. Giờ mới đến lượt đơn vị thật sự giải quyết cậu. Anh ạ! Em đã mang ơn cứu mạng của anh. Sau đó em được đưa ra Bắc với cái án tước quân tịch trả về địa phương. Trong khi cả nước rầm rập Nam tiến giải phóng miền Nam, với hai vết sẹo trên mặt và cái án như một vết nhơ cho gia đình. Làng xóm, mọi người xa lánh, các cô gái còn không thèm nhìn mặt em. Bố mẹ em đau khổ tột cùng. Người yêu em khóc, bảo: anh đừng đến đây nữa em không thể có một người chồng hèn nhát và đào ngũ. Xã không chia ruộng cho em, vì bị tước quân tịch. Không thể xin việc ở đâu với cái lý lịch có vết đen, chán nản em lang thang kiếm ăn các nơi, đói khổ và tủi cực, rồi em trôi dạt về vùng núi này. Hơn chục năm nay, nhà hàng khách sạn chen chúc mọc lên, các món đặc sản rừng thành thời thượng. Em có tài săn bắn nên đi săn thú về bán cho các nhà hàng cũng kiếm được. Rồi thú cũng cạn kiệt, thi thoảng mới săn được, cung không đủ cầu, thành ra chúng em phải nghĩ ra công nghệ chế biến thịt rừng để phục vụ cho các thượng đế. Nói thật với đại ca lúc nãy nghe anh nói em đã giật mình. Thôi, để lúc nào em sẽ nói cho anh rõ về kỹ nghệ làm đồ rừng. Còn bây giờ em kính anh ly nữa. Nói rồi hai tay Trung bưng chén rượu để lên đầu, quỳ xuống trước mặt tôi:
- Ly này em xin cám ơn anh cứu tử...
Tôi cầm chén rượu giơ tay đỡ Trung dậy:
 - Đứng lên đi Trung, đừng làm thế.
Hai anh em uống cạn và nói đủ thứ chuyện. Cậu ta cứ bắt tôi phải về nhà chơi ngay. Tôi bảo:
- Thôi thế này, anh phải về với đoàn có chút việc. Chiều nay, chú qua đây đón anh về thăm nhà chú và nghe nốt công nghệ chế biến thịt rừng của chú.
Bản thân tôi cũng muốn xem Trung sống ra sao, có cần phải giúp đỡ không.
 
* * *
 
     Ba giờ chiều. Trung đến đón tôi. Không nhận ra cậu ta nếu không có hai vết sẹo trên mặt. Trước mắt tôi là một gã đàn ông tóc bóng mượt, kính gọng vàng, quần ka ki, áo sơ mi kẻ cộc tay, dây chuyền, đồng hồ vàng, đặc dáng một ông chủ đứng cạnh một chiếc toyota 3.0 nhập khẩu chờ tôi. Tôi sững sờ nếu gặp Trung lần đầu thế này, chắc chắn sẽ không để ý và cũng chẳng nhận ra. Trung tươi cười nói:
- Em mời anh lên xe em đưa anh về nhà.
Ngôi biệt thự sang trọng. Một cô gái xinh đẹp trắng ngần trong bộ váy thời trang ôm khít lấy cơ thể khoảng ba mươi tuổi ra mở cổng, vồn vã và khoanh tay lễ phép:
- Em kính chào anh! Nghe nhà em kể và nói anh đến chơi, em mong quá. Dạ mời anh vào nhà.
- Giới thiệu với anh, đây là Hạnh vợ em ạ.
Tôi cười và gật đầu chào Hạnh. Phòng khách sang trọng rộng rãi treo la liệt các bộ sừng hươu, nai, dê và các con thú nhồi như báo gấm, gấu và hổ. Hai vợ chồng Trung xăng xái pha nước mời và dẫn tôi đi thăm ngôi biệt thự. Quả thật, cơ ngơi của vợ chồng Trung hoành tráng và phô rõ vẻ giầu có. Tôi mừng cho người lính cũ của mình. Vợ Trung hơi cúi người, nhỏ nhẹ:
- Mời hai anh ra uống rượu.
Bàn ăn sang trọng ngoài sảnh phía sau nhìn ra vườn cảnh bày la liệt đồ ăn bốc khói và các loại rượu xếp hàng. Trung giót rượu ra từ cái bình ngâm hai bàn tay gấu đã ánh vàng sóng sánh ba ly đầy. Cậu ta nâng hai tay ly rượu đưa tôi. Hai vợ chồng mỗi người một ly.
- Hai vợ chồng em xin kính chúc sức khỏe anh, mừng cho ngày tái ngộ. Hôm nay xin anh cạn hết.
- Nào anh chúc mừng cô chú. Tôi nhìn họ, thấy phấn khích.
  Vợ Trung gắp đầy thức ăn vào bát tôi. Sau vài tuần rượu, châm một điếu thuốc Malbro, chứ không phải thuốc rê như lúc cầm súng săn bên phản thịt hoẵng giả, Trung kể:
- Em lấy nhà em hơn chục năm rồi. Ngày ấy, em hay mang thịt rừng cho các nhà hàng. Có tiền mấy anh em nhậu cho bõ những ngày vất vả và rủ nhau đi hát. Em gặp Hạnh thấy cô ấy hiền lành xinh đẹp, em rất mê song nghĩ thân phận mình, chỉ ngồi yên không dám nói. Lâu rồi thành nhớ nên cứ về giao hàng là em lại đến chỗ cô ấy.
- Ban đầu thấy anh ấy dữ tướng, em hãi lắm. - Hạnh tiếp lời - sau đó, nhiều lần gặp thành quen không thấy sợ nữa, trông vậy mà hiền khô, anh ạ. Không dám động tay chân, chỉ ngồi hút thuốc và uống bia. Rồi anh ấy kể hết cho em nghe cuộc đời anh ấy. Em biết anh ấy là người tốt, có một trái tim nhân hậu; song cuộc đời đưa đẩy, đầy đoạ anh ấy thôi. Cuộc đời em cũng khổ nhục lắm mới phải đi làm cái nghề ấy mà Trung không khinh em. Một lần có một thằng khách hàng giở trò sàm sỡ, em chống cự, nó xé rách chiếc áo em mặc hở toang ngực. Em bỏ chạy ra ngoài. Vừa lúc đó, anh ấy đi săn về, rẽ qua. Trung đấm thằng cha đó gẫy một cái răng. Cởi cái áo của mình đang mặc khoác cho em. Thế rồi sau đó em theo anh ấy và chúng em nên vợ nên chồng. Chúng em hạnh phúc bên nhau, mà sao mãi chẳng có con. Hai đứa đều khỏe mạnh, không có vấn đề gì. Hay là trời bắt tội chúng em?
Mắt Hạnh ngấn nước. Không khí bữa ăn chùng xuống.
- Thôi, em đừng làm anh Kiên mất vui. Âu nó cũng là cái số, anh ạ. Mãi chẳng có con, cô ấy buồn lắm.
- Cô chú còn trẻ lo gì. Nào, anh chúc hai em hạnh phúc và sớm toại nguyện.
Trung rót đầy tràn ba ly và kéo vợ đứng đậy cung kính:
- Ly rượu này vợ chồng em xin tạ ơn anh. Xin anh hết trước.
Tôi uống cạn ly và bảo:
- Thôi, bây giờ chú kể cho anh nghe về công nghệ chế biến đồ rừng của chú đi.
Trung chậm rãi:
- Muông thú khan hiếm mà nhu cầu ăn đồ rừng ngày càng cao, anh ạ. Một lần em ngồi trong nhà hàng, có một toán khách đã ngà ngà say cứ đòi thêm thịt hoẵng. Nhà hàng bảo hết rồi. Không tin, một vị khách xông xuống nhà bếp, thấy còn miếng thịt bê liền quát: “Thế thịt gì đây? Định cất đi dành cho người khác à?” Chủ quán chưa kịp phân trần, em liền nháy mắt bảo: “Thôi cứ làm cho các sếp đi, hôm khác tôi ăn”. “Có thế chứ!” Ông khách hả hê quay lại đám khách: “Có hoẵng, có hoẵng!” Ông chủ nhà hàng thái miếng thịt bê mà khách say cứ tưởng là hoãng ấy, cho các loại gia vị vào tẩm ướp rồi xào và bê lên mâm. Cả hội ăn nhồm nhoàm, cứ khen con hoẵng này mềm và ngọt thứ thiệt. Sau đó em nghĩ tất cả hươu, nai, hoẵng, bò bê đều là bộ móng guốc, là giống ăn cỏ… cũng na ná như nhau cả thôi, cho mất mùi là xong. Em về làm thí điểm một con bê con. Thui vàng rộm, cắt chân cắt đầu, tháo hết xương ống, xả ra thành từng đùi nhúng vào nước hàn the cho săn da và chắc thịt, để dốc nước, bôi lại một ít tiết hơ qua lửa. Chỉ có ai sành thịt thú rừng mới biết, còn không thì như anh thấy. Sáng nay đấy, nó là con bê sữa đã được chế biến và lại có tay súng như em ngồi đấy nữa thì ai mà không tin. Chỉ có người lọc lõi như anh mới phát hiện ra. Một cân thịt bê khoảng trăm ngàn thành năm sáu trăm ngàn. Còn cầy cáo chó mèo cho vào một nhóm như nhau hết. Cầy hương chỉ là mèo vặt lông thui vàng. Đố biết. Còn khi cho vào sào rồi thì hương liệu là chính. Chỉ những người như anh em mình mới biết. Có khi nguyên con cả lông, thấy tận mắt mà còn bị đổi. Cho nên anh thấy có bao giờ thịt rừng có đầu và có chân đâu. Sáng, anh nói làm em chột dạ. Cơ ngơi này cũng từ buôn bán thịt thú rừng mà có đấy, anh ạ. Tóm lại, khách hàng cần gì bọn em có đủ thứ đó. Khách ra vẻ sang trọng thế thôi, chứ toàn là lũ hợm của và ngu...
- Cậu làm thế không sợ mang tội à?
Trung ngồi lặng đi một lát.
- Có anh ạ. Nhưng, với người nghèo thì em không dám lừa dối. Người nghèo lấy đâu ra tiền mà mua thịt rừng. Khách lên đây toàn bọn có tiền nhiều tiền và là tiền chùa, tiền người ta cống nạp và lấy của người khác. Chúng đập phá và thể hiện ta đây sành điệu thì chúng em cho chúng biết. Có sao đâu, chỉ có điều chúng phải mua lại với cái giá đắt gấp năm bẩy lần cái chúng được hưởng. Âu cũng là lẽ công bằng mà anh... Tôi cũng thông cảm phần nào với sự tự bào chữa của Trung. Đêm đó, hai anh em tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, từ những kỷ niệm xưa và hiện tại. Sớm hôm sau, ăn sáng xong Trung đưa tôi về Trại sáng tác trên núi Tam Đảo và thường xuyên lên thăm tôi rất ân cần chu đáo. Những ngày tôi bò xoài ra viết ở đây, cậu ta không đi giao thịt giả hoẵng nữa. Ngày bế mạc trại sáng tác, hai vợ chồng Trung - Hạnh đến tiễn tôi và ấn cho bao nhiêu là qùa. Trung mở cốp xe, rút ra khẩu súng săn vẫn dùng, đã lau sạch bóng, nâng hai tay, nói:
- Em xin tặng anh khẩu súng này làm kỷ niệm. Mong anh nhận cho, đừng từ chối! Tôi ngạc nhiên:
- Cậu tặng tôi lấy gì hành nghề?
Hạnh bước lại bên chồng và nói:
- Chúng em đã gặp lại anh mới ngộ nhiều điều. Vợ chồng em bàn rồi. Nhà em định bỏ nghề từ lâu rồi, nhưng cứ nấn ná mãi. Tham của mà anh. Cái nghề này bạc lắm. Có khi tội nợ đã giáng xuống gia đình em cũng vì chuyện ấy mà không biết. Giờ được gặp lại anh, chúng em càng quyết tâm chọn nghề khác. Anh về chân cứng đá mềm. Gia đình em luôn rộng cửa chào đón anh và đại gia đình anh.
   Tôi cảm động cầm lấy cây súng săn. Vợ chồng Trung đứng hai bên ôm lấy tôi, cả hai cảm động nghẹn ngào, nước mắt lăn trên má.
   Xe đi rồi, vợ chồng Trung vẫn đứng trên sườn núi, vẫy tay nhìn theo.
 
                                              Trại viết Tam Đảo, tháng 10/2012
                                                                 Đ.Đ.C
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 45
Trong tuần: 769
Lượt truy cập: 426641
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.