Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐƯỜNG VỀ NÔNG CỖNG XỨ THANH

 Vũ Thảo Ngọc

ĐƯỜNG VỀ NÔNG CỐNG XỨ THANH

    Huyện Nông Cống mảnh đất của những trầm tích văn hóa bên dãy núi Ngàn Nưa huyền thoại có người liệt nữ Triệu Thị Trinh đã lưu danh muôn thuở, có những câu ca dao, phương ngữ đến bây giờ vẫn là những ẩn số giải mã của vùng đất xứ Thanh rộng lớn trù phú này…

 

Quốc lộ 45, con đường quen thuộc với tôi…

      Theo thông tin từ huyện Nông Cống, trong quá trình thực hiện xây dựng hạ tầng, huyện Nông Cống luôn ưu tiên dành nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế. Cùng với kinh phí của Trung ương, của tỉnh và bằng chính nội lực của mình, những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, từ đó tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. 9 tháng năm 2020, huyện đã huy động được 2.203 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm của huyện gắn với xây dựng đô thị. Theo đó, huyện Nông Cống đã triển khai thực hiện rà soát quy hoạch chung, xây dựng quy hoạch vùng huyện Nông Cống đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Đến nay, huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt 3 cụm công nghiệp (CCN), đó là: CCN thị trấn Nông Cống, với diện tích 41,6 ha và Công ty TNHH Giầy Kim Việt đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất giầy xuất khẩu Kim Việt, với diện tích khoảng 10 ha; CCN Tượng Lĩnh, diện tích khoảng 50 ha; CCN Hoàng Sơn, diện tích khoảng 40 ha và hiện nay đang thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, huyện đã thực hiện công bố quy hoạch chung đô thị Trường Sơn đến năm 2025, định hướng sau năm 2025; lập đồ án quy hoạch chung đô thị Cầu Quan; nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Trầu, xã Công Liêm; bổ sung quy hoạch các CCN đến năm 2045 tại các xã: Vạn Thiện, Công Liêm, Trung Chính; lập quy hoạch chi tiết 1/500 các mặt bằng dân cư xây dựng thị trấn Nông Cống; điều chỉnh và lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư tại các xã Yên Mỹ và Trường Sơn; quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Yên Mỹ; thực hiện tốt công tác quy hoạch hạ tầng các khu dân cư tại các xã trên địa bàn….

   Và với tôi khá quen thuộc với quốc lộ 45, con đường này tôi hình dung như cái dây kéo thẳng hai phía đông tây từ thành phố Thanh hóa tỉnh lị đến tận giáp tuyến đường Hồ Chí Minh nơi có rừng nguyên sinh Bến En nhiều tiềm năng hứa hẹn ở phía tây thành phố tỉnh lị…

   Tôi nói quá quen thuộc quốc lộ 45 vì tôi có gia đình người thân ở gần Nông Cống, ấy là Như Thanh, nơi tôi thường đi về gia đình là thuộc thị trấn Bến Sung thuộc huyện Như Thanh. Nhưng để vào thị trấn Bến Sung là tôi phải qua thị trấn Chuối, phố Chuối… Vì chưa có cơ duyên nào để dừng chân ở Chuối, dừng chân với Nông Cống, nên vẫn giữ một cái hẹn lần sau bảo mấy cậu em cho chị qua Nông Cống nhé. Nghe danh Nông Cống từ lâu, vẫn biết là những câu ca dao, hò vè luôn khiến ta ám ảnh về vùng đất đó, dù cha] có cơ hội để tới. Trong dòng chảy ca dao xưa có câu ai cũng nhớ, nhưng là nhớ về sự gian khó, thì nay tôi được hiểu thêm là câu ca “được mùa Nông Cống sống mọi nơi” - là câu ca mang tính chất được mùa, là sự phồn thịnh của Nông Cống đã góp phần làm cho những vùng xung quanh cùng khá lên nhờ đất đai, điền địa của Nông Cống rộng nhất, trù phú nhất. Có đi đến tận địa phương mới nhận diện đầy đủ về câu chuyện theo những câu ca dao ngày xưa, cái đúc kết ấy là đúc kết đầy tự hào của người Nông Cống, chứ không mang yế tố nghèo khó. Và buổi sáng chúng tôi đến nơi thì được các đồng chí lãnh đạo huyện Nông Cống chào đón thật nồng nhiệt. văn phòng ủy bạn huyện khang trang, tuy vẫn là ngôi nhà cũ kỹ lâu rồi, chưa có được tòa nhà hiện đại như ở các địa phương khác, nhưng ấm áp và vẫn đủ các tiện ích làm việc cho nhu cầu làm việc thời hiện đại rồi. Chủ trì cuộc gặp gỡ là đồng chí Lê Xuân Hùng, Phó bí thư thường trực huyện ủy. Sau vài chương trình chào hỏi xã giao thì anh nói một mạch về các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Anh nói không cần văn bản, anh nói say sưa, mỗi vấn đề đều được trình bày khúc triết và rành rẽ. Không chỉ tôi mà anh em địa phương cùng đoàn nhà văn ngồi dự đều có một tinh thần tiếp nhận thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của anh Lê Ngọc Hùng rất vui, vì cái chất giọng mạnh mẽ, mà đầy ấm áp ấy như có sức truyền lửa, lan tỏa tinh thần phấn chấn đó đến mọi người… Cầm tờ báo cáo tóm tắt về các hoạt động ấy tôi cũng vui lây với những con số mà huyện Nông Cống đã đạt và vượt. Và cũng không khỏi ngạc nhiên với dòng báo cáo : tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,71%, con số ấy hẳn là câu chuyện dài khi toàn huyện đang có nhiều sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Đã có nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi. Như hộ trồng rau, trồng nho, thậm chí cả quả chery cũng đã được trồng thử nghiệm rồi. Và tôi hết sức ngạc nhiên đến gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng, 42 tuổi, đã thành công xây dựng thương hiệu Yến sào Nam Khánh. Chàng thanh niên đã tự bứt phá với nghề mới tinh là nuôi chim yến- sản phẩm Yến sào Nam Khánh đã được Thanh Hóa công nhận là sản phẩm Ocop cấp tỉnh, có giá 3,6 triệu/lạng yến. Cậu kể từng có ngót 10 năm đi làm nghề này ở tỉnh Phan Rang, rồi trở lại quê thì bèn…lập trại nuôi và chế biến yến thô từ trong Phan Rang gửi ra. Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ chàng trai ấy, không chỉ là đức tính cần cù, chịu khó, mà còn là tinh thần của người xứ Thanh chả có việc gì làm khó cho họ cả. Việc trồng nho, chery trên cánh đồng chuyên nông nghiệp Nông Cống, đã khiến chúng tôi đều thốt lên trầm trồ, nay lại gặp chàng trai lập trại nuôi và chế biến con yến, loại thực phẩm quý hiếm thì thật sự là hâm mộ sức trai, sức trẻ của bạn ấy quá….

Nông Cống là miền đất lịch sử, văn hóa ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa!

    Huyện Nông Cống mảnh đất của những trầm tích văn hóa bên dãy núi Nưa huyền thoại có người liệt nữ Triệu Thị Trinh đã lưu danh muôn thuở, có những câu ca dao, phương ngữ đến bây giờ vẫn là những ẩn số giải mã của vùng đất xứ Thanh rộng lớn trù phú này…

    Tôi sinh ra và lớn lên ở làng họ Vũ Võ -  làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương - nơi được coi là đất tổ  phát tích dòng họ Vũ Việt Nam, về đến Nông Cống, tôi vui mừng không thể tả, vì ngay gần thị trấn huyện lỵ có Di tích Khu mộ danh tướng Vũ Uy - là một trong 18 người trong Hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi, trong công cuộc Lam Sơn dấy nghĩa từ thế kỷ 15. Một dòng cảm xúc dâng lên, những thế hệ ông cha mang cùng dòng máu họ Vũ đã đến đây, đã ở lại đây, đã góp nên những chiến công oai hùng từ hơn thế kỷ trước. Tự hào về bậc tiền nhân của dòng họ là một phần thôi, mà tự hào về tinh thần Lam Sơn ngày ấy của Lê Lợi. Tôi ngược dòng tư liệu để biết thêm về Danh tướng Vũ Uy gốc gác từ trấn Sơn Nam Hạ nay thuộc huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình từng theo tôn thất nhà Trần chống Hồ, dựng Trần, nhưng thất bại. Ông đã lui về và xin tụ nghĩa dưới lá cờ Lam Sơn của Lê Lợi thuở ấy. Ông đã được Lê Lợi phân công phụ trách quân lương, làm chỉ huy đánh trận ở Trấn Năng và hy sinh khi mới 34 tuổi. Khi Lê Lợi lên ngôi, đã ghi nhận công đức của tướng Vũ Uy với các danh hiệu như Bình ngô khai quốc công thần, Phong tam sử tử… và nhiều ân sủng khác. Ông từng được táng ở Lam Sơn, nhưng hậu duệ đời thứ 5 đã đã di dời ông về địa danh thuộc xã Vạn Hòa, đình thờ ông ở Tân Phúc đều thuộc Nông Cống ngày nay. Và Lăng mộ của ông đã được con cháu coi sóc cẩn thận đến ngày nay, đình thờ ông được xây dựng từ thời Lê sơ đến nay vẫn là một công trình tín ngưỡng văn hóa có giá trị…Tôi miên man theo dòng lịch sử để cảm nhận đầy đủ hơn, khi dừng chân ở mảnh đất văn hóa cổ kính này, bên những dòng sông Chuối, sông Lãng Giang trù phú có người con họ Vũ đã được tôn vinh như những người anh hùng thuộc về miền đất xứ Thanh rộng lớn. Là thuộc về Nông Cống bên chân núi Nưa linh thiêng có người liệt nữ anh hùng là Bà Triệu Thị Trinh người đã xả thân vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm từ xa xưa- khi nhân dân tôn vinh Bà thì chỉ quen gọi là Bà Triệu cho đến ngày nay! Câu ca dao mà bất kể ai cũng thuộc từ khi còn nằm trong nôi:“Ru con con ngủ cho lành. Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi. Muốn coi lên núi mà coi. Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”- nhưng để đến vùng đất nơi bà từng lập trại luyện quân, huấn luyện voi chiến thì như tôi, cũng coi như đã đi nhiều đến thế mà giờ đầu hai thứ tóc mới được đứng trước Đền bà Triệu bên chân núi Nưa đầy cảm xúc trong cơn mưa thu day dứt mấy ngày rồi. Đứng ở chân núi Nưa lại mường tượng về thuở gần 2000 năm trước người liệt nữ trẻ tuổi ấy đã dấy binh như thế nào, càng thêm tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” hơn bao giờ hết.  Ý chí của Bà, tinh thần chống giặc ngoại xâm của Bà đã trở thành tài sản vô giá của tinh thần dân tộc Việt mãi mãi!

  Mỗi làng quê Nông Cống chúng tôi tới đều mang vô vàn những cảm xúc ấm nồng của người dân nơi đây, dù đã…biết đến địa danh Nông Cống quá nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ qua từ bài thơ tự trào về xứ Thanh ai cũng thuộc, và cái tên Nông Cống vì lẽ đó mà ai cũng nhớ.  “Khu bốn đẩy ra, khu ba đẩy vào. Bỏ chạy sang Lào, nước Lào không nhận. Tức mình nổi giận, lập quốc gia riêng. Thủ đô thiêng liêng là huyện Nông Cống. Quốc ca chính thống “dô tá, dô tà…” Với người chỉ tiếp nhận những câu vè đơn thuần thì lấy làm vui vì đọc trêu nhau, còn với những người nhìn ở góc độ văn hóa dân gian, thì bài vè này có tính tự trào rất cao của người xứ Thanh hoặc của trí tuệ tập thể đã tạo nên được góc hài hước, tự trào về mình, những câu vè đó đủ nói lên cái bản ngã của người xứ Thanh đã vượt qua mọi mức ngưỡng để tự trào về bản thân như thế. Trong các tác phẩm văn học trên thế giới, yếu tố humour (hài hước) luôn tạo nên những thành công của tác phẩm đó, thì bài vè này thuộc một trong những trường hợp như thế. Chứ không phải là yếu tố giễu nhại làm vui, không phải yếu tố giễu miệt thị….

   Và từ bài vè ấy ai cũng có thể liên tưởng đến mảnh đất con người xứ Thanh nói chung và con người ở Nông Cống nói riêng, và dịp này thật cơ duyên cho tôi khi đến Nông Cống cùng đoàn các nhà văn thuộc Chi hội nhà văn công nhân thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Đường về Nông Cống bây giờ đang bị ảnh hưởng của công trình đường cao tốc nối Hà Nội và Nghệ An nên khá bụi và nhiều đoạn đã bị xuống cấp. Thị trấn huyện lỵ chưa có nhiều nhà cao tầng, nhưng theo quan sát của tôi trong thời gian lưu lại thị trấn thì vóc dáng phố huyện nghèo xưa đã và đang thay đổi. Buổi sáng các ngả đường nườm nượp công nhân đi làm vào các công ty liên doanh tại địa phương, như thấy bóng dáng của một đô thị công nghiệp phát triển của tương lai, khi con số công nhân vào làm việc các khu công nghiệp là hơn 2.700 người.

Chúng tôi không thể đi đến hết các xã, các thôn làng đẹp như các bức ảnh mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những ngôi làng thuần nông sạch sẽ và giàu lên nhờ công cuộc chuyển đổi cơ cấu canh tác… Đến được mỗi làng quê Nông Cống lại cho chúng tôi những cảm xúc riêng, làng thì trồng lúa, làng làm nón, làng trồng rau củ, hoa quả…

  Tôi thú vị nhất khi cô cán bộ văn hóa đi cùng đọc một lèo các tên xã của Nông Cống (hiện Nông Cống có 1 thị trấn và 28 xã)  đều bắt đầu một cái tên đầu giống nhau như: Tế thì Tế Lợi, Tế Nông, Tế Thắng. Hay xã có chung tên đầu là Trường thì Trường  Sơn,  Trường Giang, hoặc Tượng thì Tượng Lĩnh, Tượng Văn, Tượng Sơn… Cô ấy bảo nhà em gốc Công Chính, tức có mấy xã cùng mang tên Công Chính, Công Liêm, cô bảo, đó là hai xã có liên quan đến gốc gác của người từ tỉnh Hà Nam vào lập nghiệp mấy đời rồi, các cụ đi lập nghiệp nơi khác vẫn mang theo tên xóm tên làng cũ và vẫn còn đến bây giờ đấy chị ạ. Cô nói hàng năm vẫn cùng gia đình về quê gốc dâng hương, chạp tổ để nhớ về nơi phát tích của dòng họ mình…

      Từ Đền Bà Triệu bên chân núi Nưa về đến bên dòng sông Cầu Quan, có ngôi đền cổ kính gọi Đền Mưng -  cô cán bộ văn hóa xã Trung Thành xinh đẹp nói về lịch sử ngôi đền rất chuyên nghiệp. Cô ấy tên Lê Ngọc Thủy, khi được hỏi về những lễ hội, những làng nghề của huyện, Thủy nói vanh vách, kể về các làng quê ấy đầy tư liệu về truyền thống, về văn hóa, tín ngưỡng và thật cặn kẽ về những thôn làng còn ẩn chứa muôn vàn giá trị về văn hóa ấy.

“Theo truyền thuyết, vào năm 618 Tham Xung Tá Quốc Lê Hữu - con trai út của Lê Ngọc - một quan lớn của nhà Tùy không chịu khuất phục sự thống trị hà khắc của nhà Đường. Chính ông cùng với 3 người con trai với sự ủng hộ của nhân dân trong vùng đã tụ binh khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, thế trận không cân sức nên cha và 2 anh trai của ông đã hy sinh. Với lòng căm thù, ông lên ngựa cầm quân thay cha đánh giặc. Trên đường truy kích ông đã bị quân giặc bao vây, trong một trận giao tranh sinh tử ông đã bị giặc chém rơi đầu… Ông nhặt đầu lên và tiếp tục thúc ngựa chạy về đến núi Côn Minh bên dòng Lãng Giang hét lên một tiếng, ném đầu xuống sông và hiển thánh. Đó là ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch. Người chị gái từ Nghệ An ra cứu viện, biết tin em hy sinh, bà đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn để giữ trọn khí tiết. Và xác bà đã trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa ba sông là sông Lãng, sông Hoàng, và sông Yên thuộc địa phận xã Tế Nông ngày nay thì nổi lên, được nhân dân vớt lên an táng. Ghi nhớ công ơn của cha con ông, nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ để hương khói. Đến thời Hậu Lê thế kỷ thứ XV được nhân dân xây dựng thành đền thờ gọi là Đền Mưng thuộc làng Mưng, tức là làng Côn Sơn ngày nay…”

Xưa kia lễ hội Đền Mưng được xếp vào loại Quốc lễ, hàng năm vào dịp lễ hội Triều đình ban Sắc, Chỉ dụ, Bộ lễ cử người về làm chủ tế vì thế nên có tục rước văn. Ngoài việc tế lễ còn có trò chơi dân gian, trò diễn hát chèo thờ, các hoạt động chèo thuyền, rước voi, rước cỗ…

 Giống như các làng quê khác, làng Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) xưa đã có những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Nơi đây, không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể giá trị, tôi đến Đền Mưng vẫn nhìn thấy sự cổ kính của ngôi đền thấp bé nép mình dưới những cây cổ thụ, ông già coi đền cũng không biết cây có tuổi thọ bao nhiêu. Cạnh đền còn một số cây cột cái bằng gỗ rất lớn dựng ở đó, như chứng nhân của một thời kỳ ngôi đền được xây cất quy mô hoành tráng... Và hay hơn cả như cô Lê Ngọc Thủy kẻ về Lễ hội đặc sắc Đền Mưng trong niềm tự hào sâu kín của quê hương cô. Đền Mưng có trò Hát Chèo thờ - một  loại hình diễn xướng trong lễ hội đã trở thành môn nghệ thuật sân khấu độc đáo, riêng có ở làng Mưng.

  Chèo thờ làng Mưng bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động, làng vốn nằm ở hữu ngạn sông Lãng Giang (xã Trung Thành, huyện Nông Cống). Theo truyền thuyết như trên đã dẫn, Thánh Lưỡng hy sinh anh dũng trong chiến trận, người chị đến thăm em và biết tin em đã tử trận thì trầm mình xuống dòng Lãng Giang… Nhân dân đã vớt xác bà và lập Đền đền thờ gọi là đền Vua Bà (hiện thuộc xã Tế Tân), lệ cúng từ ngày mồng 5 đến mồng 8/3 (âm lịch). Ngày mồng 8 có lệ “Em đến thăm chị” là xuất phát từ việc Đức Thánh Lưỡng được rước bằng thuyền dọc sông Lãng Giang dài gần 10km từ làng Mưng xuống Đền Vua Bà. Trò diễn hát Chèo thờ trên sông cũng bắt nguồn từ đó, Chèo thờ làng Mưng có bốn tấn (vở chèo) khá nổi tiếng: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân Hiếu Nghĩa, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình. Nếu như chèo nơi khác đệm bằng từ “i” để luyến láy cho óng mượt câu hát, thì chèo làng Mưng lại dùng âm “a” ở mỗi đoạn, mỗi câu. Chèo làng Mưng mặc dù có sử dụng một số làn điệu Chèo đồng bằng Bắc Bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu dùng các làn điệu mang sắc thái, âm điệu của dân ca Thanh Hóa như Vãn lên đường, Vãn tuyết sương, Vãn khổng, Hát chú tiếu…

  Xưa kia, hội Chèo thờ làng Mưng cứ “Năm năm có một khóa chèo” gồm 18 làng tham gia, nhưng ngày nay, do cả khách quan và chủ quan, người dân đã phá lệ nên hằng năm vào ngày kỵ Thánh đều có mở Lễ hội Chèo thờ nhưng chỉ còn 8 làng của 2 xã là Trung Thành và Trung Chính tham gia. Vì vậy, “Chèo thờ” để lại trong lòng nhân dân Nông Cống những ấn tượng sâu sắc, và vì những ý nhĩa nổi bật đó, ngày 20-12-2019, Lễ hội đền Mưng đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ đối với người dân ở xã Trung Thành mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Nông Cống…

    Sau khi nghe cô cán bộ văn hóa Lê Ngọc Thủy kể về Lễ hội đặc biệt đó, tôi bật hỏi, ơ, sao lại có Chèo ở đây, khi mà Thanh Hóa nổi tiếng với hò sông Mã? Cô cười thật tươi bảo, thế mới cần các nhà văn về quê em để trải nghiệm, để biết thêm ở Nông Cống còn có những điều thú vị như thế đấy! Tôi cùng cười và thầm cảm ơn cô cán bộ đầy tâm huyết với văn hóa địa phương. Và cứ miên man trong đầu về hình ảnh cô gái đẹp quê Nông Cống ấy, như cô là những nữ binh giỏi giang của Bà Triệu năm xưa vẫn đang ở đây, mỗi ngày góp thêm cho quê hương những điều giản dị ấy nhưng vô cùng lớn lao. Chúng tôi vẫn hẹn nhau có dịp trở lại Nông Cống, trở lại để nhận diện đầy đủ hơn về vùng đất địa linh nhân kiệt còn đầy những trầm tích văn hóa tín ngưỡng, văn hóa vật thể và phi vật thể ở Nông Cống trù phú này…

                                                                                                  Hanoi, cuối thu 2023

                                                                                                                V.T.N

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 82
Trong tuần: 1131
Lượt truy cập: 436629
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.