Đỗ Nguyên Thương
ĐỌC THƠ NGUYỄN HƯNG HẢI
Khi cầm trên tay tờ lịch vừa bóc, thật ngẫu nhiên, tôi bắt gặp câu thơ “Tờ lịch nào cũng tờ lịch đầu tiên” trong bài thơ “Trước một tờ lịch mới” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Thật thú vị vì đó là một cách nói khác so với triết lý “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” của Heraclit.
Với niềm cảm hứng của một người yêu thích thơ ca, tôi mải miết đọc thơ Nguyễn Hưng Hải và nhận ra rằng có những con người chỉ một tập thơ hoặc một bài thơ đã thành danh và không thể sáng tác thêm được nữa. Với Nguyễn Hưng Hải, chỉ một tập thơ Ban mai chóng mặt (1990) đã thành danh nhưng anh còn tiếp tục, tiếp tục đến giờ đã là 9 tập thơ (Như tôi được biết). Điều đó phản ánh độ sung sức, nhưng trước hết, nó phản ánh niềm say mê, say mê kết hợp cùng năng khiếu để đem lại cho đời những bài thơ, những vần thơ tinh túy và giàu sức ám ảnh.
Có lẽ trước hết nên bắt đầu từ tập thơ đầu tay Ban mai chóng mặt, câu chữ giản dị, chất liệu mộc mạc, tứ thơ được kết nối từ những kỉ niệm tuổi thơ, vừa như rất gần vừa như từ rất xa, xa lắm vọng về trong kí ức. Có những kỉ niệm hồn nhiên như tuổi thơ của biết bao trẻ em nông thôn Việt Nam khác. Trước đây, trong trang sách học trò, tôi đã từng biết đến tuổi thơ của trẻ em nông thôn qua thơ Giang Nam: Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc.
Nay tôi gặp trong thơ Nguyễn Hưng Hải cái độ thật thà chân chất của tuổi thơ qua những buổi đi tắm sông bơi lội thỏa thích, nói cười thỏa thích bên triền sông có nắng, có gió, có gốc cây si… có bạn bè cùng tồng ngồng và loi ngoi bên mép sóng. Cây si như vật chứng của bao thế hệ trẻ thơ. Trẻ thơ đùa vui thỏa thích, hòa mình với thiên nhiên, sông nước rồi lại chơi bi ve và đuổi bắt con chim sáo đá.
Những sự thật: Mẹ gọi đứt hơi/ Bố gọi đứt hơi/ Anh chị gọi đứt hơi mà đứa trẻ không biết hoặc có lúc cố tình vờ như không biết để mải mê chạy theo sở thích của tuổi thơ là điều có thật, một sự thật phổ biến ở thôn quê chứ không của riêng ai, không của riêng nhân vật trữ tình xưng tôi trong thơ Nguyễn Hưng Hải. Tác giả viết về tuổi thơ của mình nhưng tôi tin chắc nhiều người tìm thấy bản thân mình trong thơ của anh. Như thế tức là cái cá thể đã được nâng lên thành cái phổ quát? Mà không, phải nói chính xác ra từ sự vật hiện tượng đã được khái quát hóa dù lời thơ rất bình dị, dễ thương. Đọc thơ Nguyễn Hưng Hải tôi thấm thía lời tổng kết của nhà thơ - nhà phê bình văn học Trần Đăng Khoa “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”. Khép lại trang thơ rồi mà tôi vẫn hình dung tưởng tượng, vẫn thấy văng vẳng bên tại những âm thanh của câu chữ: Mẹ gọi đứt hơi/ Bố gọi đứt hơi/ Anh chị gọi đứt hơi/ tôi vờ vĩnh vì con chim sáo đá…
Không chỉ thế, tuổi thơ của Nguyễn Hưng Hải còn Men theo gốc rạ, còn đi cất vó bè… Những công việc cũng giản dị, quen thuộc và có phần nhọc nhằn đối với trẻ thơ được tái hiện qua những hình ảnh có tính chất nghệ thuật, dù câu thơ không cố tình trau chuốt, gọt giũa ngôn từ nhưng những hình ảnh thơ được tái hiện lại đầy sức ám ảnh: khi bơi lội thì Chân đạp tứ tung từng giọt nắng, khi đi học thì đội mũ rơm, Chiếc mũ rơm bện cả cánh đồng; khi đi cất vó thì Tuổi thơ dạng chân chèo cất nắng, động tác bơi lội quẫy đạp nước bắn lung tung thì được chuyển thành đạp từng giọt nắng; đi học thời kháng chiến đội mũ rơm thì được liên tưởng “ Chiếc mũ rơm bện cả cánh đồng”; đi cất vó được gọi là “cất nắng”…
Không rõ Nguyễn Hưng Hải yêu thích nghệ thuật mà tìm đến thơ, mà làm thơ hay trời trao cho anh sứ mệnh làm thi sĩ vậy? Tôi cảm phục anh! Thật sự cảm phục và trân trọng nhưng tôi không khỏi ngậm ngùi bởi dư âm buồn đã xuất hiện từ trong bài thơ đầu tiên cho tới những bài thơ kế tiếp của tập thơ Ban mai chóng mặt.
Tại sao: Người ta bảo tuổi thơ là hoa là trái/ Tuổi thơ tôi rơi vãi chẳng ai tìm?
Tại sao người ta vẫn ước gì trở lại ngày xưa? “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại” thế mà Nguyễn Hưng Hải lại nói “ Tuổi thơ ơi xin đừng quay về”? Tại sao người ta hứng thú hướng về nơi sung sướng, cực lạc thì Nguyễn Hưng Hải lại Thôi ngồi gom lại buồn muôn thuở, Vuốt những câu thơ rụng trắng thềm. Tại sao Ngơ ngác đời tôi nhiều lỡ hẹn ? Đọc cả tập thơ anh, người ta dễ dàng nhận thấy có tuổi thơ hồn nhiên và khờ dại (cũng như bao người) nhưng rồi người ta cũng nhận thấy những câu thơ nhuốm gió bụi cuộc đời.
Đọc thơ Nguyễn Hưng Hải, tôi có cảm nhận rằng anh chỉ cần làm một tập thơ thôi! Thậm chí một vài bài thơ thôi, người đọc đã nhận ra chân dung anh rồi đấy! Một tuổi thơ hồn nhiên nhưng đã biết buồn, một tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống đã nhuốm những ngờ vực với cuộc đời.
Trải phong trần mưa nắng, thi sỹ lớn lên, thi sỹ trưởng thành… câu thơ không còn hồn nhiên nữa, không muốn quay về tuổi thơ dù nhiều thú vui, vui đến độ đi chơi quên lối về, bỏ qua cả lời mẹ gọi. Hiện tại của người lớn thì sao? Con người thơ của người lớn có lẽ nên bàn về hai khía cạnh con người thế sự và con người nhân sinh. Điều đó xin bàn rộng thêm sang tập thơ Viết cho con gái.
Với con người thế sự, tôi bắt gặp trong thơ anh lối suy ngẫm của Huy Cận khi đứng trước 18 vị La Hán chùa Tây Phương. Các vị La Hán có đôi tai dài rộng để Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn thì cây chò nơi Đền Hùng của Phú Thọ chúng ta cũng nghe đủ chuyện đời. Có những nghịch lý được khái quát thành chân lý: Mưa, nắng tranh công mà lá xanh vẫn rụng/ Mưa rủn trời mặt đất vẫn khô cong. Có những sự thật chát chua nghĩ thấy bạc lòng: ta ở phố về có người ra đón/ hết Tết người quê ra phố ai mời.
Hoài Thanh từng nói trong mỗi chúng ta đều có một con người nhà quê. Nguồn gốc người Việt Nam là nhà quê thuần túy. Sau này, đất nước nông nghiệp được đổi thay nhờ ngoại cảnh và xuất hiện thành thị (phố) để có điểm khác biệt với nông thôn (làng). Nhưng đâu phải ai cũng nhớ về nguồn gốc hay ai cũng biết trân trọng tình người, tình đời. Người phố về quê thì làng quê đón tiếp niềm nở chân thành, nhất là những dịp lễ, tết. Nhưng lễ qua, tết hết, người làng ra phố thành xa lạ. Chẳng thế mà người quê rất sợ con gái mình ra phố về không còn là con gái Đi người còn tiễn chân ra/ Về cha mẹ cứ tưởng là người đâu. Đàn ông sợ người yêu ra phố về Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều như Nguyễn Bính đã từng khái quát.
Cuộc sống của chúng ta hiện tại có biết bao điều đáng quý, đáng yêu nhưng cũng có những điều vô lý vẫn từng diễn ra, có những cảnh quan liêu của cán bộ, quan liêu quá dẫn đến vô cảm mà tác giả phải lên tiếng: Khi đồng ruộng cạn khô ta không thể đứng nhìn/ vung tay mà có nước/ những cơn mưa của trời không có được/ ta tự làm ra mưa/ Đừng có khoanh tay đứng đợi trên bờ/ những cây lúa không thể nào đợi họp (Khi đồng ruộng hạn khô)
Có những hình thức đang phô bày không che lấp được sự hiện diện của cốt lõi bên trong, có những cuộc họp chi bộ mà Đảng viên không còn gương mẫu nữa, họp trong hơi men, người đi họp giơ tay biểu quyết cho hợp với thông lệ mà không có chính kiến, thậm chí không rõ mình giơ tay biểu quyết vấn đề gì: cuộc họp nào cũng kiểm điểm cũng nêu/sao chưa hết đói nghèo con thất học.
Rồi những câu hỏi tiếp tục được đặt ra: Xóm làng đông sao chi bộ lèo tèo/ Tranh nhau nói mà không ai chịu hiểu
Có lẽ vì một sự thật trớ trêu: Chi bộ xóm họp trong hơi men rượu/ Nói đâu đâu toàn chuyện ở trên giời dẫn đến kết quả thay vì cho mùa màng bội thu, dân làng no ấm là cảnh tượng “Nghị quyết được mùa mà đồng trắng nước trong”. Còn gì chua chát hơn sự thật này nữa không? Nguyễn Hưng Hải trải đời và chua chát với đời bởi những điều trái với mong muốn, thậm chí trái luân thường đạo lý, trái lối sống truyền thống của dân tộc vẫn hiện diện đây đó trong cuộc đời thường nhật.
Cuộc sống là thế! Có sự ồn ào, có sự ô hợp, có nỗi buồn, niềm vui, có những cảnh trớ trêu, có thẳng ngay và lọc lừa gian dối, có “Ở hiền gặp lành” và cũng có cả những dối gian trá hình chân thật...
Giọng thơ chua chát và đắng đót của Hưng Hải xuất phát từ đâu? Không phải từ đố kỵ, tỵ hiềm ganh ghét mà từ lòng nhân ái thẳm sâu. Vâng, nhân ái nên mới mong mọi điều tốt đẹp, mong hết cảnh nghịch lý, trớ trêu. Và, bởi thế, con người thật của anh là con người nhân sinh giàu lòng vị tha, nhân ái, yêu thương, chia sẻ với nhiều con người, nhiều cảnh đời, nhiều số phận.
Anh đặc biệt yêu thương quê hương, làng xóm nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó với tuổi thơ đói nghèo trong rơm rạ. Anh kính trọng ông bà nội ngoại đôi bên, có hiếu với cha mẹ một đời lam lũ, thương người vợ hiền tần tảo, thương con gái, con trai ngoan ngoãn thảo hiền. Không chỉ yêu quê hương, anh em họ mạc, anh còn thể hiện tình thương yêu, sự trân trọng, đồng cảm sâu sắc với những người đồng đội một thời khói lửa binh đao, kề vai sát cánh, chung một chiến hào; thương người chiến sỹ năm xưa về với đời thường còn nhiều vất vả trong cuộc mưu sinh của cuộc đời thường nhật “Ở cuối đường Mai Sơn”, anh thương Cha con người hát rong, thương những sinh linh trong nấm mồ vô chủ…
Không thể nào không trân trọng những vần thơ về ông bà nội ngoại. Xưa kia, dân gian có câu: Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.
Nhớ ông bà là nhớ về nguồn cội: Con người có cố có ông/ Như cây có cội như sông có nguồn.
Tuổi thơ Nguyễn Hưng Hải được gần kề bà nội khá nhiều, được bà yêu thương, chăm bẵm. Khi bà không còn nữa, kí ức của nhà thơ về bà đượm buồn mà đẹp biết bao, trọ học, xa nhà thì mong cuối tuần về bên bà: Cả tuần cháu nhớ thương bà/ Ngồi bên bậc cửa nhìn ra chân trời/Mẹ nghèo cháu được bà nuôi/ Nước mắt chảy ngược đừng cười ngày xưa.
Anh thương bà ngoại, kính trọng bà ngoại bởi nỗi bà sinh ra mẹ anh, chăm chút cho mẹ anh và các dì của anh nữa, họ đều lấy chồng gần nhưng “Có thương mẹ đã mấy khi ngủ cùng”. Anh ngậm ngùi trước tình cảnh mẹ mình đông con, chẳng có thời gian chăm chút cho bà ngoại, thậm chí ốm đau bà ngoại lại phải chăm “Ốm đau bệnh tật chẳng đừng, Bà thương mẹ cháu tay bưng tay chùi”. Và nhìn cảnh tượng đó, nhà thơ thêm thương mẹ, thương bà của mình hơn: Thương bà, thương mẹ ở gần/ mà đôi khi mới một lần thăm nom/ khổ vì mẹ cháu đông con/ biết thương bà khéo chẳng còn mà thương.
Không chỉ thương bà ngoại, anh còn có bài thơ thể hiện tình yêu thương dành cho bố vợ, “Khóc bố vợ” với tấm tình và ước nguyện chân thật tội nghiệp đến nao lòng: Nếu có thật kiếp đời sau rễ cỏ/xin đừng ai bắt nợ bố tôi nghèo/ đồng năm xu không bán được mang theo/ mua sao nổi trần gian rơm với rạ.
Với hai tiếng “cha tôi” ấm áp, ngọt ngào mà thân thiện, gần gụi như tình cảm với cha đẻ chứ không phải cha vợ, Nguyễn Hưng Hải thể hiện lòng thương cha vợ đã khuất, lại thương mẹ vợ cô đơn vò võ một mình: Cha đi rồi/mẹ còn được với ai/ những hoàng hôn xe thồ về ngõ hổng/ nhà mình thúng mủng cũng long đong
Và nhà thơ mong muốn: Nếu có thật cuộc đời sau cái chết/ cha hãy tìm gặp mẹ kiếp sau vui… Nếu có thật chuyện kiếp sau trong cuộc đời, chắc rằng nằm sâu dưới ba thước đất, người cha vợ của nhà thơ cũng mãn nguyện với đời. Cuộc sống còn nghèo, còn thiếu thốn nhiều về vật chất nhưng tình người tình đời trĩu nặng, đằm sâu.
Những vần thơ anh viết về cha cũng thật giàu cảm xúc: Lúc về già cha lặng lẽ nhiều hơn/ nhiều hơn những cơn ho, những đêm không chợp mắt/ nhiều hơn những lúc ngồi một mình sợ các con bắt gặp/ có phải về già lại giống trẻ con không?
Dẫu biết “chưa phải người già chưa hiểu được đâu” nhưng anh vẫn cảm nhận được rằng cha lặng lẽ ngồi buồn và suy tư vì: Lặng lẽ nhiều hơn vì cha hiểu trâu cày/Có đi mãi vẫn không ngoài ô ruộng/Có đi mãi vẫn một đời cúi xuống/ Vẫn một đời nghé ọ chẳng đâu nghe/ Lặng lẽ nhiều hơn vì cha hiểu tiếng ve/ Không át được mùa hè cơn gió nóng/ Không no được một đời luôn rỗng bụng/Một đời buồn úp nặt vào cây
Cái sự hiểu của người nhà quê nghèo cũng thật là chua chát lắm thay!
Có phải sự chua chát được tổng kết từ nhỏ tới khi về già, suốt một đời lầm lụi, nghèo khó hay không: Mồ côi từ thuở lọt lòng/ Cha tôi bạc tóc vẫn không có gì/ Nuôi con bằng sắn thâm sì/Nuôi mình bằng nỗi hoài nghi dân cày.
Thương cha, thương mẹ là đạo đức của người con có hiếu, anh thể hiện tình thương yêu với người vợ thảo hiền qua một số bài thơ, câu thơ. Trong đó, không thể không kể đến bài thơ “Đời lắm lúc phải đùa”. Mở đầu bài thơ người đọc đã cảm nhận được ngay trách nhiệm và tình thương anh dành cho vợ “Không có buổi chiều nào ta không lo cho em”, một năm có 365 ngày, có 365 buổi chiều và chiều nào cũng lo cho vợ, vì lẽ gì vậy, không thể không tò mò. Và, đó cũng là cách thể hiện tình cảm rất độc đáo, mang dáng nét riêng của Nguyễn Hưng Hải, không thể trộn lẫn trong số ít các bài thơ tặng vợ trên thi đàn xưa, nay. Thi sỹ lo bởi nỗi: “nắng lo xơ mái tóc/ mưa lo bạc ấm mềm/ đường đen đỏ ác - hiền đi kiếm sống/ suốt cả ngày nườm nượp ngỡ đi chơi.
Không chỉ lo nhan sắc vợ phôi phai theo năm tháng vì những lo toan gánh vác việc gia đình, anh còn lo bởi nỗi đường phố đông người, nhiều bất trắc. Lo bao nhiêu lại mong bấy nhiêu: Mong bụi bớt lầm/ Xe em không xẹp lốp/Bao lạng lách, tạt sườn mong tránh được/Sao đã dừng còn bị húc đằng sau?
Mong thế dường như chưa đủ, anh còn: Mong bụi đường ở lại phía sau xe/Dừng trước cửa đúng giờ/Như đúng giờ mỗi ban mai khóa cửa/Ta và em hai ngả kiếm cơm chiều?
Làm thơ là năng khiếu nhưng chỉ riêng năng khiếu không đủ để làm thơ.. “Thơ là tiếng lòng” không thương yêu, không lo lắng cho vợ không thể có được những câu thơ giàu tình yêu thương như thế.
Không chỉ thương vợ, anh còn thương các em gái “Đi lấy chồng xa”. Âu cũng là quy luật, lúc bé anh em tụ họp trong một nhà, được đong đầy tình thương của cha mẹ qua mỗi giấc ngủ, qua mỗi bữa ăn. Cuộc sống có thể còn khó khăn, đói nghèo về vật chất nhưng tình yêu thương luôn ăm ắp tràn đầy. Lớn lên, con gái phải lấy chồng, sang nhà người khác, đó cũng là quy luật nhưng sao không thể ngậm ngùi khi chia xa, mong nhớ: Đầu còn những trấu cùng tro/Nhà mình thì bỏ, đi lo nhà người/Nhớ em đũa mẹ hay rơi/Bố thì ngủ sớm… bà ngồi thâu đêm.
Và, căn nhà như rộng thêm ra khi các em đi lấy chồng: Mấy gian nhà lá mênh mông/Anh ân hận đã có lần đánh em.
Đó quả là những vần thơ ngập tràn cảm xúc và tình thương yêu!
Với con gái anh có bài thơ “Viết cho con gái” với tựa đề “Cho con gái Hải Yến yêu quý”. Với con trai anh có bài thơ “Rồi đến lúc làm cha con sẽ biết” với tựa đề “Cho con trai Mạnh Tuấn yêu quý”. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều thơ anh dành tặng các con. Bài thơ nào cũng chan chứa tình yêu thương và nỗi niềm lo lắng. Với con trai là “Rồi đến lúc làm cha con sẽ biết”, ngay từ nhan đề đã là lời nhắn nhủ, và những vần thơ tự do như những cung bậc cảm xúc dâng trào trong lòng người cha rất mực thương yêu con cái, thương nhưng không chiều chuộng, thương nhưng phải rèn giũa để mai sau con lớn nên người: Không phải cứ thương con cha chu cấp nhiều tiền/sáng đi học /chiều về chơi điện tử/Không phải cứ thương là chiều con mọi thứ/để con đi không biết giờ về.
Và, quan trọng hơn nữa, thương con là phải giúp con tự đứng vững trên đôi chân của mình, mai sau này, đời có thể nhiều phong ba, sóng gió, con vẫn mạnh mẽ, tự tin vững bước vào đời:
Không có người cha nào thương con không thường trực nỗi lo
Nhưng không phải vì lo mà không dám buông tay để con tự đứng
Với các con, anh chia đều tình yêu thương nhưng khi làm thơ tặng con gái, như một lời nhắc nhủ riêng, chỉ bảo riêng và lo lắng riêng thì nỗi lo (tín hiệu vàng của tình thương yêu sâu nặng) được nhắc nhiều hơn. Điều đó cũng là hợp quy luật tình người, tình đời của người Việt Nam truyền thống, con trai, nếu muốn có thể sống chung một mái nhà với cha mẹ cả đời, con gái lớn phải lấy chồng: Rồi mai khăn gói theo chồng/Rủi may nước mắt cậy trông nhà người
Lo sau này con đi lấy chống có gặp được người tử tế, cuộc đời có suôn sẻ để con được “Một sông, một bến, một đò” hay không? Phận con gái, lúc bé trong vòng tay chở che của cha mẹ, khi lấy chồng còn do duyên phận, “Ở chùa thì được thơm hương, ở ao nhỡ đục bố thường lo xa” … Đúng là phận làm cha, làm mẹ, suốt đời không hết nỗi lo, trong mắt cha mẹ, con cái lúc nào cũng nhỏ bé, cần được nâng niu, cần được chở che “Một đời cha biết bao giờ hết thương”. Cảm xúc nhân văn chỉ có được từ con người nhân văn, trân trọng tình người, tình đời. Thương con gái bao nhiêu lại canh cánh nỗi niềm lo lắng: Thương con nhiều lúc thở dài/Nhỏ nhờ cha mẹ, lớn ngoài tầm tay/Mong cho phúc đức đặn đầy/Gái trai cũng một lòng này chở che
Đọc thơ Nguyễn Hưng Hải, tôi muốn nói với con trai, con gái của anh rằng, chỉ riêng việc các cháu được làm con của một người cha có suy nghĩ trước sau, sâu sắc và nhân hậu như thế đã là phúc đức đặn đầy rồi đấy!
Qua các câu thơ, bài thơ về bà, về mẹ, về vợ và con gái, thấy rất rõ tình yêu thương chân thành, sự cảm thông sâu sắc với nỗi vất vả của đời người phụ nữ xưa và nay. Phụ nữ xưa mang vẻ đẹp truyền thống cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, hết lòng phụng sự gia đình, hy sinh thân mình vì chồng vì con một cách tự nguyện, coi đó là bổn phận, là trách nhiệm. Phụ nữ ngày nay, kế thừa truyền thống xưa nhưng có nét đổi mới vì sống trong một thời đại khác, người vợ vẫn đảm đang việc nhà nhưng còn phải lo việc nước (cơ quan, đoàn thể). Xã hội ngày nay, thời buổi kinh tế thị trường, bên cạnh nét ưu việt là những tồn tại đáng lo ngại. Chẳng thế mà mỗi ngày vợ đi làm là mỗi ngày thi sỹ lại lo lắng với tư cách của người chồng đầy trách nhiệm. Vợ ra đường lo mưa ướt áo, lo nắng xơ mái tóc, lại lo nỗi kẹt xe và rủi ro, bất trắc… chỉ đến khi vợ về nhà mới an lòng.
Không có điều kiện để đọc hết thơ Nguyễn Hưng Hải, chỉ điểm qua hai tập thơ Ban mai chóng mặt và Viết cho con gái, có thể thấy thơ của anh đã sử dụng khéo léo và thành công nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, sử dụng các hình thức liên tưởng, so sánh, sử dụng tứ thơ, ngôn ngữ, chất liệu hình ảnh thơ dân gian với lối diễn đạt giản dị, trong sáng và giàu sức biểu cảm.
Vốn sống được tích lũy, chiêm nghiệm được góp gom, Nguyễn Hưng Hải mải miết làm thơ, làm thơ như ma ám. Từ Ban mai chóng mặt đến tập thơ sắp ra đời là 9 tập thơ được công bố còn bao nhiêu bài thơ chưa in hoặc còn đang phôi thai nữa? Tầm vóc này rất đáng được trân trọng và xứng đáng để làm một cuộc hội thảo tại địa phương. Xin được thay mặt độc giả yêu thích thơ Nguyễn Hưng Hải, xin gửi đến anh lời cảm ơn chân thành vì anh đã khẳng định được phong cách riêng, giọng điệu riêng trên thi đàn, làm giàu có thêm cho vốn thơ ca truyền thống của miền quê Đất Tổ nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung trong thời đại ngày nay.
Đ.N.T
Người gửi / điện thoại