Cầm Sơn
NÚI RỒNG LONG CỐC
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mười (Út Mười) nhiều lần trao đổi nói ông đang cải tạo một quả đồi ở Long Cốc làm địa điểm săn mây chụp ảnh toàn cảnh khu vực vùng chè Long Cốc mời bạn bè đến thăm. Ngoài ra nhiều văn nghệ sĩ ở Hà Nội cũng muốn đến thăm Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn nhắn nhủ tôi nhờ làm hướng dẫn viên. Chả là tôi có một cái nhà ở Xuân Đài cửa ngõ vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Nhưng để thăm Vườn Quốc gia thì không thể không đến thăm vùng chè Long Cốc vì nó ở ngay sát cạnh nhau. Để có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, tôi cần phải biết đường đi lối lại từ Xuân Đài sang Long Cốc thế nào. Vậy nên, sáng chủ nhật ngày 17 tháng 11, tôi cưỡi xe máy đi theo con đường mới mở từ Xuân Đài sang Long Cốc qua xóm Căng. Đường trải bê tông nhựa asphalt phẳng lỳ rất đẹp. Có điều dọc đường đi rất nhiều đoạn có biển báo đất lở nguy hiểm và nó đã từng lở ở mùa mưa vừa qua, nhiều đoạn người ta mới chỉ tạm hót bớt đất đủ để xe đi được. Con đường xuyên qua một vùng rừng núi thâm u có nhiều đoạn taluy cao ngất, việc sạt lở chắc sẽ còn diễn ra dài dài vào mùa mưa trong nhiều năm tới nên việc đi lại vào mùa mưa trên con đường này sẽ khá là nguy hiểm. Xe phải chạy qua con đèo Long Đài khá cao (Tên này chắc vừa mới được đặt sau khi làm xong con đường, đỉnh đèo là ranh giới của hai xã Xuân Đài và Long Cốc. Ngoài cái tên liên danh hai xã là Long Đài ra, con đèo này còn có tên là Đèo Mây). Tôi theo dõi đồng hồ xe máy thấy độ dài từ phía Xuân Đài từ chân lên đến đỉnh đèo dài 2,3 km, phía Long cốc hình như có ngắn hơn một chút. Dọc đường ngắm núi non hùng vĩ bạt ngàn xanh mát mắt. Ven đường thỉnh thoảng gặp những con suối chảy thành dòng thác trắng từ đỉnh núi xuống rất đẹp. Là ngày chủ nhật nên có nhiểu tốp cả người lớn lẫn thiếu nhi đi bằng xe máy qua lại tạo dáng chụp hình.
Tại một đỉnh trong hệ thống Núi Rồng, Út Mười đang gấp rút thi công một sân bay dù lượn kịp để sáng mai sẽ tổ chức đợt bay trong hai ngày 18 và 19 đã có mấy đội bay đăng ký tham dự. Ngoài ra còn đang làm một cái nhà sàn lợp lá là nơi đón tiếp khách và nếu muốn, khách cũng có thể ăn nghỉ tại đây. Bãi bay dù này rất đẹp, theo cảm nhận của tôi thì nó an toàn hơn bãi bay dù trên đỉnh Khau Phạ vì bên dưới sân bay còn có một khoảng đất trống thoai thoải chạy dài chứ không hụt hẫng luôn như ở Khau Phạ, lúc dù mới lên là lúc dễ bị lật, nếu bị lật thì bãi đất trống thoai thoải này sẽ là nơi hạ cánh an toàn.
Mặc dù vẫn còn đang trong thời gian thi công công trình như trưa nay cũng có hai đoàn khách đến thăm. Đoàn thứ nhất là hai bố con một phi công phóng xe từ Hà Nội lên cốt xem địa hình bãi bay dù lượn chuẩn bị cho chuyến bay ngày mai. Đoàn thứ hai là khách phượt gồm 3 chàng trai trung niên mang Flycam lên bay và đặt ăn cơm tại gầm nhà sàn.
Theo đồng hồ xe máy, từ nhà tôi sang Núi Rồng dài 14km và theo bảng biển báo đến Xuân Sơn 4 km. Như vậy là từ Vườn Quốc gia Xuân Sơn sang đến Núi Rồng chỉ 18km.
Như vậy, nếu chiều thứ sáu đi từ Hà Nội lên đến Núi Rồng Long Cốc có độ dài 125km mất 3 giờ đồng hồ, ăn cơm tối, dự đốt lửa trại và ngủ tại Long Cốc, sáng hôm sau thứ 7 lên đỉnh Núi Rồng quay phim chụp ảnh toàn cảnh đồi chè, buổi trưa xuống núi sang Xuân Sơn ăn cơm trưa, buổi chiều và buổi sáng chủ nhật thăm suối rừng, hang động ở Xuân Sơn, ăn trưa tại các quán ăn bên bờ suối Xuân Sơn, sau đó xe khởi hành về suối nước nóng Khu Đảo Ngọc ở La Phù Thanh Thủy tắm nước khoáng nóng xong thì có thể quay về Hà Nội, kết thúc chuyến du lịch 2 ngày cuối tuần. Tất nhiên có nhiều cách vận trù khác nhau, nhưng chỉ cần 2 ngày cuối tuần, khách từ Hà Nội có thể thưởng lãm chuỗi du lịch Đảo Ngọc – Long Cốc - Xuân Sơn một cách nhẹ nhàng, hợp lý.
C.S
Người gửi / điện thoại