Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐÈN ĐOM ĐÓM

Nguyễn Quốc Hùng

 

ĐÈN ĐOM ĐÓM

 

Tên nó là Dũng. Mong ước của mẹ nó muốn con mình sau này sẽ dũng cảm, mạnh mẽ giống bố nó. Cái tên cha sinh mẹ đẻ trong suốt mười ba năm trời sao mọi người chóng quên, vậy mà một đứa trẻ vô tình gọi tên khác cho nó chỉ có sáu tháng đã thành quen. Nay người ta chỉ biết tên nó là Cù. Nó cù lần, chịu khó, chẳng mấy khi vô cớ nói chuyện với người khác. Thấy được nụ cười trên môi nó khác nào bắt gặp bông hoa nở giữa bãi rác thải của thành phố, nơi bọn trẻ kiếm sống hàng ngày.

Cái tính cẩn thận tạo cho nó thói quen thích lý giải cặn kẽ mọi chuyện. Cớ gì mà người ta không gọi tên thật của nó? Mỗi khi nghĩ tới mẹ nó thấy buồn, mối giàng buộc cuối cùng của tình mẹ con là cái tên gọi nay cũng không còn. Cũng như nó không lý giải nổi, tại sao cứ tối đến bước chân lại đưa nó về nơi bậc thềm gần mấy quán ăn đêm ồn òa này, sao không kiếm nơi tĩnh mịch ngủ cho yên giấc? Những kẻ ăn đêm dễ hiểu lầm nó là kẻ ăn mày, giống như bọn trẻ đêm nào cũng tụ tập quanh đây mong được hưởng chút nhân ái của họ. Nó là người không muốn ai xúc phạm tới mình.

Tối nay, nó mệt nhọc lê chân về tới chỗ ngủ đã mười rưỡi đêm. Hai đầu gối đau nhức, nó ngã quỵ xuống thềm gạch, mạch máu hai bên thái dương giật liên hồi, trong đầu như có ngọn lửa âm ỉ cháy. Cơn sốt kéo đến, cơ thể nó run bần bật, hơi thở nóng hôi hổi. Hơi lạnh dưới bậc thềm bò lan lên người nó ra sức cào cấu vào trong tận xương tủy. Ngọn gió mát lùa dọc theo hàng hiên mọi ngày nó vẫn mơn man tận hưởng, nay cuộn tròn nó lại như con sâu nằm trong kén. Nó giật thót người bởi có vật gì rơi trên người. Nó mệt mỏi hé mắt nhìn. Hai vỏ hộp sữa “Cô gái Hà Lan” lộc cộc lăn từ trên người xuống trước mặt.

- Nhặt đi!...Sao? Chê à, mọi hôm vẫn bới rác thối ra nhặt cơ mà!

- Hộp nữa đây! Định tìm vàng người ta bỏ quên trong hộp giấy sao?

Gã choai choai chỉ hơn nó độ hai tuổi ném vỏ hộp đã mút hết sữa vào người nó rồi ngửa cổ cười hừng hực đầy thỏa mãn, hai tay đưa lên đầu ốp lại mái tóc vàng hoe lòa xòa trước trán, mắt liếc nhìn tìm sự đồng tình của mấy cô bạn gái ngồi cạnh về hành động của mình vừa rồi.

Mấy hộp giấy đập vào người như một cái vỗ ban ơn của bọn người kia khiến nó tự ái muốn đứng dậy bỏ đi chỗ khác. Nhưng hai cánh tay nó mỏi rã không nâng nổi cái thân xác còm cõi lên được. Nó ném ánh mắt hằn học về phía bọn kia. Tối nào cũng tầm này, sau mấy giờ rong chơi bọn chúng phải ghé vào quán này và phải đúng cái bàn ấy để lấy lại sức. Xe máy để giữa lòng đường để trưng diện, cái vắt chân qua xe cũng phải kiểu cách cho giống những tay chơi trong phim Hàn Quốc, hãnh diện hất mái tóc, lê giầy loẹt quẹt vào quán, thả người xuống ghế như kẻ tự phụ, gọi món ăn hách dịch như kẻ sành sỏi, ăn xong mỗi đứa ngửa cổ mút một hơi hết hộp sữa “Cô gái Hà Lan” cho đủ vi chất dinh dưỡng. Nó thảnh thơi ngồi tựa tường quan sát bọn kia. Có lẽ tầm nhìn của chúng ngắn quá, chỉ đủ tới bát đồ ăn chứ không tới được dưới chân. Đủ các loại giấy ăn, vỏ hoa quả, xương xẩu đã bị những chiếc giầy bóng loáng giầy đi xéo lại nhầy nhụa, nhìn vào đã thấy buồn nôn. Bản tính nó từ bé đã ưa gọn gàng, sạch sẽ. Điều này nó học được ở mẹ nó. Có lẽ nó thích về đây ngủ bởi nơi hành lang này luôn được quét dọn rất sạch sẽ.

Tiếng xào xạc cần mẫn của chiếc chổi rễ miết xuống đường truyền qua đất đến tai khiến nó thấy ấm lòng hơn, hơi thở bớt run. Nó cảm nhận được sự che chở đang đến gần bởi sẽ như mọi ngày nó nhận được những lời hỏi thăm ân cần của cô công nhân quét rác ấy. Hôm nay nó mong mỏi cô từng phút, không phải vì nó đang mệt mỏi, mà là... Đấy, lại lũ ăn đêm kia cắt ngang suy nghĩ của nó.

-Hôm nay chưa được miếng gì vào bụng phải không, nằm vặt vẹo thế này, khổ thân! Có bát cải mả đây, phải bọn chị thương người mới có cho thế này, thiên hạ toàn lũ sói đói.

Bát xương để ngang mặt, lời rao giảng về lòng nhân ái của cô ta eo xèo bên tai khiến lòng tự ái thúc nó đứng được dậy thẳng thừng mang trả lại sự ban ơn ấy. Nó đâu phải là loại người hèn mạt như vậy. Nhưng tay nó chưa kịp rút ra khỏi bàn thì bát xương đã bị hất văng xuống lòng đường, kèm theo lại là câu giáo lý:

- Con nhà khó còn chê cha mẹ nghèo, loại mày rồi không biết lấy gì ra mà ăn.

Khi có tiền có của người ta thích truyền đạo lý làm người cho kẻ khác. Cái đạo lý về lòng nhân ái của bọn người kia chỉ chỉ có thể đựng bằng bát và có thể hất văng xuống lòng đường lúc nào cũng được. Chiếc chổi rễ của cô ấy quơ một vòng là gom hết lòng nhân ái của bọn họ lại rồi hất lên xe. Nó xây xẩm mặt mũi, một bên chân quỵ xuống. Không! Không thể yếu đuối trước mặt bọn họ được. Những động tác gắng gượng đứng dậy của nó khiến bọn người kia tức mắt.

- Mày có ra xa ngoài kia không, người hôi mù như tổ chuột!

Một chiếc giầy to bè như chiếc xẻng sắt đạp về phía nó. Nhưng chưa kịp tới đích thì đã bị chặn lại bởi chiếc chổi của cô ấy. Sự cứng rắn của cô ấy khiến bọn người kia chờn chợn. Nhưng bản chất của bọn chúng là hung đồ nên đôi mắt cứ phải trợn trừng nhìn lại cô ấy gây sự.

- Chúng mày không thấy thằng bé đang sốt hầm hập thế này à! Tao đố đứa nào đụng vào người nó!

- Nó sốt thì mặc mẹ nó, bận gì đến bọn tôi, cho nó ăn tử tế còn làm cao.

Nó chỉ nghe được có vậy, người thấy nhẹ bẫng, chao đi chao lại như bay trong không gian đầy ánh sao lấp lóa. Nó không biết mình thiếp đi như thế nào, trong bao lâu. Trong giấc mơ, nó xách chiếc đèn lồng, bước chân nâng nâng hạnh phúc, theo sau là đứa em trai bi bô gọi tên Dũng. Nó tỉnh lại sau khi trở mình, các bắp thịt như bị kéo dãn ra nhức nhối. Và điều nó nhận ra đầu tiên là có chiếc gối êm ấm còn thơm mùi vải dưới đầu chứ không phải là đôi dép cứng như mọi đêm. Chiếc khăn mặt ướt trên trán rơi xuống khiến nó giật mình ngồi bật dậy. Đây là đâu thế này?

-Nằm xuống cháu, trời chưa sáng đâu!

Người phụ nữ ngồi bên cạnh nó chưa kịp nhận ra ai, đặt tay lên vai nó dỗ. Tiếng nói nhẹ nhàng, tình cảm khiến nó thấy vững lòng như ngày nào còn bên mẹ.

-Cháu ở đâu thế này, cô?

-Ở nhà cô. Cháu bị sốt. Tại mấy hôm nay nóng quá đây mà, đày nắng chẳng mũ nón gì. Cô dặn này, cháu còn mệt cứ ở lại đây nghỉ mấy hôm cho khoẻ hẳn, nằm đất thế sao chịu được. Mà thế này, nhà cửa cháu cô hỏi sau, cháu muốn ở lại đây luôn cũng được, nhà còn rộng, lang thang thế cực lắm. Cháu cứ suy nghĩ, cô phải đi đây.

Cô ấy vén màn đi ra. Nó chống tay ngồi dậy nhìn theo. Chiếc áo bảo hộ có gắn miếng phản quang nhấp nháy trong đêm như con đom đóm cần mẫn. Đúng là cô ấy rồi, nó vẫn mong gặp thì nay đã được gặp. Nó đưa tay xuống túi quần, gói ni lông nổi cộm dưới lần vải. Cái mệt mỏi sau cơn sốt rét lại dần đẩy nó vào trong giấc ngủ sâu.

Tiếng những đứa trẻ gọi nhau đánh thức nó dậy. Chiếc giường nó nằm kê ở góc trong của một gian nhà nhỏ bé nhưng không vì thế mà đồ đạc bừa bộn. Chủ nhân của ngôi nhà tận dụng từng khoảng không gian chật hẹp bằng những ô kệ gọn gàng, ngăn nắp. Hẳn đây phải là gia đình của một người lính. Nó biết thế vì bố nó đã là bộ đội, chiếc ba lô nhỏ có thể gói gọn cả một cuộc sống. Nó tủi thân, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt xạm đen. Bố hy sinh, mẹ lấy chồng khác mong tìm được chỗ dựa cho cuộc đời bà và cuộc đời nó đỡ vất vả. Nhưng kết cục bây giờ nó phải thế này.

-Cậu dậy rồi à. Đánh răng rửa mặt ở ngoài bể kia, ăn sáng xong nhớ uống thuốc, mẹ dặn lại thế.

Bốn đứa trẻ, hai trai hai gái trạc tuổi nó ùa vào cắt ngang nỗi buồn. Nó muốn gặp cô ấy ngay.

-Mẹ các cậu đâu rồi?

-Mẹ đi làm, chiều muộn mới về.

Đi làm? Tối nào nó cũng gặp cô ấy làm việc tới khuya, ngày còn đi làm gì nữa? Nhìn cảnh nhà, bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi ngủ hẳn cô ấy phải vất vả lắm mới lo đủ cho gia đình, mình ở lại sao được. Nó sẽ không nghĩ tới lời đề nghị của cô ấy nữa nhưng dù sao cũng phải nán lại, đợi cô ấy về để có lời cám ơn và còn phải thực hiện ý định của mình. Ăn xong bát cháo, nó lấy gói thuốc trên bàn để uống, ánh mắt bắt gặp bốn cuốn từ điển tiếng Anh còn mới.

-Sao các cậu nhiều từ điển tiếng Anh thế? – Nó tò mò hỏi.

-Bọn tớ đổi đấy, chương trình “đèn đom đóm” của công ty sữa cô gái Hà Lan khuyến mại, đổi điểm in trên vỏ hộp lấy sách.

-Cậu biết không, mỗi cuốn sách tám tư điểm tức là phải có tám tư vỏ hộp. Bọn tớ đổi nhiều quá, cửa hàng ngạc nhiên hỏi, bọn tớ bảo nhà đông con nhiều cháu. Nhưng có phải đâu, mẹ tớ nhặt ở đống rác thải đấy. Hôm nay hết hạn nhưng bọn trẻ con xóm này cũng đủ mỗi đứa một cuốn.

Chương trình khuyến maị hết hạn thì ý định gặp cô ấy với nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nó thọc tay vào túi quần, hai trăm đầu vỏ hộp sữa tức là hai trăm điểm nặng trình trịch trong đó. Trước đây nó vẫn nghĩ rằng, chương trình khuyến mại sẽ có chiếc đèn nhỏ xinh như các bạn trên ti vi cầm biểu diễn, nó cố thu nhặt điểm để đổi lấy gửi về cho em. Hôm nọ đi qua cửa hàng, người ta nói chỉ có từ điển. Nó chưa cần thứ đó, định vứt công lao nhặt nhạnh bao ngày đi nhưng chợt nhớ ra, cô công nhân quét rác chỗ nó nằm đêm đêm cũng cần mẫn thu nhặt những vỏ hộp sữa này. Nó muốn trả ơn cô dọn dẹp chỗ nó nằm được sạch sẽ bằng cách trao lại cho cô tất cả số điểm nhặt được.

Nó nhớ mẹ, nhớ gian nhà nhỏ, nơi quãng tuổi thơ ấu nó được hưởng, cũng gọn gàng ấm cúng như gian nhà này. Lúc này nó mong được gần mẹ, đã mấy tháng nay chưa được nhìn thấy khiến ruột gan nó cồn cào nhớ. Nó thương mẹ hiền lành, hết lòng vì con, nhưng mẹ lại thiếu nét nghị lực trên gương mặt như cô ấy. Bữa cơm chiều hôm ấy nó không thể nào quên được trong đời. Dượng nó lúc nào cũng tỏ ra là người có nếp sống gia giáo, trong nhà mọi người phải khép nép thưa gửi kính cẩn để cho xứng với địa vị của ông. Đồ vật trong nhà không thể có một vệt bụi nhỏ để tôn vinh giá trị của nó và sự bề thế của ngôi nhà hiện đại nằm sát rìa sông.bui

Dượng ăn cơm xong ngồi đọc báo bên bàn nước. Mẹ lúi húi trong bếp quấy bột cho em. Nó phải trông em nên ăn sau. Miếng cơm lùa vội vào miệng, chậm trễ sẽ không có thời gian dọn dẹp, bị dượng la mắng cực lắm. Có tiếng kẻng đổ rác, nó đặt bát xuống, vội mang túi rác ra xe vứt. Chạy vào chưa kịp bưng bát cơm ăn tiếp đã bị dượng quát ầm ầm:

-Thằng Dũng đâu! Mày để em đái ra thảm thế này à! Mày biết cái thảm này bao nhiêu tiền không? Khai nồng nên ai chịu nổi!

Dượng không dám mắng mẹ nó. Ông sợ bà giận, có lỡ bỏ nhau thì ông sẽ mất một người đàn bà xinh đẹp mà ông vẫn hãnh diện với cấp dưới.

-Dạ!...Con đi đổ rác. – Nó khép nép đứng ở cửa phòng ăn.

-Dạ cái gì! Làm sao cứ phải vứt ra xe cho mất thời gian, quẳng ngay xuống sông kia lúc nào chẳng được. Đã vậy em đái ra không chịu lau ngay, chỉ biết cắm đầu vào ăn, cho nhịn để mày biết thân.

Dượng xả cơn giận bằng cách hất cả mâm cơm qua cửa xuống sông. Bát cơm ăn dở của nó dập dềnh trong mớ rác rưởi quẩn dưới chân ngôi nhà. Nó với dượng khác máu, chẳng thể sống được với nhau, nghĩ vậy nó bỏ nhà ra đi.

Nó nhìn trước ngó sau rồi rụt rè tiến lại gần ngôi nhà dường như đã trở thành xa lạ. Những chậu cây cảnh vẫn lên xanh chứ đâu có héo quắt như nó mường tượng ra. Không còn những bè rác tấp dưới chân ngôi nhà. Không thể nhìn qua ô cửa kính được, nó lắng tai nghe những tiếng động từ trong nhà vọng ra. Có tiếng phụ nữ, có lẽ đang vừa dọn dẹp vừa nô đùa với em. Ý nghĩ của nó bất chợt liên tưởng tới chuyện không hay với mẹ. Nhưng kia, đúng mẹ rồi! Mẹ đi ngang qua chỗ nó về nhà. Mẹ già đi nhanhg quá, nét buồn đã kéo mi mắt mẹ sụp xuống. Em nó lon chon chạy ra cửa đón mẹ, người phụ nữ trong nhà chạy ra theo. Cô ấy! Tuy chỉ gặp cô vào buổi tối nhưng bây giờ nó vẫn dễ dàng nhận ra. Thì ra cô ấy chỉ đi làm vào buổi tối, còn ban ngày tranh thủ làm giúp việc cho nhà nó để có thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng mà chồng cô đâu mà cả ngày nay nó không gặp? Tại sao cô đông con thế, mà chúng lại sàn sàn tuổi nhau? Nó là người muốn mọi việc đều rõ ràng, chỉ tại mong gặp mẹ quá nên không hỏi cho cặn kẽ.

Mẹ đặt tên nó là Dũng cơ mà, phải dũng cảm như mong ước của mẹ. Không thể để mẹ phải buồn, nó phải quyết định về nhà. Nhưng liệu nó trở về cô ấy có bị mất việc? Không, nó sẽ xin dượng cho đi học tiếp, nếu không được nó sẽ học một nghề gì đó để kiếm sống. Cô ấy còn cần cho gia đình nó. Tối nay nó sẽ gặp cô để nói rõ mọi chuyện.

Bọn công tử đã xong bữa đêm, ngửa cổ tu một hơi dài dòng sữa mát lạnh rồi lẳng vỏ hộp lăn lóc xuống lòng đường. Chiếc chổi của cô ấy quơ tới, rác rưởi dưới chân chúng được gom gọn rồi hất lên xe.

-Này, hôm nay không để hộp lại cho thằng vẫn nằm kia à?

-Không còn giá trị nữa không hót đi thì để làm gì!

Bọn chúng gật gù, hinh hích cười ra vẻ hiểu thấu câu nói mang đầy tính triết lý của cô ấy. Bóng của chúng đổ xuống lắt lay dưới nền đường vẫn còn những mảng bết lại như bùn do rác rưởi bị những đôi giầy láng bóng giày đi xéo lại không quét sạch.

Thì ra cô ấy hiểu hết ý định của nó, vẫn nhường lại những vỏ hộp quanh đây. Nó đi lại phía cô ấy. Ánh phản quang trên chiếc áo bảo hộ của cô nhấp nháy như những con đom đóm cần mẫn thắp sáng suốt đêm.

                                                                             N.Q.H

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 105
Trong tuần: 758
Lượt truy cập: 440035
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.