Cầm Sơn
ĐẦU NĂM VIẾNG PHỦ TÂY HỒ
Ngày 10 tháng 02 năm 2024 tức ngày mồng một tết Nhâm Thìn. Vợ chồng Cầm mỗ cùng gia đình anh con trai trưởng lên xe đi thăm viếng Phủ Tây Hồ. Năm nay mỗ tôi vào năm tuổi 73 mà mới chỉ nghe, nhìn trên phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa một lần bước chân đến Phủ Tây Hồ. Mục đích chuyến đi là xem để biết chứ chẳng phải để cầu tài cầu lộc, Cầu tài cầu lộc gì cái lão già 73 tuổi nữa cơ chứ!
Xe chạy đến đường ven hồ là bị ùn tắc, anh cả bật VOV Giao thông xem thì thấy tất cả những đường quanh Hồ Tây đều một mảu đỏ sậm, có nghĩa là đều tắc nghẽn. Xe chạy như sên bò nhưng cuối cùng thì cũng tìm được một chỗ để đỗ xe. Xuống xe cứ theo dòng người đổ về nơi cầu cúng, hai bên đường liền tù tì là dãy quán bán hàng ăn uống và đồ thờ cúng, lưu niệm, đặc biệt nhiều là hàng bán bánh tôm. Có nhiều bàn viết sớ, ngồi bên bàn là những ông già mặc áo dài đỏ khăn sếp đổ, nhiều cụ râu tóc bạc phơ trông rất giống những ông đồ cổ, luôn vẫy chào khách nhưng hầu như các cụ ngồi không vì mặc dù du khách rất đông nhưng không mấy người viết sớ, không giống như Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cũng thờ Công chúa Liễu Hạnh nhưng người ta chen nhau viết sớ, dâng mâm vay tiền bà chúa về buôn bán kinh doanh, có lẽ phần nhiều người đến đây là để thăm thú danh lam thắng cảnh, gắn kết gia đình giống với ý nghĩ của Cầm mỗ chứ cầu tài cầu lộc không phải là mục đích chính. Cũng loáng thoáng thấy có bàn khách chờ các cụ viết sớ, mỗ ghé lại xem thì hóa ra là bản sớ mẫu đã được in sẵn bằng chữ Hán còn thông tin điền vào chỗ trống thì các cụ viết bằng chữ Việt ngữ do khách hàng cung cấp. Vậy là những cụ đồ này chỉ là những cụ đồ diễn, không cần biết Hán tự là gì cũng có thể làm “cụ đồ” viết sớ…Ờ thì bây giờ cơ chế thị trường, miễn diễn tốt là ăn khách, cũng là chuyện thường tình.
Vào đến địa điểm người ta dâng hương cầu cúng, người đông chật cứng. Cả nhà chỉ có bà và thằng cháu cả xếp vào hàng đến nơi cúng bái còn lại thì đứng bên ngoài chờ hoặc ra phía bờ hồ chụp ảnh hoặc đứng đọc cái biển viết giới thiệu về Phủ Tây Hồ.
Theo WikipediA Phủ Tây Hồ là một ngôi đền thờ Công chúa Liễu Hạnh được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.
Ngôi đền tọa lạc tại bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, ở số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là "cây di sản Việt Nam", và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.
Ngày nay, Phủ Tây Hồ mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3 tháng 3 âm lịch và 13 tháng 8 âm lịch.
Tục truyền rằng Liễu Hạnh là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.
Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn bà được nhà vua phong "mẫu nghi thiên hạ", là một trong bốn vị thần "Tứ bất tử" của Việt Nam.
Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ "Tây Hồ ngự quán" mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.
Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán "Phong đài nguyệt các" (Đài gió gác trăng), câu đối hai bên trụ nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh. Qua cổng Tam Quan là sân phủ rộng rãi chạy sát hồ nước. Trong sân phía bên trái có lầu Cậu, phía bên phải có lầu Cô, tả dương hữu âm, tả phù hữu bật. Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn, mặt trước Phủ có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi "Tây Hồ hiển tích" (Dấu để Tây Hồ). Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ. Qua tam quan là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế, hậu cung xây sát sau phương đình; Kế đến là Điện Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian; khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu… Phía sau hiên tam quan là tiền đường. Tiền đường có kiến trúc theo kiểu phúc ốc trùng thiềm, tám mái cao vút lên như một vọng lâu. Đây là lối kiến trúc lâu quán của Đạo giáo, cư cao lâm hạ quan sát tứ phương. Phía ngoài tiền đường, ở trên cao là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Sau tiền đường là trung đường xây ba gian đơn giản, tường hồi bít dốc, chắc khỏe. Chính giữa là ban thờ Tam Vị Thánh Mẫu bằng bài vị. Phía bên tả treo quả chuông lớn, phía bên hữu treo chiếc trống lớn theo đúng quy tắc tả dương hữu âm, tả chung hữu cổ. Nơi tôn nghiêm nhất của phủ Tây Hồ là mật cung – cung cấm. Mật cung xây hai gian thờ dọc, kiến trúc theo kiểu phúc ốc trùng thềm, thấp hơn so với trung đường và bái đường, tạo cảm giác ấm cúng thần bí, theo quy luật âm dương của kiến trúc tiền tôn hậu ty, tiền động hậu tĩnh, tiền náo nhiệt hậu tĩnh túc.
Trong đám đông, một số cháu thanh niên dao bán muối: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua nhà”
Mỗ tôi cũng mua 2 gói một gói mang về treo trong tường nhà bếp, một gói mua cho nhà anh con trai trưởng. Chẳng biết đến cuối năm có mua thêm được gì không nhưng âu cũng là lấy may, treo trong nhà cho thêm phần yên tâm êm ấm.
Quay ra, cả nhà vào thăm Đền Trâu vàng (Kim Ngưu linh từ)
Tương truyền có nhà sư Không Lộ (Có nơi nói rằng là nhà tu hành tên Nguyễn Minh Không) đức cao vọng trọng, pháp thuật cao cường. Nhà sư chữa được bệnh cho thái tử nhà Tống nên được yết kiến vua nhà Tống. Vua Tống ban thưởng cho được vào kho để chọn lựa tùy thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi vải.
Vừa bước vào cửa, sư Không Lộ thấy một con trâu bằng vàng to lớn đúc bằng vàng ròng đứng nghênh ngang như canh giữ kho châu báu. Thấy gian chính giữa có đặt đồng đen, sư Không Lộ bèn giở phép thần thông, lấy quá phân nửa số đồng đen trong kho của vua Tống rồi ra bờ bể thả nón tu làm thuyền chở về nước. Số đồng đen đó vừa đủ để đúc chuông. Chuông được các thợ rèn trứ danh của Việt Nam đúc theo hình hoa sen hé nở, tiếng chuông thanh, vang xa.
Chuông đúc xong, sư Không Lộ cầm chày đánh lên tiếng chuông đầu tiên. Tiếng chuông vang xa, rung động ngàn dặm. Con trâu vàng ở kho tàng của vua Tống nghe tiếng chuông đồng, ngỡ là tiếng mẹ gọi (vì đồng đen là mẹ của vàng), nên cất vó cong sừng chạy về phía Nam tìm mẹ. Trâu vàng tìm đến hồ Tây nhưng không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn. Nhà sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống hồ, chuông đồng rung vang một lần cuối cùng trước khi rơi xuống nước. Con trâu vàng theo đó cũng nhảy xuống hồ, biến mất theo chuông. Từ đó họ gọi hồ đó là hồ Kim Ngưu, cũng chính là Hồ Tây ngày nay.
Sau khi sư Không Lộ thả chuông xuống hồ thì có một huyền thoại rằng, từ nay về sau, trong dân chúng nếu ai sinh được 10 người con trai thì cha con lên hồ sẽ gọi được trâu vàng về. Một gia đình sinh được 9 người con trai đã mừng thầm, nhận thêm một người con trai nuôi nữa để kéo trâu vàng về nhà. Trâu vàng lên khỏi mặt nước vào bờ thì thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó. Nơi đó được nhân dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu.
Một truyền thuyết khác kể rằng, khi xưa có con cáo chín đuôi đi hại dân, Long Quân đã cho trâu vàng xuống hồ diệt trừ tinh và cho lập đền thờ trâu bên hồ để trấn cho vùng đất này. Đền Kim Ngưu bên bờ hồ Tây là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ Trâu Vàng của nhân dân ta. Qua đó, có thể thấy được giá trị văn hóa và tín ngưỡng của trâu vàng đối với văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, nhiều người lựa chọn trưng bày tượng trâu trong nhà để mang đến may mắn, tài lộc và bảo vệ gia đình luôn bình an, hạnh phúc.
Có nhiều dị bản về truyền thuyết dân gian này, nhưng đâu có sao, truyền thuyết biến hóa theo dòng chảy cuộc đời nhưng ý nghĩa của trâu vàng thì vẫn nguyên vẹn. Người ta tin rằng, trâu vàng là một con vật thiêng, có thể kết nối với thần linh, mang lời thỉnh cầu về một cuộc sống yên ổn đến các vị thần và trấn áp yêu ma.
Tại Đền Trâu vàng, gia đình nhà Cầm mỗ chụp được nhiều cái ảnh kỷ niệm đẹp. Mỗ bỗng cao hứng bật ra mấy câu tức cảnh tán tếu vui vẻ như sau:
Trên đường ra, cả nhà mỗ vào một quán ăn nếm mỗi người một cái bánh tôm, cũng là kiểu ăn vặt lấy may chứ anh cả thì luôn gàn là nó không ngon vì nó có rất nhiều dầu. Đúng là nó luộc trong dầu thật nhưng dẫu sao nó cũng là một món ăn có tên tuổi từ lâu “Bánh tôm Hồ Tây” mà!
Ra đến chỗ đậu xe, lấy được xe ra về cũng là một hành trình vất vả, loanh quanh lộn đi lộn lại rồi thoát xe ra được đường Yên Phụ chạy thẳng xuống Minh Khai lên đường trên cao mới về được nhà chứ loanh quanh bên bờ Hồ Tây và những con phố lân cận thì xe chật tắc đầy đường.
Ngày xuân, đi lễ đền chùa, âu cũng là một một nét văn hóa đẹp, cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho gia đình khang thái và cũng là đi du xuân, hiểu biết thêm được một danh lam thắng cảnh để thêm yêu Đất nước con người. Cầm mỗ sinh ra ở Hà Nội, đi làm ăn xa, cũng có điều kiện đi đây đi đó nhiều nơi trong và ngoài nước nhưng khi về hưu lại quay về Hà Nội đến 73 tuổi mà tận hôm nay mới biết đến Phủ Tây Hồ…Có điều đừng nên làm nô lệ cho những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan, đi cầu đi khấn với mục đích chính là để mang lại cho mình những danh, những lợi.
C.S
Người gửi / điện thoại