Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐẤT NGHỊCH

ĐẤT NGHỊCH

            Truyện ngắn NGUYỄN KIM RẪN

- Cháu chào chú!
- Chào cháu! – Tôi vừa đáp vừa ngửng mặt lên- Cháu là…
- Cháu Cường, con bố Mộc đây mà! Chú không nhận ra à?
- Cường à! Chà, mấy năm không gặp trông khác quá.
Đúng là khác thật. Từ một thằng bé Cường gầy gò, đen đúa, nay trông béo tốt, phương phi, oai vệ. Hai hàng lông mày nằm ngang, miệng nói cười thỏa mái, giọng chắc khỏe và sang. Tôi hỏi:
- Cháu làm gì ở đây thế?
- Nhà cháu đây mà!
- Ồ! Nhà cháu… ?!
- Chắc ông ngạc nhiên lắm ạ?
- Quả có thế.
- Ông ngạc nhiên vì cháu dám mua mảnh đất này hay nhà cháu to ạ?
- Cả hai cháu ạ! Đúng là “Hậu sinh khả úy”!
Sở dĩ tôi nói thế là vì cái thổ này là của cụ Trơi. Và có lẽ hơn 50 năm về
trước chỉ có cụ Ma Trơi mới dám ở. Ma là do dân làng thêm vào vì đêm đêm cụ thường với chiếc đèn chai, đi khắp các cánh đồng, soi kiếm con cá, con ếch hay chão chuộc gì đó để hôm sau đi chợ đổi gạo ăn. Mảnh đất cụ ở, xung quanh tre hóa um tùm, lâu đời. Vườn chuối, bụi dong, cụm sắn dây, khóm củ từ, mấy cây nhãn… chen nhau. Trong vườn đầy những ổ chuột, hang rắn, đất đùn lên thành đống. Cụ chỉ có anh con trai duy nhất nhưng đi biệt tích. Nghe nói đi làm công nhân đâu ở Lào Cai, Yên Bái xa lắc xa lơ. Chả cần phải ban đêm, ban ngày mà vào nhà cụ cũng cứ dờn dợn… Có lần ông Trung có việc, đêm vào nhà cụ, vừa đến cầu ao thì thấy bóng người đàn bà quần áo trắng toát, từ trên cây sung nhảy tùm xuống ao, sợ quá hét lên, chạy một mạch vào nhà. Nói thì cụ Trơi cho là chỉ “thần hồn nát thần tính”. Người ta kể lại, cái đận cụ Trơi ốm thời kháng chiến khoảng năm 1952 gì đó, mới khiếp. Ai cũng bảo cụ ốm là do ma nhập, lúc tỉnh, lúc mê. Ông Cương, mới ở chiến trường về không tin có ma. Ông bảo: “Ở mặt trận tôi ôm hàng chục xác đồng đội đi chôn, có khi chẳng có ván, cũng chả sao. Chẳng thấy ma bao giờ”. Đêm ấy, ông chờ tới khuya vắng mới vào thăm cụ. Qua ngõ, tới gần cầu ao thì thấy một người từ trong đi ra, sát vào ông. Ông né sang bên và đi vào. Hỏi: “Có ai vừa đi ở trong này ra à”? Mọi người đều bào không. Hôm thứ 2 cũng thế. Sinh nghi, hôm thứ 3, ông lại đi vào. Lúc ấy, mọi người đang uống trà, trò chuyện thì một tiếng rú khủng khiếp từ ngoài ngõ. Ai nấy sợ hãi đổ xô ra xem sự việc gì. Người ta thấy ông Cương, mặt tái mét, chân tay run rẩy, mồ hôi vã ra (mặc dù trời hôm ấy khá lạnh). Hỏi thì bảo: lại thấy người đi ra nhưng vừa ôm vào thì thấy một mớ bùng nhùng như ôm cây chuối hột thối.
Con trai cụ lúc đó còn trẻ, được bà con trong họ khuyên mời thầy về cúng mấy ngày. Đêm ông thầy lập đàn cầu cúng, lúc thầy ngủ, ông bác tôi, người nổi tiếng “to gan, lớn mật” nằm coi đàn. Khuya, lúc ngủ mơ màng, bác nghe rõ có tiếng chuông trống điểm binh và như có bóng đoàn người thấp thoáng đi qua. Sáng kể cho thầy nghe thì thầy cười: Đấy là tôi đang huy động âm binh về diệt con ma ở mảnh đất này đấy. Ma cứng, thầy phải huy động âm binh đông và khỏe mới trị được. Điều kỳ lạ là hôm sau thầy gắn 7 ngọn nến mới lên đàn và nói: “Bây giời thầy sai âm binh đốt nến cho mọi người xem nhé”! Nói rồi thầy khấn, quát, sai, chỉ chờ một lúc thì các ngọn nến tự bốc cháy trong sự kinh ngạc của mọi người. Sau này học lên cấp 3, tôi thấy thầy giáo dạy hóa nói, nếu đem phốt pho trắng hòa với ben den rồi tẩm vào vật dễ cháy thì khi ben den bốc hơi hết, nó sẽ bốc cháy trong không gian. Không hiểu âm binh của thầy đốt nến hay thầy cũng dùng cách trên. Tôi cứ bán tín, bán nghi.
Cúng xong thầy bảo:
- Ma thì đuổi rồi, gia đình cứ yên tâm làm ăn. Nó không dám làm gì nữa
đâu. Nhưng khỏe lên được thì phải thuốc. Người bệnh bị suy sụp lắm rồi, không thể cúng cho hồi phục. Thầy giới thiệu cho gia chủ thầy lang nổi tiếng ở tổng bên, bảo cố mà thuốc thang cho khỏe.
Sau đợt thuốc thang ấy, cũng là nhờ bà con trong họ giúp, cụ Trơi đã hồi phục trở lại. Lại đêm đêm với ngọn đèn chai trên đồng . Mặc dù anh con trai khi đã đi làm, có lương, thỉnh thoảng gửi về nhưng cụ bảo cụ quen với công việc rồi, ở nhà buồn chết…
Rồi cụ Trơi cũng phải ra đi theo tổ tiên nhà cụ. Đất cát của cụ, nhà cửa của cụ gần như bỏ hoang nếu không có ông Nghi, cháu cụ, chạy đi chạy lại trông nom. Hoa màu, ông thu hoạch, làm cỏ, xới nương, thắp hương tuần tiết. Anh con trai không về nữa, anh làm giấy tờ sang tên đất cho ông Nghi và với điều khoản giao cho ông việc cúng bái các cụ. Lúc đầu ông Nghi chỉ thỉnh thoảng sang làm vườn, quét dọn. Sau quen dần cũng chẳng thấy có gì đáng sợ, ông đưa vợ con sang ở hẳn thổ của cụ Trơi. Ông là bậc trung niên khỏe mạnh, chịu khó làm lụng, vừa cấy lúa, vừa dệt chiếu, lại đi úp cá cùng đoàn nơm của làng, nên cũng có của ăn của để. Một ngày tháng 5 năm 1967, như thường lệ, ông gánh chiếu lên chợ huyện bán. Nào ngờ một chiếc thần sấm ào đến quẳng vào đoàn người mấy quả bom. Đận ấy làng tôi chết ba người, bị thương bốn. Nỗi tang tóc bao trùm cả làng. Ông Nghi chết bỏ lại năm con dại và bà vợ đáng thương. Bà Nghi có thể nói là một người phụ nữ kiên cường. Một mình bà nuôi dạy năm con, một trai, bốn gái. Mỗi anh con trai được học cấp hai còn lại chỉ hết hoặc không hết cấp một. Bà hy vọng ở cái thằng “chống gậy” sau này. Song ông trời chơi ác với bà. Cậu con trai vừa học xong lớp cấp hai, đang băn khoăn giữa xin đi trung cấp và học cấp 3 thì lăn ra ốm. Chả biết bệnh gì. Chỉ thấy đau bụng cũng có, đau đầu cũng có. Rồi toàn thân có những đốm thâm, rồi những đốm ấy phá ra hôi hám, tanh khủng khiếp. Đưa bệnh viện huyện chữa không khỏi. Lại đưa về, nằm chờ chết. Và thời gian sau thì cậu cũng đi theo bố và tiên tổ. Lại dộ lên tin nọ, tin kia, lời ra tiếng vào về mảnh đất của cụ Ma Trơi…
- Sao cháu lại chọn mảnh đất này?- Tôi hỏi.
- Thì cháu thấy rẻ. Mấy lại, cháu thấy bảo có dự án về nông thôn mới, làm
lại đường sá, chắc đường sát nhà của ông Nghi. Như vậy thì cảnh quan sẽ khác. Mà ông cứ nghĩ xem, bọn trẻ chúng cháu bây giờ thì tin gì mấy cái chuyện mê tín ấy. Chuyện người xưa kể chắc gì là sự thật.
- Bây giờ cháu làm gì?
- Cháu làm Giám đốc Công ty trách nhiện hữu hạn Đông Hải chú ạ!
- À… thảo nào!!! – Tôi gật gật đầu nói một mình- Đúng là mạnh vì gạo,
bạo vì tiền.
Rồi tôi theo Cường vào trong, đi một vòng ngắm cái cơ ngơi cao to sáng rực sắc màu, như một tòa lâu đài. Cái mảnh đất u ám xưa hoàn toàn bị xóa hết dấu vết. Tôi tò mò hỏi:
- Hồi nhận đất, nhất là động thổ, cháu có phải cúng bái gì không?
- Cả như cháu thì không, nhưng mẹ cháu thì sợ lắm, mẹ cháu khóc vì chỉ
lo lại mất thằng “chống gậy”. Cháu chiều mẹ nên bảo, tùy mẹ. Thế là, mẹ cháu nghe đồn thầy Pháp sư xã bên cao tay liền mời về cúng cả ngày. Cháu thì thuê thợ đến chặt hết bờ tre hóa nhiều đời và cây cũ, chỉ để lại mấy cây nhãn, mít, bởi vì đó là những cây này có tới sáu, bảy chục tuổi rồi. Để cho mát thổ. Xây nhà xong, cháu mua hàng loạt cây cảnh, cây ăn quả về đặt cho sầm uất nhưng mới, đẹp chú ạ!
- Đúng là đẹp và sang trọng thật. Chúc mừng cháu! Chắc bố cháu phù hộ
cho cháu đấy! Đúng là “nhân định thắng thiên”…– Tôi hào hứng nói.
Rồi Cường kể cho tôi chuyện làm ăn thế nào, buôn hàng Trung Quốc ra làm sao? Thành lập công ty dựa vào đâu, tình hình làm ăn hiện nay nữa… Càng nghe tôi càng bị thu hút như có một ma lực kỳ lạ. Ôi cái anh cu Cường ngày xưa hay trốn học, nghịch ngợm, thông minh nhưng láu cá và mải chơi …có ai ngờ…

Cổ Nhuế, ngày 15 tháng 12 năn 2020

 

 hoa_sung_1

 

 

 

 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 12
Trong tuần: 649
Lượt truy cập: 417489
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.