Phạm Trọng Thanh
ĐÀN BẦU AI GẢY
Truyện ký
Kính tặng: Kỹ sư- Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Lương &
Nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật – đồng tác giả tác phẩm“Đỉnh
Nhang Án” NXB Thông tin và Truyền thông, 2017.
I
Sau lễ Thượng nguyên bên nhà Thái miếu, buổi dạ yến hoàng cung đêm rằm tháng Giêng, năm Tân Hợi (1671) vào cuộc. Từng chuỗi đèn lồng bạch lạp sáng dịu được trưng lên. Đội quân cấm vệ mũ ngù, giáp trụ tề chỉnh quanh vườn Ngự. Giữa Ngự viên, khu nền cao lát gạch hoa thị có mái che lụa điều, các vị triều quan ngồi theo phẩm trật trên dưới tề tựu. Dãy tàn vàng, lọng vàng kề dãy ghế ngự trên thềm cao là khu vực của hoàng gia. Vua Lê Cảnh Trị, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Áng an vị, có thị vệ, thị nữ đứng hầu. Quan hành khiển bộ Lễ, áo thụng xanh, cung kính bước lên tâu trình, xin đấng kim thượng cho ý chỉ. Nhà vua tươi cười đứng lên, nhìn khắp một lượt. Ngài vẫy tay ra hiệu khởi đầu dạ yến. Tiếng hô “vạn tuế” vang dậy. Xuân Tân Hợi này mừng đất nước yên bình, chiến tranh Đàng Ngoài – Đàng Trong chấm dứt. Các dư đảng đối nghịch ở miền trấn biên, thượng du phía Bắc đã được dẹp yên. Tây Đô vương Trịnh Tạc lập nhiều công to, không chỉ ở việc điều binh khiển tướng mà còn ở cả việc nội trị, ngoại giao. Chúa Trịnh thẳng tay trừng trị bọn trộm cướp, loại bỏ những kẻ nhũng nhiễu hại dân. Dân tình phấn chấn, nơi nơi yên vui.
Mưa xuân nhẹ như tơ, bay líu ríu trong mùi dạ lan dìu dịu. Sau chén ngự tửu vừa được vua ban, nàng cúi đầu tạ ân. Trên ghế hoàng hậu đương triều, mặt nàng bừng lên. Nàng đưa mắt nhìn dàn nhạc công đang tấu khúc triều hội rộn ràng. Mà sao lại vắng tiếng đàn bầu người ấy? Tiếng đàn bầu của Phó võ úy Nguyễn Phủ Ngừ, từ đức vua đến các thị thần, ai cũng tấm tắc khen ngợi. Một võ quan tráng kiện, đã quen chấp sự lại sành điệu với cây đàn bầu. Ôi đàn bầu, tiếng đàn nghe rồi phải lòng, người đời dặn dẽ Đàn bầu ai gảy thì nghe…Thế mà mình lại luyến vào! Bây giờ người ấy vắng mặt để mình ngẩn ngơ…
Nàng đang trôi trong tâm trạng bâng khuâng khi dạ yến đến hồi rôm rả, mọi người nâng chén chúc tụng, giao lưu. Không, ta là thượng khách tri âm khi nghe đàn. Mấy năm quen biết người ấy, nàng vẫn đinh ninh điều này. Những lần xin phép vua, nàng cho vời người ấy vào nội cung. Lại cho thị nữ sắp một tiệc nhỏ khoản đãi, có cả bình rượu quỳnh tương nức tiếng với chén bạc, đũa ngà. Người ấy nhất mực chối từ. Nơi tiền sảnh hàng hiên hoa rủ, trà ngự đưa hương. Tiếng đàn bầu tròn đầy gảy bản cổ nhạc cung đình trang nhã đến bản giáo phường đằm thắm tương giao... Nghe đàn, mắt nàng ánh lên niềm vui. Gót sen khoan thai dạo bước quanh phòng, nàng chậm rãi ngâm thơ nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập của đức tiên đế Lê Thánh Tông: “Mây nước dạ chàng dầu bạc nghĩa/ Cỏ hoa lòng thiếp hãy còn xuân”… Giọng ngâm quý phái với tiếng đàn hồn hậu đầm ấm dương hòa khiến nàng ngây ngất.
Một ngày trước rằm tháng tám, kinh kỳ nhộn nhịp đón tết trung thu. Phố xá treo đèn kết hoa rực rỡ, tiếng trống múa lân rộn ràng. Đầm sen vườn ngự ngát hương, mẫu đơn, hoàng cúc rực rỡ lối dạo hoàng cung, người ấy vào hầu đàn. Nàng tươi cười mời ngồi rồi vẫy tay ra hiệu. Sau bức bình phong, hai thị nữ yểu điệu bước ra với một cây đàn mới, đặt nhẹ trên mặt bàn trải vóc. Nàng nhẹ nhàng:
-Ta có lời mừng quan Phó võ úy tài hoa làm chủ cây đàn bầu nhiều người tán thưởng. Cây độc huyền cầm này được thửa từ phường hàng đàn có tiếng ở kinh thành. Người hãy nhận lấy, chớ phụ tình tri âm của ta!
Người ấy cảm động bước lên cúi đầu “Tạ ân hoàng hậu”. Lắng nghe bản hành vân từ cây đàn mới Nguyễn Phủ Ngừ diễn tấu, nàng xúc động đến nao lòng. Lần khác, nàng hỏi thăm gia cảnh, người ấy cúi đầu trình thưa. Nàng truyền cung nữ dâng thuốc quý rồi ban cho người ấy với lời dặn: “Đây là chút quà ta gửi về thăm lão mẫu”. Người ấy mắt rưng rưng, cúi rạp xuống lạy tạ. Dần dà, nàng được biết vùng quê người ấy thuộc trấn Sơn Nam Hạ, nổi tiếng với nhiều danh sơn. Nơi ấy có cố đô Hoa Lư, liền mạch con đường thiên lý giang sơn Đại Việt.
Người ấy đi đâu? Thị nữ tâu rằng quan Phó võ úy mấy tháng qua đã xin về chăm sóc mẹ già, cảnh nhà neo bấn. Mẹ mất, người đã xin cáo quan trở lại quê nhà sau mười bảy năm tận tụy chốn cung đình, không sơ suất điều gì. Việc này đã được tâu trình. Hoàng thượng đã có chỉ dụ, phủ Chúa cũng thuận cho. Thật đáng tiếc, đấy ạ!
II
Cởi bỏ bộ võ phục hoàng cung, mặc lại bộ đồ quần thâm áo vải quê nhà Thiên Dưỡng, Nguyễn Phủ Ngừ thấy nhẹ cả người. Từ ngày về quê, việc nhà, việc họ hàng làng nước đâu vào đấy. Vợ con nở mày, nở mặt. Có những chiều, ông lững thững qua ngõ ruối, dạo bước trên đường quê. Kia là dòng sông Hệ nước xanh trong, soi bóng núi non trùng điệp. Thuyền câu, thuyền chở đá dầm chèo, bến nước đông vui. Kia là núi Thiên Dưỡng có đỉnh Nhang Án, đàn tế trời quanh năm nghi ngút khói mây lan tỏa linh khí. Người quê sơn trang tâm niệm, mỗi ngọn núi đều có một vị thần thiêng cai quản. Những ai làm nghề khai thác đá, phải sửa mình dâng lễ cúng sơn thần trước ngày khởi công, khai phá những tòa, những ngôi sơn trạch hùng vĩ dưới trời. Sống chết với nghề, ở miền Thiên Dưỡng này, núi nuôi người, núi sinh ra những người thợ cần cù, đảm lược, thức khuya dậy sớm, dầu dãi nắng sương. Thợ đá Thiên Dưỡng tay nghề cao, tiếng vang đến kinh thành. Xuất thân con nhà thợ đá lành nghề, ngay từ thuở tóc còn để chỏm, cậu bé Ngừ theo cha đi núi. Đôi bàn tay con trẻ tập cầm búa, cầm đục. Lán thợ trước nhà, đôi mắt trẻ thơ hồi hộp dõi nhìn những đường nét hoa văn tứ linh, tứ quý nổi chìm hiện hình trên phiến đá xanh, dưới đôi bàn tay cha gân guốc.
Nhưng chữ nghiã tạc vào đá thì phải học. Nhà nghèo, Nguyễn Phủ Ngừ được cha mẹ cho đi thụ giáo cụ đồ nhất trường ở Hải Nham, sớm tối đi về. Những năm đèn sách bút nghiên, được thầy khen là sáng dạ. Đang tuổi khóa sinh, cha mẹ cưới vợ cho con. Cô gái cùng tuổi, người xóm núi, mê tiếng đàn bầu anh khóa Ngừ bấy lâu. Cô vui lắm khi về làm dâu nhà anh.
Năm hai mươi tuổi, nhà vua mộ lính. Ngày lên phủ lỵ Tràng An dự tuyển, nghe viên chánh đội trưởng gọi tên. Nguyễn Phủ Ngừ bước lên, “dạ” một tiếng rồi đứng nghiêm ngắn. Chánh đội trưởng nhìn anh chàng mặt sáng, dáng cao, cử chỉ đĩnh đac. Ông ta mỉm cười, vời vời, bảo anh lên lăn tay điểm chỉ vào sổ bộ. Anh xin được mượn cây bút ký tên. Nhìn ba chữ chân “Nguyễn Phủ Ngừ”, viên chánh đội trưởng gật gù: “Nhà ngươi có chữ à. Hay đấy!”.
Là lính tứ trấn, Nguyễn Phủ Ngừ vẫn được biên chế vào đội lính cấm vệ bên cung vua. Ở đây, anh chuyên tâm tập tành để trở thành người lính ngự lâm thực thụ. Đọc sách, Nguyễn Phủ Ngừ nhập tâm những câu trong binh thư, binh pháp cùng điều lệnh người lính hoàng cung phải tuân thủ. Mười bảy năm tại ngũ, bốn lần thăng chức. Năm đức vua Lê Cảnh Trị đăng quang, Nguyễn Phủ Ngừ được thăng chức Phó võ úy cùng với quan Chánh võ úy chỉ huy đội quân cấm vệ.
Còn chuyện đàn bầu. Những ngày ở quê, nhà có cây đàn cũ của cha bỏ đấy. Cậu bé Ngừ nài nỉ cha dạy. Nhìn con học đàn với cha, người mẹ đang sàng gạo dừng tay, mỉm cười khích lệ. Đăng lính hoàng cung, những lúc rảnh rỗi ở quân doanh, nhớ nhà, lại nhớ cây đàn bầu tre, se dây tơ, gảy que cật hóp mà tiếng đàn êm nuột, có hồn. Ra vào cung vua, may sao, anh được gặp rồi làm quen ông thầy đàn cao tuổi trong đội nhạc công. Ông ta cho mượn một cây đàn bầu gỗ còn tốt tiếng. Ông thầy đàn còn truyền cho anh những ngón đàn độc đáo của một lão cầm. Dần dà, tiếng đàn bầu Nguyễn Phủ Ngừ lọt vào tai những người sành điệu. Một hôm, quan chánh võ úy, người thường giao việc thảo biểu, tấu, cáo thị quân vụ cho Nguyễn Phủ Ngừ chấp bút, đến vỗ vai anh, tươi cười: “Nhà thầy được dự vào đội nhạc hoàng cung đấy! Mỗi khi có việc lễ của hoàng gia gọi đến, hãy tạm rời doanh ngũ, vào cung dự lễ nhớ mang theo đàn”. Lúc này, cây đàn quý được Hoàng hậu ban tặng ngày nào đang thiu thiu trong chiếc túi gấm trên vách gỗ, mặc kệ sự đời.
Ngồi nghĩ lại việc đã qua, Nguyễn Phủ Ngừ thầm cảm ơn nhà vua đã cho mình về quê sau ngày mẹ theo cha khuất núi. Về nhà, biết mình còn mắc nợ. Lúc rời hoàng cung, chẳng một lời bái biệt hoàng hậu, người đã biệt đãi mình. Nguyễn Phủ Ngừ bất chợt thở dài. Ông bước ra hàng hiên đứng lặng, bần thần nghĩ ngợi. Một vị quận chúa được sắp đặt vào ngôi hoàng hậu năm hoàng tử Lê Duy Vũ mới vừa chín tuổi lên ngôi vua. Nàng hơn tân quân sáu tuổi. Chốn cung đình, thời vua Lê, chúa Trịnh, quyền uy tối thượng trong tay chúa thì sự so le, cọc cạch tuổi đời giữa ông vua trẻ con với bà hoàng hậu quận chúa đang tuổi dậy thì phỏng đáng kể gì!
Nguyễn Phủ Ngừ đăm chiêu. Có ai biết việc ta cáo quan về Thiên Dưỡng là một cuộc chạy trốn? Một viên quan trong đội cấm vệ được tin dùng, chút tài mọn với cây đàn bầu trong dàn nhạc hoàng cung được hoàng hậu trao gửi tâm tình tri âm kỳ ngộ đến mức say đắm. Đạo thần tử, nghĩa vua tôi. Nếu ta còn nấn ná ở lại kinh thành, mối giao tình thầm kín ngày càng nảy nở, tội khi quân tày trời, hẳn nàng cũng biết. Còn ta, ta hiểu được nỗi niềm thầm kín của nàng. Xuất thân là quận chúa, được ngồi vào ngôi hoàng hậu từ tuổi hoa niên. Thế nhưng đã mấy mùa sen nở mà hoàng hậu không sinh được hoàng nhi. Rồi sau dạ yến Nguyên tiêu năm Tân Hợi chín tháng, đức vua yểu mệnh Lê Cảnh Trị băng hà, hưởng dương mười bảy năm. Hoàng cung tang chế. Vua mới Lê Dương Đức lên ngôi. Cựu hoàng hậu hai mươi ba tuổi thành người góa bụa. Tình cảnh này, tâm trạng ấy dễ gì san sẻ.
Ngày vừa tan sương, có tiếng hắng giọng ngoài ngõ. Nguyễn Phủ Ngừ bước ra sân đón khách. Ông trưởng tộc Nguyễn Phủ tươi cười, vừa bước vào vừa “chào quan lớn!”
-Ấy chết! Tôi về quê làm dân, yên phận rổi. Xin bác trưởng đừng cầu kỳ, đa sự!
- Có đa sự đâu ông ơi, là việc đời đa sự đấy! Ông về làng mới mấy năm mà đã hưng công sửa đường, bắc cầu. Lại góp công, góp của tu sửa miếu đình chùa cảnh. Các vị chức sắc với dân làng ta hào hứng lắm. Cũng là bởi ông cả đấy. Hôm trùng tu chùa động, chính ông đã phác ra rằng chùa Thiên Cung, núi Sư Tử là danh lam thiên tạo, các cụ xưa đã thiết lập chùa thờ Phật, đã khắc cả đại tự lên vách đá cao. Cái tâm tiền nhân lớn lắm. Nay cần có thêm công trình tu bổ, chẳng hạn như dựng một cây tháp đá bên chùa. Việc này phát tâm công đức cả dân làng. Đá núi của làng, thợ đá lành nghề của làng, nên làm… Hôm nay, tôi đến gặp ông cũng vì việc mà các cụ ủy thác. Vậy ông tính sao?
Nguyễn Phủ Ngừ rót nước chè xanh mời khách. Ông vui vẻ:
-Đã có nhời với dân làng, tôi cũng đã vẽ phác bản họa đồ cây tháp đá. Xin thêm hai ngày nữa xong xuôi, trình làng.
Trưởng tộc Nguyễn Phủ đứng dậy, hỉ hả ra về. Đúng hẹn, ông trưởng tộc sốt sắng này lại đến. Nhận cuộn họa đồ giấy dó còn thơm mùi mực nho, ông ta nói như reo: “Vậy là ông với tôi sắp hoàn tất công việc ban đầu các cụ làng ta trông cậy. Vui thật, ông Phủ Ngừ ơi!”
Có tin nhà chúa cho người về làng gặp các vị hào mục chức sắc, thăm thú đất đai, dâng lễ chùa Thiên Cung Động. Những người ấy còn lưu lại bàn bạc, giăng dây đo đạc mặt bằng để cất nhà bên núi Sư Tử.
Trưởng tộc Nguyễn Phủ ghé qua nhà ông, rành rọt:
-Họ đã cho gọi thợ mộc, thợ nề. Làm nhà ở, làm phòng trai giới cho người xuất gia, ông đã biết chưa. Người trong hoàng cung hẳn hoi. Nghe nói, đó là chính cung hoàng hậu. Mãn tang đức vua, bà trình với nhà chúa, xin xuất gia vào cửa Tam bảo. Bà chọn chùa Thiên Cung Động làm nơi trụ trì. Thương con đứt gánh giữa đường, nhà chúa cũng thuận tình, lại trù liệu mọi việc để cựu hoàng hậu về đây tu hành mọi sự hanh thông. Chỉ đôi ba tháng nữa, chùa làng ta có người quý phái về tu tập, ông ạ.
Nguyễn Phủ Ngừ tỏ vẻ ngạc nhiên. Rồi ông buột miệng:
-Tu là cõi phúc. Chùa làng ta rồi sẽ thành danh lam có tiếng, phải không, bác trưởng.
Tiễn khách, ngồi lại một mình, Nguyễn Phủ Ngừ bối rối. Ôi, sao đời mình lại rắc rối thế này! Nàng về đây, ta phải tìm nơi nào lánh mặt. Phải trù liệu ngay, kẻo nước đến chân không kịp. Hai thằng con. Đứa lớn đang trọ học ngoài phủ lỵ. Đứa bé vừa đi ngủ. Ông quay vào gọi vợ. Đôi vợ chồng tuổi ngoại tứ tuần ngồi đối diện qua chiếc kỷ gỗ. Nhìn gương mặt thân yêu, mái đầu vương đôi sợi bạc của vợ, Nguyễn Phủ Ngừ xót xa, thương cảm. Là phu nhân của quan Phó võ úy hoàng cung nhưng vợ ông đã quen nếp tảo tần những năm xa chồng. Bà tất tả hai sương một nắng, không kêu ca phàn nàn điều gì. Nay cửa nhà đàng hoàng, ấm áp tình nghĩa vợ chồng sớm tối có nhau thì lại đến cái đoạn khuất khúc quanh co này. Làm sao vượt qua đây. Ông nhìn vào mắt vợ, ân cần:
-Nhà ơi, có việc hệ trọng này, nhà chưa biết đâu. Tôi phải cáo quan về quê, thật tình là… là để tránh một việc khó xử. Bà hoàng hậu thích nghe đàn bầu trong cung vua Lê, có lần gửi thuốc quý ban cho mẹ già ta, là người quá ưu ái với tôi. Tôi sợ phép vua, nên xin về hưu cho cách mặt, khuất lời. Nay, người ban ơn cho nhà ta lại sắp về chùa làng ta tu hành. Tôi cư xử thế nào đây, nhà thử nghĩ giúp tôi.
Trầm ngâm một lát, không đợi vợ trả lời, ông rủ rỉ;
-Chỉ có một cách này. Tôi rủ chú Phủ Nghi nhà mình cùng vào thung Mủng vỡ hoang, trồng ngô trồng sắn, dựng chòi ở đấy. Nơi này hoang vắng, thưa người, đường rừng khuất nẻo. Dẫu vậy, thỉnh thoảng tôi có thể ghé về nhà ta. Mình cầm lòng vậy, mình ơi!
Phu nhân lắc đầu chán ngán. Mắt người vợ thương chồng ngấn ướt. Ánh nến chập chờn nhòe đi…
III
Ba trăm năm mươi năm sau.
Chiếc xe du lịch màu trắng dừng lại bên lối rẽ vào chùa Minh Đức Tháp, núi Sư Tử. Ba người khách đỡ ông lão phúc hậu chín mươi tuổi bước xuống. Ông lão trán cao, mắt sáng, dáng đi chậm rãi. Đó là kỹ sư Nguyễn Xuân. Cây gậy i-nốc hai đầu bịt nhựa trong tay một người từng trải việc đời. Nhắc đến ông, người trong vùng đều biết tiếng. Một người thời trai trẻ từng thử lửa qua chiến trường Điện Biên. Một kỹ sư cơ điện tài năng, nhiều sáng kiến cải tiến ở bậc cao, từng đảm nhiệm công việc Giám đốc nhà máy xi-măng địa phương nổi tiếng khắp vùng. Một nghệ sĩ điêu khắc tài hoa, biết thổi hồn vào đá. Một người dày công nghiên cứu các công trình văn hóa lịch sử miền đất quần sơn tụ thủy này. Và chính ông là người dựng dã rồi góp công sức vào việc trùng tu ngôi chùa cổ trước mặt.
Ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng một thời giờ đã phong quang khởi sắc hơn trong vòm đá thiên tạo núi Sư Tử. Tuổi của núi đã già thêm ngót nửa thiên niên kỷ dâu bể, bão bùng. Thế nhưng cây tháp đá Minh Đức ba tầng trên bệ đá bên phải ngôi chùa núi vẫn an nhiên đứng đó làm chứng nhân lịch sử trên ba thế kỷ, kể từ ngày hoàn công trống giong, cờ mở. Chùa Thiên Cung Động có thêm tên mới từ ngày xưa ấy: chùa Minh Đức Tháp.
Ngày ấy, ni sư Ngọc Áng trụ trì đã chiêu tập thợ làng, chọn núi có đá xanh thớ mịn trong vùng, chế tác thành những phiến cự thạch có kích thước chính xác, dựng lên thành cây bảo tháp cao hai mươi nhăm thước. Trong lòng bảo tháp có tạc phù điêu tượng Phật tọa thiền, bày bát hương đỉnh lễ. Tháp được xây dựng theo bản họa đồ của ông quan Phó võ úy người Thiên Dưỡng về hưu lánh đời đã mấy năm vắng bóng.
Hưng công làm việc công đức, ni sư Ngọc Áng rất mừng. Cầm bản họa đồ, ni sư lần giở rồi trải rộng trên bàn. Nhìn nét bút đằng tả, phối cảnh công phu, ni sư nhủ thầm: Thế ra vẫn là người ấy, cái tâm đáng trọng, cái tài đáng nêu. Ta và người ấy thật có cơ duyên. Nhưng làm thế nào để gặp lại người tài đức hiếm có này với tiếng đàn bầu thiên phú. Nguyễn Phủ Ngừ ơi, lúc này người ở đâu?
Ngày hoàn công năm ấy, ni sư cho mở hội. Khách thập phương về chiêm bái cúng dường đông như trẩy hội. Có cả những đàn chim én cuối xuân nối nhau bay về chao liệng ríu rít quanh ngôi chùa núi Sư Tử. Nhưng có một cánh chim còn dạt gió phương nào…
Theo lời thỉnh cầu, ông kỹ sư lão làng chống gậy bước lên, đứng cạnh tấm bia cổ chữ tỏ, chữ mờ trên vách núi. Ba vị khách hướng vào bức chạm “Minh Đức Tháp Bi”. Chừng như đã thuộc làu từng dòng chữ khắc trên bia, kỹ sư Nguyễn Xuân vừa đọc từng câu nguyên văn chữ Hán, vừa dịch sang tiếng Việt:
“Bia tháp Minh Đức
Ở phủ Trường An, có xã Thiên Dưỡng vùng đất rộng lớn, bên tả có núi, bên hữu có núi, nhiều ngọn núi chầu về, trước cũng có nước, sau cũng có nước, muôn dòng cùng chảy về đây…Nên bà Trịnh Thị Ngọc Áng mở động xây tháp, dựng nền chùa, khắc bia, mua ruộng, mở mang công đức, trên là thờ Phật…Việc hương đèn hàng ngày, hàng năm, có mười mẫu ruộng mua ở xã Hải Nham, tính giá tiền cũ là 200 quan tiền. Chuẩn giao cho xã Thiên Dưỡng nắm giữ coi sóc, thờ cúng lưu truyền theo như lệ đã định”.
Với cây bảo tháp cùng tấm bia khắc năm Canh Thân (1680) niên hiệu Chính Hòa năm thứ nhất, triều vua Lê Hy Tông, lời truyền tụng còn có thêm đoạn cuối.
Ni sư Ngọc Áng sau nhiều năm trụ trì, không tìm được Phó võ úy Nguyễn Phủ Ngừ tại miền quê Thiên Dưỡng. Tựu trung, đây là việc không như ý trong cuộc đời quyền quý của bà. Ni sư cầm lòng trở về Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nơi ấy tọa lạc ngôi Thịnh Lăng, mộ phần an nghỉ của đức vua Lê Huyền Tông, thụy hiệu Muc Hoàng đế. Chỉ mấy năm sau, ni sư viên tịch ở đây.
Ngày ni sư rời chùa Minh Đức Tháp, tăng ni cùng dân xã Thiên Dưỡng theo tiễn rất đông. Lẫn trong dòng người tiễn chân tình nghĩa ấy, có một người đầu đội nón lá, lưng đeo gùi mây, bên vai đeo một cây cung, bước chân chập chừng. Ông trèo lên mỏm đá cao, đứng như trời trồng, nhìn theo chiếc cáng màu nhiễu tím của ni sư cho đến khi hình bóng thân yêu dần khuất sau hàng cây cuối làng.
Khuya ấy, nhà Nguyễn Phủ Ngừ sáng đèn. Phu nhân cùng các con vui chân chưa về. Nhìn qua dậu ruối, người ta thấy một ông già râu tóc lòa xòa đang ngồi độc ẩm. Trăng sáng đầy hàng hiên. Ông vào nhà một lát lại bước ra, mang theo cây đàn bầu. Cạn thêm chén rượu quê, ông ngồi bên cây đàn gia bảo. Sau khúc dạo đầu chênh chao, tiếng đàn bầu điêu luyện lại hoàn nguyên. Luyến, láy, rung, ngân…chiếc võng âm thanh diệu huyền mắc lên trời cao, chỉ có trời mới biết, tiếng đàn đứt ruột tình đời trắc ẩn khúc đoạn trường ly biệt, muốn gửi vào non nước đến muôn xa…
P.T.T
Người gửi / điện thoại