Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CÔNG VIÊN THỐNG NHÂT

Cầm Sơn

HƯỚNG TỚI MỘT CÔNG VIÊN MỞ

(Nhân dịp tiến tới Kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển Công ty TNHH Một thành viên Công viên Thống Nhất)

  Người ta có thể nhịn ăn một ngày, một tuần thậm chí một tháng chưa chết. Nhưng chỉ cần không được thở trong vài phút thì đã khó có cơ hội sống sót. Đó là chức năng của lá phổi trong cơ thể con người và các loài động vật. Chức năng của phổi gần giống con tim nhưng không giống dạ dày, dạ dày có thể nghỉ ngơi chứ để duy trì sự sống thì tim và phổi phải làm việc liên tục. Để phổi làm việc được thì cần có ô xy và để tái tạo ô xy trong tự nhiên lại rất cần đến quá trình quang hợp của lá cây xanh. Thành phố là nơi tập trung đông đúc, mật độ dân số lớn, lượng tiêu thụ ô xy rất cao cho nên cần nhiều cây xanh để cung cấp lượng khí thở đạt yêu cầu. Nơi có nhiều cây xanh nhất trong thành phố không đâu khác, đấy là công viên! Chính vì vậy mà công viên được ví như lá phổi xanh của thành phố.

  Ngoài chức năng chính của công viên là nơi dành cho mọi tầng lớp nhân dân đến nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc, căng thẳng. Công viên còn là một Bảo tàng lịch sử lưu giữ những dấu ấn quan trọng của đất nước thông qua những cây trồng lưu niệm của Bác Hồ, của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp và lãnh đạo các nước bè bạn anh em. Công viên là một địa chỉ đỏ cho các sự kiện về Văn hóa, kinh tế, thương mại chọn làm nơi tổ chức như “Ngày sách Việt Nam” “Lễ hội Công chúa” “Lễ hội Hoa Hồng” “Hội chợ thương mại” “Hội chợ xuân”…Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, công viên Thống Nhất là địa điểm tập kết và là nơi xuất phát của những đoàn quân ra trận, chính vì vậy mà con đường Lê Duẩn ngày nay thời chống Mỹ có tên là đường Nam Bộ. Những hàng cây, những bông hoa trong công viên đã chứng kiến bao cuộc chia ly, bao lời hò hẹn cho một ngày đoàn tụ thống nhất non sông.

   Truyền thống, bề dày lịch sử và diện tích của công viên Thống Nhất là công viên đứng hàng đầu trong số tất cả các công viên ở Hà Nội, điều đó không cần phải bàn luận. Nhưng để xứng tầm với tên tuổi ấy thì hiện tại chưa thể nói được điều gì. Những ai có điều kiện đã đi đến những nước phát triển, đã từng được ghé thăm những công viên đẹp trên thế giới như: Central Park, New York, Mỹ; Keukenhof, Lisse, Hà Lan; Roundhay Park, Leeds, Anh; Master of the Nets Garden, Tô Châu, Trung Quốc; Fort Canning Park, Singapore….khi về nước vào công viên Thống Nhất sẽ thấy cái của mình nó cỏn con, cũ kỹ, lạc hậu và xộc xệch biết chừng nào.

  Với diện tích rộng trên 50 héc ta có sẵn hồ nước, cây xanh lâu đời, vị trí và cảnh quan thuận lợi, không phải chúng ta hèn kém đến mức không thể xây dựng công viên Thống Nhất ngang tầm với những công viên đẹp trên thế giới. Nhưng điều cốt yếu chốt lại mà ai cũng có thể hiểu là muốn đẹp thì phải có kinh phí để xây dựng. Mà kinh phí thì với cơ chế quản lý hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên Thống Nhất là một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo hình thức sự nghiệp, kinh phí hoạt động chờ vào Ngân sách Nhà nước cấp, mà Ngân sách Nhà nước là tiền của dân, lấy đâu ra nhiều để xây dựng những công trình hoành tráng. Do vậy, yếu tố cơ bản để có một công viên đẹp là Nhà nước cần phải xem xét lại cơ chế quản lý công viên.

   Gần đây, người ta nói nhiều đến một công viên mở. Đó là ý kiến hay! Đã gọi là công viên thì phải mở rộng cửa để đón nhận bất cứ người dân nào thuộc bất cứ thành phần nào, cao hay thấp, giàu hay nghèo trong xã hội đều có thể ung dung, tự tại bước đi hoặc nghỉ ngơi, hoạt động trong công viên. Có người còn chi tiết đến cả việc phá bỏ hàng rào xung quanh công viên. Những suy nghĩ theo cách ấy là chưa thoát ra khỏi cái hàng rào, bởi ý nghĩa của từ “mở” ở đây phải hiểu theo một cách khác cách nghĩ ấy. Mở ở đây là phải “mở” ngay trong lòng người, từ người dân vào công viên nghỉ ngơi thư giãn đến những người lãnh đạo, những người làm công tác quản lý, bảo vệ công viên.

  Như đã nêu trên, muốn có một công viên đẹp thì phải có kinh phí để xây dựng công viên và đừng nên và đừng bao giờ nghĩ rằng kinh phí ấy lấy ra từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Mặt khác, công viên vẫn phải là một địa chỉ để ai muốn đến cũng được và không phải mua vé vào cửa. Bài toán đặt ra là vậy thì huy động nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp công viên lấy từ đâu?

   Với diện tích trên 50 ha, công viên Thống Nhất cần phải quy hoạch lại, dành một số lượng nhỏ diện tích cho mục đích kinh doanh, dịch vụ gắn với du lịch mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung của công viên, có thể là cả phần không gian ngầm bên dưới mặt đất. Những không gian ấy sẽ là nơi kinh doanh, dịch vụ để tạo ra nguồn kinh phí xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công viên. Ngược lại, khi ấy công viên sẽ trở thành một địa chỉ du lịch thu hút người cả trong và ngoài nước đến đông đảo và trong một phần số người đông đảo đến công viên ấy sẽ là khách hàng của không gian kinh doanh, dịch vụ. Khi ấy, nguồn vốn để xây dựng công viên không cần phải do Ngân sách cấp mà nó đã được trích ra từ nguồn tích tụ vốn xây dựng cơ bản tập trung của khu vực kinh doanh, dịch vụ. Ngày nay, những địa điểm du lịch nổi tiếng thực chất nó cũng có thể gọi là công viên bởi nó cũng có đầy đủ mọi thuộc tính như một công viên, ai cũng có thể đến để thư giãn, hưởng thụ không khí, cảnh quan của công viên và chỉ mất tiền khi sử dụng dịch vụ. Để có thể thực hiện được điều này, Công ty TNHH Một thành viên Công viên Thống Nhất cần phải chuyển đổi thành Công ty Cổ phần. Thời gian đầu, Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối để giám sát, điều chỉnh hoạt động của công ty đúng hướng, không xâm phạm đến không gian sinh hoạt chung và cảnh quan của công viên.

  Việc tiếp tục nâng cấp, xây dựng công viên như thế nào tôi nghĩ điều ấy không phải là bài toán cần giải. Chúng ta có nhiều kiến trúc sư giỏi lại là người đi sau, thừa hưởng thành quả và kinh nghiệm của các nước tiên tiến đi trước. Chúng ta xây dựng sau, chắc chắn chúng ta sẽ làm đẹp hơn thì chưa nói nhưng chí ít cũng đẹp được như họ. Tôi tin là như thế!

                                                                       Nhà văn Cầm Sơn

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 47
Trong ngày: 277
Trong tuần: 999
Lượt truy cập: 435654
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.