Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CON CHỮ BỐN BỀ SÓNG GIÓ

CON CHỮ BỐN BỀ SÓNG GIÓ
Truyện ngắn của Nhật Hồng
 
Tần xem đồng hồ rồi vội vã bước ra cửa, gió Nam bắt đầu thổi mạnh, anh kéo cao bâu áo, nghĩ bụng: “Nay mình dậy trễ chắc tụi nhỏ đợi lâu”, nên bước nhanh chân hơn. Tần sợ tụi nó đợi lâu chán bỏ về, sỉ số lớpcó 19 em mà có mặt chừng mười ba, mười bốn là cao, có khi vào mùa cá cácem ở nhà phụ giúp bố mẹ, lớp học chỉ còn vài đứa.
Sợ học sinh bỏ học, Tần phải đi sớm hơn 1 giờ đứng đón ở ngả ba, vì đường đi lối mòn trên hòn có ba ngả, đó là điểm giáp nhau trên đỉnh hòn. Cho nên Tần phải đi sớm để đón các em học sinh ở đó: ngả chướng, ngả nam và ngả đèn hải đăng. Sau khi đón học sinh rồi mới dẫn các em về lớp học, tan lớp về bố mẹ, hoặc anh chị cũng đứng đón “ngả ba” để dẫn con em về nhà. Ngả ba thành danh là “ngả ba đón”. Hòn Chuối không lớn lắm, các em lớn cắm đầu chạy vài ba hơi là giáp hết, nhưng sợ rắn rết các em nhỏ đi không tới nơi về không tới chốn thầy giáo không an tâm nên Tần đi trước giờ để đón. Tần cảm thấy mình có trách nhiệm với em về cái chữ, về sự an toàn cho các em. Học sinh nào vắng lâu thì Tần hỏi thăm, và có hướng để động viên ráng cho các em học được cái chữ, nếu các em có điều kiện thì học thêm các phép tính: cộng, trừ, nhân, chia là xong.
Ngày Tần ra đơn vị Biên Phòng 704, số dân chưa đến 30 hộ, số trẻ em khoảng một trăm, nhưng phần nhiều các em chưa biết cái chữ là gì? Đơn vị Biên Phòng thấy vậy năm 2004 mở lớp học tình thương trên hòn. Lớp học này phân công cho Tần phụ trách hướng dẫn. Con nít ở đây biết đi là biết bơi lội, lên năm, sáu tuổi là biết phụ giúp bố mẹ móc mồi câu, gỡ cá lưới, quanh năm suốt tháng với cá, với nắng gió. Đối mặt với khó khăn nên cái chữ ở đây vô cùng hiếm hoi. Các em không có thời giờ để học, khi đi vận động lớp học bà con lo lắng: “Nhà tui có mình nó lớn phải phụ giúp công việc mưu sinh hàng ngày rảnh đâu mà học? Mà học bao lâu mới biết chữ? Trong vòng
1, 2 tháng thì được chớ học đôi ba năm thì chắc chắn là không thể học được rồi, dốt thì chịu dốt chớ sao giờ?”3321
Ngày mở lớp có chừng 12 em, chỉ có 4 em gái còn lại là nam, đứa nào màu da cũng đen nhẻm nắng gió, lớn tồng ngồng mà chưa biết chữ A, chữ B là gì? Chừng này tuổi nếu ở đất liền các em học tiểu học rồi, Tần đắn đo: Vấn đề này, chắc mình tự vạch ra chương trình học rồi trình cho lãnh đạo biết thôi. Chớ đem sách giáo khoa của lớp một, hai ra đây các em biết gì mà học. Theo thời lượng học của các em và sự cấp bách yêu cầu của con chữ ở đây, Tần chỉ chuyên dạy đánh vần rồi sau đó ráp vần, tập đồ, tập viết. Có những em bể giọng ồ ề uốn lưỡi đánh vần A, B không rõ, Tần cảm thấy thương đời các em vô cùng. Trong những ngày phụ trách lớp, Tần có ấn tượng với một em học sinh tên Nam. Nhớ một buổi sáng nọ có em học sinh đến xin vô học cao xấp xỉ mình, em có đôi chân dài và khỏe nhất lớp. Buổi học đầu tiên Nam có vẻ thẹn thùng ít nói, ít chuyện, chỉ chăm chú nghe Tần hướng dẫn đánh vần chữ a- bờ -a- ba. Nam cố gắng đọc theo mà cứ ngượng ngập, mặc dù từ này hàng ngày Nam luôn dùng.
Vài hôm sau, giờ tan học Nam thỏ thẻ nói với Tần:
-Thưa thầy, em có chuyện này kể ra thầy đừng cười em.
-Nói đi! Thầy không cười đâu?
-Xóm em có nhỏ, bằng tuổi em mà nó biết chữ, nó viết được và đọc được tin trong điện thoại. Mới đây nó viết chữ trong tờ giấy đưa cho em và ra điều kiện em đọc được và trả lời đúng trong tờ giấy thì nó thương em. Em cầm tờ giấy lật xuôi lật ngược không biết nói gì? Em tức lắm muốn nhờ
người lớn, nhưng sợ bị người ta cười, nên đến nhờ thầy dạy cho em biết đọc được chữ trong tờ giấy đó, trả lời cho nó biết, nó ngán em thôi chớ em chưa muốn lấy nó làm vợ. Bố em nói con nít mà chồng vợ cái gì?
Tần nhìn Nam đôi mắt có vẻ thành khẩn. hỏi:
-Em có đem tờ giấy đó theo không đưa cho thầy coi.
-Dạ không? Em cất kỹ lắm, sợ bố mẹ biết được.
-Mai em đem cho thầy xem, thầy có cách giúp em.
Hôm sau Nam đi sớm đứng ở ngả ba dúi trong tay Tần miếng giấy lịch cũ, Tần mở ra xem rồi ngẫm nghĩ giây phút, nói khẽ với Nam:
-Thầy sẽ dạy cho con mười lăm ngày đọc được mấy chữ của nhỏ đó, và mười ngày sau em sẽ viết trả lời được. Tóm lại là trong vòng một tháng em có thể đọc và trả lời cho ai đó với những câu chữ ngắn, nhưng em phải cố gắng lắm mới được!
Nam gật đầu, nói:
-Em có thừa nghị lực và cố gắng!
 
Tần bắt đầu dạy Nam những vần cụ thể và thường dùng như: B- Ô- Bô- sắc- bố, A- ma- sắc- má, C- ca- sắc- cá, A- nờ- anh, E-nờ- em… Giọng Nam ồ ề cố gắng đọc chậm từng vần làm cho Tần xúc động, nói:
-Em thông minh lắm, cố lên! Em sẽ sớm đọc và viết được!
Nam lẩm nhẩm trong miệng những vần bố- mẹ- anh- em đã từng nói thường ngày mà giờ học sao thấy khó khăn và ngượng ngập.
Qua tuần lễ thứ hai Nam đã làm quen với các vần A, B, C, M nhưng qua phần tập đồ chữ, Nam chỉ đồ theo chữ viết chì nhưng bàn tay lọng cọng, run rẩy qua từng nét chữ. Nam thấy bàn tay khỏe mạnh ném đá, bơi lội khuân vác rất là nhanh nhẹn nhưng cầm cây viết sao mà khó ơi là khó. Đôi lúc Nam phải méo cái miệng, cong cái giò đề lái ngòi viết theo nét chữ.
Tần thấy vậy cười nói:
-Em cứ tự nhiên đừng méo miệng, cong giò cứ kéo theo từng nét chữ là được thôi. Nhớ một điều, đồ là bắt đầu cho nét chữ của em sau này, bởi vậy em nên đồ cho chính xác để sau này chữ em viết đẹp. Và nguyên tắc bắt đầu đồ từ chữ bên trái qua bên phải, và từ trên xuống như chữ C là phải chấm trên đầu ngoéo xuống vọng lưỡi câu, dưới đồ lên là không đúng.
Tần xem bài tập đồ của Nam, nhận ra một điều: Không biết ngày xưa mình mới đi học tiếp thu cái chữ như thế nào, giờ đã quên mất, nhưng thấy cái chữ lần đầu tiên đến với Nam bây giờ rất là khó khăn! Đọc được tâm trạng của Nam, của học trò lỡ mùa ở hòn này nên Tần ra sức hướng dẫn cho các em biết đọc, biết viết một cách nhanh nhứt. Có khó khăn mấy Nam cũng vượt qua được, một buổi tan trường, Tần đứng ở ngã ba đợi Nam, hỏi:
-Sao, giờ em đọc viết được rồi phải không?
Nam mừng:
-Dạ, được rồi, nhưng còn những chữ dài quá em không đánh vần được, như chữ ngoắc tay, chữ nguệch ngoạc.
-Hì. Hì…Rồi em sẽ biết! Đây! Em đọc những chữ này coi!
Tần móc miếng giấy lịch đưa cho Nam, đọc đi!
Nam cầm miếng giấy, miệng uốn éo đánh vần: “Anh-có-yêu-em-không?” Trời con nhỏ Cẩm Ly ở xóm nó hỏi em có yêu nó không?
Tần vỗ tay cười:
-Em đã giải mã được câu hỏi nhóc húa nhứt trong đời. Còn phần trả lời thầy để tự em tự trả lời.
-Còn này nữa thầy ơi, em nghe bọn nó chơi phây-bút gì đó, nhắn tin qua lại với nhau vui lắm! Thầy dạy cho em chơi được không?
-Được thôi, nhưng trước mắt, em viết thư trả lời cho nhỏ đó đi, còn phần chơi “phây” em đem điện thoại đến đây thầy cài cho và chỉ cho cách gõ chữ trong máy. Nếu không biết cách gõ chữ cũng không chơi được!
Nam vui ra mặt, nói:
-Vậy sướng quá! Những dòng chữ đầu tiên con sẽ dành riêng thăm thầy, rồi sau đó mới chơi với bọn nó.
Tần căn dặn:
-Mà nhớ nè “Tên người em viết hoa, tên nước em viết hoa, địa danh như Hòn Chuối viết chữ hoa đó nghen!”
-Dạ!
Ấn tượng của Tần trên hòn Chuối là như thế! Con trai con gái học vài tháng đọc được tin nhắn trong điện thoại, có đứa biết cộng, trừ, nhân chia, biết tính ra con số cân cá và bằng bao nhiêu tiền giúp cho bố mẹ. Ở Hòn Chuối có ba đơn vị trú đóng: Bộ đội Biên phòng 704, Kiểm Lâm, bộ phận Hải Đăng, tình quân dân đúng với câu “như cá với nước”. Đau ốm bệnh thì đến bộ đội khám trị bịnh, hết nước ngọt, thiếu tiền, thiếu gạo thì mượn bộ đội tới vụ làm ra được thì trả, tiền lãi rất ít. Còn dân đánh bắt được có cá ngon thì đem biếu các chú bộ đội. Cái tình đoàn kết giữa những hộ dân như một nhà, đau ốm bệnh hoạn lo cho nhau, tận tình chỉ dẫn cho nhau trong nghề đánh bắt. Hộ nào thêm nhân khẩu, hộ nào mới đến là cả hòn đều biết.
Tất cả dân cư, bộ đội trú đóng cũ mới đều biết nhau ráo trọi. Cái tình dân quí bộ đội nhứt là mỗi đợt bão về, bộ đội cho hay phát loa rất sớm cho bà con lo buộc nhà cửa, buộc bè cá, ai làm chậm trễ thì bộ đội xuống tiếp tay.
Trước đây, trên hòn vẫn còn những cái không, như: không trường, trạm, đường, điện, nhưng hôm nay đã có đủ tiện nghi, vi ti, điện thoại thông minh hiện đại nhứt hòn. Với nghề đánh bắt thủ công như câu, kéo lưới, đặt lú và mới đây thêm nghề nuôi cá bớp tạm ổm định cuộc sống, nhưng chung quy còn nghèo. Đổi lại cái nghèo, cái thiếu thốn là được cái tình, cái tình ở đây vô cùng quí giá, tình đoàn kết xóm làng, tình đoàn kết gắn bó với bộ đội không lay chuyển.
Mùa gió Nam dân hòn dời về trú ngụ bên gành chướng, mùa gió chướng dời về gành Nam, biển trùng trùng sóng vỗ, nhưng lớp học tình thương của Tần vẫn ấm áp với một thứ tình yêu không gì đổi được là cái chữ
gắn liền với cuộc sống ở đây.
                                                                                N.H
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 38
Trong ngày: 374
Trong tuần: 1079
Lượt truy cập: 435806
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.