Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CÔ GIÁO TOÁN LÀM THƠ

Phin Phạm Hồng
 
CÔ GIÁO TOÁN LÀM THƠ
 
  Phan Thanh Vân là cô gái gốc Hà Thành, chị tốt nghiệp khoa Toán Đại học Sư Phạm Hà Nội, đầu quân về làm giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, nay là Đại học Hạ Long.
   Dù là giáo viên Toán - Tin nhưng trong chị lại có một đam mê đến cháy bỏng đó là thơ. Với chị thơ là hơi thở, là niềm vui, là tiếng nói để trải lòng trong mỗi cung bậc cảm xúc. Từ năm 2006 đến nay chị xuất bản 7 tập thơ.
 
    Cầm trên tay tập thơ CỎ DẠI chị mới tặng, tôi đọc một lượt rồi hai lượt tôi thực sự nể trọng và trân quý chị bởi sự sáng tạo, sự đam mê đến tột cùng bởi những tứ thơ chị chắt lọc từ cỏ cây, hoa lá, từ giọt đêm tĩnh lặng đến ban mai bừng hoan hỉ. Chất thơ trong chị như mạch nguồn tuôn chảy không biết mỏi, chị như con tằm nhả tơ, chị gom tất cả những nỗi đời, nỗi người và cả trong thiên nhiên muôn vị, chị nhặt hết nỗi đau, nỗi nhớ trong thân phận người đàn bà cuối mùa yêu, cho nó tan chảy vào thơ. Chị thẳng thắn, phân biệt rạch ròi không giấu diếm trong tình cảm của mình. Chị nhớ thì nói là nhớ, chị yêu thì nói là yêu, chị trách cũng rất thật. Chị cũng rất khéo dùng các biện pháp tu từ, điệp từ để nhấn mạnh quan điểm về tình yêu, cuộc sống và góc khuất của người đàn bà luôn hướng tới sự thành công.
 
     Thể thơ chị viết chủ yếu là thơ tự do, thơ lục bát và tứ tuyệt. Nhịp điệu thơ có lúc vừa phải, có lúc hào sảng và đôi khi cũng có chút ủy mị, chứa chan nỗi niềm. Chị viết:
Bức họa không màu trắng trong chân thực
Rút tơ lòng giăng mắc giữa hư không
Chẳng biết ai kia có phải lòng?
   
  Một lối dẫn truyện khéo đến ma mị. Giữa hư không, huyễn ảo bảo ta nhìn, ta ngắm đến day dứt phải rút ruột ra thì bảo sao không phải lòng chứ?
Chị quan sát rất kỹ từng chi tiết rồi đặt nó vào thơ trong góc nhìn giống như nhiếp ảnh gia chọn góc máy. Với chị cái đẹp nó thuần khiết và sâu thẳm đến tận cùng, cái đẹp không phải khoe hết ra như tấm lụa đa sắc màu mà cái đẹp phải nhìn từ góc khuất.codai
Trời đất, cỏ cây, con người cũng thế
Đều lung linh khi đặt đúng góc nhìn
Trong bài Cỏ dại, chị viết:
Có mấy ai biết ví mình với cỏ
Em cũng giống anh nên ta mới gặp mình
 
   Hai tâm hồn đồng điệu, khiêm nhường trong công thức toán, trong cách giải bài khảo sát đạo hàm, rồi họ tìm thấy Sin thấy Cos và họ đã gặp nhau trên giảng đường, họ đã truyền lại cho bao thế hệ học sinh những kiến thức, những đường dẫn làm đẹp cho đời. Sản phẩm họ để lại cho đời là vô giá nhưng họ vẫn nhận mình chỉ là cỏ dại. Cái tinh túy của cỏ dại không mang một gam màu nào chủ đạo mà do tạo hóa ban cho nên dễ làm say đắm khách quan.
Trong tình yêu, chị lại cho thấy sự kích hoạt mạnh mẽ, để làm động lực, để rồi vượt khó vươn lên hoàn thành sứ mệnh của sự nghiệp trồng người. Với chị, tình yêu là vi diệu, nó làm trái đất nóng lên và tan chảy cả tảng băng vùng Bắc Cực nhiều năm ngủ yên. Tình yêu cũng thổi vào hạt giống để nảy mầm xanh. Hình ảnh ẩn dụ chị mượn từ tảng băng, từ hạt để diễn tả mới hay làm sao.
Anh bên em, những tảng băng tan vỡ
Hạt yêu thương nứt vỏ, nảy mầm xanh
 
   Trong 108 bài trong tập thơ ở Cỏ Dại thì đại đa số chỉ tâm sự cho phận đời, phận người và nói lên những cảm xúc của mình bằng những thước phim hiện hữu, trong bối cảnh mong, nhớ, dằn vặt và hối tiếc một thứ gì đó đã thuộc về mình, đã là quá khứ trong một màu mây nước, lúc ẩn, lúc hiện. Từ sâu trong tâm thức, chị vẫn canh cánh bên lòng một tình yêu, một gia đình trọn vẹn, một chốn để mà mong, mà nhớ, mà đợi chờ nhau. Giọt nước mắt trong veo, nhẹ bẫng, rơi xuống, có thẩm thấu đến trái tim người kia?
Em buồn heo hắt khoảng trời trong
Em khóc, anh ơi có xót lòng
Em nhớ, phải chăng anh cũng nhớ
Em về, anh có đợi em không?
 
   Người phụ nữ đa đoan đôi khi tưởng mình là mạnh mẽ, sẵn sàng khỏa lấp trái tim yêu để đi trên nấc thang của danh vọng nhưng rồi một lúc nào đó vẫn thấy mình còn thiếu. Yêu là bản năng sinh tồn, là thứ tình cảm mà ai cũng muốn có bởi khi yêu người ta thấy mùa xuân tràn đầy hoa nở, có khi người ta chết vì yêu, chết vì cô đơn chứ không chết vì đói. Và khi từ chối hay bước qua một tình yêu mới thấy thiếu và Phan Thanh Vân thấy thiếu như sau:
Chưa gặp anh em ngỡ mình đầy đủ
Gặp anh rồi mới biết thiếu… anh
Càng có anh, càng thấy mong manh
Cố né tránh lại thêm khao khát
 
   Trong tình bạn, tình yêu cũng có lòng hờn giận, trách nhau nhưng Phan Thanh Vân có trách khéo mà đáng yêu làm sao:
Ngỡ lòng người cũng có tôi
Vẫn tin người ấy xem tôi - người nhà
Vẫn tin người ấy chẳng xa
Thế mà người ấy đi qua… quên chào?
 
   Trong khuông trời thu đẹp đến nao lòng, tác giả ngập vào hồn thu chút bảng lảng văn chương, chút tự tình rồi thả vào đấy một men say mộng tưởng qua bốn câu thơ:
Chân đạp xôn xao thảm lá vàng
Rừng cây phớt đỏ đón đông sang
Bồng bềnh mái tóc xanh màu nắng
Ai đó cùng ta… chút muộn màng
 
   Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một miền quê yên tĩnh với cánh đồng, con sông, bến nước, cây đa, con đò và cái cầu ao. Dù đi đâu, làm gì và xa bao lâu thì một góc quê của thời thơ ấu vẫn găm lại trong ta một ký ức. Có thể là lời hẹn ước, có thể là một tình yêu đầu đời và có khi chỉ là một thoáng vu vơ tuổi học trò. Chút quê của Phan Thanh Vân đã gửi vào bông hoa cải để nó bay về trời và mang theo một thông điệp đẹp đến nao lòng. Với chị bến sông quê được chị khắc lại như sau:
Một mình trở lại bến sông quê
Hoa cải còn nghe tiếng hẹn thề
Lả lướt mây bay đằm bóng nước
Chiều buông giọt nắng đợi ai về
 
   Một chút lãng mạn, một chút tình, một chút thương nhớ và thoáng chút buồn vu vơ bên hồ Tây chiều về tĩnh lặng.
Chiều thu ngồi lặng bên hồ
Mặt trời đã tắt, lững lờ mây trôi
Giọt buồn nóng bỏng trào rơi
Nhớ thương khắc khoải nụ cười người ta!
 
   Một cách dùng tu từ và mượn hình ảnh so sánh khi mặt trời lặn xuống đáy sông, con ong hút mật, chật cả lối xưa mới thấy tác giả giỏi trong thuật ngữ quan sát không gian và thời gian. Tác giả cứ hồn nhiên đặt mình vào chỗ không có ai tranh giành hay động chạm mà trải lòng.
Mặt trời lặn xuống đáy sông
Con ong hút mật, bông hồng đung đưa
Mình ta bước, chật lối xưa
Mắt ai mới chạm, đã vừa sôi băng
 
   Trong bài Tái Sinh, tác giả lại bằng lòng với khuôn phép do chính mình tạo ra, tác giả coi cuộc sống đang hiện hữu là bức tranh vi diệu, mình có thể tự vẽ vào đấy những nốt nhạc, những vũ điệu Tango hay Rumba tùy thích miễn là nó làm tác giả vui, tác giả say và rồi hưởng thụ một thành quả ngọt bùi như mong muốn. Thông điệp mà tác giả mong muốn là đừng ai phải sống theo công thức hay một khuôn hình đã được mặc định để rồi tiếc nuối. Những điều Phan Thanh Vân thích chỉ có Trời biết, đất biết.
Mỗi việc ta làm thỏa đam mê, ước vọng
Là bức tranh, là vũ điệu tự say
Mọi rủi ro khéo chuyển thành may
Hồ lặng sóng - Ngọc - Soi trời đất
Chiếc cốc rỗng hứng từng giọt mật
 
   Và cùng với mạch thơ ấy, tác giả lại giật mình tiếc nuối những chặng đường đã qua khi tuổi đã sắp thất tuần.
Giật mình, ngoảnh lại nhìn ta
Đôi chân đã mỏi còn xa lối về
Đắm chìm trong giấc ngủ mê
Khát khao được mất lê thê tháng ngày
 
   Tác giả Phan Thanh Vân là người đam mê sáng tác, đam mê thể thao và luôn rèn sức khỏe. Nhớ năm ngoái, khi Ban Văn học - Hội Văn học nghệ thuật Uông Bí họp sơ kết. Phan Thanh Vân đã đạp xe trên 130 km từ Hà Nội về Uông Bí từ tối hôm trước, chị bảo thưởng thức cuộc đời”. Là bạn viết, là phụ nữ cùng độ tuổi với chị, tôi càng thêm nể trọng chị bởi bản lĩnh người phụ nữ đa đoan.
 
   Về thơ, Phan Thanh Vân viết rành rọt câu chữ, khéo trong dùng tu từ, hình ảnh ẩn dụ, so sánh. Niêm luật và tứ thơ không có gì để chê. Thơ Phan Thanh Vân chưa hóa thạch nhưng chạm trái tim người đọc và để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả. Chỉ tiếc trong suốt tập thơ này và cả các tập trước chị dành quá nhiều cho sự mong nhớ, tiếc thương một bóng hình đã thuộc về quá khứ - tôi cho là thế. Khi lịch sử đã qua đi thì không lặp lại, khi ta bước qua ánh hào quang thì phía trước dù là ngọn cỏ vẫn lung linh. Chúc chị thêm sức khỏe và tiếp tục cho ra nhiều thi phẩm làm đẹp cho đời./.
 
                                                                                     P.P.H
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 78
Trong tuần: 585
Lượt truy cập: 445121
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.