Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

CHUYỆN HÀI HƯỚC NGÀY THƠ...

Nguyễn Việt Chiến
 
CHUYỆN HÀI HƯỚC TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM:CHỦ THỂ ĐÒI CHUI VÀO KHÁCH THỂ?!
 
    Trong một lần dự Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tới tiết mục thả lên giời 50 câu thơ hay do Ban tổ chức ngày thơ chọn, khi tôi đang để mắt tìm xem nàng thơ nào thả câu thơ "Tôi cầm cả chính tôi lên/Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu" trong bài thơ lục bát "Cát đợi" của tôi thì một bác thơ quen biết vỗ đánh độp một cái vào vai tôi và bảo: " Thơ hay thả lên giời năm tới các ông Hội nhà văn phải chọn câu thơ này của tôi mới đích đáng:
Mấy nàng áo đỏ như mơ
Yêu ai, em đứng thả thơ lên giời
Giá như em cứ thả tôi
Vào trong váy áo...ta rồi ú tim".
   Tôi cười tán thành: "Thơ hay kiểu bút tre như bác không cần phải chờ năm sau, bây giờ bác mà chọn được em áo đỏ nào mê mẩn bác tới mức muốn thả cả bác và thơ bác vào...trong "ấy" thì tôi sẽ đề nghị Ban tổ chức duyệt liền, hehe". Bác thơ ấy cũng cười: "Năm nay chưa chọn kịp, thôi ta để năm sau! À mà câu thơ thả lên giời của ông cớ sao lại có hình ảnh "Tôi cầm cả chính tôi lên" thế là ông tự túm tóc ông nhấc ông lên khỏi mặt đất à! sao lại vô lý vậy? ".
  Tôi đành phải giải thích cho bác ấy rằng câu thơ của tôi nằm trong ngữ cảnh của chủ thể sáng tạo và khách thể phản ánh của bài thơ "Cát đợi" nên phải đọc cả bài thì mới hiểu hết nghĩa. Bác ta liền cật vấn: "Thế trong câu thơ hay nêu trên của tôi thì tôi là chủ thể còn nàng áo đỏ là khách thể, đúng không? Vậy thì chủ thể phải chui vào khách thể thì sẽ có thơ hay, đúng không? Vậy thì năm sau câu thơ tuyệt tác của tôi phải được thả lên giời, đúng không?". Tôi đành vỗ tay đồng ý. Nhưng không may cho bác thơ ấy, năm sau, Ngày thơ VN quyết định không tiến hành thả thơ bằng bóng bay nữa vì có nhiều ý kiến cho rằng việc đó sẽ làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường. Gặp nhau ở sân thơ Văn Miếu năm sau, bác thơ ứ lại vỗ vai tôi cười rất tươi: "Năm nay cả chủ thể và khách thể đều nằm im cả rồi nên tôi quyết định bắt chước ông,lại tự túm tóc mình để nhấc mình lên khỏi sân thơ xem có giống mình tự thả thơ mình lên giời hay không, ha ha?".
a6_1
 
Nguyễn Việt Chiến
 
CÁT ĐỢI
 
Cát chiều bay sẫm bến sông
Thương con đò ngược mùa đông chưa về
Lối mòn bạc cỏ may đê
Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau
Sóng đêm tự bến sông nào
Theo trăng về thức dưới màu mây xưa
Tôi hoang vu, cát hoang vu
Trăng là người khách qua đò đêm nay
Cô đơn xuống một đò đầy
Tôi chờ em phía bên này mùa đông
Cát còn bay trắng bến sông
Người còn đi trắng mùa mong ước này
Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu
Câu thơ như cát mỗi chiều
Đem theo chút nắng ấm nghèo vào đêm
12-1991
 
CÁT BỤI TRONG ĐÊM TÌNH YÊU
 
  Lời bình bài thơ “Cát đợi” của cố nhà văn-tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du) in trong tuyển tập lý luận phê bình của ông.
“Cũng tư tưởng chủ đề cát bụi, nhưng đời hơn và do đó cao cả hơn, con người là cát bụi trong đêm tình yêu. Một đặc điểm của thơ sau 1945 là có rất nhiều bài thơ dễ hay nhưng rất ít bài thơ khó hay . Thơ Tiền chiến ít nhất có ba bài thơ khó hay: Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tống biệt hành của Thâm Tâm, Nguyệt cầm của Xuân Diệu…Trong thơ sau 1945, có lẽ bài duy nhất ngang hàng với ba bài thơ tiền chiến nói trên là bài Cát đợi của Nguyễn Việt Chiến.
   Trong Kinh thánh, con người là cát bụi trước sự huyền diệu vô cùng vô tận của Thượng đế. Trong bài Cát đợi, cũng tư tưởng chủ đề: cát bụi nhưng đời hơn và do đó cao cả hơn: con người là cát bụi trong đêm của tình yêu. Như vậy, với bài Cát đợi của Nguyễn Việt Chiến, không nhất thiết phải có sự rùng mình trước Thượng đế, con người mới cảm thấy thân phận cát bụi của mình.
   Theo sự hiểu biết của tôi, tứ thơ này chưa từng có trong thơ ca thế giới. Sự trở đi trở lại của những mô – típ của chiều và đêm, đò và trăng, cát và tôi…, sự đồng nhất giữa tôi và cát (Tôi hoang vu, cát hoang vu), giữa cát và thơ (câu thơ như cát mỗi chiều), giữa thơ và tôi (tôi cầm cả chính tôi lên/ câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu), giữa tôi và em (đêm không còn ấm như ngày có em)…sự giao hoà giữa những mô- típ này đã tạo ra cho cấu trúc bài thơ một sự thống nhất hữu cơ tuyệt vời, hiếm thấy trong thơ Việt. Trong thơ tình Việt Nam thế kỷ XX, nói đến những bài thơ hay mà không nhớ đến bài Cát đợi của Nguyễn Việt Chiến thì cũng như nói đến những tác giả xuất sắc mà không nhắc đến Xuân Diệu.
                                                                                                  N.V.C

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 33
Trong tuần: 789
Lượt truy cập: 486681
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.