Đỗ Ngọc Yên
CHỐNG CHẾNH TÌNH THƠ
Nhắc đến Trần Gia Thái, nhiều người, trong đấy có tôi, nghĩ ngay rằng đó là một nhà báo hình đa năng. Có thể nói không có bất cứ công việc gì thuộc về báo hình mà Trần Gia Thái chưa từng trải qua. Đỉnh cao của cái nghề ấy là Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, thì Trần Gia Thái cũng đã gánh vác gần hai nhiệm kì cho đến lúc nghỉ hưu. Nhưng còn một Trần Gia Thái khác mà không phải ai cũng tường tận, dễ dàng nhận thấy.
Con người của công việc
“Trăng ướt” là tập thơ thứ tư, sau các tập “Lời nguyện cầu trước lửa”, “Mưa không mùa”, “Ký ức khát” được in liên tục trong vòng 5 năm trở lại đây. Như vậy, bình quân cứ một năm rưỡi Nhà thơ Trần Gia Thái cho ra đời một tập thơ. Ngược thời gian, về văn chương, Trần Gia Thái trình làng với tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi “Thành phố đáy hồ”, in năm 1982. Tập truyện này được dư luận đánh giá cao và đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Nội thời bấy giờ chuyển thể toàn bộ thành câu chuyện truyền thanh phát đều đặn trong các chương trình văn nghệ thiếu nhi, gây tiếng vang lớn. Mười ba năm sau Trần Gia Thái mới xuất bản tập truyện vừa “Hắn là tôi”, 1995. Lại bẵng đi 16 năm nữa, cho mãi đến 2011, Trần Gia Thái cho ra đời liên tiếp 4 tập thơ và “Tóc chin”, tập thứ 5, theo chỗ tôi biết đã chuẩn bị xong bản thảo, dự kiến sẽ in vào năm sau... Chỉ riêng về mảng văn chương, Trần Gia Thái cũng thuộc diện viết khỏe, có thể xếp vào loại “thợ cày” có hạng.
Nếu nhìn về thời gian xuất hiện trên văn đàn quốc gia, Trần Gia Thái không phải là người đến muộn, năm 27 tuổi, tác giả đã trình làng tập truyện ngắn “Thành phố đáy hồ”. Riêng về thơ, ngay từ khi học lớp 9, Trần Gia Thái đã có thơ in trên báo Văn nghệ Nam Hà. Nhưng phải đến khi bước vào tuổi ngũ tuần (56) mới in tập thơ đầu tay, cách đây 5 năm. Xuất phát điểm từ nghề báo hình, ngoài những tin, bài, phóng sự phát sóng hàng ngày cây bút này đã sáng tác được 10 kịch bản phim, đạo diễn trên 20 phim tài liệu, biên kịch và biên tập 5 phim truyện truyền hình. Trần Gia Thái còn tham gia các công tác quản lý kiêm nhiệm khác như: Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền hình cáp Hà Nội; Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam; thành viên Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội,... Tưởng công việc làm báo và quản lý đã quá tải vậy mà Trần Gia Thái vẫn còn kịp cho ra đời hai tập văn xuôi: “Thành phố đáy hồ”, “Hắn là tôi”, tham gia sưu tầm biên soạn “Giai thoại Nguyễn Khuyến”, “Văn hóa Liễu Đôi, Hà Nam”. Ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam bằng văn xuôi, rồi đùng một cái, lại ngoặt sang thơ với liên tiếp 4 tập, trong đó tập “Ký ức khát” đã nhận được Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam, 2015.
Hiện giờ, Trần Gia Thái đang bắt tay vào viết tiểu thuyết, vì ông quan niệm rằng: “... chỉ văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, mới có khả năng chuyển tải hết được hiện thực một cách nhất”.
Nói như vậy để thấy Trần Gia Thái đích thực là con người của công việc, bất luận đấy là việc gì miễn là có lợi cho cơ quan nơi mình đang công tác và có lợi cho xã hội là được. Có lẽ vì bản tính hay làm, lao thẳng vào công việc, nên ngay khi tập thơ “
Lời nguyện cầu trước lửa” mới ra đời, nó đã tạo nên những luồng dư luận trái chiều khá đậm đặc. Người khen có và người chê cũng có. Trần Gia Thái im lặng, không lên tiếng biện minh. Chắc anh nghĩ còn quá nhiều việc cần làm, hơn là để ý đến những chuyện bia đời miệng thế ấy. Nhưng xét ở một góc độ khác thì đấy lại là một tín hiệu đáng mừng, khi một nhà báo có thứ hạng trong làng báo chí Việt Nam, lại gia nhập làng văn bằng văn xuôi, nên tập thơ đầu tay ra đời gây được dư luận, bất luận khen hay chê, vốn là lẽ thường trong đời sống văn chương, cũng đều tốt cả. Điều quan trọng là đã có người đón đọc, quan tâm và viết ra những lời khen chê ấy. Đấy là thành công bước đầu rất đáng ghi nhận về lĩnh vực thi ca đối với Trần Gia Thái.
Góc khuất sau những thành công
Nhà thơ Trần Gia Thái sinh năm 1955 ở một vùng quê thôn dã nghèo thuộc Xã Trung Lương, huyện Bình lục, tỉnh Hà Nam, cùng quê với nhà thơ Nguyễn Khuyến. Đây là vùng đất hiếu học và rất giàu truyền thống văn hóa. Mảnh đất này chính là cái nôi dung dưỡng hồn thơ của Trần Gia Thái từ thưở ấu thơ với giọng điệu hồn hậu, mộc mạc, chân chất đồng quê, câu chữ tự nhiên, giản dị. Những mối tình thôn dã ngày xưa có khi chỉ là một ánh nhìn, một sự va quệt ngẫu nhiên hay một câu chọc ghẹo, trêu đùa vu vơ... nhưng chúng lại có sức ám ảnh đến lạ kỳ, theo suốt cuộc đời. Có lẽ vì thế mà thơ tình của Trần Gia Thái chỉ thoảng qua những phút xao lòng, những cơn say nắng, nhưng cũng đủ để người ta trân trọng và gìn giữ nó như những báu vật tinh thần của cuộc sống.
Ba tập thơ trước phần lớn là những bài thơ thuộc thể loại trữ tình thế sự, còn ở tập thứ tư này, “Trăng ướt”, Trần Gia Thái ghi rõ ngay ở bìa là thơ tình, như một tín hiệu dẫn dụ người đọc vào miền xa ngái với những hoài niệm, tiếc nuối hay khát vọng không thành. Nói về thơ Trần Gia Thái, nhà văn, nhà báo, giáo sư Mai Quốc Liên, Tổng biên tập tap chí văn chương Hồn Việt nhận xét dí dỏm: Đã có đến hai đại gia trong làng thơ là Hữu Thỉnh và Vũ Quần Phương khen thơ Trần Gia Thái. Tôi khen nữa thì là khen phò mã tốt áo ư? Tôi chỉ còn biết phục anh say thơ, mê thơ; làm Tổng giám đốc một cái đài lớn như đài Truyền hình Hà Nội, thế mà còn đủ sức trêu ghẹo nàng thơ thì quả là tài! Tôi cũng nghĩ một con người của công việc như thế còn đâu thời gian, hơi sức mà à ơi với những bóng giai nhân lướt qua đời mình, có khi vài tháng, vài năm, nhưng có khi chỉ vài giây, vài phút. Nhưng sau khi đọc các tập thơ của Trần Gia Thái, đặc biệt là tập “Trăng ướt”, tôi mới ngộ ra một điều rằng không ít những người bận tối mặt sẩm mày vì sự dấn thân và căng mình ra cho công việc như ông lại luôn để lại phía sau một khoảng trống, một nỗi cô đơn chống chếnh đến dễ sợ trong tâm hồn. Những điều ấy chính là nguồn cơn, nguyên liệu đầu vào (in put) cho những vần thơ tình vụt lóe sáng trong tâm tưởng.
Có người nói với tôi rằng, nếu không cô đơn, trống vắng, vuột tình, lạc bước trong tình duyên thì khó có thể làm được thơ tình hay. Đối với Trần Gia Thái, điều này xem ra có vẻ khá ứng nghiệm và xác tín.
“Người ấy đến và lặng lẽ đi
Giữa khoảng trống là trăng ướt
Sương tinh khiết mọc lên từ ẩn ức
Nước mắt này quá mặn và cay”...
(Trăng ướt).
Khi người con gái khiến ta phải trộm yêu, thầm nhớ, lướt qua đời mình trong giây lát rồi lặng lẽ đi không thèm đoái hoài, nhìn lại, làm ta bỗng dưng thấy chống chếnh trong tâm hồn, mà đành nuốt nước mắt vào trong, thì những giọt nước mắt ấy sao mà đắng đót, cay nồng đến vậy. Phải chăng đây là kết quả tất yếu của những mối tình đơn phương, bất chợt như tia chớp trước những cơn mưa rào đầu hạ?
Có thể nói, phần lớn những bài thơ tình in rải rác ở ba tập thơ trước và in tập trung ở Trăng ướt của Trần Gia Thái đều là những tiếng vọng dội về từ ký ức của tuổi thanh xuân, nên rất dễ gây được sự đồng cảm của bạn đọc đủ mọi lứa tuổi, nhất là đối với giới trẻ. Bởi chưng, ai trong đời không một lần đi qua tuổi thanh xuân và có ít nhất một vài mối tình vắt vai nhưng bất thành, dù đấy là đơn phương hay song phương. Với tình yêu, đơn phương hay song phương không quan trọng, mà cơ bản là có yêu nhau thật lòng hay không. Cô gái hay chàng trai ấy có làm bạn rung động tận thẳm sâu tâm hồn, khiến đôi khi làm con tim bạn trở nên lỗi nhịp:
“Người ta nói rồi sẽ nguôi ngoai
Người ta nói về da non và sẹo
Nhưng thẳm sâu câu thơ vẫn nhói
Vẫn tứa hồng từ trái tim đau
Càng nói quên càng thăm thẳm nhớ”
(Làm sao quên được).
Cái nhớ nhung, tiếc nuối trong thơ của Trần Gia Thái chỉ thoảng qua, vừa đủ để nhắc giùm ai đó chớ vội quên những kỷ niệm xưa êm đềm, chứ chưa bao giờ là khắc khoải, quằn quại, nên khiến người đọc cảm thấy chống chếnh hơn là đau buốt. Chính cái sự thoảng qua ấy nhiều khi tưởng chừng như vô hại, nhưng nó lại ám ảnh để đến một lúc nào đấy ta kịp ngoái trông thì tình xưa đã lỡ. Ở cuộc đời này yêu một người, lấy một người khác và sống bên cạnh một người thứ ba, âu cũng không phải là hiếm hoi gì. Bởi người để yêu, người để lấy và người để sống chung có khi là một, nhưng có khi lại là hai, ba... mà nhiều khi những người ấy có thể là vô tình hay cố ý nhưng cũng chỉ đi qua đời mình trong một khoảng thời gian nhất định, đủ để cho ta:
... “Se cay lạnh mắt mơ hồ
Và dâng trào vừa đủ ngẩn ngơ
Đủ đằm lại đủ mà lưu luyến
Thu đi... thu đi... bịn rịn
Ta đọng gì trong ta?...
Lại chìm vào bề bộn toan lo
Rồi quên mất đông đã về cận cửa
Trước giá rét đừng trách đông nghiệt ngã
Hãy trách mình không giữ được mùa thu!”
(Phút chuyển mùa).
Đúng thế! Quan trọng là tự con tim mình không giữ nổi được cái ấm nồng, ngất ngây của mùa thu, thì cớ sao ta lại đi trách cứ mùa đông lạnh giá.
Khách quan mà nói thơ tình của Trần Gia Thái có những phá cách về cấu tứ, cùng giọng điệu và ngôn ngữ thể hiện nhưng vẫn dễ đọc, dễ thấm và dễ ngấm như rượu quê cuốc lủi đựng trong chai nút lá chuối, rót vào chén mắt trâu, nhâm nhi từng giọt mới tận hưởng hết được dư vị của nó. Cứ đọc mãi rồi say lúc nào không biết. Thơ tình của Trần Gia Thái không giống như thứ rượu Tây cao độ, chỉ cần làm một vài chén là cháy họng nóng mặt. Ngược lại phải đọc thật chậm rãi, nhởn nha, ngẫm ngợi từng bài một thì mới thấm hết cái hương vị quê mùa đọng trong từng câu chữ, từng bài thơ:
“Chiều bỏ đi tìm hoàng hôn
Tóc đêm ai chải
Xác xơ ngày
Rười rượi
Chờ ai”
...
“Mây khói mang mang
Nỗi buồn lang thang
Hoang vu lá
Ta với ta
Hai ngả
Ngả nào cũng chập chờn nhau”...
(Hai ngả).
Hay:
“Rồi lại sáng ngày lại ngu ngơ
Lại mong lại ước lại thẩn thờ
Tôi đến sông Thương tìm lại bóng
Cất gánh vàng đi đổ sông Ngô”...
(Em là mây trắng).
Hoặc:
“Bây giờ gió bỏ rơi mây
Để đêm đen đặc để ngày thâm u
Dòng sông nghẹn khúc hát ru
Câu thề lấp mảnh trăng lu cuối trời”.
(Bây giờ em đã...).
Và cuối cùng là:
“Nhớ mái tranh nhớ mẹ già
Nhớ em ngõ nhỏ trăng tà đợi nhau
Tuổi thơ lạc bước về đâu
Trốn trong mái tóc ngả màu sương giăng”...
(Bao giờ)
Không quá quan tâm cách tân, không hậu hiện đại, cũng chẳng cần phải siêu hình thức, nhưng vẫn không ít những cái nhìn mới, những giọng điệu và những câu thơ mới, nhưng âm hưởng chủ đạo và cũng là cái được nhất trong thơ của Trần Gia Thái vẫn là những lời tâm tình thẽ thọt, chân chất. Chỉ từng ấy thôi thơ tình Trần Gia Thái cũng đủ làm cho biết bao tâm hồn, trái tim khi nhớ về kỷ niệm xưa phải xao xuyến, bồi hồi xúc động và đôi khi còn nghẹn thắt. Đấy âu cũng là những lời nhắn gửi của thi nhân đến tất thảy mọi chúng ta đừng vô cảm, vô ơn với quá khứ, với tuổi thơ khờ dại của mình, cũng đừng vì sự hanh thông, hoạnh phát trên con đường công danh, quyền chức, tiền bạc mà quên đi những điều giản dị nhất của một thời quá vãng, với những mái tranh nghèo, những con đường đất, những vạt lúa, triền đê, con sông dài uốn lượn,... lại chính là nơi đã từng nuôi ta khôn lớn nên người hôm nay. Chúc mừng tác giả của Trăng ướt của tình thơ chống chếnh./.
Đ.N.Y