Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHÓ ĐÁ

Nguyễn Quốc Hùng
 
TIẾNG SỦA CỦA CHÓ ĐÁ
 
“Làng này có nhà Thuận là sướng!”. Dẫn dắt cho câu chuyện sau đó về cái ăn cái ở của dân trong làng ngoài xã ai cũng tấm tắc lời khen như vậy. Hai đứa con trai nhà Thuận chẳng làm vương làm tướng gì nhưng học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm với thu nhập cao, có căn nhà khang trang ở thành phố để vài tháng ông bà có nhớ con cháu ra chơi vài tuần. Thế đã là mong ước không thể vươn tới được của cả cái làng nghèo khó này. Nhà Thuận hãnh diện. Nay cô con gái út vừa tốt nghiệp đại học, có được việc làm ngay ở Thủ Đô, lại nghe đâu có được người yêu là con ông thứ trưởng hay bộ trưởng gì đó, nhà giầu nứt đố đổ vách. “Phước lớn ấy nhà Thuận có được là do bà cụ Thư linh thiêng phù hộ!”
Nói xong chuyện nhà Thuận ai cũng thấy buồn thấy tủi cho mình. Giờ làng có được bãi ngô xanh mướt ở khúc sông Giải là nhờ công của bà cụ Thư. Thuở xưa đố ai có dám bước xuống mép nước khúc sông Giải của con sông Cái chảy qua làng để rửa chân chứ nói gì đến khai phá, trồng trọt. Một cái tợp của con Giải thì mất xác, một cái quẫy của nó thì công lao trồng cấy bằng không. Từ xa xưa, từ cái thời ông Vũ Trinh chép câu chuyện về con Giải trong sách “Lan trì kiến văn lục” đã là nơi hoang vắng thì nay nhìn cả một bãi phù xa đỏ au, rộng mênh mông mà thở dài, để chán nản với miếng đất phía trong đê vừa chật hẹp, vừa cằn cỗi kiếm miếng ăn không đủ.
Dân làng sống chủ yếu bằng nghề gãi hến trên sông Cái. Đã không đủ ăn, ông Giời còn đầy đoạ, phải đi xa khỏi khúc sông Giải chảy qua làng mới dám xuống nước. Năm nào mất mùa thì hến ở đâu ra nhiều vô kể, cứ như ông Giời chẳng nỡ lòng nào bỏ đói con dân của mình. Mỗi buổi xuống sông ai cũng được gánh hến nặng cong đòn gánh. Bán không hết, mỗi nhà quây một mảnh ao đổ hến xuống ăn dần. Nhà có thì cháo hến, nhà nghèo thì hến bó giò, đến bữa cắt vài khoanh chấm muối ăn. Qua năm đói, làng chẳng mất người nào.
Lại nói chuyện về nhà Thuận. Được biết lần này về dự đám cưới anh Sàng, cái Thanh sẽ có người yêu về cùng. Nhà Thuận khấp khởi mừng. Cả làng ngóng ra đê trông chừng chúng nó về lúc nào không biết.
Bà Thuận dừng lại trên đê, nhìn trước ngó sau xem có ai thấy mình. Bà rẽ vội xuống chân đê, vạt đám lá ngô cản đường đi nhanh tới mép nước sông Cái. Bà nhặt cục đất bằng nắm tay ném xuống dòng sông, ánh mắt nhìn xa xăm theo dòng nước, miệng lẩm nhẩm lời nguyện cầu. Trước hết bà cầu cho con gái mình sẽ có được người chồng vẹn tròn đủ đường. Phận gái mong manh lắm, lại một mình giữa chốn đô hội. Sau bà cầu cho anh Sàng có được người vợ như ý. Rồi bà mong cho cánh đồng ngô của làng không gặp bất ưng cho đến ngày bẻ bắp. Nếu có ai bắt gặp hằnh động này của bà hẳn sẽ nhếch miệng cười, sao thời buổi này còn có người mê muội đến thế. Với hòn đất ấy mà có thể lấp đầy được tổ con Giải. Mà nào đã ai nhìn thấy con Giải hình thù thế nào đâu mà bấy lâu nay cứ hù doạ nhau.
Thật không lấp được tổ con Giải chứ! Thế thì tại sao ngày xưa (có các cụ già chứng thực), khúc sông Giải chảy cuồn cuộn, những hủm xoáy to bằng miệng thúng, nhìn xuống chóng mặt, từ ngày bà cụ Thư rồi đến bà Thuận ném đất xuống lấp lại thì trở nên hiền hoà, bọn trẻ chăn trâu lội ùm ùm chẳng việc gì. Có người nhìn thấy con Giải rồi đấy. Xa xưa có ông Hoàng Xuân Viêm là tri huyện chứng kiến, gần đây có bà cụ Thư tận mắt nhìn thấy. Bọn trẻ bây giờ được hưởng những bắp ngô ngọt, những hạt lạc bùi, tối đến ngồi với nhau trên bờ đê chỉ biết có chuyện yêu đương chứ có bận tâm gì tới việc có con Giải thế nào. Miếu thờ Thuỷ Thần bị phá bỏ trong những năm xoá tệ nạn mê tín, dị đoan. Còn sót lại con chó đá gác cổng, ngồi hướng mặt ra sông. Người già nói, con chó đá ấy thiêng lắm, hàng đêm có người nghe thấy tiếng nó sủa để xua đuỏi con Giải. Bọn trẻ chăn trâu không tin, đố nhau ngồi lên đầu chó đá để kiểm chứng.
Việc ném đất xuống khúc sông Giải theo lời trăng trói của mẹ bà Thuận bỏ từ lâu lắm rồi. Có lẽ là từ ngày có được tấm chồng và với những lo toan cho cuộc sống gia đình. Gần đến ngày cưới vợ, chiều nào Sàng cũng tìm cớ sang nhà bà, chuyện nọ chuyện kia rồi cuối cùng là dẫn tới hỏi chuyện về cái Thanh. Ngày bé hai đứa trẻ quấn quýt, bà nói đùa, lớn lên cho chúng mày về ở với nhau. Cái Thanh ngây thơ: “Thật nhé, mẹ nhớ đấy!”. Giờ mỗi đứa đi một đường, bà dấm dứt trong lòng, chẳng biết chúng nó có toại nguyện.
- Mấy hôm nay cháu thấy chó đá sủa nhiều lắm.
- Thật thế hả cháu! - Bà Thuận giật mình khi nghe Sàng nói về tiếng chó đá sủa. - Chó đá mất đâu, lâu lắm rồi có ai nhìn thấy mà nghe tiếng sủa.
Bà Thuận dừng lời, băn khoăn về những điều sắp sửa nói ra. Bà lầm nhầm trong miệng:
- Hồi bé hình như cái Thanh nhà cô có nói chuyện, hai đứa nghe thấy tiếng chó đá sủa rộn trong đêm phải không? ... Mà bây giờ có ai tin vào chuyện này nữa đâu.
Sàng không trả lời bà Thuận, lặng lẽ đi về.
Nắm đất thứ hai nắm chặt trong bàn tay run run, bà Thuận bần thần. Trước mắt bà hình ảnh người mẹ hiện về.
Con gái làng này ngâm mình dưới nước nhiều, da đen bợt như da cá trê, đầu ngón tay gãi hến toè ra như bàn trang cào thóc. Đến trai làng cũng không cảm tình, chỉ muốn lấy vợ thiên hạ, huống hồ trai làng khác sao dám đến đây tìm vợ. Nhưng giống như chuyện đồng đất, ông giời cũng ban những điều công bằng xuống cho con gái làng này. Mỗi khi ngâm mình xuống dòng nước, tiếng hát của các cô gái lại cất lên trong vắt như những giọt sương, thánh thót như tiếng khánh đá. Tiếng hát của chim sơn ca buông lửng trên không trung, tiếng hát của các cô gái la đà loang trên mặt sông. Vạn vật ngưng mọi hoạt động lại để thưởng thức những âm thanh tuyệt vời của trời đất sinh ra. Đám trai làng bên quên việc làm, rình rập nghe các cô gái làng này hát. Và họ rình xem, bên trong lần váy thâm, áo nâu giản dị của các cô là cơ thể đẹp thế nào mà hát hay thế. Nhưng ý đồ của họ chẳng lần nào được toại nguyện. Các cô gái làng khéo lắm, lội nước đến đâu váy được cuộn cao tới đó, rồi đến áo được cuộn lên, khi nước ngập đến cổ thì váy áo đã được cuộn gọn đội trên đầu. Khi lên thì ngược lại, váy áo tụt dần xuống theo ngấn nước. Sau buổi gãi hến, váy áo của các cô không hề bị ướt mà cơ thể cũng không hề phô ra.motminh
Tiếng hát của Thư nổi trội hơn cả, như một người lĩnh xướng trong dàn đồng ca. Nhưng dạo này tiếng hát của Thư không còn cao vút lên nữa mà buồn buồn, chơi vơi giữa dòng nước.
                    Ơ ... Ơ ... Ời ...
                    Nơi xa muôn dặm nghìn trùng
                    Chàng ơi có nhớ bóng hồng lẻ loi
                    Chim kia mỏi cánh lưng trời
                    Buồn trông con cá chơi vơi giữa dòng.
                    Ơ ... Ơ ... Ời ...
                    Đâu cầu Ô Thước
                    Đâu yếm lụa đào
                    Sông sâu bắc dải cầu Kiều chàng sang
                    Ơ ... Ơ ... Ơ ...
- Chị Thư ơi, thương nhớ chàng nào bên kia sông mà buồn thế, hát bài nào vui cho chị em chúng tôi quên mệt đi nào !
Mọi người đâu có biết chuyện thầm kín của Thư.
Bên kia sông là vùng tự do. Bên này là vùng tạm chiếm. Lính tuần canh dọc bờ đê suốt đêm ngày, gọi nhau qua sông cũng chẳng dám, nói gì tới chuyện yêu đương. Cho rằng khúc sông Giải chẳng ai dám xuống, nhất là đoạn miếu thờ Thuỷ thần, nên bọn lính thường tuần tra lơi là hơn. Nhưng có một chàng trai bơi giỏi hơn cả con Giải, đêm đêm qua sông dễ dàng. Đêm thì công tác cách mạng, đêm thì sang gặp người yêu. Có một cô gái, là người xuống tận mép nước vào những đêm tối trời để đón người yêu mà không hề sợ.
- Anh không sợ con Giải bắt à ? - Hôm nào ngồi bên nhau Thư cũng lo lắng hỏi người yêu câu này.
- Con Giải không thể bơi nhanh hơn anh được, có thế anh mới gặp được người con gái đẹp và hát hay nhất vùng. - Anh cọ má vào mái tóc ướt sương đêm của Thư, hãnh diện.
- Em cũng như chị em trong làng thôi, không đáng để anh khen đâu. Anh lặng yên nghe ! Đấy, tiếng chó đá sủa đấy, anh có nghe thấy không ?
- Có. Tiếng của nó vọng âm âm như tiếng gió.
- Nếu có lính tuần đi tới tiếng sủa của nó khác cơ. Chả biết có phải, ai nghe thấy tiếng chó đá sủa thì cuộc đời rồi sẽ khổ. Chúng mình yêu nhau mà chẳng được tự do, liệu rồi có lấy được nhau không nhỉ ?
...
- Này chị Thư ơi, muốn chết hay sao mà đi về phía ấy ! - Các cô gái thất thanh gọi.
Thư đang lặng lẽ tiến dần về phía khúc sông nguy hiểm, miên man những ý nghĩ dằn vặt, đau khổ. Những giọt nước mắt âm thầm hoà vào nước sông. Nếu không có đứa con của anh ấy đang lớn dần trong bụng thì Thư sẽ đi thẳng về phía kia, để thể xác và linh hồn của mình nhập vào thể xác và linh hồn của anh.
...
Thượng nguồn mấy ngày có mưa lớn, nước dồn về réo sôi ùng ục. Con Giải không được yên, quẫy đạp thành những xoáy nước hun hút như đổ xuống vực. Ngày mai phải đi sâu vào vùng địch, chẳng biết có ngày về, anh đã qua sông để chia tay Thư. Đêm đó, Thư trao tất cả cuộc đời người con gái cho anh. Có phải vì lẽ, anh không còn là trai tân mà khi bơi trở về đã khiến con Giải càng thêm nỏi giận. Thư nhìn rõ con Giải trườn trên mặt nước đuổi theo anh. Nó phải to gấp đôi con trâu mộng, những vệt lân tinh lấp loé trên cơ thể đen trùi trũi càng khiến cái miệng ngoác rộng như cái nong của nó thêm ma quái.
Chửa hoang là chuyện tày đình, phải bỏ làng mà đi thì mới mong thoát khỏi tiếng nhục. Nhưng đứa con của Thư có cha. Khi lớn lên nó cần phải có quê hương bản quán và những người thân. Và nó cần phải biết, tình yêu của bố mẹ nó đã trải qua những lúc khó khăn thế nào mới sinh ra nó trên đời. Rồi mọi người sẽ hiểu, sẽ tha thứ cho Thư. Bàn tay gãi hến đã chai lì cũng phải bật máu khi mình Thư đẵn tre dựng căn lều nhỏ ngoài bãi hoang gần sông Giải để chờ ngày sinh con.
Chiều nào Thư cũng thẫn thờ đứng nhìn đăm đắm xuống những xoáy nước. Rồi nhặt hòn đất ném xuống. Nơi đấy chính là tổ con Giải. Thư sẽ chôn vùi cả nhà chúng để không còn làm hại ai được nữa. Những chị em cùng gãi hến không còn xa lánh Thư như những ngày đầu. Họ gánh đỡ Thư khi trở về. Thỉnh thoảng có chị ra ngủ cùng vài tối cho Thư đỡ tủi. Tâm trạng của các chị cũng trống trải, bơ vơ như Thư và cũng cùng mong ước có được một người thực sự yêu thương mình. Các chị không còn cản Thư khi lầm lũi ra mép sông Giải đứng một mình.
Từ ngày mới lọt lòng, chiều nào Thuận cũng được ra chơi trên bãi khúc sông Giải. Lẫm chẫm biết đi thì đuổi theo con cào cào, châu chấu trong đám cỏ, con còng con cáy dưới sông bò lên. Có lần lội hẳn xuống nước khiến bà Thư phát hoảng, mấy ngày sau không cho ra sông khiến bé Thuận khóc vòi èo ẽo suốt tối. Lớn lên một ít thì nhổ đám cỏ rồi mang mấy hạt lạc ra gieo. Chẳng chăm bón gì mà mấy tháng sau những cây lạc cho từng chùm củ trĩu trịt, hạt nào cũng mẩy căng. Đất ở đây chẳng của ai cả, bà Thư tranh thủ chiều mát, phát cỏ được một mảnh rộng rồi tra những hạt lạc bé Thuận trồng từ vụ trước xuống. Đất ở đây hợp với cây lạc, chỉ vài vụ hai mẹ con bà Thư sắm sửa được ít đồ đạc khiến gian lều nhỏ bé ấm cúng hơn. Những người đàn bà gãi hến trở về nghỉ chân bên miếu thờ, lắng nghe tiếng hát của Thuận bay bổng dọc theo bãi sông, khen còn hát hay hơn cả mẹ. Thấy Thuận lội ào xuống sông Giải cho rằng rồi sẽ dũng cảm hơn cả cha. Mặc dù mọi người chưa biết bố Thuận là người thế nào.
Con gái nhà quê hai nhăm, hai bảy chưa chồng đã trở thành gái già. Cũng như hầu hết chị em trong làng, hai bảy tuổi Thuận chưa có đám nào dạm hỏi. Không phải để mẹ nhờ, chiều nào Thuận cũng ra ngồi bên mép nước, ném những viên đất xuống dòng nước xoáy. Những xoáy nước bây giờ chỉ còn nhỏ như chiếc khuyên, không cuộn dữ dội như ngày xưa. Chả biết có phải, từ ngày bà Thư ném đất xuống nên mới được thế, với tâm trạng buồn vắng của đứa con gái lỡ thì như Thuận thì cho đấy là sự thật. Chả phải cuộc đời của mẹ đã toại nguyện rồi còn gì, làng xã đã công nhận Thuận có bố là liệt sĩ, mọi người lại coi mẹ như là một công thần có công khai phá vùng đất bỏ hoang thành bãi ngô, bãi lạc xanh mướt và ngôi nhà nhỏ chơ vơ của hai mẹ con cũng không còn lẻ loi nữa. Nơi đây đã thành xóm Trại.
Tiếng hát của Thuận cất lên cũng là lúc những chú chim sơn ca bay vút lên từ bãi ngô, thả vào không gian tiếng hót trong veo. Có một giáo sinh về tập sự ở trường làng, chiều nào cũng bị hút hồn vào những âm thanh dìu dặt diễn ra bên bờ khúc sông Giải, để rồi đến khi ra trường đã tình nguyện ở lại với ngôi trường của cái làng nghèo khó này. Để rồi dân làng có thêm chứng cứ khẳng định, việc làm của mẹ con bà Thư chẳng vô nghĩa.
Bà Thuận tự trách mình, có phải bà được một người chồng như mong ước, một gia đình hạnh phúc mà quên mất phần việc cỏn con trước khi về với tiên tổ mẹ đã dặn lại. Ngày nào cũng đi qua, chỉ một viên đất ném xuống mà bà cũng không làm. Có phải bây giờ người ta không tin là có con Giải, không tin là có tiếng chó đá sủa trong đêm khiến bà dần quên đi cuộc sống của gia đình đi lên cũng có phần của những viên đất tâm linh ấy. Đến khi nghe Sàng nhắc tới tiếng chó đá khiến bà lo lắng. Bà biết cái Thanh cũng có cảm tình với Sàng, chẳng qua vì điều kiện không để cho chúng gần nhau nên không nên đôi nên lứa. Mà như vậy cũng là điều may cho gia đình. Chúng nó có lấy nhau thì rồi cuộc sống lại khó khăn như bao gia đình khác trong làng.
- Mẹ ơi !
Tiếng con Thanh trên bờ đê gọi vọng xuống khiến bà Thuận giật mình. Bà chạy vội qua ruộng ngô, lá ngô cào xước má, mắt nhìn miết về cái Thanh như sợ nó sẽ biến mất mà không kịp gặp.
- Chào bác !
Bà Thuận dồn dập thở, xoắn xuýt bên con mà không để ý tới người bạn trai đứng sau Thanh.
- Này con, anh Sàng hôm nào cũng sang nhà hỏi con hôm nào thì về.
- Mẹ ! Chiều tối rồi mẹ xuống dưới đấy làm gì, không sợ con Giải bắt à ? - Thanh nũng nịu vòng tay ôm ngang lưng mẹ.
Ấy chết, bà hiểu ý con gái rồi, ai lại bỗng dưng nhắc tới chuyện ấy bên cạnh bạn trai của nó. Cái tính nhà quê là vậy, chẳng biết thế nào là tế nhị. Lúc này bà mới quay sang nhìn bạn cái Thanh. Đường xa bụi bặm thế mà mái tóc vẫn bóng mượt như vừa gội xong, quần áo thẳng nếp như một chiếc khuôn ôm gọn lấy cơ thể, đôi má bầu bĩnh, nước da trắng trẻo như chú búp bê xinh xắn. Cậu ta phải là người từ tốn lắm bởi cười chỉ thấy nhếch nhẹ bờ môi và giữ tiếng trong cổ. Ngày xưa bố cái Thanh cũng thư sinh lắm, tưởng chẳng sống nổi ở làng này. Thế mà đã qua mấy chục năm rồi, giờ ra thành phố mấy ngày đã đòi về. Con Thanh có được tấm chồng thế này bà toại nguyện rồi. Nó đang rất vui, cứ ôm rịt lấy mẹ.
- Chào bác !
- Chào anh !
Vẫn tư thế nghiêm trang, khẽ cúi đầu, cậu bạn cái Thanh gặp Sàng ở đầu làng, gặp bố cái Thanh ở trong sân khẽ cất tiếng chào, chậm rãi và kính cẩn đưa tay ra bắt. Có lẽ kiểu cách của cậu ta trịnh trọng quá khiến đám thanh niên tò mò theo bước chân của gia đình nhà bà Thuận bụm miệng cười, thì thào vào tai nhau : “Cứ như được xem phim Hàn Quốc!” Bố cái Thanh cũng gốc gác dân thành phố, có nhiều học trò đỗ đạt cao, giao lưu nhiều, nhưng lần gặp mặt này thì tính cách xuề xoà đã khiến ông lúng túng. Cái mệng lúc nào cũng hớn hớn cười, giọng nói oang oang đã tiếp tay cho sự vô duyên khi Sàng tự nhiên khoác vai cậu bạn cái Thanh như đôi bạn thân khiến anh ta ngượng ngùng. Thanh nhận ra khoảng cách giao tiếp không bình thường giữa mọi người liền đỡ cái túi trên vai bạn mình rồi giới thiệu:
- Anh Hoàng quê bên Đồng Trung đấy mẹ ạ.
- Thế à, cũng chẳng xa đây là bao. Thế cháu có hay về quê không?
- Anh ấy về luôn đấy, mấy lần rủ con về cùng, nhưng ai lại, chưa gì ...
Hoàng cười gượng, đỏ mặt trước câu nói đỡ nhanh nhảu của Thanh, quay sang hỏi chuyện đám cưới của Sàng.
- Hai đứa ra giếng rửa mặt cho mát rồi sang anh Sàng ăn cỗ luôn, tối còn nhiều việc lắm đấy! - Bà Thuận giục.
Sao hôm nay đã dọn cỗ rồi hả bác? - Hoàng ngạc nhiên hỏi.
- Ở đâu cũng vậy cháu ạ, quê cháu chắc cũng thế. Hôm nay mọi người xúm vào cho cỗ chính ngày mai, là ngày dựng rạp cũng phải có bát cơm mời, gọi cỗ cho sang thôi.
Bố cái Thanh lấy khăn mặt mới cho hai đứa. Ông ấy có thể mặc quần áo cũ nhàu đi dự hội nghị này nọ nhưng khi quan tâm tới người khác lại chu đáo, bao giờ cũng chuẩn bị đồ dùng cá nhân sạch sẽ để đón khách. Bà Thuận thấy con gái quấn quýt bên bạn trai, còn cậu ta luôn giữ một khoảng cách tế nhị, thầm nghĩ: “Nó vẫn còn nguyên cái tính của con gái làng này, chỉ sợ con trai không để ý tới mình, vồn vã thế không sợ người ta đánh giá chả ra gì”.
Bà Thuận theo hai đứa trẻ sang nhà đám, sợ đám thanh niên tếch toác cái miệng, ăn nói chẳng giữ ý làm mất lòng người ở xa về, rồi không khéo chúng lại hiểu lầm nhau. Ánh mắt của bọn trẻ nhà quê nhìn Hoàng tròng trọc, thì thầm với nhau rồi giấu mặt vào lưng nhau cười rinh rích. Hoàng đĩnh đạc, tự tin bước vào đám đông, nét mặt không thay đổi trước mọi ánh mắt đang đổ dồn về mình. Mâm cơm được dọn lên mời khách. Chẳng ở đâu lại như cỗ ở quê đây, phải có bát canh hến nấu bầu, loãng và nhạt như nước lã. Bà Thuận vào ngồi cùng mâm ăn luôn thể, chốc nữa còn phải thịt mấy chục con gà.
- Này! Mở nhạc to lên! Tiếng đám thanh niên giục nhau. Có lẽ muốn khoe mẽ với thanh niên phố.
Nhạc gì chỉ thấy xập xoèng rung màng nhĩ, bùng bục thúc vào cổ họng đến nghẹt thở.
- Mở khẽ thôi cháu ơi! Rức hết cả đầu!
- Đám cưới mà bà lão, thế mới vui! Í a ì a ngày xưa qua tám hoánh nào rồi!
Bà Thuận muốn nói chuyện với con gái mà không thể. Sàng gắp thức ăn mời mọi người mà chỉ thấy há miệng cười rồi giơ tay ra hiệu. Bát của Hoàng đầy bộn thức ăn mọi người tiếp nhưng Hoàng chỉ chấm đũa chiếu lệ. Sàng dúi vào tay Hoàng cái chén cáu chè bám vàng như gỉ sét, đựng thứ rượu màu nước hến. Hoàng chỉ dám đưa lên gần chứ không dám đụng môi nhấp. Sàng giơ chai rượu rót đầy từng chén cho mọi người giọng oang oang át cả tiếng nhạc:
- Này, ngày xưa Kít - Xinh - Giơ được ông Nguyễn Đức Thọ mời thứ rượu gạo này có một lần thế mà cứ nhắc đến mãi đấy.
Hoàng khẽ nhấc môi cười, ánh mắt nhìn vu vơ.
- Xin chén nữa chú rể! Việc tớ xong rồi, phải uống say để đêm nay còn lơ tơ mơ mới nghe được tiếng chó đá của thằng Sàng sủa ngoài bãi sông Giải. - Một thanh niên với tay qua mặt Hoàng, giơ cái chén về phía Sàng.
- Chó đá ở đâu? Chó đá bây giờ hay chó đất ngày xưa? - Hoàng đứng bật dây, gạt tay người kia hỏi giật: - Này ông gì, ở đây có chó đá cổ hả?
- Hỏi chú rể khắc biết! - Người kia chỉ tay sang Sàng.
Ánh mắt Hoàng trở nên lanh lợi. Thanh nghiêng người tránh thân hình của Hoàng nhoài qua trước mặt mình. Thanh thấy khó chịu, nhăn mặt. Bà Thuận thấy vậy dừng đũa, kéo con gái ra cầu ao, xắn tay áo ngồi vào cùng với mọi người vặt lông gà.
- Hai đứa thế nào rồi, con? - Bà Thuận biết mình hỏi con câu hỏi không phải.
- Chúng con đã là gì thân thiết quá đâu mẹ. - Thanh lùng túng trả lời
- Thế mẹ tưởng dẫn nó về giới thiệu với gia đình.
Bà Thuận thấy ánh mắt con gái trở nên buồn. Bà hỏi cũng là để tháo gỡ những bất trắc bỗng nảy sinh trong ý nghĩ của mình. Nên mừng con gái mình có được chàng trai con nhà danh giá hay nên lo vì một lý do gì đó về con người cậu ta mà bà chưa lý giải được.
- Chúng con chỉ cùng trong nhóm bạn thân thôi. Anh ấy muốn về thăm quê mình, con cũng chẳng biết ý tứ của anh ấy thế nào.
- Thế hả! - Bà Thuận nén tiếng thở dài.
Bà Thuận chưa kịp hỏi thêm chuyện con gái thì có tiếng Hoàng gọi giật:
- Này Thanh! Lại anh hỏi chuyện này!
Hoàng khoác tay Sàng như lôi về phía Thanh. Bà Thuận thấy chuyện không bình thường đứng dậy cùng con gái.
- Anh Sàng nói em biết chó đá ở đâu?
- Em chả kể với anh, chó đá mất lâu rồi còn gì. Mà có chuyện gì anh cứ rối cả lên thế!?
- Anh cần tìm một con chó đá cổ. Anh Sàng bảo còn. Anh mang ra đây, nếu đúng chó cổ tới trăm triệu tôi cũng mua.
- Ở nhà anh, em thấy xếp đầy vườn chó đá rồi đấy thôi.
- Đấy là chó làm thời nay. Anh đưa chó cổ ra tôi nhận được ngay. Lớp đánh bóng bây giờ sờ vào không có cái lạnh của năm tháng bào mòn trên mặt đá.
- Anh giấu chó đá à? - Thanh quay sang hỏi Sàng.
- Ừ, vứt lăn lóc ở chân đê thấy tội cho nó quá, anh giấu đi để khi nào em về quê chơi còn được nghe thấy tiếng nó sủa. Anh vẫn để ở miếu, cỏ lấp lên mà không ai nhìn thấy.
- Tôi mua là muốn gìn giữ một cổ vật linh thiêng chứ chẳng buôn bán ra ngoài. Chó đá thì sao mà sủa được nhưng rồi sau này Thanh ngắm nó sẽ thấy giá trị lưu truyền của kiếp người.
- Anh để cho Thanh quyết định, nếu em cần anh có thể cho không.
Thanh không trả lời, rân rấn nước mắt nhìn bộ mặt lọc lõi của Hoàng và vẻ mặt ngây ngô của Sàng rồi bỏ chạy về nhà. Bà Thuận bỏ việc lại cho mọi người về cùng con gái. Bà nằm xuống cạnh, ôm qua vai con. Người Thanh lạnh và run như lên cơn sốt. Ngay từ lúc gặp Hoàng bà đã thấy đó là con người giả tạo, không tin tưởng nhưng bà cố gạt ý nghĩ đó đi để chiều lòng con gái. Bà tặc lưỡi, dân quê mình cứ hay vơ vào.
- Mẹ trách con hả mẹ? - Thanh hiểu lầm ý mẹ, quay lại hỏi.
- Không phải đâu con. Sống trọn đời ở quê mà mẹ đã nghe thấy tiếng chó đá sủa thế nào đâu. Có lẽ có được bố con, có các con, hạnh phúc của mẹ trọn vẹn quá cho nên việc ném nắm đất xuống sông Giải theo lời bà dặn cũng quên, nói gì lắng nghe tiếng chó đá sủa trong đêm. Ngủ đi con, ngày mai còn phải đi đón dâu, anh Sàng nhờ con việc gì đấy.
Tiếng nhạc đã tắt từ lâu nhưng tiếng chuyện trò râm ran, tiếng dao thớt rộn rã bên nhà Sàng vẫn còn vọng. Bà bứt rứt, không sang bên ấy sợ mọi người lại trách nhưng sang thì lại lo cho con gái.
Thanh đâu có ngủ được, thấy mẹ nằm yên nghĩ rằng mẹ đã ngủ, cô khẽ vén màn đi ra ngoài.
Nước mắt bà Thuận lăn xuống gối. Tội nghiệp cho con gái, nó cũng có tâm trạng như mình, cố quên đi chuyện vừa xảy ra để sang vui với bạn bè. Bà nằm rốn thêm chút nữa rồi mới trở dậy. Đi ra đến cửa, bà gặp Hoàng hốt hoàng chạy về.
- Thanh đâu rồi bác? Cả anh Sàng nữa, không ai thấy đâu!
Bà Thuận không để ý tới thái độ của Hoàng, lắng tai nghe tiếng vọng trong đêm đang ngân lên. Đâu đó trong không gian tĩnh lặng có tiếng âm âm như tiếng gió bập vào ống tre. Hình như là tiếng chó đá sủa ngoài đê. Tiếng sủa thực thực, hư hư. Bà Thuận lặng lẽ đi ra ngoài sân, bỏ mặc Hoàng đứng ngẩn ngơ giữa nhà. Hình như từ lúc về tới đây, anh ta là người lạc lõng trên mảnh đất này.
 
                                                                               N.Q.H
 
 
                   
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 34
Trong ngày: 100
Trong tuần: 1140
Lượt truy cập: 436647
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.