Phạm Văn Đoan
CHIỀU XƯA
Tiếng mưa nhẹ nhàng như thổi
Đậu mềm vạt cỏ bên thềm
Tiếng ai thì thầm như hỏi
Lay về động thuở chiều êm…
*
Chiều xưa ơi! Chiều đã qua
Đưa ta vòng về dĩ vãng
Mưa xuân giăng đầy trời vắng
Nụ hoa chưa kịp dịu dàng
Chiều xưa ơi! Chiều chưa xa
Vẫn còn nguyên ta một thuở
Hồn nhiên như không như có
Chồi xanh chớm độ dậy thì
Chiều xưa ơi! Chiều đã vắng
Thật rồi hoang trắng tâm tư
Tiếng thầm thoảng trong hơi gió
Chiều nay chẳng có mưa về
*
Như còn vương vất đâu đây.
Lời xưa chen vào nỗi nhớ
Hẹn chưa mà như đã lỡ
Vọng về thăm thẳm chiều xưa!
Cố nhà thơ Phạm Văn Đoan
LỜI BÌNH CỦA THANH THẢO
Tôi thoáng chút ngỡ ngàng khi đọc bài thơ “Chiều xưa”. Vì tôi nhớ, có một lần tôi gặp tác giả của nó-nhà thơ Phạm Văn Đoan-như còn hiện trước tôi một người đàn ông thật thà, nói chắc từng tiếng, và không hứa hẹn gì sẽ có những câu thơ tinh tế cả. Vậy mà Phạm Văn Đoan đã có cả một bài thơ tinh tế. Cổ điển đến từng câu từng chữ. Mà cứ đương đại. Cứ nao lòng người đọc. Bài thơ ấy như sắc đẹp một cô gái đã qua tuổi trăng tròn từ lâu, như đã là thiếu phụ, vậy mà cái xuân sắc kín đáo cứ hút người khác phái, buộc người ta phải “len lén tâm tư” ngắm nhìn trong ngưỡng mộ. Vâng, không phải nhà thơ nào cũng viết được một bài thơ sáu chữ giản dị mà thấm thía như thế này. Bản thân tôi cũng tự thấy mình khó viết được như thế, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn làm thơ sáu chữ, và rất yêu cái phong vị cổ điển đặc hiệu Việt Nam của thể thơ này. “Mưa xuân giăng đầy trời vắng/Nụ hoa chưa kịp dịu dàng/”, hai câu thơ lành sạch mà phảng phất trong một không gian mở, trong một thời gian không xác định. Là xưa hay là nay ? Xưa thì đã có Ức Trai vĩ đại:
“Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
Nước mấy trăm thu còn vậy
Nguyệt bao nhiêu kiếp vẫn rày
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay!”
(MẠN THUẬT (số 4) của Nguyễn Trãi)
Thơ 6 chữ mang hồn Việt đến tận cùng như thế, nhưng tới Nguyễn Trãi, nó lại hiện đại cũng tới mức khó ngờ! “Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/Trông thế giới phút chim bay/”. Chữ dùng kỳ lạ, “phút chim bay” là phút nào ? Và “chiều hôm dắt tay” là “dắt tay” ai ? Nói như thế để thấy, với thơ cổ điển Việt, nếu chúng ta biết khai thác và thể hiện cho thật hay, thì đừng lo rằng thơ ấy không “mô-đéc”, thơ ấy không cập nhật tốt với thẩm mỹ thơ đương đại. Trở lại với bài thơ Phạm Văn Đoan. Tôi không nghĩ rằng Phạm Văn Đoan không học tập được từ thơ của những nhà thơ đi trước, cũng như biết những “thoáng kết nối” mà nhà thơ “sồn sồn” Phạm Văn Đoan “internet” được với những nhà thơ chưa biết internet là gì. Điều hơi buồn…cười, là bản thân Phạm Văn Đoan cũng…không biết internet luôn! Điều đó là đáng tiếc, nhưng đối với thơ, nó cũng không tác hại gì nhiều đâu! Có khi, càng giỏi internet thì thơ lại càng…dở. Và nhiều khi ngược lại. Tôi không hề ủng hộ những nhà thơ không dùng được internet, nhưng tôi cũng không bao giờ tin internet có thể làm cho thơ…hay hơn. Vậy thì, xin hãy yên tâm, hỡi những nhà thơ Việt không biết dùng facebook hay cứ suốt ngày lang thang trên mạng internet!
“Tiếng thầm thoảng trong hơi gió
Chiều nay chẳng có mưa về”
Mộc mạc lắm, mà thấm thía lắm! Tôi nghĩ, Phạm Văn Đoan đúng là “Người Việt làm thơ Việt” theo kiểu “ Người Việt dùng hàng Việt” vậy.
T.T