Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHIỀU VÀNG

Nguyễn Quốc Hùng
 
CHIỀU VÀNG
 
   Nóng há mồm. Mặt sông như nồi xông, bốc nóng ngàn ngạt. Bà thong dong chèo chiếc mủng nhỏ như chiếc lá, nắng chiều nào che chiều ấy, cũng phải há mồm thở như cá ngáp. Thương mấy lão bốc xếp, sàn sà lan nóng như miếng sắt nung vẫn phải vục mặt xuống làm hàng. Vào ca, chưa làm quần áo bảo hộ đã đẫm mồ hôi, bết chặt lấy người. Lúc làm, quần áo bụi bẩn như bị trát bùn vẫn phải đóng đủ bộ, không sẽ bị an toàn viên phạt.
Xưa, ông làm bốc vác cảng, khi làm chỉ quần đùi ở trần, sợ hỏng quần áo. Nay ông nghỉ hưu, còn bà vẫn bán dạo nước giải khát, rau củ quả dọc sông Cấm.
   Sao ông lại lấy bà? Nhiều lần bà bắt ông trả lời câu này nhưng ông chỉ ậm ừ, cười lảng tránh. Lần đầu hỏi câu này khi ông ngoài ba mươi tuổi, ngượng ngùng như trai mới lớn. Ông là người không thích bộc bạch nội tâm.
   Trước khi gặp ông, bà lấy mủng làm nhà, đón hàng phi pháp tuồn ra từ các nhà máy, bến cảng, nhiều lần nhảy lên cầu cảng trộm cắp hàng hóa. Nhưng chuyện bán đời con gái lấy đồng tiền nhèm mồ hôi, bết dầu mỡ của bốc vác, thủy thủ thì có trời chứng giám bà không bao giờ. Còn một người nữa làm chứng, đó là ông ấy. Nhưng chắc ông chẳng bao giờ nói chuyện này với ai.
    Lần đầu bị “tai nạn nghề nghiệp” cũng là lần đầu bà nhận được những câu thương cảm của đàn ông. Bà nhẩy lên cầu cảng trộm hàng bị bảo vệ đuổi, cứ sắt sáu quất vào người, dứt da dứt thịt. Bà đau, nằm tướp tơ như đống dẻ lau bết dầu máy trên chiếc mủng bỏ buông trôi. Kịch! Mủng va vào bãi đá, dừng lại. Ông đang ngồi ngắm trời chiều gặp vậy bế bà vào nhà, cho ăn cho ngủ mấy ngày. Bà đỡ đau, chào ông để đi. Ông níu lại “Còn đau thế, ở lại vài ngày nữa!”. Cuộc sống lang bạt sông nước khiến bà sợ, cũng muốn ở lại, nói gượng “Nhà tập thể, còn người khác.” Nói thế nhưng bà vẫn ở lại.
  Gian nhà tập thể ba mươi mét vuông được phân cho ba người độc thân. Ông Hay lấy vợ, ngăn một phần ba bằng tấm cót thành gia đình riêng. Ông nhường giường cho bà còn ông trải mấy tấm gỗ kiện hàng nhặt ngoài cảng làm chỗ nằm, ngay dưới chân bà.
   Mấy hôm sau, ông rụt rè hỏi “Lấy tôi được không?” Bà cười đến mức xương sườn nhói đau, nói đùa “Nằm mấy tấm gỗ cập kênh đau lưng quá muốn lên nằm chung à”. Ông đỏ mặt, không nhắc lại lời đề nghị này. Nhưng đến hôm bà quyết định ngỏ lời ngược lại là vì nhìn thấy những dòng mồ hôi loang chảy trên tấm lưng trần của ông như vết sên bò trên tấm gỗ mục, thấy thương. Bà muốn gánh đỡ cái cực nhọc của lão bốc vác hiền như cục đất.hhscam
   Suốt chiều nóng há mồm. Đến khi mặt trời tròn vạnh, đỏ như cục than hồng mệt mỏi lăn xuống tới ngang cầu Bính cũng là lúc dưới lòng sông Cấm xuất hiện một mặt trời nữa. Vầng mặt trời dưới lòng sông thổi bùng lên trần gian ánh vàng rực rỡ, dát những sợi bạc lấp lánh lên đầu gợn sóng, gọi gió mát về. Trời chiều huyền ảo. Vào những buổi chiều thế này, khi về tới ngã ba sông, bà buông tay chèo, thảnh thơi hít thở sắc chiều vàng. Kịch! Mũi mủng va vào bờ kè. Bà cố tình va mủng để tiếng “kịch!” vang lên. Tiếng của quá khứ vọng lại khiến bà thấy cuộc đời thật bình an.
   Sau khi lấy nhau, ông bắt bà bỏ công việc trước đây, chuyển sang bán hàng dạo trên mủng. Lúc đầu bà không muốn, bán dạo thế được là bao, cuộc sống còn thiếu nhiều thứ. Nhưng nhìn những bàn tay tranh nhau chiếc cốc, bụi xi măng rơi lả tả vào xô nước bà mang lên, xô nước cạn nhanh chóng, đọng dưới đáy lớp cặn đen, bà quyết sẽ làm công việc này đến khi nào không còn đủ sức chèo hoặc không còn bến cảng mới nghỉ.
Bà nhiễm thói ngắm trời chiều từ ông ấy. Ngày xưa, chiều nào sau ca làm ông cũng ngồi trên cầu cảng ngắm chiều vàng rực rỡ. Về hưu, chiều nào ông cũng ngồi tựa cửa đắm mình trong sắc chiều. Nhiều lần bà muốn về sớm, cùng ông ngắm trời chiều nhưng không dám thực hiện. Bởi, khi còn trẻ bà ngại người ta sẽ dè bửu, loại ăn no vác nặng cũng học đòi thói phong lưu, còn nay già rồi ai lại thế.
Bà đứng lên, nhìn qua khe hở hàng lan can bờ sông.  Ông ấy đâu rồi? Cửa nhà đóng kín. Có chuyện chẳng lành với ông ấy sao?! Bà buộc vội dây neo. Chiếc mủng chao đảo. Chưa kịp nhẩy lên bờ đã nghe thấy ông gọi.
- Có chuyện gì mà vội thế, bà nó?
- Ông làm tôi hết hồn. Sao hôm nay lại sang tận bên này?
Ông hất hàm về phía nhà mình, ánh mắt bực dọc thay cho câu trả lời. Bà nhìn sang đường. Quán bia mới mở, khách ngồi tràn sang cả cửa nhà mình, tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa thùng như đấm vào ngực.
Ông đến cạnh, nói:
- Bà có biết chủ quán ấy là ai không.
Chỉ nghe tiếng nhạc cùng tiếng hò hét của dân nhậu kia bà cũng biết chủ nhân của quán ấy là người thế nào.
Ông nói luôn:
- Là thằng Dũng con ông Hay đấy.
Cái tên ấy không khiến bà bất ngờ. Ai chứ, nhà ấy gần ba chục năm nay không gặp nhưng bà không thể quên. Ngày ông bà làm mâm cơm mời hàng xóm tới dự buổi tuyên bố hai người là vợ chồng, thằng Dũng hai tuổi, béo chũn chĩn, trắng như hòn bột xà vào lòng, bà bế nó lên thơm vào cặp má phinh phính của nó. Mùi thơm của da thịt đứa trẻ bà chưa kịp hít hà thì thằng Dũng bị giật khỏi tay.
Mẹ thằng Dũng ngoay ngoảy bế con đi. Những ngày sau, mỗi khi bà đến gần thằng Dũng lập tức mẹ nó vội bế con ra xa. Nửa năm, mỗi nhà cách nhau chỉ một tấm liếp mỏng bà không hỏi thăm hàng xóm được một lời. Họ tránh bà như tránh hủi, sợ lây sang con trẻ. Gần mặt cách lòng.
Ông bàn với bà:
- Đầu ngõ còn đám đất trống, mình quây tạm một đám.
- Vâng, mai em xin chúng nó ít gỗ hòm, giấy dầu nhặt nhạnh ở cảng về làm tạm.
Hôm sau, vợ chồng ông Hay chủ động gặp ông bà đề nghị:
- Để nhà tôi ra ngoài ấy, ai lại vợ chồng mới cưới ở lều. Ông bà cùng ông Bê đỡ cho tôi ít tiền dựng căn nhà cấp bốn là được.
Ông Bê tiếp lời:
- Đất ngoài ấy còn rộng, tôi chưa vợ con, thêm cho tôi tí nữa được không?
Từ lâu ai cũng muốn chạy trốn khỏi gian nhà tập thể tận mom sông, khuất nẻo cuối con ngõ nhỏ. Ông bà xuôi, chạy vạy bù cho gia đình hai đồng nghiệp. Chắt bóp gần chục năm sau mới trả nợ xong.
Mặt trời đã chìm xuống sau mái phố. Bóng tối ẩn nấp trong các lùm cây đến lúc ùa ra chiếm lĩnh bầu trời. Bia đã ngấm, tiếng chúc tụng càng khí thế hơn. Cho thêm hào nhạc nữa, tiếng dân nhậu đề nghị. Tiếng nhạc thành tiếng bom dội, uỳnh uỳnh.
Có thế nào thì vẫn phải về nhà. “Tôi phải nấu cơm từ sớm để đi tránh nhạc, bà cố ăn” Miếng cơm lạnh, rắn như sỏi, ông bà cố nuốt cho xong bữa. Ông suýt buông rơi bát bởi tiếng nhạc bỗng ùa vào nhà như cơn lốc. Người khách lạ tự đẩy cửa vào, tiến tới chỗ ông bà như thể hắn ta là chủ nhân ngôi nhà. Hắn ta nhìn đôi mắt đầy thắc mắc của ông bà, tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Hai bác không nhận ra cháu thật à?
Không nhận ra thật, đôi mắt của ông bà nói với vị khách như vậy. Hắn ta tự giới thiệu:
- Cháu Dũng con bố Hay đây, ngày xưa ...
Thằng Dũng đây ư?! Không còn là thằng bé chũn chĩn, trắng như hòn bột mà là một thanh niên gầy quắt queo, da đen sắt, dáng vẻ bặm trợn.
- Biết rồi, sang thăm hay có chuyện gì? – Ông lạnh lùng hỏi Dũng: - Ra đóng cái cửa vào đã, già rồi tai điếc.
Dũng quay ra đóng cửa, quay lại không rào trước đón sau vào chuyện luôn:
- Cháu nói luôn. Cháu sang đặt vấn đề mua lại nhà bác. Nhà bác sập xệ nhưng cháu sẽ trả giá thỏa đáng.
- Ngày xưa bố mẹ anh chê nhà này là nhà hoang cơ mà.
- Thì đâu có biết thành phố mình thay đổi, cải tạo bờ sông, nhà hoang thành hai mặt phố.
- Anh về đi, tôi không bán! - Ông trả lời dứt khoát.
- Nói trước, cháu tạo điều kiện hết mức, nếu hai bác chơi khó sẽ thiệt đấy.
Đã có nhiều người muốn mua lại căn nhà cũ kĩ này nhưng ông bà không đồng ý. Bởi cứ nghĩ tới phải xa chiếc mủng, xa những người công nhân ngửa cổ uống đến tê họng những cốc nước mát bà mang lên và xa những buổi chiều vàng rực rỡ trên dòng sông Cấm ông bà thấy nao lòng. Bà thủ thỉ, mình già rồi ăn ở hết là bao. Con mình cũng mong bố mẹ sống tâm an. Cả đêm hai ông bà không ngủ được. Nghĩ tới mối quan hệ xóm láng ngày xưa khiến bà chấp nhặt, dứt khoát là không bán. Nhưng còn câu đe dọa của nó khiến ông bà thấy bất an.
Sáng ra, thằng Dũng đứng chờ sẵn ở cửa. Nó đổi giọng, căng thẳng:
- Ông bà không biết điều, tôi nói thẳng, ngày xưa xí nghiệp phân nhà tập thể này cho ba người, quyết định dấu đỏ tôi còn giữ, xuất của ông Bê không thành vấn đề, coi như xong.
Ông giận dữ lớn tiếng:
- Láo! Sau này thanh lý cả bố mày với ông Bê không có ý kiến gì.
- Luật trọng chứng. Chứng cứ nào ông bảo bố tôi với ông Bê đồng ý. Tối tôi đưa hai ông ấy tới đối chứng. Tôi sẽ đưa việc này ra pháp luật, coi chừng ông bà mất không.
Sau trận sóng đời lần trước bà gặp được ông, liệu trận sóng đời này ông bà sẽ ra sao. Chiếc mủng hôm nay không được rời bến dụi đầu vào bờ đá, buồn.
Mặt trời tròn vạnh, rực đỏ vừa lăn tới ngang thân cầu Bính thì ông Hay cùng ông Bê đã đến. Ông bắt tay đồng nghiệp đã lâu không gặp lại, lòng trĩu buồn. Hai ông ngắm nghía ngôi nhà cũ kĩ, gật gù:
- Vẫn như mấy chục năm trước, còn chắc chắn lắm.
- Của bền tại người mà.
- Theo tôi, đề nghị thành phố xếp hạng cho nhà này để lưu giữ một thời nhà tập thể công nhân.
Nhìn ông bà cười buồn, lảng tránh câu nói vui của mình, ông Bê hỏi:
- Con cái không đứa nào ở với ông bà à? Chắc chúng nó không có máu kinh doanh.
- Vâng. Các cháu đều ở xa, đứa nào an phận đứa ấy rồi. Có lẽ chúng tôi nhượng lại cho cháu Dũng, cháu nó trả bao nhiêu cũng được.
Bà tiếp lời ông:
- Chúng tôi muốn cuộc sống tâm an.
- Ông bà sống ở đây thấy tâm an thì cứ thế mà sống. - Ông Hay nói.
- Ông Hay nói thế ông bà không tin phải không? Lúc đến đây thấy hai ông bà bần thần đứng ngắm trời chiều, chúng tôi quyết thế rồi. Ngày xưa còn trẻ muốn bon chen, bây giờ già rồi mới nhận ra, muốn được sống như ông bà.
- Trước đây ông cứ nói sắc chiều vàng rực rỡ trên sông Cấm tôi chẳng thấy thế. Bây giờ thì đúng thật. Có muốn nhẩy xuống sông bơi như ngày xưa sau ca chiều cũng không được, già rồi.
 
                                                                       N.Q.H
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 15
Trong tuần: 750
Lượt truy cập: 449351
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.