Lê Xuân Nguyên
CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG
SÂU NẶNG ÂN TÌNH (Hồi ký)
Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua cùng nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường biên giới Tây Nam. Có rất nhiều thương binh, liệt sỹ đã hy sinh và mang trên mình nhiều thương tật.
Đây là một trong những câu chuyện kể về những chiến công lừng lẫy ấy mà người thương binh 4/4 đã kể lại.
Đó là câu chuyện của Nguyễn Văn Thắng trong thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam chống lại bọn Pôn Pốt – Yêng xa ri còn in đậm trong tâm trí anh.
Thắng kể: Thắng sinh ngày 21/12/1957, quê ở Quảng Ninh địa đầu đất nước.
Trong những năm 1974-1975 chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn cuối, lúc đó Thắng đang học 8/10, nghe bạn bè và người lớn truyền lại nhau: “Không đi bộ đội bây giờ, mai giải phóng miền Nam vào không có ống bơ để nhặt”.
Thế là Thắng cùng một người bạn thân viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Viết xong rồi không biết gửi cho ai. Đọc lại Thắng thấy không được. Viết đơn tình nguyện phải viết bằng máu chứ thì người ta mới nhận và phải đem đến UBND xã mới được. Thắng và bạn lấy kim châm vào đầu ngón tay cho máu chảy ra để viết và gửi cho UBND xã Cẩm Bình nơi Thắng ở.
Chờ mãi, chờ mãi, học hết học kỳ 1, đùng một cái Thắng nhận được giấy báo nhập ngũ.
Ngày 20/02/1975 tức ngày 10 tết năm đó. Thắng mừng quá: Thế là được đi bộ đội rồi.
Khi đó Thắng mới tròn 17 tuổi.
Bố mẹ Thắng rất bất ngờ. Bố Thắng không nói gì cả mà chỉ nhìn Thắng từ đầu đến chân. Còn mẹ Thắng, trước khi Thắng lên đường bà đã chuẩn bị cho Thắng một nắm cơm từ chiều hôm qua và nói với anh một câu “Con đi ráng bằng chị bằng em con nhé”. Rồi mẹ quay đi lau nước mắt. Lúc đó trong trào dâng sôi sục tinh thần giết sạch quân thù giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nên anh không để ý gì nữa mà chỉ vừa vẫy tay vừa chạy theo đoàn quân cho đến khi không còn nhìn thấy dáng mẹ nữa.
Ngày 26/4/1975 theo đoàn quân thần tốc mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh có mặt tại chiến trường miền nam và được biên chế vào lữ đoàn 22 binh chủng tăng thiết giáp quân đoàn 5. Về đơn vị mới Thắng được đơn vị cử chức vụ chăn heo cho tiểu đoàn với 100 con cả heo mẹ lẫn heo con. Thắng buồn lắm: “Thế là hết rồi không biết bao giờ mới được cầm súng diệt giặc để bảo vệ tổ quốc”.
Thế nhưng hàng ngày Thắng vẫn chăm chỉ chăm nuôi đàn heo của mình luôn béo tốt và ngày một tăng thêm quân số lên đến 150 con.
Chiến tranh biên giới xảy ra, Bọn Pôn Pốt Yêng xa ri kéo quân qua biên giới Việt Nam Campuchia. Chúng đốt phá nhà cửa, giết hại dân thường, gây biết bao tang tóc đau thương cho đồng bào ta ở vùng biên giới.
Tháng 7/1977 anh cùng đoàn quân được điều lên biên giới chiến đấu bảo vệ nhân dân. Đơn vị anh đóng quân tại xã Gia Bình huyện Trảng Bảng tỉnh Tây Ninh một thời gian ngắn sau, đơn vị hành quân đến ấp Rừng Dầu xã Tiên Thuận huyện Bến Cầu. Đến nơi, nhà cửa tan hoang, những căn nhà bị giặc Pôn Pốt đốt còn trơ lại những cây cột đen thui, cháy xám nghiêng ngả. Lâu lâu mới thấy một bóng người dân, họ ở lại để bảo vệ tài sản, nhà cửa của mình, còn gia đình đi sơ tán hết.
Lòng căm thù trào dâng trong Thắng…
Những trận chiến không thể nào quên, bắt sống tù binh thu vũ khí lần đầu tiên tại chiến trường biên giới Tây Nam.
Thắng kể tiếp: Ngày 26/10/1977, đơn vị anh bắt đầu tham gia trận đánh đầu tiên với quân Pôn Pốt. Sau lần chạm trán với giặc, đơn vị có một kinh nghiệm mới. Toàn đơn vị rút hết về nơi xuất phát củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm.
Ngày 4/11/1977 Thắng được biên chế vào chiếc xe tăng: 058 đại đội 6, tiểu đoàn 3. Trên xe có 4 người cả Thắng (vì lúc đó xe chưa gắn được ĐKZ). Cấp trên quán triệt trên toàn mặt trận biên giới Tây Nam: “Nếu đồng chí nào bắt được quân địch làm tù binh để cho cấp trên khai thác thì sẽ được cho phép về thăm gia đình”.
Trước giờ nổ súng từng thành viên trên xe mỗi người có một luồng suy nghĩ khác nhau, nhưng đều chung một điểm là: tiêu diệt hết quân thù, bảo vệ sự bình an cho nhân dân.
Trận đánh nổ ra. Sau 30 phút, pháo của mặt trận khai hỏa, bộ binh và xe tăng xông lên, 8 giờ sáng cùng ngày , chiếc tăng 058 của Thắng do đồng chí Cường lái và chỉ huy theo đội hình chữ V tiếp cận mục tiêu và vượt lên trước bộ binh. (đồng chí Cường quê Nghi Lộc – Nghệ An hiện vẫn còn sống). Quân Pôn Pốt áo đen lố nhố trước mặt, Thắng xiết cò không dứt. Trận đánh diễn ra ác liệt, hai tên Pôn Pốt cầm súng AK quay lại bắn vào xe anh lúc đó quá gần, đồng chí Cường liền nhấn ga đè chết hai tên đó.
Ngay lúc đó lại phát hiện một tên Pôn Pốt nữa ở trước mũi xe. Đồng chí Cường ra lệnh cho tôi: “Thắng ơi, bắt thằng Pôn Pốt này”.
Nhanh như cắt, trong tiếng gầm rú của xe, tiếng nổ vây quanh xe, đạn bay vèo vèo.
Thắng đứng lên hô dõng dạc: “Lớt đay lơn” là giơ tay lên. Vì trước khi vào trận cấp trên đã cho học một số từ thông dụng Campuchia rồi.
Thắng nhảy xuống xe, bằng một động tác võ thuật, Thắng đã cướp được khẩu AK của tên giặc và dùng dây dù trói nó lại rồi hô “tâu” nghĩa là: đi. Trên người hắn vẫn còn một trái lựu đạn. Hắn run sợ đi theo Thắng về phía sau xe, Khi vào xe Thắng hỏi hắn: “Xi mua ây” : Tên là gì? . Tên địch trả lời: “Chăn Tha”. Đơn vị tiếp tục trận đánh, truy kích những tên cuối cùng còn lại.
Sau này cấp trên thông báo: đã đánh tan một tiểu đoàn Pôn Pốt, tiêu diệt hơn một đại đội địch, bắt sống một tù binh. (Nghe nói sau này tên địch đó theo quân cách mạng Campuchia).
Trận đánh của đơn vị Thắng hoàn thành xuất sắc, được cấp trên khen thưởng và đó cũng là trận đánh bắt được tù binh, thu vũ khí đầu tiên của đơn vị Thắng trên chiến trường Tây Nam.
Sau trận đánh này đơn vị Thắng rút quân về An Thạch củng cố lực lượng, bổ sung quân số, vũ khí và xăng dầu. Lúc này xe Thắng đã được gắn hỏa lực mạnh là ĐKZ-75. Thắng được cử làm pháo thủ bắn ĐKZ – 75 và xe được bổ sung thêm một thành viên mới là đồng chí Hạnh nhập ngũ tháng 10/1977 làm pháo 2. Pháo thủ bắn ĐKZ rất nguy hiểm vì phải ngồi trên nóc xe không có sự che chắn nào cả.
Ngày 26/4/1978, trận đánh mở màn vào lúc 5h sáng. Pháo của mặt trận bắn 30p, pháo của sư đoàn bắn 15p vào mục tiêu đã quy định: “ngã tư nhà thương”. Đội hình của Thắng cùng với bộ binh tiến lên. Nhưng quân địch phản kích mạnh mẽ, dưới những công sự và vật cản là cây thốt nốt, ụ cối làm cho bộ binh quân ta không lên được. Xe Thắng vượt lên dùng hỏa lực mạnh ĐKX – 75 tiêu diệt một số hỏa điểm là cối, đại liên của địch. Bộ binh ta lúc đó ào ào xông lên.
Bất ngờ một khẩu 12 ly 7 của địch bắn xối xả vào bộ binh ta và xe tăng của Thắng. Thắng hô to: “lái xe tạm dừng”. Đồng chí Hạnh vừa nạp đạn xong bỗng thốt lên: “anh Thắng bị thương rồi, máu ra nhiều quá xuống đi”. Thắng thấy tự nhiên tê một bên đùi trái, anh cố gắng nhìn sát vào máy ngắm, chỉnh tầm hướng và bóp cò. Mục tiêu bị xóa nhòa trong ống kính cũng là lúc đ/c Hạnh đỡ Thắng xuống xe và băng bó cho anh. Hai bên tai anh vẫn văng vẳng tiếng xung phong. Một giờ sau đơn vị làm chủ trận địa và kịp thời đưa Thắng về tuyến sau…
Nguyễn Văn Thắng là người đầu tiên bắt tù binh, thu vũ khí trên mặt trận biên giới Tây Nam.
Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Thắng đã tham gia trên 15 trận đánh và 3 lần bị thương. Anh được tặng 2 huân chương chiến công hạng 3.
Của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - Quyết định số 29/LCT ngày 30/3/1978
Của chủ tịch nước Trần Đức Lương - Quyết định số 301/2005 ngày 11/4/2005
Chiến tranh đã trôi qua. Năm 1986 Thắng phục viên trở về với cuộc sống đời thường, mang trên mình những vết thương dai dẳng mỗi khi trái gió trở trời. Thắng lập gia đình, sống hạnh phúc bên người vợ hiền, nuôi dạy các con khôn lớn tại xã An Thạch, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Cho đến năm 2017 vợ anh qua đời, để lại cho anh 3 đứa con, con gái có chồng, con trai có vợ, còn cậu út theo binh nghiệp cha, ở Sài Gòn.
Thắng là thương binh loại 4/4, hiện nay anh là chủ tịch hội CCB xã An Thạch, hiện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 2/9/2018 Thắng về quê hương miền Bắc khi mẹ anh qua đời vừa tròn 92 tuổi. Người mẹ trọn một đời nuôi con, trọn một đời nhớ con.
Bố anh là Nguyễn Văn San – thợ lò bậc 6/6. Công ty than Thống Nhất, ông về hưu và mất năm 1991.
Và tôi đã gặp lại Thắng sau ngày mẹ anh mất
Ngồi bên nhau nhâm nhi những giọt cà phê đắng, ánh mắt nhìn vào xa xăm, Thắng hồi tưởng lại cuộc chiến tranh, những năm tháng chiến trận anh đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, giọng trầm đều đều kể tôi nghe…
Tôi tiễn Thắng về Nam sau những ngày tang mẹ.
17 giờ ngày 31/12/2018 chuyến chuyên cơ đầu tiên cất cánh tại chiến trường biên giới Tây Nam.
L.X.N