Bùi Hoàng Tám
CHỊ VÂN ANH CỦA TÔI
Thưa các bác, các anh, các chị và các bạn thân mến!
Nhớ lại cách đây gần 40 năm, trong không khí hừng hực của những ngày đầu Đổi mới, nhiều nhà văn, nhà thơ đã nhảy sang “tung hoành” trong địa hạt báo chí và nhờ đó, hàng loạt các phóng sự, bút ký ra đời tạo nên không ít cơn “địa chấn” trong dư luận xã hội.
Đó là các tác phẩm “Cái đêm hôm ấy đêm gì!” của Phùng Gia Lộc, “Thủ tục để làm người còn sống” - Minh Chuyên, “Vua lốp”, “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang, “Con đường có máu chảy” của Trần Quang Quý, “Người đàn bà quỳ” của Lê Văn Ba… và không thể không kể đến “Tiếng hú của con tàu” của Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh. Giờ đây, khi dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang gây xôn xao dư luận thì dường như cái con tàu của Nguyễn Thị Vân Anh sau gần 40 năm vẫn chưa “thôi hú”.
Tôi biết chị Vân Anh qua tác phẩm này bằng sự ngưỡng mộ của một độc giả. Sau khi đọc xong, tôi luôn mong ước được gặp chị và rồi như một sự sắp đặt của số phận, khoảng 10 năm sau (1997), khi tôi lên Hà Nội với quyết tâm trở thành nhà báo chuyên nghiệp tôi đã có gần 5 năm làm việc dưới quyền của chị.
Trong lúc nay cộng tác với báo này, mai gửi bài cho báo nọ thì một hôm, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha điện cho tôi thông báo: “Tao nói với bà Vân Anh rồi đấy, sáng mai cầm hồ sơ đến báo Nhà báo & Công luận”. “Nó ở đâu anh?”. Tôi hỏi. “59 Lý Thái Tổ, gần Nhà hát Lớn ấy” - Bác Kha đáp.
Ngay chiều hôm đó, tôi phóng xe máy tìm đường để sáng mai đi cho khỏi lạc. Kể chuyện này để thấy ngày ấy, Hà Nội còn là chốn xa vời đối với một người tỉnh lẻ như tôi.
Sáng hôm sau, khi đến tòa soạn, tôi rất ngạc nhiên vì đó là một căn phòng hẹp chưa đến 20m2 và càng ngạc nhiên hơn, tác giả của bút ký nổi tiếng mà tôi hằng ngưỡng mộ trái hẳn với trí tưởng tượng của tôi. Chị là một người phụ nữ đôn hậu và đậm chẩt đàn bà.
Và kể từ buổi sáng hôm ấy, tôi chính thức bước chân vào con đường trở thành nhà báo chuyên nghiêp. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu như sau cuộc phỏng vấn hôm đó, chị Vân Anh lắc đầu thì cuộc đời tôi có thể sẽ rất khác hôm nay.
Giờ đây, nhìn lại thời điểm đó, tôi càng thấy kính phục bởi ý chí và sức lao động phi thường của chị trong nhiều lĩnh vực.
Ngày đó, báo Nhà báo & Công luận hết sức khó khăn. Văn phòng thì như nói ở trên, kinh phí không có, độc giả lèo tèo với một lũ phóng viên chưa có thẻ nhà báo chập chững bước vào nghề…
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, dưới bàn tay chèo lái của chị, tờ báo đã khởi sắc ở mọi phương diện, đặc biệt là sự trưởng thành của đội ngũ phóng viên. Với đám phóng viên chúng tôi, Tổng biên tập Nguyễn Thị Vân Anh như người chị, người mẹ chăn dắt, huấn luyện, đào tạo và cũng như một gà mái mẹ, chị sẵn sàng dang cánh, xù lông bảo vệ đám gà con.
Yêu thương nhưng nghiêm khắc, nhất là trong công việc, chị đòi hỏi rất cao. Có lẽ chính nhờ sự nghiêm khắc đó mà rất nhiều “gà con” qua “lò luyện” Nguyễn Thị Vân Anh đều khá trưởng thành. Nhiều người sau này làm quản lý báo chí, trong đó, không ít người trở thành nhà thơ, nhà báo có tên tuổi, được đông đảo bạn đọc yêu mến.
Thưa các bác, các anh, các chị và các bạn!
Ngày ấy nghèo lắm. Báo nghèo mà lũ phóng viên chúng tôi càng nghèo, chiếc điện thoại “cục gạch” NOKIA cũng là ước mơ xa xỉ. Vì thế mỗi lần báo ra như một ngày hội mà TBT vừa là chủ trì, vừa là chủ chi trong các bữa liên hoan.
Có một chi tiết nhỏ mà sau này trải qua nhiều tờ báo với nhiều Tổng Biên Tập, tôi không thấy nữa. Đó là qua mỗi dịp lễ tết, chị cho gọi kế toán, công đoàn và trưởng phòng hành chính lên tổng kiểm kê quà tặng người ta biếu báo, biếu chị rồi đem nhập vào quỹ chung để chia đều cho tất cả mọi người trong tòa soạn.
Ngày xưa, ôi ngày xưa nghèo khó mà sao vui đến thế.
Trở lại với công việc cơ quan, để tòa soạn có nơi làm việc mới xứng đáng với qui mô tờ báo của Hội Nhà báo Việt Nam, chị yêu cầu lãnh đạo Hội phải hủy hợp đồng với một đối tác đang thuê nhà để kinh doanh nhà hành ăn uống rất phát đạt. Thế là, vì động chạm đến lợi ích, họ đã dọa “đem bom” đến nhà chị. Chị thản nhiên trả lời: “Đem đến đi. Nhà tôi ở đấy, ở đấy!”.
Không chỉ lo cho tờ báo, chị còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội khác như Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá (chị là tác giả của Giải Bóng đá Thiên niên – Nhi đồng), Hội Hữu nghị Việt – Mỹ, , CLB Thời trang (chị là Giám đốc liên doanh Tạp chí Thời trang trẻ với tập đoàn báo chí của Thụy sĩ )… và nhiều tổ chức mà tôi không biết hết.
Vậy mà thỉnh thoảng, lại thấy chị cho ra đời một truyện ngắn hay bút ký, trong đó, không ít những tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận.
Nhiều khi tôi tự hỏi, làm sao một phụ nữ Hà Nội tuổi tác không còn trẻ nữa lại có thể có thời gian cũng như một tiềm lực lao động lớn lao như thế? Cho đến một hôm, anh Giang (chồng chị) “than thở” với tôi rằng “nhiều khi cô ấy ngồi viết cả đêm”.
Khi viết những dòng này, tội chợt nhớ về Nhà biên kịch Nguyễn Hoài Giang, một người đàn ông lịch lãm, hào hoa, đặc biệt yêu quý, nể trọng và tự hào về người vợ của mình.
Tôi nhớ về anh với dáng vẻ khoan thai chậm rãi, giọng nói nhỏ nhẹ và đôi mắt luôn lấp lánh.
Tôi nhớ về chị với dáng đi tất tả, tay xách túi, tay cầm điện thoại vừa đi như chạy lên cầu thang vừa chỉ đạo công việc, thỉnh thoảng bỏ máy ra khỏi tai để quát lũ chúng tôi: Bài đâu? Bài đâu?”.
Thưa các bác, các anh, các chị và các bạn!
Trong lễ ra mắt sách này, đúng ra tôi nên viết về tác phẩm nhưng tôi biết đã và sẽ có rất nhiều người viết rất hay về nó, nhất là sau khi đọc Lời bạt của Nhà thơ Đức Quang, ạnh đã nói hết hộ tôi những điều tôi muốn nói.
Vì thế, tôi xin phép được kể lại những ký ức những ngày làm việc cùng Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh để khắc họa đôi nét về sức lao động phi thường của một người cầm bút. Và trong suy nghĩ của tôi, với nhà văn nhiều khi sống cũng là một tác phẩm mà các nhà văn như Nguyễn Tuân, Từ Bích Hoàng… là những ví dụ.
Xin gửi tới chị tấm lòng của một đứa em.
Xin trân trọng cảm ơn tất cả!
Hà Nội, 21/12/2023
B.H.T
Người gửi / điện thoại