Dương Thiên Lý
CÂY BẦN GIÀ, BẾN SÔNG CŨ
Đã ba hôm nay, ngày nào cũng thế, người đàn ông có khuôn mặt quỷ, bước tập tễnh dọc theo bờ sông cát mịn, đến ngồi bên gốc bần già. Gốc bần xưa còn đây, mười mấy năm gió mưa vẫn vươn mình tỏa bóng. Như giương chiếc ô xanh đứng đợi anh thuở nào. Còn người con gái trong xóm nhỏ kia, có còn nhớ anh? Và bến đò xưa giờ chỉ còn phế tích, rêu cỏ lên mờ, khi một chiếc cầu vươn qua giữa trời. Còn đây nữa, dòng sông ngày ấy vẫn chảy một dòng xanh như cổ tích. Phải rồi, chuyện xưa như cổ tích. Nhưng với anh, rói tươi như mới ngày hôm qua. Bất giác, anh muốn gào to, hởi gốc bần già, hỡi bến cũ sông xưa, có còn lưu giữ bóng hình người lính trẻ trai thuở ấy? Ta đã về đây!... Sao những người anh em im lặng thế…?
Thắng bất chợt thấy mặt mình đáy nước. Anh ngửa mặt cay đắng mỉm cười. Thì ra là thế. Những người anh em xưa đã không nhận ra ta. Nhưng ta còn đây, nguyên vẹn trái tim trai tráng. Nguyên vẹn tình yêu những người anh em, gốc bần già và bến sông xưa. Nguyên vẹn tình yêu với Hòa, người con gái xinh đẹp, bất chấp tất cả, hiến dâng sự trinh trắng cho ta, trước ngày ra mặt trận...
Thắng không đủ can đảm. Ngay cả khi đã trở về đây. Chỉ non cây số từ bến sông vào làng, chân anh không thể bước. Mặc cảm về khuôn mặt quỷ, mặc cảm thương tật đầy mình, mặc cảm về tương lại hạnh phúc, khiến anh cứ đưa mắt ngóng về xóm nhỏ, kinh nhi viễn chi. Rồi bao câu hỏi xoắn xiết, rằng Hòa có còn chờ anh? Hòa có chấp nhận anh khi thân thể không còn nguyên vẹn? Và liệu anh có mang lại hạnh phúc cho Hòa, như xưa anh đã hứa? Đã bao lần anh tự dỗ dành, an ủi mình. Rằng hãy yên phận đi. Trận bom napan đã làm khuôn mặt anh biến dạng. Những vết sẹo bỏng kéo nhúm hơn nửa da mặt, bịt sập một cánh mũi, cướp đi một mắt, mắt kia chỉ còn khe sáng hẹp, thỉnh thoảng rỉ nước. Vết bỏng cũng kéo rút cơ đùi, cơ kheo chân, khiến bước đi nghiêng lệch. Chưa thôi, chiến tranh cũng cướp luôn bố mẹ, anh chị em ruột thịt của anh. Thắng thành cô độc, trơ trọi một mình trên cõi đời này. Trại điều dưỡng thương binh nặng, anh em quây quần như tổ ấm, thành gia đình của Thắng. Mọi ngọt bùi cay đắng đùm bọc sẻ chia, an ủi nâng đỡ nhau tháng ngày.
Chỉ còn lại mối tình đầu vụng dại ngày ấy, nằm sâu đáy tim. Hình bóng cô gái mười bảy tuổi đưa đò dưới mưa đạn, cứ tươi ngời ký ức. Đêm đêm lay thức anh, thầm thĩ thương nhớ. An ủi anh mỗi lần đồng đội có người thân đến thăm nuôi. Có lần nằm mơ, anh thấy Hòa tay xách nách mang, đến phòng trực báo cáo, xin vào thăm người nhà tên Thắng. Anh bật dậy như lò xò. Bốn bề đêm tối đen, chỉ tiếng ngáy đồng đội đều đều. Anh lại tự trách, sống sót trở về thế này là may mắn lắm rồi. Bày đặt mơ với chả mộng!...
Như cái kim để lâu trong bọc, cuối cùng mối tình bên gốc bần già nơi bến sông xưa cũng tòi ra với người bạn thân trong trại. Người bạn này bị đạn pháo cướp đi cả hai chân, cướp luôn thiên chức đàn ông. Sau bộc bạch sâu kín của Thắng, anh ta quát như ra lệnh:
- Cậu đi ngay đi!... Đi ngay sáng mai! Bọn mình quyên góp, dồn cả cho cậu làm lộ phí!...
- Nhưng anh ơi, Thắng thầm thĩ - Biết Hòa có còn chờ mình không? Nhỡ ra thì bẽ bàng, thêm tủi phận...
- Đừng coi thường phụ nữ! Không phải ai cũng như cô người yêu của tôi, biết mình bị thương thế này, đã cao chạy xa bay!...
Nói chưa xong, anh bạn đã ôm mặt khóc rưng rức. Những giọt nước mắt bất lực của số phận. Rồi anh nói tiếp trong cơn thổn thức:
- Mà nàng bỏ chạy cũng phải! Thử hỏi, tôi làm chồng nàng cách gì đây? Giả dụ nàng có bám lấy, tôi cũng tìm cách xa lánh thôi!...
- Tôi cũng lo như anh, Thắng ngại ngùi nói - Biết đâu, vừa nhìn thấy cái mặt quỷ của tôi, Hòa đã chạy biến…?
- Thì cũng tìm về một chuyến, cậu ạ. Cho khỏi ân hận, nuối tiếc. Cậu thương binh nặng thật đấy, nhưng còn nguyên khí chất đàn ông. Không có cái đó, thì như hai người đàn bà ở với nhau, phỏng có ích gì! Vả chăng, biết đâu cô ấy vẫn vò võ chờ cậu nơi xóm nhỏ? Lúc đó, ai sẽ có lỗi đây, chẳng phải cậu sao?
Thắng đã khăn gói bước thấp bước cao ra đi như thế. Bởi câu hỏi anh bạn xoáy xiết, biết đâu chính anh có lỗi, thì sao? Nhưng giờ đến đây rồi, lòng anh trào lên nỗi niềm cuộn sóng. Buồn vui nôn nao. Thổn thức gặp lại bến cũ sông xưa, nhưng bóng người năm ấy nơi đâu? Dòng sông biếc xanh đợi chờ, bỗng lăn tăn những con sóng trắng đón anh vồ vập bến đá. Bến đò xưa thủy chung, chờ anh đến rêu mờ dấu chân. Và gốc bần nữa, trải bao giông gió bão bùng, thân dày nhánh găm chặt đáy bùn, những rặng lá non xanh...
Sóng vỗ bến sông thầm thĩ. Hay sóng nhắc lại lời Hòa nói với người yêu trước lúc chia tay: Dù thế nào, anh vẫn phải sống, và về với em. Biết đâu...? Hả…? Biết đâu cái gì, em? Thắng vồ vập hỏi. Biết đâu... Hì hì... em đưa con đi đón anh? Hòa nói khẽ, nghiêng nón che nụ cười. Anh như mọc cánh, bay lên mây. Mười năm đánh trận, anh chỉ nhớ mỗi điều đó. Mỗi câu ấy. Nói đúng hơn, câu nói ấy của Hòa đã vực anh dậy, cứu sống anh sau trận bom napan giội lửa xuống trận địa pháo của ta.
Con đò xưa không còn. Đằng kia đã có một chiếc cầu bê tông cốt thép lừng lững giữa trời cao. Mọi cái đã thay đổi. Lớn dậy từng ngày. Liệu người xưa có thay đổi không?
Bất giác, sự thủ phận trỗi dậy. Thắng nhìn lại mình, cảm giác thân tàn ma dại, anh khẽ bật tiếng rên. Một ai đó trong anh lên tiếng, hắt hủi, ta đã bảo rồi, anh lính què ơi! Thằng chột mắt ơi! Thằng đàn ông có khuôn mặt quỷ ơi! Mi còn chi mà đòi tìm về với Hòa xinh đẹp? Thắng ngồi bệt xuống vệ cỏ, bực tức đấm vào ngực mình. Mi giở trò than thân trách phận ra làm chi nữa? Hãy trở về lại cái trại điều dưỡng, an phận cuối đời. Và chôn nắm xương tàn ở đấy...
Anh đứng bật dậy, định quay gót. Lại có tiếng ai đó thầm thĩ bên tai, dù đui què mẻ sứt, mi cũng đang sống trở về cơ mà! Mi đã chiến đấu anh dũng, đã hy sinh một phần cơ thể trai tráng cho Tổ quốc được lành lặn. Non sông thu về một mối. Mi phải tự hào chứ? Và cô Hòa cũng tự hào về người yêu của mình chứ? Hãy vô xóm tìm cô ấy đi! Cô ấy ôm đứa con mang tiếng chữa hoang, để chờ mi cả chục năm trời. Bỏ ngoài tai lời ong tiếng ve thị phi, bỏ ngoài mắt những tán tĩnh ve thẹo bao gã đàn ông. Đừng mặc cảm khỉ gió gì nữa!...
Cuộc giằng co giữa lý trí mang phần xác thịt hư tàn, với tình xưa nghĩa cũ tươi nguyên rạo rực, đã đưa chân anh tập tễnh đến căn chòi bên hồ nuôi tôm tự khi nào. Bác nuôi tôm nhìn anh ái ngại:
- Chú đi mô, có việc chi, mà tìm về bến đò cũ?
- Dạ!... Thắng ấp úng không biết nói sao, cuối cùng lấp lửng - Con về thăm lại trận địa cũ...
- Chú có nhầm không, bác nuôi tôm tỉ tả - Chỗ ni chỉ có bến đò, nối hai bờ con đường giao liên, thời mưa bom bão đạn. Không có trận địa chi cả!...
- Dạ, trung đoàn pháo cao xạ chúng con đóng trên những quả đồi kia!... Thắng chỉ tay về những ngọn đồi phía tây, dưới chân dãy Thần Đinh xanh thẫm.
- Phải rồi!... Ông già gật đầu xác nhận - Phía ấy có bến phà Long Đại, lính ta thường gọi phà Long Sọ, nối con đường chiến lược Mười Lăm. Cơ man là bom với đạn...
Ông già nhìn Thắng rất kỹ, từ đầu đến chân, như ước lượng điều chi. Vẻ mặt ái ngại khi nhìn những vệt da láng bóng, nhăn nhúm trên gương mặt anh. Ngọn lửa chiến tranh đã nguội tắt từ lâu, nhưng hệ lụy của nó còn dai dẳng. Bao số phận còn hằn móng vuốt của nó. Ông không muốn nhắc sự mất mát đau thương, nhưng không hiểu sao lại buột miệng:
- Chú đánh trận mô, mà ra nông nỗi ni?
- Dạ, báo cáo bác! Thắng bất giác nói như báo cáo với cấp trên - Trận trên cao điểm Văng Mu, giáp nước bạn Lào. Đó là con đường độc đạo trên tuyến chiến lược vào Nam, địch cố san phẳng đỉnh đèo, ta quyết giữ bằng mọi giá...
- Ừm!... Hồi đi dân công hỏa tuyến ở Hạ Lào, thời kháng Pháp, bác có đi qua con đèo nớ...
- Đơn vị pháo cao xạ chúng con có nhiệm vụ bảo vệ đèo Văng Mu. Địa thế hiểm yếu, địch tập trung đánh phá tơi bời. Cao điểm Văng Mu như cái đầu cạo trọc, hố bom lở lói. Các đoàn xe của ta chuyển sang chạy đêm, đèn gầm nối đuôi nhau bò qua. Pháo cao xạ chúng con, căng mắt trong nhập nhọa ánh đèn pháo sáng, bủa lên trời lưới lửa đỏ rực. Không cho phản lực địch lao thấp đánh bom. Chúng tức tối thay đổi chiến thuật, đưa hai chiếc AD6 lượn ì ầm trên cao, rồi bất ngờ thả bom napan xuống trận địa pháo cao xạ. Khẩu đội con bị thứ lửa dẻo trùm lên. Chúng con gạt lửa, lao vào cứu pháo...
Ông già chủ hồ tôm thở hắt ra, thấy nóng rát trên mặt, như chính mình ở trong trận đánh. Ông nhìn Thắng kỹ hơn, không còn ác cảm khuôn mặt dị dạng của anh nữa. Nhưng cái uẩn khúc vì sao anh đến đây, với vẻ bần thần nuối nhớ, vẫn chưa được sáng tỏ. Mười năm nay ông cũng đau khổ dằn vặt, chịu tiếng thị phi của cô con gái cưng xinh đẹp nhất vùng. Ai cũng nghĩ với nhan sắc và đức hạnh của nó, xứng đáng được hạnh phúc trăm lần. Thế mà mang tiếng chửa hoang, ôm con vò võ trong lặng im. Có liên quan chi đến anh chàng tàn phế này không? Xử thế cách răng đây?
Người già vốn cẩn trọng, ông giữ kín tâm trạng ưu tư và nghi hoặc. Phải thẩm tra kỹ càng, không được nhầm lẫn. Lúc sau, ông làm như vô tình, buông câu hỏi dần dà thăm dò.
- Hồi anh còn ở đây, đơn vị pháo cao xạ đóng khá xa làng ni, lại cách sông trở đò, có quan hệ chi đây mà chú về thăm lại bến sông xưa?
Câu hỏi như đóm lửa châm vào bấc đèn, Thắng hồ hởi nói:
- Dạ, chẳng giấu gì bác, lần đó con nhận nhiệm vụ đi trinh sát. Khảo sát tìm nơi đặt trận địa cho một đại đội, có đi qua bến đò này...
- Ra thế!... Ông già khẽ gật đầu - Vùng này có đến mấy xã đồng chiêm trũng, kẹp giữa hai con đường chiến lược. Phía tây, dọc chân dãy Trường Sơn tít tắp, là con đường Mười Lăm, có phà Long Đại. Phía đông, dọc các rặng núi cát ven biển, là con đường Quốc lộ 1A, có phà Quán Hàu. Đêm đêm xe cộ chảy như sông. Còn ở giữa, qua các làng xã, là con đường giao liên người đi bộ, có bến đò Trung Quán này. Tất cả đều chuyển động, đi tới, dưới ánh pháo sáng và các loại bom đạn địch ném như mưa...
- Dạ, phải!... Thắng bị cuốn vào những điều bác chủ nuôi tôm thỉ thỏn - Bộ đội ta khôn lắm, ban đầu địch đánh rát đường Quốc lộ 1A, thì dòng sông xe chạy đường Mười Lăm. Khi chúng chuyển sang đánh rát đường Mười Lăm, ta lại chuyển về chạy đường Quốc lộ 1A. Vì thế, trung đoàn pháo cao xạ chúng con, điều về một đại đội, bố trí trên những đồi cát, dưới các rặng phi lao xanh điệp trùng. Bảo vệ tuyến đường và con phà trọng yếu...
Ông già nuôi tôm đã hiểu vấn đề khái quát, về người thương binh trước mặt mình. Biết chắc là có nhiều điều sâu kín, và khá nặng lòng, với người và đất quê ông. Nhưng ông vẫn nhất thời chưa vồ vập, sợ hấp tấp, dễ hỏng việc. Vả chăng, mọi việc phải để tự nhiên, thì mới bộc lộ bản chất vấn đề. Ông ra hiệu mời Thắng vào túp lều của mình, rót đưa cho anh bát nước chè xanh. Đoạn thủng thẳng nói, như đưa đẩy câu chuyện.
- Xem ra... chú cũng thạo vùng ni... Ông già nói nhỏ - Chắc cũng có nhiều kỷ niệm sâu kín, nên mới bỏ công tìm về?
- Dạ... Máu thịt lắm, bác ạ!
Được mớm lời, Thắng như dòng nước khơi thông, róc rách chảy. Lần ấy sang đò, ra giữa sông, bất ngờ máy bay địch lao đến. Cô lái đò trẻ măng, chừng mười bảy tuổi, giọng dứt khoát như mệnh lệnh, tất cả nhảy ra khỏi đò! Con đò đầy, bỗng chốc không một bóng người. Chỉ còn cô gái cầm chèo, đang ghìm sự chòng chành con đò, thì một tràng 20 ly từ chiếc F,105 phóng xuống, nổ chói óc. Cô gái kịp nhảy xuống nước, nhưng một mảnh đạn găm trúng bả vai. Mọi người vội vã leo lên đò. Mảnh đạn găm đầy hai mạn gỗ. Con xốc cô lái đò lên, máu chảy ướt lưng. Không kịp nghĩ gì, đò cập bến, con vác cô ấy chạy như bay, về bệnh viện khu vực. Và may mắn, máu con cùng nhóm máu cô ấy, nên việc tiếp máu diễn ra nhanh chóng...
Ông già nghe đến đây, lạnh buốt sống lưng. Thì ra, con gái ông được cứu sống trong hoàn cảnh ấy. Khi Hòa tĩnh lại sau phẫu thuật, người lính ấy đã không còn ở đấy nữa. Mọi người mù tịt. Ông tiếc ngẩn tiếc ngơ, muốn gặp nói câu cảm ơn người lính đã cứu sống cô con gái rượu của mình. Nhưng anh như chim trời cá nước, lặn biệt tăm. Mười năm sau bỗng nhiên, anh ta lại đứng trước mặt mình, thân tàn ma dại. Phút chốc, ông rơi vào cảnh bối rối, ngậm ngùi. Nửa thương cảm mến yêu, nửa ái ngại hoàn cảnh. Liệu hai mẹ con Hòa, có chấp nhận anh ta trong tình trạng này không?
Ngày ấy, đơn vị pháo cao xạ về đóng trên những đồi cát phía đông, suốt ngày trong bụi bặm. Mùa hạ nước nôi khán hiếm, bộ đội sinh ghẻ lở hắc lào. Các chị các mẹ làng ni, phải nấu nước lá cây âm, cây xoan, đựng trong những thùng pháo sáng lớn, khiêng đến tắm rửa cho họ. Có người phải đưa về hầm nhà mình tắm riêng. Chở đò Trung Quán hồi nớ, được Ban quân sự huyện đưa vào hệ thống thanh niên xung phong, phân công hẳn cho hai mẹ con Hòa. Có lẽ phiên bà mẹ chèo, con gái được nghỉ. Hẳn là con Hòa đã bí mật, đưa cậu Thắng về hầm mình, tắm rửa cũng nên!
Giờ mọi cái diễn ra không như ý nghĩ người đời. Ông tự nhủ mình là phải thật sự bình tĩnh. Cần phải có thời gian. Thời gian để ông xem xét, tính kế. Thời gian để tường tỏ ý tứ mẹ con nhà Hòa Hải. Cả thời gian để bà nhà nó nữa, hồi tâm chuyển ý. Tất cả, cùng đưa ra trùng một đáp án, trong hoàn cảnh cụ thể này, là không dễ chút nào! Cuối cùng, ông khẽ khàng lên tiếng:
- Thời chiến tranh, dân tui có nhà mô chưa từng cho bộ đội các chú ở. Nhưng chừ khác rồi. Chiến tranh qua rồi, mọi cái cũng thay đổi theo. Chú về chơi, cứ ở lại túp lều ni với tui. Lều chật, nhưng cũng còn rộng chán…
Thắng như người chết đuối vớ được cọc, anh vồ vập đáp:
- Dạ, cám ơn bác! Cứ để việc trông coi hồ tôm cho con!
Một ngày, ba ngày, năm ngày... Thời gian đi nặng trĩu. Thắng khi theo bác ra đầm, vẩy thức ăn xuống hồ cho tôm, lúc giúp bác sửa lại mấy cái rọng tre. Có khi chằm lợp lại mái lều lợp rạ, đã tàn phai mưa nắng. Thắng vẫn chưa dám ngỏ ý vào làng tìm người thân. Ông già vẫn lầm lụi công việc, đầu ngún cháy những ý nghĩ, phương kế hợp lý hợp tình, cho mọi thành viên trong gia đình. Nước cờ đầu tiên của ông, là thằng cháu ngoại.
Hôm ấy trời rất đẹp, ông rỉ rả nói với cu Hải:
- Hôm ni chủ nhật, nghỉ học, hay cháu xách cần câu ra sông cùng ông ngoại? Vừa trông đầm tôm, vừa câu cá. Xem ai câu được cá trước, hỉ?
Khỏi nói, thằng cháu ngoại ông mừng như cá rô được nước. Nhanh nhảu đi lật mấy viên gạch lát rửa chân quanh thành giếng, bắt được một gói mồi to, toàn giun đất. Hai ông cháu túc tắc ra đi. Ông không ra thẳng bến đò cũ, chỗ ngồi câu quen thuộc, mà dẫn thằng cháu ghé túp lều coi đầm tôm trước. Ông lẵng lặng đi, không nói gì. Cháu tung tẩy đôi chân, háo hức.
Nó bỗng khựng lại, nép ngay vào sau lưng ông ngoại. Tấm lưng ông thành vật che chở. Mắt nó mở to, sợ hãi. Trước cửa lều, người đàn ông lạ có khuôn mặt quỷ đang bước ra đón họ. Sao có người xấu xí thế ni, mà ông ngoại chơi thân? Ông mặt quỷ tuồng như không hay biết, vồn vã nói:
- Chào hai ông cháu! Rồi liếc nhìn chiếc cần câu trong tay thắng bé, ông ta nói thêm - Hôm ni đẹp trời, đi câu hay đấy! hỉ?
Thằng bé im thin thít, không dám ló mặt, tay níu chặt chéo áo ông già. Nếu một mình gặp ông ta ngoài đường, chắc nó chết giấc! Ông ta từ đâu đến đây? Sao được ở trong lều tôm ông ngoại? Nó run rẩy hé chút mắt, rồi lập tức nhắm tịt. Nhưng ông ngoại nó khẽ cười, nắm tay thằng bé ẩy nó lên phía trước, giọng thân mật và tự hào:
- Hì... Thằng cháu ngoại của tui đây! Ông đưa tay xoa mái tóc khét nắng của nó - Học lớp bốn rồi, giỏi lắm chú ạ!
- Ôi, sọi trai quá đi mất! Thắng tắc tủm khen - Nom sáng sủa thế ni, học giỏi là cái chắc!
Không biết, do ông ngoại nó thân thiện, hay do lời khen thiệt tình của ông khách, cu Hải thấy nhẹ người đôi chút. Cậu cũng thấy lạ, người mặt quỷ, giọng nói lại dịu dàng và thân thiết. Cậu giật giật chéo áo ông ngoại mấy cái, ông như chợt hiểu, nói nhỏ vào tai cậu:
- Chú đây đi đánh giặc, bị bỏng bom napan... Ông cố lựa lời với thằng bé - Thương binh nặng. Mười năm trước chú đóng quân ở đây, qua lại bến đò Trung Quán làng ta.
Ông đưa tay chỉ về bến đò cũ. Thằng bé tuồng như nguôi ngoai nỗi sợ ít nhiều. Nó buông tay khỏi ông, đứng thẳng một mình. Mắt vẫn không rời người khách lạ. Những vết nhăn nhúm trên mặt ông, cũng có vẻ hiền lành hơn. Không đến nỗi dữ dằn như lúc nãy. Thì ra, ông ấy là bộ đội, cũng vào Nam đánh giặc như bố Thắng của nó. Chỉ khác là, bố Thắng của nó vẫn chưa trở về. Còn ông trở về mà thành con người khác, khổ thân ông!
Thấy thằng bé đã nguôi nguôi, ông ngoại nó nói nhỏ, cốt để cả hai cùng nghe:
- Ông ra xem đầm tôm chút xíu... Ông nói với thằng Hải, nhưng cốt để hai người cùng nghe - Hai chú cháu ở đây chơi, ông quay lại ngay.
Thằng bé giường như không chịu, nhưng ông ngoại nó đã xăm xăm bước đi. Nó quá biết tính ông, rất ít nói, mà đã nói là làm, cấm ai ngăn cản. Nó đành chôn chân với người lạ có gương mặt bị bỏng bom napan. May thay, ông khách nhanh miệng bắt chuyện, một cách tự nhiên.
- Ở nhà cháu tên chi? Đi học tên chi, hè?
Thắng bước đến gần thằng bé hơn. Săm soi những đường nét quen lạ trên gương mặt trẻ con của nó.
- Dạ... Ở nhà cháu tên Cún, đi học tên Hải... Thằng bé cúi đầu, nói lí nhí, tay vân vê chiếc cần câu - Nhưng tên Cún bỏ lâu rồi!
- À... Phải rồi! Thắng nheo mắt khẽ cười - Khi người ta sắp thành chàng trai, ai còn đi gọi cún nữa, hỉ?
- Rứa mà... Thằng bé quên chuyện người lạ, rỏn rẻn nói - Đôi khi quên, mẹ cứ gọi cháu là Cún con, Cún con, trước mặt mấy đứa bạn trong xóm. Ngượng chết đi được...
- Hì... Rứa là mẹ sai rồi! Thắng ra vẻ đồng tình với cậu nhóc - Khi mô gặp, chú sẽ nhắc mẹ.
Thằng bé như nở từng khúc ruột, tức thì gật đầu. Thắng chợt như thuận đà, anh buông câu hỏi:
- Thế... mẹ cháu tên chi?
- Dạ, tên Hòa!
Thắng giật mình, như có một nhát gươm thọc trúng trái tim. Anh choáng váng. Thì ra, thằng bé là con trai anh. Ngày chia tay, Hòa chỉ nói mơ hồ, thế mà thành sự thật. Nhưng Hòa có còn chờ anh không, hay đã bước đi... Anh định hỏi điều đó, nhưng không hiểu sao lại nói:
- Chắc mẹ cháu... xinh đẹp lắm!
- Bố cháu cũng đẹp mà! Thằng bé quả quyết, một cách kiêu hãnh.
- Răng cháu biết? Cháu đã gặp bố rồi răng?
- Cháu chưa gặp bố, nhưng mẹ cháu cho xem ảnh. Thằng bé có vẻ hãnh diện - Bố cháu cũng là bộ đội, nhưng đánh giặc chưa về!
Thằng bé trở nên ngậm ngùi ưu tư. Khuôn mặt non tơ thoáng chút buồn lo xa ngái. Nhưng nỗi lo của nó rất gần, rằng mong sao bố không bị bỏng sẹo bom napan như chú thương binh này. Giờ trái tim Thắng đập như trống trận, cảm xúc bấn loạn. Anh muốn ôm xốc con trai lên hôn, nhưng đường đột, làm nó sợ. Anh tấp tễnh đi vào góc giường, hấp tấp mở chiếc ba lô, lôi ra tấm ảnh cũ. Quay lại chìa ra trước mặt thằng bé. Thằng bé cũng hốt lên không kém, thảng thốt hỏi:
- Á a! Bố Thắng! Bố Thắng! Thằng bé reo lên như được của, tay chộp lấy tấm ảnh, đưa lên trước mặt mình - Răng chú có ảnh bố cháu? Không đợi ông khách trả lời, nó rỏn rẻn nói tiếp - Rương mẹ cháu cũng cất một chiếc như ri. Hay chú ở cùng đơn vị với bố cháu? Bố cháu có bị bỏng bom napan như chú không? Sao bố cháu chưa về?
Thắng thấy choáng váng, ù đặc hai tai trước những câu hỏi dồn dập của con trai. Anh không trả lời, không kịp trả lời, hay chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, khi chưa biết ý tứ mẹ nó? Anh vội lấy lại tấm ảnh cất vào túi, khi nghe bước chân ông ngoại thằng bé đi vào. Nhìn vẻ mặt hai chú cháu, ông hiểu là đã có chuyển biến thuận lợi, liền vẫy tay kêu thằng bé ra bến sông câu cá. Được đi câu, thằng bé nhảy cẩng lên, quên hết chuyện lúc nãy.
Trưa trở về nhà, hai ông cháu xách một xâu nặng cá rô phi, những con to như bàn tay. Bà ngoại làm cá xong, thì rán xèo xèo dưới bếp. Ông ngoại pha trà, ngồi uống thảnh thơi. Chỉ có Hải lòng như lửa đốt, ngóng hoài ra cửa, chờ mẹ nó đi làm về. Nó giữ cái bí mật to đùng suốt cả sáng nay. Bí mật ấy, chỉ rỉ ra với riêng mẹ. Kia rồi, mẹ nó đã về. Thằng Hải ra đỡ đôi quang, để mẹ nó ra giếng rửa tay chân. Xong nó lẻo đẻo theo mẹ vào buồng. Hai mẹ con thầm thĩ. Thằng bé khẳng định, chú thương binh ấy cũng có một tấm ảnh, hệt ảnh ba Thắng. Hòa lao ra khỏi buồng, đến ngay bàn trà của bố. Cô nói trong cơn cảm xúc dồn nén, hơi thở cuống quýt:
- Bọ, ngoài lều tôm nhà ta, có một vị khách tá túc mấy hôm nay, phải không? Bọ?
- Ừm! Một thương binh nặng, anh ta nói đi tìm...
- Tìm ai? Rặng bọ không nói với con?
Bất đồ, Hòa rú lên, lao ra sân như một cơn lốc. Những bước chân dồn nén sự đợi chờ, gót không chạm đất. Trái tim như bật ra khỏi lồng ngực. Người tìm về đây không thể ai khác, khi trong mình có tấm ảnh Thắng. Sao bây giờ anh mới trở về? Hẳn có điều chi uẩn khúc, khiến anh không đi thẳng vào thôn tìm em? Thắng ơi, dù đui què mẻ sứt, ta vẫn có nhau như lời hẹn ước xưa mà! Hơn thế, chúng ta còn có thằng con trai, thông minh dĩnh ngộ. Nó giống anh như tạc. Nó sẽ là cột trụ cho hai ta khi về già.
Nghe tiếng bước chân gấp gáp trên lối đi, linh tính điều hệ trọng, Thắng vội vàng tấp tễnh đi ra. Cả hai chết khựng một giây. Có lẽ đột ngột quá! Có lẽ thời gian phủ lên tuổi thanh xuân, đã làm vóc dáng trẻ trung của họ thay đổi. Và, có lẽ vết thương đã làm chàng trai ngày ấy, thành gã trung niên mang gương mặt quỷ, với dáng đi nghiêng lệch. Người phụ nữ trẻ xinh đẹp trước mặt Thắng, còn giữ nhiều nét của Hòa xưa. Nhưng chị vẫn đứng há hốc miệng, mắt ngây dại nhìn Thắng, hai tay buông thõng. Khiến anh chột dạ. Sự thủ phận về tàn tật lại trào lên. Là em lỡ bước ra đây phải không? Lỡ chạm mặt người xưa có gương mặt và thân hình, không còn như xưa? Bất giác, Thắng xoay ngươi, quay ngoắt. Một tiếng gọi thốt tháy nghẹn ngào. Đúng hơn, một tiếng thét thất thanh, bị nước mắt nghẹn ứ trong cổ họng.
- Anh Thắng!... Em đây mà!
Thắng giật mình, quay ngắt người lại. Bóng người phụ nữ trẻ đổ ập vào người anh, mặt úp lên tấm ngực nhiều vết sẹo bỏng vẫn còn khá trai tráng. Những giọt nước mắt nóng như lửa napan trào ra, chảy ướt ngực áo anh. Thắng nhắm mắt lại, nghẹn ngào tận hưởng tình yêu hèn phận, đợi chờ bao năm tháng.
- Hòa của anh đây mà!... Chị thổn thức - Anh không nhận ra răng?
Thắng từ tốn đưa hai cánh tay còn khá rắn chắc, ôm quàng qua vai Hòa, áp đôi môi khô rát lên mái tóc thơm mùi lá sả xưa của nàng. Nước mắt anh cũng lã chã lăn qua hai gò má, một gò da trắng mịn, gò kia đỏ lựng láng bóng vết bỏng. Mãi sau, anh khẽ khàng lên tiếng:
- Anh biết chớ! Giọng anh ngậm ngùi sung sướng - Nhưng trái tim anh giây khắc không chịu nỗi... Không chứa nổi tình yêu ập đến quá lớn...
Sau dằng dặc mười năm đợi chờ vô vọng, thon thót lo âu, tình yêu ngày gặp lại đã làm hai người thổn thức ngây ngất. Không thể khác, bàn tay lại tìm nắm bàn tay. Đôi môi tìm gặp đôi môi...
- Gượm đã anh!... Hòa thỏn thẻn nói - Chừ anh đi với em... Ta vào nhà, thưa cùng bọ mạ...
Trưa, nắng chan hòa rải vàng mặt đất. Làng quê yên bình sau những lũy tre. Những ngôi nhà ngói đỏ, nhiều cái mái bằng, một số lên tầng, ẩn hiện dưới bóng xanh cam mít. Hòa như thấy hai bên con ngõ vào nhà, hôm nay nhiều hoa dại nở. Những cụm chua me đất tím biếc bờ rào. Cô đi chậm, tay giữ tay cho Thắng mạnh dạn bước theo...
Mâm cơm đã được dọn ra, ông Tư và thằng cháu đã ngồi gõ đũa. Bà Tư đang cúi người bê nồi cơm. Mùi cá rô phi chiên dậy lên, thơm điếc mũi.
- Thưa bọ, thưa mạ!... Hòa lấy can đảm nói - Đây là anh Thắng... bố đẻ cu Hải...
- Ứm ừ hừm!... Cũng... biết rồi!
Ông Tư cất tiếng, nửa chào chấp nhận, nửa dặng hắng. Mắt liếc qua bà vợ. Thằng cu Hải đã đoán ra, nó đứng lên nắm tay mẹ, như cùng phe cánh. Nhưng một tiếng va chạm mạnh của chén bát. Bồi bất thần, bóng bà Tư bật dậy, lao vào trong, đóng sập cửa buồng.
Ông Tư đã hiểu tình thế, ra hiệu cho Hòa xới ba suất cơm, cho ông cháu và Thắng, mang ra hồ tôm. Khi trong nhà yên ắng, bà Tư hậm hực bước ra.
- Cô đợi, cô chờ!... Bà riết róng - Thì đấy, một kẻ nửa người nửa ngợm, thân tàn ma dại. Đã thỏa chưa?
- Răng mạ nói rứa? Chiến tranh tàn khốc, hàng vạn người ngã xuống cho thống nhất nước nhà. Nhiều người chưa tìm được xác, anh ấy sống sót trở về, là may mắn lắm rồi...
- Gớm chửa!... Bà mẹ ngọt nhạt - Thì cô... mang cái may mắn nớ ra mà gặm! Tui đây không có phúc!
- Mạ đừng vô ơn rứa! Hòa thấy bực mình - Hàng triệu người xả thân cứu nước, mình phải biết ơn. Huống chi, anh ấy với con nặng tình vàng đá... Anh ấy còn là bố đẻ con trai con nữa!
- Thì cô... cứ rước về mà nuôi báo cô!... Bà chuyển giọng ngọt ngào - Cá không ăn muối, cá ươn. Con không nghe lời cha mạ, trăm đường con hư!... Con chưa đến ba mươi, xinh giòn gái một con như rứa. Cái anh phó chủ tịch huyện, thân dài vai rộng, vợ mất sớm, mê con như điếu đổ cả năm trời nay. Mỗi lần anh về chơi, nào vải vóc đường sữa, ê hề! Con gật đầu, một bước thành bà huyện, lên xe xuống ngựa, cơm bưng nước rót...
- Thì... mạ đi mà lấy anh ta! - Hòa nổi khùng.
- Á a! Mi giỏi! - Bà điên tiết, phùng mang trợn mắt, chỉ thẳng ngón tay ra ngõ, gầm lên - Đi ngay! Xéo ngay khỏi nhà ni! Đi cho khuất mắt tau!
Đêm bà Tư không ngủ được, ấm ức trằn trọc. Sáng ra, bà bật dậy, lăng căng đi lên huyện cho kịp giờ cơ quan làm buổi sáng. Thấy cửa phòng phó chủ tịch huyện mở cửa, bà bước vào ngay.
- Mạ! Mạ lên chơi đó à? Vị phó chủ tịch huyện hỏi, ân cần kéo ghế mời bà ngồi - Có chuyện chi răng, thấy mặt mạ không vui?
- Có chuyện! - Bà làm như mình đã là mẹ vợ của anh ta - Cái thằng nớ đã về! Cái thằng mặt quỷ nớ, nó từ trại thương binh nặng, mò về!
Nói xong, bà hổn hển thở. Anh phó chủ tịch huyện khẽ gật gật đầu, hình dung ra vấn đề. Suốt năm theo đuổi, quà cáp, Hòa vẫn im tiếng. Giờ đã có câu trả lời. Một câu trả lời không thể tinh tế và thỏa đáng hơn. Anh chưa vội nói chi, rót ly trà đưa mời bà. Sự bình tĩnh của anh làm bà cũng bình tĩnh lại đôi chút.
- Chuyện ni… con biết rồi, mạ ạ! - Vị phó chủ tịch rỉ rỏn nói - Lãnh đạo trại điều dưỡng thương binh nặng, có điện vào cho huyện hôm trước. Hầy! Rứa là nhà ta vui rồi, mạ hỉ?
- Vui chi? Bà Tư phản ứng tức thì - Rước ngữ ấy về, rồi nuôi báo cô báo quả một đời răng?
- Nhưng hai người họ đã thề non hẹn biển - Phó chủ tịch huyện rĩ rãi nói, như thể nói với mình - Lại còn có đứa con trai mười tuổi, kháu khỉnh thông minh, hạnh phúc tròn vẹn.
- Mặc xác! - Bà nguýt nguẩy - Tui huẩy toẹt cái hạnh phúc què quặt nớ. Chừ tui lên đây, là báo cho anh chuyện nớ, sớm biết mà lo liệu. - Bà dừng lại, thấy gờn gợn chút gì, tuồng như anh này sớm buông cờ trắng, nên nói tiếp - Tui mấy lâu vẫn một bề ủng hộ, vun đắp cho anh.
- Dạ, cám ơn bác! - Phó chủ tịch huyện chuyển cách xưng hô - Chúng con cực kỳ biết ơn hàng triệu người xả thân cứu nước, trong đó có anh ấy, để có hòa bình cho non sông đất nước. Anh ấy xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp đang đến. Con xin chúc hạnh phúc của họ, một hạnh phúc muộn màng nhưng cao cả hiếm có.
- Rứa là... anh định... - Bà định nói anh buông tay phải không, nhưng đã kịp dừng lại.
- Dạ! Lãnh đạo huyện đã xem xét trường hợp này. - Anh nhìn qua cửa sổ, cốt tránh đôi mắt cầu khẩn của bà Tư. Ngoài kia, con đường trục đông đúc người xe chạy về phía vùng đồi xa - Sẽ có chính sách cụ thể!
Bà Tư thở dài, nhớm đít. Không còn hy vọng nước non gì anh ta nữa, bà rời cơ quan huyện đi thẳng về nhà. Lòng dịu đi một cách tứ tối. Hừm, cái anh phó chủ tịch huyện, cũng miệng hùm gan sứa! Bụng thèm ăn muống, mà chân không có gan lội hồ.
Bà quày quả, vùng vằng đi vào ngõ. Chợt tưng hửng. Răng nhà hoang lửa tắt thế ni hè? Linh tính chẳng hay, bà lao vào phòng con gái. Căn phòng trống trơn, giường chiếu lạnh ngắt. Va li hòm xiểng của Hòa không còn cái nào. Sách vở thằng bé cũng ráo trọi. Như chưa hề có chúng nó ở đây. Hai ông cháu nhà ni nữa, chắc ở ngoài hồ tôm với anh thương binh kia. Chạn soong nồi bát đũa cũng vợi đi quá nữa. Cơ chừng họ chuyển ra ăn ở, ngủ ngáy ngoài nớ luôn rồi. Hừm, ri là họ đẩy mình đơn độc về một bên đây!
Bà đi tìm đồng minh, ở mấy bà hàng xóm. Gặp ngay bà Thuyến đầu ngõ, chưa chào hỏi chi, đã nghe oang oang tin sét đánh:
- Nì! Mạ con khúc mắc chuyện chi, đến nỗi không hòa giải được, con Hòa ôm áo lên chùa đi tu, rứa nạ?
Bà nghe rụng rời tay chân. Mặt mày xây xẩm. Ù đặc cả hai tai. Chuyện chi vậy trời! Tui già néo đứt dây răng, hả ông trời? Nước mắt chực trào ra, nhưng bà nén lại, sợ xấu hổ với bà hàng xóm. Chuyện nông nổi ni, do chính bà sinh ra. Mà người đời răng không thông cảm với bà? Làm cha làm mẹ, ai chẳng muốn bán gả con về nơi giàu có sung sướng?
Sau phút bàng hoàng, bà Tư bình tĩnh trở lại.
- Rứa... Ai nói với ả, con Hòa đi tu?
- Thì... cả làng ni ai cũng thấy mà! Nó vừa quảy đồ đi, vừa khóc thút thít!
- Có khi... nó giận tui, bỏ lên chỗ dì nó trên làng Vạn - Bà nỉ nỏn phân bua - Cho bõ ghét, cũng nên?
- Không! Không đi đường lên làng Vạn! Nó đi tu mà! Nó rỉ tai với mấy đứa bạn trong xóm nữa! - Bà hàng xóm chắc như đinh đóng cột - Nó đi về phía chùa Thần Đinh!
Bà Tư bải hoải trở về, ngồi bệt trên bậu cửa nhìn ra. Lòng dạ bời bời ngổn ngang. Giờ thì bà đã hiểu, quan điểm của mình không được người đời chấp nhận. Nhưng bà chưa dễ dàng nhận sai. Đêm bà nằm trằn trọc, tức tối giận dỗi. Không biết giận dỗi mình, hay giận dỗi chồng con? Hay giận dỗi cái anh Thắng thương binh nọ, bỗng dẫn cái thân tàn về, quấy động sự yên ấm nhà bà?
Mặc kệ, ra chi thì ra, đến mô thì đến, bà cố giữ sự cứng cỏi của mình. Hai ngày trôi qua trong cái nhà một mình hoang lạnh. Đêm bà mơ thấy con Hòa quần nâu áo gụ, cái đầu trọc lốc. Bà vùng dậy giữa khuya khoắt, mắt mở to nhìn đêm tối. Con gái bà nức tiếng xinh đẹp nết na cả một vùng. Bỗng nhiên bụng như cái trống, giữa trăm con mắt bàn dân thiên hạ. Vợ chồng bà không dám ngẩng mặt, xấu hổ có con gái chửa hoang. Mười năm sau mọi cái nguôi ngoai, Hòa trở lại xinh giòn gái một con, hăng say gánh vác việc làng việc xã. Đùng một cái, đi gửi phận vào cửa chùa, hỏi bà sống cách chi được.
Chợt nhớ ra, con Hòa nhà bà là cán bộ phụ nữ xã, là đảng viên gương mẫu hẳn hoi. Nó làm chi, cũng đắn đo sau trước, mô phải nhất thời mù quáng? Bỗng bà ôm mặt khóc hu một mình trong bóng tối. Vừa khóc, vừa nỉ non hờn trách. Đảng ơi là Đảng ơi! Đảng có dạy con Hòa giận bọ giận mạ thì bỏ đi tu? Kiên định lập trường mô hết rồi? Mạ mới ngăn không cho lấy người tàn phế, mi đã xử sự tiêu cực rứa! Mạ lo là lo cho mi, ruộng đất làng xã phân chia hết rồi, khoán hết rồi. Không tấc cắm dùi, vợ chồng què quặt, hít gió bớc mà sống được răng?
Sáng ra, bà quày quả ra đi. Chuyện này, ắt phải nhờ đến chi bộ, hội phụ nữ xã dàn xếp. Phải thật nhanh, không để con Hòa xuống tóc quy y cửa phật.
Bà đi độ một giờ, thì có chiếc xe con màu nâu đỏ đến đậu ngoài ngõ. Cậu lái xe đi nhanh vào nhà, nhìn quanh thấy vắng tanh. Đã đến đây mấy lần, cậu biết khá rõ gia đình. Không ai ở nhà, chắc đã ngoài đầm tôm. Cậu chàng lên xe, nổ máy quay ra. Xe chạy theo con đường đê chắn sóng dọc bờ sông. Con đường như một cánh cung, quành qua bến đò cũ, ven rặng bần xanh thẫm, đến chỗ bờ đầm tôm nhà ông Tư.
Nghe tiếng ô tô đến gần, thằng cu Hải bật dậy, phóng như tên bắn ra khỏi lều. Thoáng cái biển xanh với hàng chữ số trắng, nó quay mặt nói nhỏ với ông ngoại và bố Thắng:
- Xe nhà... ông phó chủ tịch huyện.
Cả hai người thốt tháy, bất giác đứng dậy bước ra cửa lều. Thằng Hải dạng hai chân, giăng hai tay, ý chừng ra hiệu cho xe dừng lại. Miệng nó liến thoắng, trong hơi thở phì phì như con trâu cày, của chiếc xe trước khi tắt máy:
- Chú về đi! Mẹ Hòa không lấy chú mô! - Nó dừng lại một giây, rồi nói thêm như giải thích - Bố Thắng đi đánh giặc đã về, bố Thắng là thương binh!
Nói xong, nó hãnh diện quay người, ý giới thiệu bố Thắng với vị phó chủ tịch huyện. Nhưng cửa xe mở, bước ra không phải vị phó chủ tịch huyện như nó nhầm tưởng. Đó là cậu lái xe trẻ măng. Thằng Hải tẽn tò vì hố to, đến nép sau lưng ông ngoại. Người lại xe đi đến trước mặt ông Tư và Thắng cúi đầu chào lễ phép. Đoạn khẽ khàng và rành rẽ nói:
- Báo cáo ông! Báo cáo chú! Cháu được lệnh đồng chí phó chủ tịch huyện, đưa giấy cấp đất cấp nhà, đến cho gia đình chú Thắng chị Hòa.
Hơn cả sự bất ngờ. Ngoài cả tưởng tượng. Ngoài cả mong ước. Cà ba cha con ông cháu nhà ông Tư chết sửng. Phép màu trời phật, thần thánh cũng không mầu nhiệm thế này. Thắng trào nước mắt, không thốt nên lời. Ông già Tư run run, đưa tay nhận tờ quyết định, có con dấu đỏ tươi. Cậu lái xe rỉ rỏn nói tiếp:
- Chị Hòa đã bắt thăm nhận đất nhận nhà - Giọng cậu chàng trở nên giòn tươi - Nhà ta được khu đất khá bằng phẳng, lại có hố bom to như ao cá cuối vườn. Tha hồ thả cá, nuôi vịt ngan. Đất đai cũng khá tốt, thỏa sức làm vườn, trồng rau củ quả.
- Chỗ nớ... là ở mô, hả cháu? Ông Tư khấp khởi hỏi.
- Dạ, thưa... Đó là làng thanh niên lập nghiệp, ở trên đường Mười Lăm... Huyện đã cho rà phá bom mìn, san ủi cả vùng đồi rộng lớn, thành đại điền cao su. Máy đang đào hố, đổ phân. Giống cao su cao sản này, chỉ bảy năm đã cho mủ. Các gia đình thanh niên bắt thăm, chăm sóc theo lô!
Thằng Hải chợt ló mặt ra, hỏi gấp:
- Rứa... có trường học, sân đá banh không, chú?
- Hì hì... Có hết! - Cậu lái xe rỏn rả nói thêm, cốt để cả ba người họ cùng nghe - Đây là khu kinh tế mới, giành cho các gia đình thanh niên. Sinh nghiệp ngàn đời với cây cao su. Có đầy đủ nhu cầu thiết yếu ngay từ đầu. Điện nước về từng nhà. Có trường học, bệnh xá, cửa hàng mua bán...
Thắng đang rạo rực với ý nghĩ, anh sẽ ở nhà làm vườn, chăn nuôi trồng trọt gia đình, lo cơm nước cho Hòa theo cây cao su, thì cậu lái xe đã chuyển làn:
- Thưa ông, thưa chú! - Cậu chuyển giọng thầm thĩ - Đồng chí phó chủ tịch huyện đã chỉ thị, đường xa trắc trở, nhân thể chở cha con chú Thắng đi luôn. Chị Hòa ở trên nớ đang nóng lòng chờ!
Thằng Hải nghe thế, phóng như mũi tên vào lều. Đoạn soạn ra những thứ hai cha con cùng mang theo. Ba lô cóc, tăng võng của bố, gói sách vở và bọc quần áo của nó. Hai cha con luống cuống háo hức lên xe. Ông Tư rơm rớm nước mắt vui sướng, nghẹn ngào nói với theo:
- Ít bữa... xuất hết tôm trong đầm, ông bà lên thăm...
D.T.L