Vũ Nho
BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI ĐÀN BÀ LẠ
(Tiểu thuyết của Chu Lai, nxb Quân Đội Nhân Dân, 2019)
Chu Lai là nhà văn quân đội. Các tiểu thuyết và truyện của tác giả chủ yếu viết về chiến tranh và người lính. Cuốn tiểu thuyết “ Bức chân dung người đàn bà lạ” cũng nằm trong mạch viết chính của tác giả. Phải nói rằng đề tài chiến tranh là một đề tài vô tận, nhất là đối với những nhà văn đã từng mặc áo lính. Tôi nhớ đoạn thơ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo : “Người lính đi, qua mấy cuộc chiến tranh/ Nói về súng dẫu nhiều – chưa nhàm cũ/Nói mất mát, hi sinh dẫu cạn lời – chưa đủ”. Đó phải chăng là nguyên nhân, là động lực thúc đẩy nhà văn vốn là lính đặc công Chu Lai cầm bút. Ngoài ra, có thể còn lí do khác như nhà văn bộc bạch với một quan niệm viết khá giản dị “ Hãy cứ lấy cái sự viết làm vui, viết để neo mình vào cuộc đời, viết để thiền, viết để tự làm sạch mình” ( Suy nghĩ về nghề văn).
Cuốn sách 18 chương, không có chương quá dài, cả thảy hơn 200 trang in. Nhân vật thì có thể nói hầu hết là những người trải qua chiến tranh hoặc liên quan gián tiếp đến chiến tranh. Từ họa sĩ, giám đốc Hoàng Vinh, Phó Chính ủy Trần Lâm, đội trưởng Thủy, đội phó Lan, bà chủ nhà trọ, ông xe ôm vốn lính đặc công “Bê hai” ven Sài Gòn. Thu, Hòa hai cô gái trẻ thì một cô là con đẻ của Thủy, một cô là con nuôi của Lan. Truyện đọc khá cuốn hút và có nhiều bất ngờ xoay quanh nhân vật chính, một họa sĩ quân đội từng nổi tiếng ở Trường Sơn, nhưng đang ở đoạn sa sút vì những đổ vỡ trong đời sống riêng tư trong và sau chiến tranh. Một nhân vật đã nói về họa sĩ : “ Ngày trước trong chiến tranh, ông ấy là một tên tuổi sáng giá suốt dọc Trường Sơn, một họa sĩ tài hoa lẫy lừng” ( trang 16). Người họa sĩ kì tài đang sống những ngày kì dị, đang mặc cho cuộc mưu sinh làm tê liệt khả năng sáng tạo và trở nên tàn tạ. Đây là chân dung con người ấy : “Đầu tóc bù xù sợi bạc sợi đen, cái chổng ngược cái chổng xuôi dễ phải cả năm nay không được chủ nhân ngó ngàng gì đến. Gò má hốc lõm, râu ria chắc cũng phải lâu lắm rồi không cắt cạo nên nhìn nó nhôm nhoam tựa một cái bùi nhùi chuyên để đốt lên hun chuột. Thân thể được che đậy bởi chiếc sơ mi trắng đã ngả màu, chiếc quần ka ki lửng loang lổ đủ các loại màu vệt khô vệt ướt làm người ta nhớ đến chiếc quần của vai hài rạp xiếc địa phương. Tóm lại, nhìn gã người ta dễ liên tưởng đến một nhân vật lập dị, hơi ngông mà trong giới văn nghệ sĩ, nhất là dân hội họa thường hay xuất hiện. Lại đôi mắt nữa, mờ đục, ướt nhèm, không có chút thần khí nào, thi thoảng lại hấp háy hấp háy sau đôi mục kỉnh gẫy gọng phải chằng lại bằng dây nịt, chốc chốc lại một giọt nước như nước đái nhện rịn ra, chảy ngoằn ngoèo xuống má” ( trng 6).
Trong con mắt của bà chủ nhà trọ , đó là một “bôi sĩ”, là “ cái lão dở hơi, tâm thần, nửa đời nửa đoạn”.
Vẽ đối với họa sĩ bây giờ chỉ là phương tiện kiếm sống “ Vẽ như là cái nghề, cái nghiệp, nghiệp chướng, vẽ để tồn tại, không vẽ thì không biết làm gì, vẽ để neo cái đầu trống rỗng của mình vào dòng đời, không vẽ chỉ còn cách ra sông nhảy ùm xuống hoặc đập đầu vào tường mà chết, xong, chấm hết. Vậy thì vẽ, không còn cái đích thực thì chơi cái sinh nhai, đều là vẽ cả, thần thánh hóa nó làm mẹ gì cho thối ruột. Thế là bắt đầu buông bỏ, để mặc tâm hồn rơi tự do xuống vực thẳm đen ngòm” ( trang 36).
Trong khi đang trượt dài như thế thì họa sĩ nhận được đơn đặt hàng của một người đàn bà lạ đã cứng tuổi. Việc mặc cả sòng phẳng vẽ bức chân dung đã làm cho lòng tự ái nghề nghiệp và khát vọng thể hiện mình của họa sĩ Hoài Linh bừng thức. Họa sĩ đã tưởng chỉ mấy ngày là có thể xong đơn đặt hàng. Nhưng càng vẽ càng hỏng. Họa sĩ dùng mọi kĩ thuật, vận hết tài năng và kinh nghiệm. Dù họa sĩ đã vẽ như nhập đồng. Nhưng càng vẽ càng không ổn. Đặc biệt là chân dung hỏng vì không thể hiện được đôi mắt của nhân vật. Bức ảnh nhân vật đã ám ảnh họa sĩ, đã hành hạ ông đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Chỉ có vẽ và xé, vẽ và xé.
Cuối cùng thì bức chân dung cũng hoàn thành. Hóa ra người đàn bà lạ đặt vẽ chân dung ấy chính là Thủy, là “Cô đôi thượng ngàn” ngày xưa trong bức vẽ ở Trường Sơn. Chính mối tình của Linh với Thủy đã làm cho Phó Chính ủy Trần Lâm hành xử một cách “hèn mạt” là đẩy Linh vào nơi nguy hiểm lấy cớ để cho Linh có thêm thực tế, nhưng chỉ nhằm cách li anh với Thủy mà ông thầm yêu. Rồi khi không đạt được sự chiếm đoạt Thủy, ông ta lại đẩy Thủy vào chiến trường khác với lí lịch xấu.
Xoay quanh nhân vật họa sĩ là những người từng gắn bó, là những đồng đội vào sinh ra tử ở Trường Sơn. Họ đã bằng tình bạn, tình đồng đội đưa họa sĩ trở lại với khát vọng nghệ thuật. Họ tìm mọi cách để ông có được một Galery KÝ ỨC LỬA, nói như Hoàng Vinh nói với Thu, giọt máu của họa sĩ, galery đó “Không phải chỉ vì ba cháu mà còn vì những gì cao đẹp nhất mà thế hệ của chú, của mẹ cháu không dễ dàng để cho nó mất đi, để nó bị quên lãng”. ( tr.195)
Có thể nói, tuy dung lượng không lớn, nhưng tác giả đã thành công ở việc dựng lại một thời gian khổ, oanh liệt, lãng mạn, hào hùng trong chiến tranh chống Mĩ ở Trường Sơn. Có những con người đáng yêu mến, cảm phục như Hoài Linh, Hoàng Vinh, Thủy, Lan,… và những đồng đội thanh niên xung phong; có những người đáng giận đáng trách và đáng thương hại như Phó Chính ủy Trần Lâm.
Tác giả tỏ ra là một ngòi bút già dặn về nghệ thuật tiểu thuyết. Từ kết cấu cho đến khắc họa tính cách nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật sắc sảo, giàu cá tính. Miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại hình nhân vật, đặc biệt là diễn biến nội tâm được thể hiện khá thuyết phục. Ngôn ngữ của bà chủ nhà trọ, vốn là chiến sĩ tự vệ bắn máy bay trên cầu Long Biên là một ví dụ. Các tình tiết có vẻ ngẫu nhiên, nhưng lại thống nhất gắn liền với lòng thương người, sự độ lượng, giàu lòng trắc ẩn của người họa sĩ. Dù có vẻ bất cần đời, nói năng vong mạng như ông tự nhận “ những câu phát ngôn về cuộc đời vẩn đục, về các giá trị tinh thần, đạo đức xuống cấp, về văn hóa nghệ thuật chợ chiều… mà thỉnh thoảng ở chỗ này chỗ khác, mình vẫn thường phọt ra tung tóe vô tội vạ đây!” ( tr. 85), nhưng trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn là “ một con người dẫu trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết nhìn sự vật một cách sâu sắc và đại lượng” ( tr.27) như đánh giá của Hoàng Vinh.
Nếu có thể nói về một nhược điểm của tiểu thuyết này thì chính là sự say sưa với cốt truyện và những pha phân tích tâm lí mà tác giả để lộ ra sự mâu thuẫn, sự thiếu nhất quán trong mạch truyện. Ấy là ở trang 226, khi họa sĩ Linh gặp lại cô Lan, bạn của Thủy. Cô Lan kể cho Linh nghe “ Chồng mất, nó tìm về đây ở với tôi mấy ngày. Điều làm nó khổ tâm, dằn vặt nhất vẫn là chuyện không biết ông ( Linh – Vũ Nho chú) hi sinh ở đâu, hy sinh trong trường hợp nào, người ta có lấy được xác không” ( trang 226). Thế nhưng, tác giả quên mất rằng ở trang 157, bức thư của Thủy gửi cho Linh lại nói rằng “ Sau này khi đã có gia đình, em mới biết anh còn sống […] không biết bao nhiêu lần em đi qua nhà anh, qua cái Galery của anh mà không dám vào chỉ vì người ta bảo anh đang sống hạnh phúc với một người phụ nữ giỏi giang cùng nghề”. Thủy lấy chồng rồi chồng mất. Cô đã biết Hoài Linh có người phụ nữ khác. Rồi cô theo dõi đến khi biết Hoài Linh sa sút mới quyết định đến đặt vẽ bức chân dung. Đâu có chuyện cô không biết Linh sống chết thế nào như lời kể của Lan!
Hai người đã có gắn bó , đã có kỉ niệm, đã trao thân cho nhau mà khi gặp lại nhau, không còn một dấu vết nào gợi lại. Bạn tôi nói rằng Thủy thành “ người đàn bà lạ”, chỉ là quyết định của nhà tiểu thuyết!
Mặt khác, tác giả miêu tả Thu “Cháu giống mẹ cháu ngày xưa như hai giọt nước. Nhiều khi nhìn vào bức tranh này chú có cảm giác là chính cháu đang hát múa chứ không phải mẹ” ( trang 195). Ấy vậy mà khi Thu đến lấy bức tranh, ông họa sĩ lại không hề nhận ra. Ông lại chỉ chăm chú đọc thư, để rồi sau làm một cuộc “trường chinh trong vô vọng” tìm con! Đành rằng mắt ông có lúc kém, kèm nhèm bôi thuốc Mĩ cũng không ăn thua! Nhưng tác giả quên ông đã từng nhìn một cô bé giống hệt con mình , suýt gọi “con” ( trang 147), rồi ông nhận “ Đây không phải là “Cô đôi thượng ngàn” mà là màn cưỡng dâm cô ấy” ( trang 199). Mắt kèm nhèm thì sao có thể nhìn như thế, sao có thể vẽ kí họa khi đi tìm con? Hình như thấy khá rõ cái bàn tay sắp đặt không “khéo” lắm của tác giả.
Dù như vậy thì tiểu thuyết “Bức chân dung người đàn bà lạ” vẫn là một tiểu thuyết thành công của Chu Lai về đề tài chiến tranh. Ở đó, những con người một thời Trường Sơn máu lửa vẫn tiếp tục sống cao đẹp, nhân hậu sau chiến tranh. Lịch sử dân tộc và lịch sử văn chương không bao giờ quên họ./.
Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 2020
V.N
Người gửi / điện thoại