Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BÌNH THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI

KHÔNG NÓI-TÌNH YÊU VÀ NỖI BUỒN
Trần Trung


Trong thơ ca kháng chiến chống Thực dân Pháp của chúng ta, công bằng
mà nói còn thiếu những bài thơ tình đặc sắc. Vấn đề là ở chỗ, làm sao thổ lộ
cho chân thành nỗi đắm say trong tình yêu mà vẫn hàm chứa được tình cảm
cùng trách nhiệm với cái chung của sự nghiệp vệ quốc gian lao mà cũng rất
đỗi hào hùng của nhân dân, của Dân tộc.
Bài thơ “Không nói” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, viết năm 1948 tưởng
như gợi được thật nhiều cảnh huống, tâm trạng trong khoảnh khắc gặp gỡ
của tình yêu giữa những tháng năm gian lao mà anh dũng-những năm tháng
“không thể nào quên” trong chặng đường cách mạng của Dân tộc:
“Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em, em nhìn đi đâu?
Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây
Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy.”
Câu thơ thứ nhất trong bài thơ của Nguyễn Đình Thi chạm tới một cảnh
huống cụ thể-những người đồng chí (mà cũng có thể chỉ là người thân yêu)
gặp nhau bất chợt trong khoảnh khắc hiếm hoi của những năm kháng chiến-
“dừng chân trong mưa bay”. Điều nói tới trong sự “Không nói” chính là
điểm “dừng chân”. Câu thơ mở và gợi ra một không gian hiện thực mà cũng
lay gợi một không gian tâm trạng của sự gặp gỡ. “Dừng chân” gặp nhau
“trong mưa bay”. Mưa bay nhè nhẹ, những giọt nhỏ li ti mà thấm tháp, mà
ngấm nghía. Hẳn đó là mưa xuân rồi. Mưa và kèm theo lạnh.Nhà thơ Xuân
Diệu từng có một nhận xét thấm thía và ân tình: “Xuân, người ta vì ấm mà
cần tình”. Thế thì, cảnh tượng “dừng chân trong mưa bay” dễ gợi ra điều
muốn nói của lòng người. Câu thơ của Nguyễn Đình Thi nhẹ nhàng, lặng lẽ,
cũng đồng thời xôn xao nỗi niềm gặp gỡ.

2
“Không nói”-mà nói đầy lời yêu. Từ khoảnh khắc “dừng chân”, những
câu thơ trong “Không nói” mở ra sự quan sát và hướng tới người em-nhân
vật trữ tình của bài thơ trong yêu thương vô hạn: “Ướt đầm mái tóc./Em, em
nhìn đi đâu”.Hai dòng thơ của nhà thơ ngỡ như hướng tới người em trong
không gian “mưa bay” với thoáng chút bối rối,e lệ: “Em, em nhìn đi đâu”
mà hóa ra nói được cả ánh mắt trìu mến, yêu thương của chàng trai trong
phút giây “đối diện đàm tâm” thật hiếm hoi và vì thế thật đáng quí, đáng
nhớ.
Thế rồi, tình yêu thương bỗng trào lên mà không hề bồng bột, cũng chẳng
hề vồ vập trong những câu thơ thật dịu dàng, thật thắm thiết:
“Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây”
Đọc những lời thơ ấy, ta dường như cảm nhận được nỗi ám ảnh thật nồng
say trong tình yêu đôi lứa.Những cái gì thuộc về em, là của em từ làn môi
đến đôi mắt, đều như tỏa ấm cảm giác yêu thương. Sức lôi cuốn, ám ảnh của
tình yêu đến bằng cái đã có, đã thấy (môi em đôi mắt) đồng thời còn đến thật
nồng nàn trong nỗi khát khao dâng đầy của tâm tư.Vì thế, những tiếng “còn
ôm đây” gieo vào lòng ta cái cảm giác vấn vương, nhớ thương thật khó tả...
Tình yêu đến bất chợt, vội vã. Chân thành và cũng buồn làm sao trong
những câu thơ “Nhìn em nữa/Phút giây”. Yêu thương say đắm quá mà cũng
thảng thốt gấp gáp quá-ngỡ như phải nhìn thật nhanh để mà bắt vào tâm trí
hình ảnh người em thân yêu. Bởi sự gặp gỡ bên nhau, chỉ được tính bằng
“phút giây” ngắn ngủi.
Những câu thơ cuối bài của Nguyễn Đình Thi vẫn triệt để và nghiêm ngặt
với bút pháp gợi nhiều hơn tả. Bài thơ không hề nói tới sự chia tay của hai
người bạn tình trên những nẻo đường kháng chiến mà chỉ gợi ra không gian,
thời gian trong hình ảnh “Chiều mờ gió hút”.Trong cái nhạt nhòa của chiều
buông xuống, con gió chiều như cũng nói lên tâm trạng và ánh mắt của một
người thân yêu phải chia tay với một người thân yêu.Những câu thơ cuối
cùng của Nguyễn Đình Thi như cùng hút đôi mắt tâm tư của ta vào một dáng
hình người em gái. Thơ, hay là họa, hay là nhạc-có lẽ có tất cả trong hình
ảnh bé nhỏ,heo hút “Em/Bóng nhỏ/Đường lầy”...
Nhà thơ, nhà lý luận phê bình thơ ca của Trung Quốc đời nhà Thanh là
Viên Mai, từng có nhận xét thật chí lý:”Thơ chỉ nên đạm chứ không nên
nồng.Nhưng, phải là cái đạm sau khi đã nồng.”
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi-gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến,
từng để lại ấn tượng đáng quí trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi
và sáng tạo cho thơ ca hiện đại. Nguyễn Đình Thi từng chủ trương thơ hiện

3
đại Việt Nam không nhất thiết phải vần-Thơ cần bứt thoát và bay lên bằng
chính giai điệu của tâm hồn và trí tuệ nhà thơ.
Ở bài thơ “Không nói”, tiếp tục khẳng định một hướng đi dường như không
bao giờ cũ-đó là sự kiệm lời trong thơ. Bài thơ nhỏ xinh, khiêm nhường về
câu chữ của Nguyễn Đình Thi cho ta ấn tượng về sự cô lại, dồn nén trong
câu chữ của tác giả mà cảm xúc và tâm tư cứ lan tỏa, lặn mãi vào tâm trí
người đọc. Bài thơ nói được một cảnh ngộ tình yêu lứa đôi trong kháng
chiến.Bài thơ cũng nói được cái chung của một thời tạm gác niềm riêng vì
những điều lớn lao của nhân dân, của Dân tộc đang chờ đợi và đòi hỏi-Tất
cả cho lợi ích sống còn của cộng đồng.
Bài thơ nhỏ mà gợi thương, gợi buồn và gợi cả những điều hi sinh cao quí.
Nỗi buồn chân thành mà cũng thật sang trọng gợi ra từ tên bài thơ,nằm ngay
trong chính bài thơ-nỗi buồn “Không nói”.
Hà Nội-2000.

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 299
Trong tuần: 1020
Lượt truy cập: 435688
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.