Nguyễn Khôi
AO LÀNG
“Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng”
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
Ai đã từng sinh ra và lớn lên từ một miền quê lại không mang trong mình một kỷ niệm quê hương. Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình rất đỗi gần gũi và thân quen với bao thế hệ người Việt Nam chúng ta. Không cần gì cao sang mà chính những cái bình dị đó đã góp phần tạo nên tâm hồn quê kiểng, vun trồng nên sức sống cố hương, thấm vào từng đường gân thớ thịt, từng hơi thở của mỗi chúng ta và ngày ngày nuôi ta khôn lớn, để rồi sau những tháng ngày vùng vẫy khắp bốn phương trời ta lại bỗng nhớ về một kỷ niệm nhỏ nhoi ngày thơ bé.
“Ao làng” đối với Nguyễn Khôi cũng vậy. Nó là hiện thân của nỗi nhớ nhớ quê hương xứ sở. Nhưng hình ảnh “Ao làng” trong thơ anh hiện lên với một dáng vẻ riêng, khá độc đáo. Anh không miêu tả cái thế tĩnh lặng như vị trí, kích thước, hình thù hay độ nông sâu của nó, bởi những thứ đó thì mọi cái ao ở các vùng quê đều có thể giống nhau và ai cũng dễ dàng cảm nhận được điều đó. Vả như vậy ao làng chỉ mang lại ý nghĩa kinh tế và môi sinh cho các cư dân trong làng hơn là giá trị văn hoá tâm linh và thẩm mỹ của nó. Ao làng trong tâm trí Nguyễn Khôi là thế động và vào ban đêm. Động vì chính ở đấy luôn diễn ra những cảnh sinh hoạt của mọi cư dân trong làng. Vì thế nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt Nam.
Với Nguyễn Khôi, vẫn cái ao làng ấy, dường như nó được mở rộng ra ở một chiều kích khác, nhưng rất trong sáng, dung dị, và thắm đẫm một tinh thần nhân bản của con người Việt Nam. Cái ao làng cho ai đó đêm hè ra tắm, những tưởng đấy chỉ là cảnh sinh hoạt bình thường của người nông dân. Nhưng cái sự tắm ấy đã gây ra một hiệu quả thật bất ngờ, đến mức để cả bầu trời phải tắt trăng. Nhà thơ không nói rõ nguyên nhân nào làm cho ánh trăng phải tắt. Có thể là khi người con gái tắm thì bỗng nhiên một đám mây kéo qua làm ánh trăng bị che phủ; hoặc giả vẻ đẹp hình thể tuyệt mỹ của người con gái được tạo hoá ban tặng cho làm chị Hằng thấy hổ thẹn đành khép lại thứ ánh sáng suông nhạt của mình; hoặc giả đứng trước vẻ đẹp ngọc ngà của người con gái mà thi nhân đã quên bặt rằng trên bầu trời kia còn có cả ánh trăng. Có lẽ là cả ba chăng?
Nhưng tất cả sức nặng của bài thơ dồn vào một chữ tắt. Tắt là động từ mạnh vì có âm vực cao bởi thanh sắc và âm “t” ở cuối là phụ âm tắc, bật hơi, tạo nên ở người đọc, người nghe cảm giác dừng đột ngột.. Từ tắt là một nội động từ nên chỉ cần một tân ngữ trực tiếp đứng ngay sau nó, không có giới từ đứng xen kẽ. Chẳng hạn như trong các cum từ: tắt đèn, tắt máy, tắt gió, tắt thở... cũng đều mang sắc thái ý nghiã đó. Và như vậy dùng chữ “tắt” càng làm tăng thêm tính đột ngột, gấp gáp cho ý thơ, khiến nó không thể cứ trải rộng ra mãi được, làm cho cấu tứ của bài thơ trở nên chặt hơn. Chữ “tắt” trong trường hợp này về mặt âm điệu là phá thể, vì nó đã chuyển từ thính tự sang thị tự. Tắt ánh trăng là sự cảm nhận bằng mắt chứ không phải bằng tai. Bầu trời tắt ánh trăng là sự cảm nhận vượt ra ngoài tầm bao quát thông thường của mắt người. Vì thế trường liên tưởng của hình tượng thơ trở nên khó xác định về giới hạn, đồng nghĩa với vô hạn. Nếu động từ tắt được thay bằng bất kỳ một từ loại nào khác thì chắc chắn sẽ làm thay đổi cảm giác đối với người nghe, người đọc, làm thay đổi giá trị biểu cảm của câu thơ, bài thơ. Mặt khác chữ tắt có khả năng diễn tả sự vận động tâm trạng bên trong của chủ thể sáng tạo. Theo tôi trong trường hợp này thì không có từ nào đắt hơn từ tắt mà Nguyễn Khôi đã dùng.
Cái ao làng vô tri vô giác kia là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người nông dân xưa kia. Nhưng nó cũng chính là nơi gặp gỡ, hẹn hò của bao lứa đôi, bao mối tình vẹn nguyên và dang dở. Và ao làng càng trở nên sống động lạ thường trong con mắt của thi nhân. Nó đã trở thành nguồn cội sâu xa cho những hồn thơ phát tiết, như thầm nhắc chúng ta chớ vội quên những gì không thể quên được./.
Đ.N.Y