Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ẢO ẢNH THIÊN ĐƯỜNG

 Đoàn Thị Ký

 

CẢM NHẬN ĐỌC TRUYỆN “ẢO ẢNH THIÊN ĐƯỜNG” CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ VÂN ANH

 

           Cách đây mấy năm, tôi được đọc truyện ngắn “Ảo ảnh thiên đưởng” của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh, in trong cuốn tổng tập chọn lọc của nhiều tác giả có tên“ Phái đẹp cuộc đời và cây bút”, do Hội nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2015. Truyện của chị đã cho tôi ấn tượng về bút pháp dựng truyện vừa chi tiết vừa khái quát. Và thật may mắn, hôm nay sau khi đọc lại truyện đó trong Tuyển tập Truyện ngắn và ký của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh, tôi có thể gọi ra thành tên đó là thủ thuật gài chi tiết thành cái “lẫy”, đẩy cảm xúc vỡ òa, ám ảnh lòng người đọc. Ở bài viết này tôi chỉ xin lấy dẫn chứng tiêu biểu là truyện ngắn “Ảo ảnh thiên đường”, một truyện ngắn in trong tuyển tập.

          Tìm hiểu hai từ Thiên đường, có muôn vàn định nghĩa, tựu trung lại “thiên đường” là cái gì đó rất mông lung, do chính con người định ra để tự yên ủi mình và đồng loại… Đã vậy, cái tít của truyện ngắn còn là “ảo ảnh “nữa càng thêm huyễn hoặc, cho cái thiên đường mà nhân vật Ba Mây đã vẽ ra và hy sinh cả đời con gái vì nó, để rồi giữa thanh thiên bạch nhật trước chủ tọa phiên tòa, Ba Mây đã đứng lên thốt lời cay đắng: “Phải chi ngày đó tôi đừng mải ngước lên cao và mơ một ảo ảnh thiên đường”.

          Ngày đó là ngày nào vậy? Theo như nhân vật Anh mà cũng chính là tác giả, người đứng ra kể lại câu chuyện này, câu chuyện về người con gái có tên Ba Mây- “cô giao liên áo tím xinh đẹp, thông minh và nhí nhảnh đã làm mê mệt biết bao chàng trai đồng đội”, từng cùng anh cận kề cái chết. Họ yêu nhau, nhưng họ đã biết dừng lại vì còn một tình yêu lớn hơn là tình yêu đất nước, vì sự giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà họ và cả một thế hệ trẻ đã dấn thân, họ tin và hò hẹn: “Bao giờ chiến thắng, hết giặc chúng mình sẽ làm đám cưới và em sẽ chiều anh” Nhưng lại nhưng, chiến tranh có ai lường hết bất trắc, biến cố xảy ra…đất nước đã im tiếng súng nhưng họ lại thất lạc nhau. Khi nhân vật anh chuẩn bị làm lễ thành hôn với người con gái mà gia đình dấm cho thì anh biết được tung tích Ba Mây, anh đã bỏ mặc hai họ giữa ngày cưới để đi tìm Ba Mây và anh đã tìm được. Theo tôi đây cũng là chi tiết đắt giá tạo ra kịch tính, hấp dẫn người đọc, và cũng mở ra chuỗi bi kịch trong tình yêu của họ. Yêu nhau mà không đến được với nhau vì lòng tự trọng về phẩm giả con người, vì lý tưởng mà Ba Mây hết lòng phụng sự ... Điều đó tạo nên đối trọng với một tình yêu đời thường, chân chất …

Ở đây tôi không muốn kể lại câu chuyện, nhưng là truyện thì tình tiết phải logic, đâu như thơ chạy theo cảm xúc. Cái logic của mạch truyện “Ảo ảnh thiên đường” chính là cái ý tưởng mà Ba Mây đã và đang đắm chìm, phấn đấu cho: một viễn cảnh “… Rồi đây trên quê hương mình, ở nông trường Bình Minh, người lao động sẽ được làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Sẽ chấm dứt cảnh người bóc lột người. Trẻ con sẽ được nông trường chăm lo đầy đủ mọi thứ từ khi còn ở nhà trẻ đến hết tuổi đến trường…” thì dù: “Anh cố bứt cô ra khỏi ảo giác thần tiên đó. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng” Tấn bi kịch tình yêu của họ kết thúc đầy tréo ngoe, khi anh có cô vợ tên là Dịu nhẫn nhục chịu đựng suốt 10 năm chung giường mà đôi mặt ngoảnh đi đến cực đỉnh. Chính là cái đêm gia đình nhà Anh cố ý tổ chức lễ kỷ niệm, anh đã gọi điện cho Ba Mây “Mây ơi em còn yêu anh nữa không?”, và Ba Mây đã trả lời thú nhận là vẫn yêu, nhưng trên hết vẫn là sự say sưa phấn đấu cho một ngày mai, khi sản phẩm của nông trường được xuẩt sang châu Phi trong niềm hy vọng: “…Cái khoản tiền chênh lệch lời ra của những chuyến hàng mang từ gốc bán tận ngọn đó em đã quyết định sẽ bỏ vào cái quỹ khuyến học, khuyến tài. Em sẽ trả lương thật cao chắc chắn sẽ kéo được những người tài về đây, cùng bà con xây dựng cái mô hình chủ nghĩa xã hội độc đáo, nơi đồng đất sình lầy này…” Và, điều tất yếu tấn bi kịch tình yêu dẫn đến hồi kết giữa nhân vật Anh và Ba Mây khi Ba Mây trả lời: “Em dám đánh cược cả sự sống của em đấy.” thì anh cũng “không nỡ từ chối lời cầu xin đẫm nước mắt của vợ anh”.

          Bi kịch tình yêu kết thúc cũng là lúc bi kịch cuộc đời Ba Mây bắt đầu, hãy xem bút pháp của tác giả: “Cái cơ ngơi nông trường Bình Minh càng mỡ màng tươi tốt thì thân hình cô càng héo hắt gầy mòn.” Như điềm báo chẳng lành. Quả vậy: “Trận cuồng phong được gói trong chiếc phong bì mỏng tanh của một cánh thư bay đến. Người ta gửi cho cô cái quyết định thu hồi bốn chục héc ta đất của nông trường để làm sân golf. Cô thấy như người ta sắp sẻo thịt mình làm món nhậu cho những kẻ vô công rồi nghề. Cô gồng mình như một võ sỹ, quyết thua đủ, thà chết không để ai xâm phạm cái ốc đảo thần tiên của mình”. Thật sót xa để dẫn đến một thân phận không của riêng những công nhân nông trường Bình Minh: “A, thế ra chúng tôi sắp được đổi phận từ chủ thành tớ, từ người chủ ruộng thành thằng làm thuê lon ton khoác bị gậy đi theo hầu nhặt bóng phục vụ máy ông bụng bự hay sao?”

Lời cảnh tỉnh của sự trải nghiệm cuộc sống và nỗi niềm đau đáu yêu quê hương của tác giả Nguyễn Thị Vân Anh, đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề thật thức thời. Những chi tiết, hình ảnh đối trọng nhau về con người, về đất nước im súng nổ đấy, nhưng lại đang âm ỉ những vụ nổ trong lòng người về chiếm dụng đất đai.

          Và đây, là cái lý do để dẫn Ba Mây tới vòng lao lý vì: “Giám đốc nông trường đã lập quỹ trái phép, trái pháp luật. trong khi thực tế là quỹ đó để thu hút người tài, để nuôi lũ trẻ con nhà nông dân ăn học nên người, chứ bản thân Giám đốc Mây chẳng dính một đồng xu, cắc bạc.” Theo tôi đây là chi tiết đắt giá đã được tác giả Vân Anh gài rất khéo từ phần trên, từ một ước vọng tốt đẹp đang thành hiện thực, bị quy kết này kia, được đem ra là cái cớ chốt một mưu đồ, khiến thân chủ thân bại danh liệt vì quyền lực và đồng tiền thao túng. 

Song, với bản chất và lòng tự trọng, Giám đốc Ba Mây không bỏ trốn, cô đã nói lời cuối cùng trước tòa, nghẹn ngào lời gan ruột:

          “Phải chi ngày đó tôi đừng mải ngước lên cao và mơ một ảo ảnh thiên đường…tôi đã lầm. Lấy chồng, sinh con, có một mái ấm gia đình, đó là điều mà người đàn bà cần phải có…”, Thật thấm thía với từng con chữ của tác giả, cho thân phận đàn bà bé nhỏ trước những biến thiên của thời cuộc, hy vọng điều này sẽ động lòng trắc ẩn tới những bậc vĩ mô lãnh đạo đất nước trong thời vận cơ chế kinh tế thị trường, không làm mất đi những giá trị nhân văn, làm nên sức mạnh trường tồn của dân tộc ta.

Thay kết luận bài viết, tôi xin mở ngoặc có chút ngoại đề, khi đọc truyện Ảo ảnh thiên đường, tôi biết ngay là tác giả câu chuyện này lấy cốt truyện từ một mẫu hình có thật ở nông trường Sông Hậu của tỉnh Cần thơ trước đây và nay là Hâu Giang do 2 cha con kế tiếp nhau làm GĐ, nông trường, được Nhà nước phong anh hùng 2 lần. Năm 1986, nông trường được phong danh hiệu “Anh hùng lao động “lần thứ nhất, tôi cùng nhà văn Dạ Ngân đến đó công tác và có gặp người cha Chính ông đã gây dựng nền móng, cơ ngơi ban đầu của nông trường và là Giám đốc. Ông tên là Trần Ngọc Hoằng, thường gọi ông Năm Hoằng. Ông có biệt danh là Giám đốc chân đất vì suốt ngày chỉ thấy ông lội ruộng, lăn vào công việc như mọi người nông dân chân đất; Năm 2002, tôi lại có may mắn trở lại lúc đó chị Trần Ngọc Sương, con gái ông, còn gọi là Ba Sương đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp thay cha làm Giám đốc. Nông trường được phong lần 2 danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Giám đốc Trần Ngọc Sương còn được Quốc tế vinh danh là Người phụ nữ Châu Á tài năng. Vậy mà ít năm sau tôi được biết chị bị đưa ra tòa vì tội lập quỹ trái phép. Mà thực tế cái quỹ ấy là vì cuộc sống chung của những người nông dân. Mãi đến năm 2012 chị mới được minh oan, xóa án. Với tôi chỉ viết được mấy bài báo phục vụ nhất thời đường lối của Đảng, nhưng với tác giả Vân Anh, với cái nhìn thấu tình đạt lý của cảm quan phụ nữ, chị đã vượt thoát xây dựng thành câu truyện có nhân vật, được bồi đắp bằng những chi tiết sống động, có tầm khái quát cho thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế đất nước. Bên cạnh những thành tựu cũng còn không ít những mưu cơ làm triệt tiêu giá trị của xã hội. Nhà văn Vân Anh đã nhìn ra những bất cập xã hội, cất lên tiếng nói đầy trách nhiệm với đất nước, có giá trị nhân văn muôn thuở của cõi người…

 

          Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Thị Vân Anh.

 

                                                                       Phố Cấn, ngày 2-1-2024.    

                                                                                                 Đ.T.K   

                                                                         

 


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 36
Trong ngày: 355
Trong tuần: 1063
Lượt truy cập: 435769
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.