Vũ Nho
ẤN TƯỢNG MÃ GIANG LÂN
(Qua tập Những lớp sóng ngôn từ;
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013 và những bài thơ khác)
Không hiếm các nhà khoa học khi nổi hứng làm dăm ba bài thơ để trong sổ tay hay in báo. Nhưng khá hiếm hoi nhà khoa học in một hoặc vài ba tập thơ. Đặc biệt với các giáo sư ngành văn chương thì lại càng hiếm lắm. Theo tôi biết thì chỉ có Giáo sư Hà Minh Đức là đã in bốn tập thơ sau khi đã bước vào tuổi không còn trẻ. Và người thứ hai là Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lân. Trường hợp Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lân có khác người đồng hương Thanh Hóa - GS Hà Minh Đức. Trước khi sinh viên và bạn đọc biết đến một GS-TS Chủ nhiệm bộ môn, người ta đã biết đến nhà thơ Mã Giang Lân với hai bài thơ đoạt giải ba cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969. Và mặc dù viết nhiều giáo trình, công trình khoa học, với tư cách nhà thơ, Mã Giang Lân đã công bố đến 6 tập thơ lần lượt theo thời gian: Bình minh và tiếng súng (1975), Hoa và dòng sông (1979), Một tình yêu như thế (1990), Những mảnh vỡ tiềm thức (2009), Về một cây cầu (2010) và Những lớp sóng ngôn từ (2013).
Tôi ấn tượng với Mã Giang Lân trong đôi lần ngồi trong Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, khi đọc tóm tắt tiểu sử của anh trong Nhà văn Việt Nam hiện đại (Kỷ yếu của Hội nhà văn). Và đặc biệt là khi đọc bài viết của nhà thơ Vũ Từ Trang trong cuốn Nhà văn độc hành độc bộ. Hóa ra những phẩm chất tư duy hệ thống, sắc sảo, rành mạch, chi tiết, chặt chẽ của một người làm nghiên cứu không lấn át phẩm chất mơ mộng, lãng đãng, “không rành mạch” (Nguyễn Duy: “Xin chớ hỏi tại sao như vậy/ Tôi vốn không rành mạch bao giờ”) của người làm thơ. Mà có được hai loại phẩm chất của nhà khoa học, nhà thơ như Mã Giang Lân thì thật đáng quý, thật đáng trân trọng.
Ấn tượng về thơ Mã Giang Lân, với tôi, trước hết, là thơ của một nhà thơ gốc gác thôn quê, gắn bó với một vùng nông thôn Thanh Hóa. Quê hương anh vừa có cánh đồng, vừa có dòng sông, lại vừa có cây cầu nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ. Dù trở thành một giảng viên của trường đại học danh tiếng vào bậc nhất nước ta, nhưng con người giản dị, chân mộc của anh vẫn gần gũi với người nông dân:
Tôi thao thức trong ngôi nhà thao thức Cánh đồng đang vụ gặt
Bàn tay tôi còn đậm hơi bùn
(Mùa trăng, trong tập Một tình yêu như thế)
Gắn bó với quê hương, với những người làm ra hạt lúa, củ khoai, hay quăng chài trên sông bắt cá, nên luôn luôn thường trực một nỗi thương cảm, lo lắng, trăn trở ở người thơ. Không ở nhà quê, nhưng anh băn khoăn, day dứt:
Ao hồ bị chôn sống
Cây xanh bị bức tử giữa trời xanh
(Lang thang)
Đồng đất mấy năm nay nóng dần lên san lấp
gò đống ngổn ngang mùa khô nước nghẹn khó về
lam nham vài vạt khoai ruộng lúa
(Người về)
Tác giả “gọi mùa màng” vì thấy để có một mùa bội thu, người quê đã “bội thu” nhiều thứ quá:
bội thu những trận mưa tầm tã qua đêm
bội thu những ngày chói chang không một làn mây không một ngọn gió
bội thu những cánh đồng khô cằn đòng đòng lấp ló
bội thu những tiếng cười héo hắt chiều hôm
(Gọi mùa màng)
Nhìn những thế hệ con cháu của mình, nhà thơ không khỏi day dứt, ngậm ngùi:
chiếc xe đời cha để lại
các cháu è lưng quèo quẹo kiếm dăm đồng
bám vào quê để sống
mà quanh năm quê lầm lụi
đời cha đời con
chóng mặt vòng quanh năm tháng
(Đêm Hàm Rồng)
Là tiến sĩ, là giáo sư, nhưng có lẽ nguồn gốc xuất thân, cộng với những ngày gian khổ chung của cả nước trong chiến tranh, nên hồn thơ Mã Giang Lân luôn luôn mở về “thường dân hạng ba” đủ loại. Một ông chài trên sông, những đứa cháu ở quê, người bốc vác, người chạy chợ đầu mối, những người làm nghề đánh cá “những kiếp người phiêu dạt/ mấy đời/ đến chết vẫn lênh đênh” (Ở sông). Những người bạn “trang lứa chăn trâu” chưa khi nào vượt qua bên kia sông/ chỉ quẩn quanh bên này đồng/ vai vác cày vai khoác ách/ một đời cố tìm niềm vui trong gian nhà đất/ giỗ chạp loanh quanh tối ngày (Hành hương). Anh cảm thông và thấu hiểu nỗi lo lắng của người chị họ đi kinh tế mới:
Làm sao lo cái đói giêng hai
Làm sao có tiền sang năm về giỗ bố
(Người chị họ nói)
Chung một chuyến tàu chợ, anh quan tâm tới những số phận khác nhau đủ loại đang bươn chải trong cuộc mưu sinh đầy gian nan, bất trắc:
Người về quê tìm mồ mả tổ tiên
người bươn bả kiếm miếng ăn nơi đất mới
người tay xách nách mang mánh lới
bán buôn xuyên các phố phường
(Đi tàu)
Nhiều bài thơ của nhà thơ sống, làm việc nơi phố thị nhưng lại nói về ruộng vườn, bờ bãi, về cây cầu Hàm Rồng, về dòng sông Mã thân thương mà anh đã lấy tên sông cùng với tên thật của mình để thành một bút danh ấn tượng Mã Giang Lân. Tuy nhiên, thơ của anh không chỉ mở về vùng quê “cánh đồng âm thầm bùn đất”. Thời chiến, nhà thơ công dân của chúng ta “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” (Xuân Diệu) với nhân dân: “Tôi mở những trang thơ lửa bỏng/ những trang thơ lấm láp chiến hào” (Những ngả đường). Những câu thơ của anh vững bền, chắc chắn như “Trụ cầu Hàm Rồng” mà bom tấn, đạn hai mươi li, tên lửa Mĩ không làm gì nổi. Gian khổ nhưng không ít tự hào:
Cả dân tộc sống những ngày nghiệt ngã
Nắm gạo nắm mì
Đong lại đong đi
Chia làm ba rồi chia làm bốn
Mấy thế hệ cùng nhau cầm súng
Chưa một phút nghỉ ngơi
(Những ngày gian khổ -
trong tập Một tình yêu như thế)
Những ngày tháng hào hùng ấy vẫn hằn lên trong kí ức:
Những đoàn xe cắt vụn đêm đen
chuyến tàu kẻ một đường chân trời mờ mịt
bạn bè vẫy tay bóng tối
hăm hở đi không về
đêm đông chớp giật
bom B52 nhằm cháu bé Khâm Thiên
(Mở)
Thời bình, thơ anh lên rừng, xuống biển, lắng nơi phố thị. Ở đâu cũng vẫn tấm lòng hồn hậu ấy, tinh thần công dân ấy. Nỗi lo lắng cuộc đời chung của nhân dân, đất nước hầu như không đổi thay:
các khu dân cư cơi nới
người xe ùn ùn đường phố nhấp nhô
một dòng sông sọ dừa
những ngôi nhà cao ngất
có gọi được đàn sâm cẩm trở về không
với một phần ba hồ Tây còn lại
(Năm 2010 nghĩ)
Càng về sau, thơ của Mã Giang Lân càng đượm suy tư, trăn trở. Cái vui phơi phới nhường chỗ cho sự ngẫm ngợi về lẽ đời, về tình người, về thế sự. Chỉ so sánh hai hình ảnh luống cày cũng thấy điều này:
Những luống cày đất mới
Chạy dài như những tia nắng đầu tiên
(Ban mai, viết năm 1976)
...cánh đồng phờ phạc
Những luống cày há mồm chờ nước
(Khúc biến tấu, viết năm 2012)
Mà thực tế cuộc sống bây giờ vui sao được khi có nhiều điều trái ngang, không ít giá trị bị đảo lộn, niềm tin lung lay “niềm tin ngã ba, niềm tin ngã bảy/ có thể đánh lừa xoa dịu cơn đau” (Lang thang). Cả những niềm riêng của nhà thơ nữa: “em bơ vơ phía bơ vơ/ Tôi hoang sơ cứ hoang sơ một đời” (Nắng chia mùa hạ). Một so sánh chắt ra từ suy ngẫm của nhà thơ nhưng cũng là một nhà khoa học:
Sao trên trời nhiều hơn mười lần cát bãi biển và sa mạc
thế gian
còn nỗi buồn biết lấy gì so sánh
(Viết theo Kinh thánh)
Cái buồn của nhà thơ Mã Giang Lân là nỗi buồn vạm vỡ của một hồn thơ khỏe mạnh, chân chất và lạc quan, của một người có trách nhiệm, có ý thức với cuộc đời. Thấp thoáng thấy sự mỏi mệt, thấp thoáng thấy sự ngậm ngùi “nhân loại cái thời điên đảo cả/ liệu mình còn sống được bao lâu/ sách vở ích gì cho con trẻ/ đất đai nhà cửa lấy làm đầu/ giá cả cứ leo thang chóng mặt/ miếng cơm manh áo dễ gì đâu” (Những ngày Đà Lạt). Nhưng vẫn còn đó một Mã Giang Lân nghệ sĩ, đắm say, nồng nhiệt “thôi nào cứ cởi phăng áo ngực/ nắng đến thế thôi/ gió đến thế thôi” (Về quê) và đây nữa:
Đà Lạt ơi Đà Lạt
vang cứ vang hết lòng
ngon cứ ngon tới số
thơm cứ thơm tận cùng
(Đà Lạt vang)
Không có gì giảm bớt, thậm chí còn “hăng” hơn so với hơn ba chục năm về trước: “Hàng rượu đây bạn ơi/ Ta uống cho đẫm ngực […] Gặp nhau rượu cạn bát/ Gặp nhau kể hết lời” (Ở Sà Phìn, trong tập Một tình yêu như thế).
*
Nhà thơ Vũ Từ Trang khi viết chân dung Mã Giang Lân liệu có phân vân không khi đặt nhan đề Mất một nhà thơ hay được một nhà nghiên cứu. Nhà thơ Mã Giang Lân chỉ có 6 tập thơ, so với nhà nghiên cứu Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lân có những hơn 30 đầu sách thì có vẻ không cân xứng. Có vẻ nhà thơ bị chìm khuất. Tôi thì nghĩ không có chuyện mất người này và được người kia. Vẫn song hành tồn tại hai người, nhà thơ và nhà nghiên cứu. Nhà thơ Mã Giang Lân với những vần thơ đằm sâu, giàu suy tưởng. Nhà nghiên cứu Lê Văn Lân với các công trình khoa học bề thế, chuyên sâu. Hai nhà đó phối hợp, nâng đỡ nhau, khích lệ nhau. Và tôi tin, nhờ thế mà thơ Mã Giang Lân có một vẻ đẹp đắm say và trí tuệ riêng; đồng thời nghiên cứu của Lê Văn Lân cũng giàu chất văn chương, cũng mang đậm dấu ấn cá nhân của một nhà thơ thành danh sớm.
Hà Nội, 4 tháng 10 năm 2013
V.N