Đỗ Xuân Thu
VUA CUA ĐỒNG
Là một người khá đặc biệt của làng Cổ Cò, năm nay, lão Đồng bốn mươi chín tuổi, bước vào cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Mọi người trong làng gọi ông Đồng là lão vì mấy nhẽ. Thứ nhất, là nông dân chính hiệu nhưng Đỗ Đình Đồng lại có dáng dấp của một nghệ sĩ phong trần. Người lão dong dỏng cao, khoảng hơn mét bảy gì đó. Khi ở nhà thì lão cởi trần quần đùi, luôn động chân, mó tay vào các việc. Thế nhưng, hễ ra khỏi nhà là lão lại đóng bộ, sơ vin, giày mũ, đầu tóc bóng lộn. Trông lão khi đó nhàn nhã và oách lắm. Cấm thấy lão mặc quần đùi, áo lót khi ra đường bao giờ.
Lão luôn để tóc rậm trùm quá tai. Chỉ khi nào quá lứa, lão mới ra hiệu sửa sang lại đôi chút. Mái tóc lão bềnh bồng, dài kín gáy. Nhìn lão từ phía sau, ai không biết lại cứ tưởng là thanh niên. Phong độ, nhanh nhẹn lắm. Mấy năm gần đây, mắt kém, lão phải đeo kính. Chính vì thế mà trông lão càng có vẻ trí thức hơn.
Lão Đồng có rất nhiều tài lẻ. Đàn giỏi, hát hay, kẻ vẽ đẹp. Hồi trẻ, lão đã từng làm MC đám cưới, rồi đội trưởng đội nhạc hiếu nữa. Lão vận thơ đám ma, đám cưới thì thôi rồi. Hợp cảnh, hợp tình, vần vèo cứ ngọt lịm. Tính lão xởi lởi, tếu táo. Trẻ con cũng thích. Người già cũng mến. Gần lão, ai cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Lão sống hòa đồng, dân dã. Phụ nữ trong làng ối người tơ tưởng đến lão. Cái chất nghệ sĩ, vô tư đã khiến cho lão trẻ mãi đến tận bây giờ…
Vốn là thợ xây có tiếng, đã từng làm đội trưởng đội thợ nề nên lão Đồng xây cái bể này nhanh lắm. Thì có gì phức tạp đòi hỏi phải kỹ thuật cao siêu đâu. Cứ ngang bằng, sổ thẳng, vôi vữa tỷ lệ chuẩn là OK. Đến nhà tầng, cầu cống, ngày xưa Đồng còn xây ngon được nữa là. Bây giờ, hai cái bể, mỗi cái hơn năm chục mét vuông này có là gì. Chiều dài chín mét, chiều rộng sáu mét. Thế thôi. Bể được đào sâu xuống đất già nửa mét. Đáy đổ bê tông, nghiêng về một phía. Bức tường xung quanh cao hơn mét, phần nổi lên trên mặt đất là bốn chục phân. Phía cao có đường ống dẫn nước từ suối vào. Phía thấp, có đường ống dẫn nước thoát ra ruộng. Hệ thống van cấp thoát nước khá hiện đại. Bên trên bể là bộ khung giàn chăng lưới đen làm mái che. Vì thế hai cái cái bể nửa chìm nửa nổi này khá kín đáo, mát mẻ.
Biết lão có ý định xây bể, cánh thợ cùng làm với lão trước đây liền kéo đến. Toàn đệ tử ruột ngày xưa. Họ đã theo lão ăn mòn bát đũa thiên hạ. Mỗi người mỗi ý. “Bác xây bể làm hòn non bộ à? Nhưng mà sao lại làm tận những hai cái? Để chúng em giúp bác một tay”. “Việc này đáng ra bác phải làm từ lâu rồi mới phải. Cây cảnh đẹp như thế, vườn rộng như thế, thế mà em vưỡn thấy nó tạp nham, chắp vá làm sao ấy. Giờ bác quy hoạch lại, thêm hòn non bộ nữa thì chỉ có tuyệt”. Lão Đồng ậm ừ, chẳng ra nhất trí cũng chẳng ra không. Mọi người thấy thế càng truy vấn. “Hay bác làm bể nuôi cá?”. “Hay nuôi ếch?”. “Có cái ao to tướng ở góc vườn rồi, xây thêm hai cái bể này làm gì nữa?”…
Lão Đồng cười hề hề, úp úp mở mở: “Cứ làm rồi khắc biết. Các chú giúp bác vài buổi rồi sẽ thấy”. Nghe vậy, cánh thợ chỉ còn biết làm theo ý của lão thôi chứ còn hỏi gì thêm được nữa! Tính lão thế. Lúc thì bộc tuệch, bộc toạc. Lúc lại kín như bưng. Hỏi thế chứ hỏi nữa lão cũng không bao giờ nói. Khi ấy, chính là lúc lão đang ủ mưu gì đó. Đố mà cạy được miệng của lão.
Xi cát, gạch đá tập kết. Người chặt táo, phá cây. Kẻ cuốc xẻng chờ sẵn. Lão xăm xăm đóng cọc, chăng dây, vạch móng. Máy múc rồ ga ẻn ẻn. Máy trộn bê tông rào rào. Mỗi người mỗi việc. Dân xóm Đông thấy lạ kéo đến xem. Vừa là hỏi thăm, vừa là để thỏa tính tò mò. Không biết cái nhà lão Đồng này làm gì? Cải tạo vườn tạp làm công viên chắc? Hay xây bể bơi? Chắc là nuôi cá, nuôi ếch gì đó thôi. Ở cái xứ “khỉ ho cò gáy” này, công viên, bể bơi mà làm gì? Nhà lão cũng chưa đến mức dư thừa, đại gia để làm vậy.
Nhìn số cây táo vừa qua vụ thu hoạch bị máy múc đào trật gốc, xô về một góc, vợ lão Đồng xót của, cứ rên rỉ kêu giời. Chẳng những bà Đồng mà ai thấy vậy cũng tiếc. Trồng mãi mới được vườn táo, đến khi chỉ sẵn thu hái vậy mà cái lão Đồng gàn này lại phá bỏ mới tiếc chứ. Tiếc quá đi chứ lại. Đúng là lão Đồng “Ba Đê” chập mạch.
Ở cái làng Cổ Cò này, khá nhiều người có biệt danh. Tuy nhiên, người có nhiều biệt danh nhất lại là lão Đồng. Biệt danh chính là thương hiệu của người đó. Thường thì khi đứng tuổi người ta mới có. Biệt danh thường gắn với cá tính, khuyết tật hay nghề nghiệp của mỗi người. Chỉ cần xướng nó lên là đã biết họ là ai rồi. Tỉ như nhà ông Chõe ở cuối xóm giỏi về chăn nuôi bò thì gọi là “Chõe bò”. Nhà anh Lư xóm chợ chuyên mổ lợn thì gọi là “Lư ba toa”. Tay Tùng ở đầu làng chuyên buôn chó được mọi người gọi rất thô: “Tùng chó”.
Lúc đầu những người như Tùng nghe gọi vậy tức lắm. Sau rồi quen dần, thích dần, rồi là hãnh diện nữa. Chính biệt danh đó làm nên thương hiệu cho họ. Khách hàng dễ tìm, dễ liên hệ. Rất tiện. Nhất là khi làng có nhiều người trùng tên. Ví như “Khải gỗ”, “Khải trâu”, “Khải cụt” chẳng hạn. Gọi như vậy để phân biệt các Khải với nhau và biết ngay là Khải nào ở xóm nào rồi.
Mỗi người một biệt danh. Riêng lão Đồng thì có quá nhiều biệt danh. Ngay từ lúc còn đi học, hay khi trong quân ngũ, Đồng đã có mấy biệt danh rồi. Mỗi thời đoạn, lão lại có những biệt danh khác nhau để gọi. Hồi học phổ thông, Đồng có biệt danh là “Ba Đê”. Biệt danh này do chính họ tên Đỗ Đình Đồng mà thành. Đồng học giỏi toàn diện, nhất là hai môn toán và văn. Hồi lớp bảy, một lúc Đồng đồng thời dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh cả hai môn này và đều được giải. Toán giải ba, văn giải khuyến khích. Chẳng những học giỏi, Đồng còn có nhiều tài lẻ. Chữ đẹp, hát hay, thổi sáo giỏi. Đồng thường nổi trội trong các đám đông. Đồng làm công tác đội, công tác đoàn suốt những tháng năm đi học. Đúng là gai nhọn từ bé. Lên cấp ba, Đồng trổ mã, phổng phao, đẹp trai hẳn lên. Khối nàng mê chàng “Ba Đê” đến mất ăn mất ngủ. Mặc, Đồng vẫn cứ vô tư học hành và tham gia công tác đoàn thể.
Vậy mà… thi đại học “Đồng Ba Đê” lại trượt mới lạ chứ. Học tài thi phận, biết làm sao được. Đa số bạn bè kéo nhau vào đại học, cao đẳng. Ở quê còn lại Đồng và một số bạn nữa. Đồng suy sụp mất cả tháng. Sau rồi, bình tĩnh lại, “Đồng Ba Đê” quyết chí tìm lối mới vào đời. Anh xung phong nhập ngũ. Quân đội là trường đại học tổng hợp lớn của cuộc đời. Mọi người chẳng nói thế là gì. Vào đó, phấn đấu, rèn luyện không gì là không thể. Không được thối chí. Có chí thì nên. Các cụ đã dạy rồi.
Với năng lực, trình độ và những tài lẻ của mình, môi trường quân đội đã chắp cánh cho Đồng. Anh hăng hái tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị. Khiếu kẻ vẽ, văn thơ, tài đàn sáo, hát hò đã giúp anh vượt lên. Đồng làm “chủ bút” báo tường đại đội, là hạt nhân văn nghệ tiểu đoàn. Anh nổi trội qua các hoạt động phong trào. Có đợt thi đua hay kỳ hội diễn nào của đơn vị, đội của Đồng và cá nhân anh luôn đoạt giải. Cả tiểu đoàn biết tên anh. Đặc biệt, khi báo quân khu đăng một số tin bài, tiểu phẩm cùng thơ của Đồng thì tên anh nổi như cồn. “Đồng kẻ vẽ”, “Đồng thổi sáo”, “Đồng viết báo” rồi cả “Đồng thi sĩ” nữa.
Viết báo âu cũng là cái duyên của anh. Vào quân ngũ, vốn ham mê viết lách, thấy đơn vị có nhiều hoạt động hay, chiến sĩ Đỗ Đình Đồng thu thập tin tức, viết bài, đưa tin, lặng lẽ gửi báo. Chẳng ngờ ít ngày sau báo đăng. Thủ trưởng và anh em đọc báo, thấy tên đơn vị mình, ai cũng phấn khởi. Không biết tay nhà báo Đỗ Đồ Đệ nào mà viết về đơn vị mình đúng và hay thế cơ chứ. Chính xác tới từng con số, từng sự kiện. Lại còn làm cả thơ nữa đây này. Tờ báo được truyền tay nhau đọc đến nát nhàu. Đồng lặng lẽ nhìn họ, bụng mở cờ, sướng râm ran. Đến khi tòa soạn phối hợp với sư đoàn mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên, ban tuyên huấn cử người xuống gặp chỉ huy tiểu đoàn xin đồng chí Đỗ Đồ Đệ đi học lớp này thì mọi người mới ớ ra. Tiểu đoàn không có ai tên như thế cả. Lãnh đạo báo liền đưa bút tích bản thảo các bài báo ra. Hòm thư địa chỉ đúng đơn vị. Chính xác tới trung đội luôn. Nét chữ thì đúng là của Đỗ Đình Đồng.
Thì đây, tiểu phẩm “Đèn đỏ đây” viết cho tháng an toàn giao thông còn nguyên nét chữ của Đồng. Toàn vần “đê” mới “ác” chứ. “Đường Đống Đa, đê Đồng Đất, đập Đá Đen, đỉnh đèo Đụt… đoạn đông đúc đều đã được đặt đèn đỏ. Đèn đỏ đạt độ đồng đều, đo đếm đứng đắn, đúng điều độ Đông Đức đấy. Đêm đầu đặt đèn đỏ, đàn đom đóm đeo đèn đến đều đờ đẫn: “Đẹp! Đẹp đáo để!”. Đèn đỏ đĩnh đạc, điềm đạm: “Đã đành! Đèn Đức đấy!”. Đèn đỏ đây! Đi đơn độc đến đi đông đủ đoàn, đồ đệ đến đại đức, đại đội đến đại đoàn đi đến đèn đỏ đều đứng, đỗ, đậu đúng điểm đã định. Đừng đâm đầu đổ đuôi đi đại (đui), đừng đua đòi đú đa đú đởn đánh đu (điên), đừng đò đưa đủng đà đủng đỉnh (đần), đừng đong đưa điệu đàng, đỏng đảnh (đỏm)… để đến đoạn đâm đầu đổ đồ đạc. Đỗ, đậu, đài, điện, đường, đạm… đè đầu, đầu đâm đống đá, đít đinh đâm, đuôi đứt đành đạch. Điêu đứng. Đời “đứt đừn đừn” đi đứt đó. Đau đớn! Đại đau đớn! Đến đận đó đừng độc địa đổ đèn đỏ đáo để, độc đoán. Đèn đỏ đây! Đi, đứng, đỗ, đậu đúng đèn đỏ đấy! Đèn đỏ đây!”. Ký tên Đỗ Đồ Đệ.
Đỗ Đồ Đệ là cậu nào nhỉ? Chỉ huy tiểu đoàn nhăn trán, chau mày suy nghĩ. Anh cho gọi chiến sĩ Đỗ Đình Đồng lên làm việc. Bản thảo chìa ra. Nét chữ đúng là của Đồng. Đồng ấp a ấp úng: “Vâng. Em… em lấy bút danh thế các thủ trưởng ạ. Có… có gì chưa phải, em mong các thủ trưởng thứ lỗi”. “Không phải là chưa phải mà là rất phải. Thế nhưng lại là chưa phải. Cậu hiểu chưa?”. Mọi người ngạc nhiên trước câu nói đầy mâu thuẫn của vị trung tá, trưởng ban tuyên huấn sư đoàn. Riêng Đồng thì run nhong nhóc, mặt tái dại.
Lát sau, vị này nói tiếp: “Tôi nói chưa phải là ở cái chỗ Đồ Đệ đó. Đỗ thì được rồi nhưng Đồ Đệ thì chưa. Cậu biết chưa được ở chỗ nào không? Ở chỗ cậu khiêm tốn quá. Lại rất Tàu nữa. Tại sao không là Đỗ Đình Đồng? Cũng Ba Đê, lại danh chính ngôn thuận, đường đường chính chính. Viết bài đưa tin tốt về đơn vị, làm sao mà phải ẩn danh? Vẫn biết, viết báo là có thể dùng bút danh. Nhưng tại sao không lấy bút danh khác cho hay mà cứ phải là Đỗ Đồ Đệ?”. Đồng lí nhí thanh minh.
Sau lớp tập huấn về, anh không dùng bút danh đó nữa mà lấy ngay chính tên họ của mình cho mỗi bài báo. Tuy nhiên, biệt danh “Ba Đê” Đỗ Đồ Đệ vẫn được cánh lính trẻ réo gọi anh cho mãi tới về sau.
Mấy năm quân ngũ, đồng thời với hoạt động văn hóa văn nghệ, Đồng còn được đơn vị cử vào đội xây dựng. Từ phụ vữa, khuân bê, dần dần anh cầm dao xây, lên dàn giáo. Do khéo tay và có con mắt nghệ thuật, từng bước, Đồng tiến tới đứng góc xây trụ. Rồi đọc bản vẽ, xây đắp các chi tiết khó. Lúc gần ra quân, anh đã là thợ cả, chỉ huy cả trung đội thợ nề của ban doanh trại. Chính cái nghề xây trát này mà Đồng đã không bị thất nghiệp khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về.
Về làng, Đồng tập hợp thanh niên lập đội thợ xây. Từ xây thuê đơn lẻ đến bao thầu trọn gói công trình. Nhờ đó mà kinh tế gia đình anh khá lên dần. Rồi anh lấy vợ. Vợ anh chính là cô gái làng đi phụ vữa cho đội thợ. Sau đó, Đồng bỏ nghề xây chỉ vì cái tính ngang ngang gàn gàn của mình. Anh không chịu luồn cúi, gian dối trong xây dựng. Chính xác ra là anh không biết chia chác A, B để tồn tại. Trong khi đó, quân của anh có người đã tách ra, lập công ty xây dựng, nhận thầu những công trình lớn của xã và của huyện. Họ trở thành những chủ doanh nghiệp ra vào cửa các nhà lãnh đạo cứ như người nhà vậy. Chúng xum xoe, khúm núm, thơn thớt nói cười, ôm hết công trình nọ, tới công trình kia.
Vợ chồng Đồng cùng nhóm thợ còn lại tiếp tục nhận những công trình lặt vặt của làng. Thêm vài năm nữa, chán chường anh bỏ nghề. Đội nề giải thể. Đồng chuyển sang kinh doanh dịch vụ đám cưới. Được đôi năm, lại chán trò, anh chuyển sang dịch vụ đám ma. Ba, bốn mươi tuổi, làm đám cưới thì già mà làm đám ma thì lại quá trẻ. Chết cái, tiếng đàn, tiếng sáo cứ cuốn hút Đồng. Hễ cứ trống phách ở đâu nổi lên, dẫu là việc vui hay việc buồn đều khiến Đồng đứng ngồi không yên. Bằng mọi cách Đồng phải tìm đến. Đồng đến để thể hiện. Lúc thì sáo, khi thì đàn. Lúc khác lại hát. Đồng diễn “Cô đôi thượng ngàn”, Đồng hát “Thập ân” thì thôi rồi. Cả đám ma đang buồn khóc như thế cũng phải lặng phắc ra để ngắm nhìn và nghe Đồng hát. Rõ khổ. Cái máu nghệ sĩ ấy khiến Đồng cứ xê dịch, tùy hứng chuyển việc như thay áo. Làng chuyển gam gọi Đồng dần dần từ anh sang tay, đến ông, cuối cùng là lão. Biệt danh được gắn theo. “Đồng đám cưới”, “Đồng thợ kèn”, “ông Đồng gàn”, “lão Đồng ngang”… cũng chính là vì vậy.
… Chưa đầy tuần thi công, hai cái bể đã được xây xong. Hôm khánh thành, lão bảo vợ làm năm mâm cỗ mời cánh cựu chiến binh, bạn xây thân thiết đến nhậu. Cả bọn bù khú với nhau. Tính lão thế. Cứ thích tụ tập đàn đúm. Vui là chính. Chứ cái bể bé tí tẹo này có gì mà phải khánh thành? Chẳng qua nó là cái cớ để cho lão tụ tập bầu bạn ấy mà. Lão đánh đàn, lão thổi sáo. Bừng bừng hơi men. Lão múa “Cô đôi thượng ngàn”. Lão hát “Vang mãi khúc quân hành”, rồi “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… Rồi cả chèo, cả cải lương nữa. Cả bọn vỗ tay cổ vũ hát cùng. Vui ra phết. Lâu lắm rồi, có dịp nào để cho lão thể hiện đâu.
Trước lúc vào cuộc rượu, lão Đồng nhờ các chiến hữu khiêng chuyển, xếp đặt, bố trí lại các ang, chậu cây cảnh. Số này, trước xếp chật sân, đầy quanh nhà. Toàn những cây cảnh có giá, lão tích cóp từ lâu rồi. Lão mê cây cảnh lắm. Cứ làm được đồng nào là lão lại đầu tư vào chúng, nhất là dạo nó sốt cao. Khi cây cảnh mất giá, lão Đồng ngơ ngẩn cả tháng trời. Tự nhiên mất luôn cả đống tiền. Đành rằng lão chỉ mua chơi thôi, không buôn bán gì nhưng tình cảnh ấy cũng xót lắm chứ. Bây giờ nguôi ngoai, lão quy hoạch lại, cắt tỉa chúng, chuyển chúng ra vườn, xếp xung quanh cái bể vừa mới xây. Những cây tạp trong vườn, lão phá bỏ hết. Ngay cả táo dây đang cho thu hoạch, quả ngon như thế lão cũng phá bỏ. Lão bảo với vợ: “Chỉ tổ rác nhà, rác vườn. Mất công đốn tỉa mà tiền thu chẳng đáng là bao. Cả năm được có mỗi vụ tháng Tết. Chẳng bõ. Thôi! Bỏ! Bỏ hết! Chuyển làm cái khác. Nhàn nhã hơn, cảnh quất hơn. Mà lại có tiền”. Vợ lão hỏi: “Ông định làm gì?”. Lão úp mở: “Cứ làm rồi khắc biết”.
Nghe chồng nói vậy, bà Đồng cũng chẳng dám hỏi gì thêm. Hơn hai chục năm sống với nhau, bà quá rõ tính chồng. Ông ấy bốc đồng thay nghề như thay áo. Hồi còn đi phụ xây cho ông ấy, bà chết mê chết mệt về tay dao xây và những tài lẻ của Đồng. Hai người tình ý với nhau, cả tổ thợ nề đều biết. Họ gán ghép, tạo điều kiện cho Đồng và Trang (tên bà) nên vợ thành chồng. Chính cái buổi trưa hè cách nay hai mươi ba năm đã gắn kết Đồng Trang với nhau.
Dạo ấy Thu Trang mới hai chục tuổi, phơi phới thời con gái. Thi đại học hai năm liền không đỗ, Thu Trang xin anh Đồng cho đi phụ vữa cùng. Năm đó, Đồng hai sáu tuổi, đã ra quân được hơn hai năm. Anh là thợ cả, giữ chân tổ trưởng tổ thợ xây. Vừa phụ vữa, Thu Trang vừa kiêm luôn cả chân cấp dưỡng cho tổ thợ. Những ngày tháng công trình, tình cảm giữa hai người nảy nở.
Hôm đó, như mọi ngày tổ thợ sẽ ăn trưa tại công trình nhưng không hiểu sao mọi người lại về hết. Công trường chỉ còn Đỗ Đình Đồng và Đinh Thu Trang. Hai người ngồi ăn với nhau vừa ngượng ngập vừa cứ như vợ chồng vậy. Thế rồi, cái gì đến đã đến. Trưa hè vắng vẻ, công trình lẻ loi, lán trại kín đáo, sức trai hừng hực, thân gái mơn mởn đã cuốn họ vào với nhau. Lửa gần rơm đã bén. Đám cháy trưa ấy bùng lên dữ dội. Hơn tháng sau, làng Cổ Cò vui mừng dự đám cưới giữa anh thợ cả và cô phụ hồ. Kết quả trưa ấy là chàng sinh viên Đỗ Đình Đăng hiện đang học đại học năm cuối ở Hà Nội. Sau đó, họ có thêm hai đứa con gái nữa. Cái Thủy đại học năm đầu. Cái Hoa đang cấp ba. Tất cả ba anh em đều ngoan ngoãn xinh đẹp như bố mẹ chúng trước đây. Thế là hạnh phúc lắm rồi. Bà Trang nghĩ vậy. Thôi thì ông ấy muốn làm gì thì làm. Miễn là ông ấy vui là được. So lên dẫu chẳng bằng ai. Nhưng so xuống thì ối người cũng chưa bằng mình. Mình cứ bằng lòng với mình là được.
Sau bữa liên hoan, đêm ấy nằm bên vợ, ông Đồng thủ thỉ: “Mình sẽ nuôi cua bà ạ”. Bà Đồng giật mình: “Cái gì? Ông vừa nói cái gì?”. Ông Đồng nhắc lại: “Mình sẽ nuôi cua. Bà nghe rõ chửa?”. “Ông có điên không đấy? Cua với chả cáy. Trần đời tôi thấy có ông là một”. Bà Đồng ngồi bật dậy trân trân nhìn chồng trong đêm. Ông Đồng cũng nhỏm dậy thong thả giải thích: “Điên là điên thế nào? Như thế là độc đắc đấy. Thời buổi kinh tế thị trường này, cái gì độc sẽ hiếm. Mà hiếm thì sẽ có giá. Nuôi cua vừa nhàn vừa hiếm, vừa có giá, bà ạ”. “Giá với chả rổ. Ông chỉ được cái “ngang như của bò”. Dạo đang làm dịch vụ đám cưới ăn lên làm ra thì ông quay ngoắt sang làm đám ma. Ông cũng bảo làm dịch vụ đám ma tốt hơn. Cũng độc, cũng hiếm. Vừa làm phúc lại vừa có tiền. Thế rồi, đang yên ổn thì ông lại bỏ. Chuyển cây cảnh, rồi thì táo dây. Giờ lại cua với lại chả ốc. Không khéo lại như “cua gặp ếch” đấy nha”.
Bà Đồng bực dọc tuôn ra một tràng dài. Chờ cho vợ nguôi ngoai, ông Đồng lại kiên trì giải thích: “Bà tính xem, bây giờ cua hiếm lắm. Đặc sản đấy. Tính kỹ ra, cua đắt hơn thịt lợn nhiều. Ngày trước, cua là món ăn của người nghèo. Bây giờ, người giàu, đại gia mới dám nghĩ đến chuyện ăn cua đấy, bà nhé. Bà đi chợ nhiều thì biết. Thế nên, mình phải đi tắt đón đầu, sản xuất cua tung ra thị trường, bán cho người giàu, cho các quán đặc sản. Mình vừa nuôi cua chơi vừa làm kinh tế. Bảo đảm chắc chắn thắng to bà ạ”.
Ông Đồng rỉ rả bên tai vợ khá dài. Bà Đồng ngồi yên lắng nghe. Mãi khuya, bà mới chép miệng: “Thôi thì tùy ông. Muốn làm gì thì làm. Đừng để xóm làng người ta cười cho”. “Cười là cười thế nào. Tôi nghiên cứu kỹ thị trường, lên mạng tìm hiểu chán rồi. Bà yên tâm đi. Thời buổi này phải dám nghĩ dám làm. Nuôi cua ở bể và cả ở ao nữa. Cho bõ công làm. Chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lại lao động ngay trong nhà mình bà ạ”.
Hôm sau, vợ chồng lão Đồng bắt tay triển khai ngay kế hoạch này. Họ chặt cả vườn chuối, chém nhỏ từng cây thả xuống ao. Tiếp đó, lão tháo nước vào ngâm. Một tuần sau, nước lại được tháo hết ra. Vợ chồng lão lại hì hục vớt sạch số thân cây chuối lên. Lão dùng vòi xịt mạnh vào bể cho trôi hết lớp cặn xi măng và dùng thuốc khử trùng làm sạch bể. Rồi lão chở đá về kê xếp lổm ngổm khắp đáy ao. Mấy ngày sau, lão tháo nước trở lại và mua cua giống về thả.
Xong phần bể, vợ chồng lão chuyển sang cải tạo tiếp cái ao rộng hơn sào nằm ở góc vườn. Dùng máy bơm, lão hút cạn nước rồi phơi nắng ao cả tuần liền. Sau đó, lão bón vôi bột, tháo nước dẫn vào, thả thêm trà. Số trà này sẽ làm nơi trú ngụ cho cua lột xác sau này. Xung quanh ao, lão rào bằng đăng tre, đặt nghiêng về phía trong. Xong đâu đó, lão lại mua cua giống về thả. Lão còn thả thêm cả rau muống và bèo tây nữa. Lão nói với vợ: “Số rau bèo này chỉ cần che kín một phần ba mặt nước ao là được. Như thế, cua nó mát, dễ kiếm ăn, lột xác và sinh đẻ. Google nó bảo thế, bà ạ!”. Bà Đồng chỉ biết nghe và răm rắp làm theo chồng. Công nhận cái ông này chịu khó tìm hiểu. Cái gì cũng biết. Thông tỏ đáo để. Chả rõ kết quả sau này thế nào nhưng thấy cung cách làm ăn của ông ấy có vẻ bài bản, chi tiết lắm. Thôi, thế cũng tạm yên tâm.
Những ngày chăm sóc cua, bà Đồng nhớ da diết thuở thiếu thời. Ngày đó, hầu như nhà nào của làng Cổ Cò cũng thiếu đói. Mọi người đều phải mò cua, bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Lũ trẻ như bà, như chồng bà, ngoài giờ học là chăn trâu, cắt cỏ, là bắt ốc, mò cua. Chằm Trong, Ao Na, Bềnh Sậy, Tổ Đỉa…những cánh đồng ngày đó cỏ lăn, cỏ lác trùm kín đầu người. Vậy mà sao lại nhiều cua đến thế. Bỏ trâu ăn ở vệ đồi, đứa nào đứa nấy đeo giỏ bên hông ào ra đồng. Mỗi đứa một bờ ruộng, một đoạn mương. Bà thò tay vào hang bắt cua. Hôm thời tiết nắng nóng, cua bò lổm ngổm trên bờ, chỉ sẵn nhặt cho vào giỏ. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Có khi, chỉ một buổi chiều, bà đã bắt được mấy giỏ cua liền tha hồ cho mẹ bà mang cua ra chợ bán. Ăn không hết, cua còn để làm mắm. Đến bây giờ, bà vẫn không quên được vị mắm cua. Nó là nước mắm của nhà nghèo dạo đó. Mặn chát, thơm nồng nồng ngai ngái, màu nâu vàng sóng sánh. Bát cơm chan canh cua nấu với rau mồng tơi hay rau đay (kể cả cơm độn sắn đi chăng nữa) ăn cùng với cà pháo ướp muối thì thôi rồi. Rau xanh, váng gạch cua vàng ngậy, cà pháo trắng tinh, cơm trắng nữa, chỉ nhìn thôi đã tứa nước miếng rồi. Ăn no đẫy bụng lúc nào không hay. Trong tất cả các món ẩm thực, bà khoái nhất món riêu cua. Món này vừa giàu chất đạm, giàu chất khoáng lại bổ dưỡng nữa. Mùa nóng bức, ngồi dưới giàn thiên lý thưởng thức gió rừng mà húp bát riêu cua có mẻ, có hành, ăn kèm với rau rút, rau kinh giới thì thật là đậm đà hương vị quê hương. Khoái vô cùng. Bây giờ cua hiếm, món ấy đã trở thành đặc sản. Vậy mà, trong tay vợ chồng bà đã có hẳn một ao và một bể cua. Nhìn chúng bò ăn rào rào từng đàn, bà thích lắm. Thật bõ công mấy tháng trời thả nuôi, chăm sóc chúng suốt từ tháng ba đến giờ.
Ngày nào vợ chồng lão Đồng cũng trăn trở với cua, chăm sóc cây cảnh và dàn hoa phong lan. Họ cặm cụi, say sưa. Tưới nước cho cây, làm dò phong lan mới, chế biến thức ăn cho cua… Cá tạp, ốc, hến, khoai lang băm nhỏ. Mỗi ngày cua được ăn hai lần. Sáng một bữa nhẹ, chiều một bữa chính. Sang tháng sáu, cua lớn ăn khỏe, lão bảo vợ cắt thêm cỏ, băm thêm khoai sắn cho vào những cái sàng thả xuống các góc ao cho chúng ăn. Nhìn lũ cua bò lổm ngổm tranh nhau ăn, vợ chồng lão cứ nghệt mặt ra. Lũ cua chẳng khác gì lũ trẻ. Nó đông đàn dài lũ và lớn lên từng ngày.
Số cây sung trồng quanh ao giờ mới phát huy tác dụng. Vừa mát ao, vừa có thức ăn cho cá, cho cua. Những quá sung chín, rụng xuống ao, cá tranh nhau đớp, quẫy gợn thành sóng. Sung nếp chín đỏ ngọt lừ, cá ăn vào rất mau lớn và chóng béo. Chúng lại làm mồi cho cua. Cua rất thích ăn thịt cá. Tuy nuôi cua là chính nhưng lão Đồng vẫn kết hợp thả cá ở ao vì lẽ đó. Cá chép, cá diếc, cá rô…nuôi tất. Duy chỉ có loài cá chuối thì tuyệt đối không. Loại này chúng rất thích cua. Mà chúng lại ăn khỏe nữa. Thế nên, nếu ao sót lại con cá chuối nào thì phải tìm diệt cho bằng sạch. Cả lũ ếch ộp nữa. Cá ăn sung chín, cua ăn cá, người ăn cua. Cứ thế dựa vào nhau mà sống. Không như cua, ếch, rắn truyền đời, truyền kiếp kỵ nhau, diệt nhau.
Cùng với chế độ ăn cho cua, lão Đồng còn điều tiết chế độ nước trong bể và ao nữa. Ba ngày, năm ngày, một tuần một lần, tùy theo màu nước để lão thay. Mỗi lần thay một phần ba nước thôi. Thay thế để môi trường vừa độ, kích thích cua lột xác, bắt mồi mạnh. Không bao giờ lão tháo cạn hết nước cả.
Nhiều sáng, cho cua ăn xong, pha ấm trà, lão Đồng ngồi nhâm nhi một mình bên bộ bàn ghế đá, dưới dàn phong lan hoa buông rực rỡ. Dạo này, phong lan có giá. Nhiều khách đến ngó nghiêng, trả giá khá cao nhưng lão chưa bán. Lão ngắm vườn cây cảnh, ngắm hoa phong lan, ngắm trời, ngắm đất rồi ngắm cua trong bể. Có hôm, phởn chí, lão ôm cây đàn guitar, gảy phừng phừng, nghêu ngao hát. “Con vua thì lại làm vua/ Mình con nhà khó bắt cua cả ngày”. Rồi nhìn bà Đồng đang chổng mông cho cua ăn, lão í ởn: “Con cua kềnh càng bò ngang cây mít/ Thấy cô Trang hiền lớn đít mà thương”. Bà Đồng nghe thấy, quay đầu lại, ngấm ngoảy: “Rõ là đồ nỡm! Lại ba đê rồi phỏng?”. Lão Đồng chẳng nói gì, nháy mắt liếc vợ một cái rồi càng đàn hát to hơn. “Hồn tôi là hồn con cua/ Tám chân, hai mắt biết bò ngang ngang”. Bà Đồng chủng chẳng: “Đúng là ngang như cua bò lại còn!”.
Nickname facebook “gacuadong” của lão Đồng dạo này nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài các bài thơ, tiểu phẩm theo dòng máu văn học báo chí của lão, lão còn đăng nhiều ảnh và bài viết về cua nữa. Bức ảnh vợ chồng nhà lão cùng ba người con, đặc biệt hai cô con gái xinh như mộng, quây quần bên chiếc bàn đá, giữa vườn cây cảnh, ngay bên bể cua, trên bàn là những con cua vàng ruộm cùng những món ăn hấp dẫn, bia lon đủ thứ đã thu hút quá nhiều likes và comments. Ngày nghỉ mà, ba đứa con lão về cùng lúc. Cả nhà sum họp, cười hớn hở. Lão Đồng ôm đàn guitar, mặt vểnh lên như đang hát. Hai cô con gái đẹp như công chúa cầm hai con cua giơ lên nhí nhảnh nheo mắt cười như mời gọi khiến ối chàng ngắm nhìn mê mẩn. Thằng con trai hai tay cầm muôi, cầm thìa gõ như phụ họa. Bà Đồng mắt sáng lên nhìn chồng con. Hạnh phúc như thế thì còn gì bằng.
Ngoài post ảnh ra, lão Đồng còn “lai trim” nữa. Toàn cảnh ao cua, bể cua, vườn cây cảnh được lão post lên. Cua bò lổm ngổm trên mặt facebook “gacuadong”. Cua giơ càng, giương mắt trong các bức ảnh. Các đơn hàng mua cua chen nhau về trên inbox. Cả khu vực có chỗ nào nuôi cua bán đâu. Chỉ có nhà lão Đồng là duy nhất. Đúng là độc đắc luôn. Đi tắt, đón đầu là đấy chứ còn đâu nữa?
Bà Đồng chẳng phải đi chợ bán lẻ cua nữa. Sáng sáng, xe của các quán ăn phố huyện phóng về. Rồi mấy bà buôn ở chợ cũng tới. Họ đến để lấy cua về quán, về chợ bán. Dân làng Cổ Cò lúc đó mới ngộ ra. Cứ bảo lão Đồng ngang à? Bây giờ lão ấy đang bán cái ngang đó để làm giàu đấy. Làng này đã ai bằng lão chưa? Vua cua đồng rồi nhé. Tỷ phú phong lan rồi nhé. Lão mang biệt danh mới với đặc điểm được đưa lên trên, đặt ở phía trước tên mình “Cua Đồng” đúng như nick name facebook “gacuadong” của lão. Lão khiêm tốn nhận là “gã” nhưng dân làng tôn trọng vẫn gọi là “vua”. Cánh trẻ cũng kháo nhau: thua tất lão “Đồng Ba Đê” rồi. Phải xem lại ngay cách khởi nghiệp của chúng mình thôi. Đứa nào cũng cứ chê quê để tìm đi. Gã cua đồng đấy? Oách chưa?
Cánh cựu chiến binh thân thiết, số thợ nề bạn hữu, thi thoảng lại được lão Đồng mời đến chơi. Cả bọn tụ tập ngắm vườn hoa, cây cảnh, nhìn bể cua, ao cua. Khu vườn nhà lão bây giờ được quy hoạch, thiết kế lại, xanh sạch đẹp y như là công viên. Lãnh đạo xã và huyện đã lấy mô hình vườn ao nhà lão Đồng để làm gương điển hình cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Lão Đồng không để ý đến điều này lắm. Lão cứ vô tư đàn hát trên chiếc ghế đá bên bờ ao dưới tán cây mít sau khi cho cua ăn và chăm tỉa cây cảnh xong. “Đỗ Đại Đồng đấy, đừng đùa!”. Mấy cô thôn nữ rúc rích cười với nhau cùng liếc về lão Đồng. Bà Đồng thấy thế bê vội chậu cua đang chuẩn bị giao cho khách đến ngồi ngay cạnh chồng. Trên cây, lũ chim sâu đang chuyền cành đuổi nhau kêu lích chích. Gió mùa thu mơn man…
Đ.X.T
Người gửi / điện thoại