Nguyễn Hưng Hải
VỚI TRẦN QUANG QUÝ VÀ 3 TẬP THƠ MỚI XUẤT BẢN CỦA ÔNG
Trong những ngày đầu của mùa thu trong trẻo, nắng như dát vàng trên mái phố, giữa Thủ đô Hà Nội thơm mùi hoa sữa và cốm làng Vòng, tôi lại nhớ đến thi sỹ tài danh Trần Quang Quý.
Là người cùng quê Tam Thanh, Phú Thọ - mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, tôi với ông có thật nhiều kỷ niệm. Tôi còn nhớ như in, vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, lần nào về Hà Nội tôi cũng đến thăm ông và nhà văn Y Mùi vợ ông ở Giảng Võ. Trong căn nhà lợp giấy dầu ở giữa Thăng Long ngàn năm văn hiến, chưa đầy chục mét vuông lọt thỏm giữa những cao tầng, tôi với ông từng có với nhau bao nhiêu lần lạc rang, rượu mạnh, dù chỉ là "Quốc lủi".
Lần nào từ Việt Trì xuống, nhà văn Y Mùi cũng lo cho hai anh em có cái gì đó để nhâm nhi, hàn huyên thơ phú. Ông hay đọc những bài thơ mới viết cho tôi nghe và không quên rào trước, nghe và góp ý cho mình với nhé. Ông tin tôi và thơ tôi từ ngày đó, bởi ngày đó trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tổ chức trong 2 năm 1983- 1984, cả ông, cả tôi, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Đạo, Nguyễn Linh Khiếu... đều đoạt giải. Chúng tôi rất mừng vì cuộc thi này, nhà thơ Y Phương đoạt giải nhất, nhưng ngay cả Y Phương cũng rất nể Trần Quang Quý và những tác giả cùng đoạt giải.
Giờ nghĩ lại vẫn lâng lâng cảm xúc mừng vui của những ngày đầu cầm bút, và không khỏi tự hào vì tất cả các tác giả đoạt giải lần đó đều đã trở thành những nhà thơ nổi tiếng của đất nước.
Lan man mãi với những kỷ niệm. Bây giờ xin được nói đôi chút về thơ. Ở cả 3 tập thơ mới: Những sắc màu đa thức, Miền tỏa bóng và Những nẻo người cùng xuất bản năm 2022 của Nhà thơ Trần Quang Quý, tôi thấy, không có gì khác ngoài những điều tôi đã tâm sự cùng ông. Hai anh em từng tâm niệm, rất cần đổi mới về hình thức thể hiện nhưng quan trọng hơn là nội dung có gì mới không?! Câu chữ chỉ là vỏ bọc như tấm áo khoác. Thơ mà lỏng lẻo về cấu tứ, không nỗi niềm gì về thời thế và nhân thế, dù có cố "đẩy" lên mây xanh, rốt cuộc cũng chỉ như quả bóng bay tự vỡ, hoặc cùng lắm cũng chỉ là đồ trang sức nhất thời. Tâm thế của một người cầm bút trước hết là ở sự can dự vào đời sống, đang đứng ở đâu, nói lên tiếng nói của ai. Nó còn thể hiện ở sự biết xâu chuỗi những ý tưởng thành tư tưởng, lật soi lại các giá trị và xác lập nên những giá trị mới. Nói như Trần Quang Quý, đó là những day trở về thế phận người, còn với Văn Chinh thì đó là những tiếng vọng của tâm thế thời đại. Những cảnh báo, cảnh tỉnh và dự báo chính là một trong những yếu tố căn bản nhất để làm nên chất lượng tác phẩm. Qua đó có thể nhận ra thái độ sống và trách nhiệm của người cầm bút. Đọc là biết tác giả ở tầm nào. Một nhà thơ nổi tiếng, ắt phải có nhiều câu thơ hay, bài thơ hay.
Bảy, tám tuổi Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã là Thần đồng thơ nước Việt. Sau tập thơ đầu tay, Nguyễn Quang Thiều đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn Trần Quang Quý thì nổi tiếng ở tìm tòi, đổi mới và đã phát kiến ra một thể thơ mới, thơ Namkau. Ông đã được giải thưởng Nhà nước cùng đợt với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Trần Quang Quý và những nhà thơ cùng thế hệ ấy đã có đóng góp quan trọng vào thi đàn Việt Nam. Các ông là tấm gương không chỉ trong sáng tác mà còn là bà đỡ cho nhiều cây bút trẻ trưởng thành. Vì sốt sắng lo cho lớp trẻ, quan tâm nhiều quá đến các cây bút trẻ mà có lúc bị hiểu lầm. Trần Quang Quý cũng không là một loại lệ nhưng tuyệt nhiên không có vụ lợi nào. Sự liên tài đã thổi một luồng gió mới vào bầu khí quyển văn chương, làm nở rộ tài năng và có thêm rất nhiều tác phẩm có giá trị. Nói như thế để thấy rằng, Trần Quang Quý đã dành cả đời mình cho thơ và cho nền thơ nước Việt.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã có lần tâm sự, tiếc cho Quý nhiều lắm. Thơ Quý hay ở cả thi ảnh và thi tứ. Hay ở sự kết hợp giữa cảm xúc và lý trí. Rất nhuần nhuyễn trong những phép tu từ, đầy biến ảo và thực sự dồn nén để làm bật lên thông điệp và những nỗi niềm nhắn gửi.
Tôi thích Trần Quang Quý ở sự đằm thắm, đôn hậu, giàu chất dân gian khi viết về quê, về những người thân yêu ruột thịt. Cũng còn thích ông ở sự gồ ghề, gân guốc trong mảng thơ thế sự, như là một thế mạnh của ông. Thơ ông nhiều day dứt và ám ảnh. Sự ám ảnh, có khi đến ngay từ cái tên ông đặt cho mỗi tập thơ.
Tôi và thi sỹ Nguyễn Linh Khiếu có làm một cuộc điểm danh các tập thơ của Trần Quang Quý. Và cả hai chúng tôi cùng nhận ra rằng, Trần Quang Quý là con người của rất nhiều linh cảm yếm thế. Những câu thơ như ám vào đời đã bênh vực cho ông, còn ám ảnh mãi trong lòng bạn bè, những người thân và các thế hệ bạn đọc. Tôi tin là như thế.
Cũng như các tập thơ xuất bản lúc sinh thời, 3 tập thơ mới này của ông, rất giàu triết lý nhân sinh. Đọc thơ mà thấy như triết học thì rất dễ phải nghỉ giải lao vì mệt. May là Trần Quang Quý vẫn đúng là ông trong lối tư duy bắc cầu với một giọng thơ riết gióng nhưng vẫn đầy mê hoặc. Có nhiều câu rất hay, bật ra khỏi bài thơ. Có nhiều tứ thơ lạ. Có nhiều bài rất mới cả về nội dung và hình thức. Xin đơn cử một vài câu để chúng ta cùng thưởng thức và chiêm nghiệm.
Ở tập Những sắc màu đa thức, tôi gặp đa chiều thân phận và thế phận người. Ví dụ bài này "Em như ngôi sao loé sáng ngang trời rồi lặng tắt/Tôi sục bóng đêm/Mò im lặng/Mặt đêm dài chảy thuợt/Chạm đỉnh mái tay bỏng mặt trời". Và đây nữa "Con mắt em đi du lịch Hội An/Chạy nhảy vui cười với trời xanh biển cả/Anh thơ thẩn vườn cây yên ả/Những cái nhìn đan nhau tầng tầng trong bầu trời thị giác/Thương bao mắt chỉ nhìn câm bóng". Thơ như thế không thể đọc một lần. Có vẻ như khó hiểu nhưng không đến nỗi không thể hiểu. Thơ Namkau vì thế mà kén người đọc. Nó khác với ngay cả Trần Quang Quý trong Mắt thẳm. Sự dụng công trong lập ý và cách dùng từ này có thể là một thử nghiệm của ông.
Còn trong Những nẻo người thì lại là muôn nẻo của những va đập về thời thế và nhân thế, cùng với rất nhiều kỷ niệm buồn và đẹp ở những nơi ông từng đi qua, từng ngủ lại. Gặp ở đây sự đằm thắm đầu đời nhưng không còn run rẩy đầu đời nữa "Em ngọc ẩn trong đá hồn ẩn trong sương/Noọng ơi ...anh gọi khản núi/Lộn rừng ra mà tìm". Lộn rừng ra mà tìm là một phát hiện, nó như lộn trái chiếc ba lô, lộn mình ra để tìm mình.
Lật soi lại các giá trị Trần Quang Quý đã làm nên rất nhiều những giá trị mới, không phải chỉ cho thơ, ở trong thơ. Rõ ràng ở đây là một dấn thân, một cảnh tỉnh và thức tỉnh. Cũng coi như là một kiếm tìm giá trị, dù có thể thấy hoặc không, khi đã "lộn" ra, để thấy phía bên trong của nó, cho ta ý thức hơn sau những vỏ bọc, những lớp lang che đậy là cần thiết. Nó cũng chứng tỏ Trần Quang Quý ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân qua mỗi câu thơ của mình.
Thơ ông vì thế mà như là một lương y. Nó không chỉ tiếp thêm nghị lực cho ông mà ở đó, còn như là sự tiếp thêm năng lượng cho bất cứ ai, bất cứ tác giả nào muốn đi hết con đường thơ có rất nhiều lối rẽ, bởi "cơm áo không đùa với khách thơ". Ông dám đùa với cơm áo và làm thơ đâu có để mua vui.
Tôi đã từng ứa nước mắt khi ngồi trong ngôi nhà rất chật của ông. Ở đấy, ông đã viết tặng em, tặng em là tặng nhà văn Y Mùi vợ ông, những câu thơ cũng ứa nước mắt trong bài thơ Viết tặng em trong ngôi nhà chật. Nhớ ông là tôi lại nhớ đến Bốn mét vuông nhà bạn, tôi viết tặng vợ chồng ông từ những ngày còn chưa ra cơm áo gì: "Bốn mét vuông đột ngột những chiều/Cơn sốt rét với cái nghèo dai dẳng/Cơn sốt rét với cái nhìn xa thẳm/Cũng gập ghềnh như nhạc ngựa Lào Cai/Bốn mét vuông đồ đạc dông dài/Dăm bảy thứ tuềnh toàng bên giá sách/Chiếc ba lô nắng mưa mài đến rách/Bạn tôi ngồi khâu lại tháng ngày qua".
Buột rách mới phải khâu. Khâu lại tháng ngày qua biết có lành lặn lại không!? Có lẽ do cuộc đời có nhiều cái phải khâu lại quá nên Trần Quang Quý luôn chuẩn bị sẵn kim chỉ và thường trực một ý thức sẵn sàng lộn trái...
Ông hay viết về mắt, về môi, về mặt, về lưỡi. Thơ ông thấm đẫm vị đời, vị của những mùi lạ: "Làn môi kia đợi một phương nào/Gợi cả những dòng sông ngậy sóng/Đôi mắt kia bầu trời nào khuya ảo/Buộc bao người mộng mị trăng em".
Mộng mị và rất nhiều ảo diệu cũng là nghệ thuật của Trần Quang Quý khi yêu và khi viết thơ yêu. Khi yêu, đàn ông hay đánh đàn, đàn bà hay ca hát. Còn khi ở với nhau thì lại khác. Nhưng xem ra Trần Quang Quý chẳng khác gì. Con người nom có vẻ khô khan này rất đa tình, rất thật. Thật đến nỗi đọc thơ ông là tôi biết ngay ông viết để tặng ai rồi: "Tôi muốn thay sợi lụi tàn trên tóc/Thời gian chỉ thỏa thuận cho làm ra thuốc nhuộm/Cho dao kéo tung hoành những mặt giả mỹ nhân/Cách gì đây làm mờ vết rạn đuôi mắt em".
Đọc. Ngẫm. Và giật mình trước con người nom có vẻ lực điền, thô ráp này, hóa ra lại rất thư sinh trong Miền tỏa bóng. Đừng đổ bóng mình lên bóng ai, cũng đừng để bóng ai che khuất mình là một ý thức, một tự trọng. Trần Quang Quý đã làm được hơn cả thế và ông trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau năm 1975.
Kinh không có chữ mới là chân Kinh. Trong câu này còn có câu khác mới đích thực là thơ. Rất nhiều người làm thơ nhưng không phải ai cũng là thi sỹ: "Rót một cốc mây trắng vào non Tản/Nếp cái hoa vàng chếnh choáng dòng sông/Nảy lộc từng con sóng". Không phải là người của núi Tản sông Đà, khó viết được những câu thơ như thế. Chỉ bằng vào ba câu thơ trên đã đủ để chúng ta ngưỡng một tài danh đa tài, đa tình và đa giọng điệu... Nết đất, nết người trung du Phú Thọ cho ông những câu thơ, bài thơ thăm thẳm nỗi đời, nỗi người, mang đầy dấu ấn văn hóa cội nguồn. Đọc ông, thấy hồn quê, hồn làng, hồn dân tộc.
N.H.H
Người gửi / điện thoại