Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VỢ NHÀ VĂN

Lê Thanh Kỳ
lethanhkyvnj
 
VỢ NHÀ VĂN                                                                                        
 
   - Chị có nhà không anh? – Tôi hỏi Hữu.
     - Thì còn đi đâu được nữa! Cả đời bà ấy chỉ có thể đi từ nhà ra ruộng và từ ruộng về với cái bếp của mình.
     Tôi xuống bếp để chào chị. Từ cổng đi vào, qua sân láng xi măng Nội Thương là ngôi nhà mái bằng một tầng, ba gian, trần hiên chưa thèm quét vôi. Nền lát gạch men Tàu. Một chiếc giường đôi Tân cổ giao duyên  kê ở gian bên, đầu giường treo chiếc màn gió vải in hoa của những năm thập kỷ 80 kéo gọn gàng vào sát tường. Qua gian khách là gian buồng không biết anh để của nả gì trong ấy mà cửa không có cánh. Các cụ nhà ta bảo: “Một năm làm nhà, ba năm làm cửa”. Tôi đồ rằng anh đang đợi cánh rừng lim Thanh Hóa mọc lại, anh sẽ kiên cường chờ đợi để đóng một cái cửa cho ra hồn cái cửa. Nhưng tôi lại sợ hãi nghĩ, và lặng thầm dặn anh xin đừng để tài chính trong ấy. Bọc tiền lương hàng tháng có đánh số thứ tự, ngày lĩnh, chằng buộc kỹ càng muốn để đâu thì để, xin đừng cất nó trong căn buồng kia nhé! Tôi liếc nhìn rất nhanh, sâu hơn trong căn phòng tối om ấy, nơm nớp sợ anh cẩu thả mà chứa tài sản tận nơi không có cửa, lỡ bị trộm lẻn vào lấy của anh dù chỉ chiếc xoong nhôm Liên Xô đun rơm cũng đủ làm anh sạt nghiệp.
     Thế là tốt lắm rồi! Học đại học ra làm thầy, nửa chừng xuân đổi sang nghề viết văn, mà chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian để bảo tồn văn hóa dân tộc; thế mới hãnh chứ! Về hưu, làm được gian cửa gian nhà thế này đã là mơ ước của cánh văn chương lắm rồi. Mọi người cho là thế, là tốt rồi đấy. Tôi bỗng nghĩ thời buổi bây giờ, kiểm kê điểm danh những ông thầy được xã hội săn đón, trọng thị; giá như anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp rồi rẽ ra làm ông thầy cúng chẳng phải tốt hơn sao?
*
     - Anh ạ!
     - Lê Thanh Kỳ đấy à! Vào đây. Vào đây!
     Bích Hữu ngồi quay mặt ra cửa. Phía sau lưng anh, qua cửa sổ nhìn ra thấy một góc hồ Chùa Bầu, mùa này, buổi sáng, mùa thu, mặt nước hồ phẳng lặng, hơi nước loang loáng, bàng bạc bốc lên hệt như khói hương, lại như màu khói bếp thấp thỏm lúc chạng vạng.
     Không gian vắng lặng như thường thấy ở Hội VHNT tỉnh, chỉ nghe tiếng lá sấu non vẫy tai đằng sau trụ sở. Phòng làm việc của Bích Hữu gần cuối dãy, tầng hai.
     Hữu ngồi nói chuyện, lúc này, nhìn anh chỉ thấy “mắt và răng”. Tôi không chỉ nhìn anh lần đầu, nhìn hàng trăm lần, nhìn khắp nơi, khi ở Hội, khi vui vẻ thù tạc chè chén vỉa hè, lúc gặp anh đi chợ Bầu, ghi đông xe đạp lủng lẳng gói nilon đựng 2.000 tiền bánh cuốn xuông khai đại tiệc bữa trưa. Ngày nào cũng thế, bữa trưa của anh tại Hội VHNT có vậy. “Tôi chỉ ăn được nhiêu đây thôi, thế là no lắm rồi! Đừng tưởng, cái anh bánh cuốn này hóa ra lại ngon mà dễ tiêu đấy chứ!” – Anh thường bảo như thế, cứ làm như anh là người đầu tiên tìm ra công dụng lắm chiêu, nhiều trò của bánh cuốn. Nhưng tôi lại tính toán một cách thiển cận rằng, bổ béo gì tôi không biết nhưng sẽ tiêu sản của anh mất hơn bốn chục ngàn đồng/ tháng còn gì. Tôi hỏi:
     -Anh ăn mãi món này mà không biết chán à?
     -Ây dà…!Tất cả là tại cái anh có cái tên là Quen mà ra. Hàng ngày tôi ăn bánh cuốn giống như phương Tây người ta ăn bánh mì. Chú hỏi thế lại làm cho tôi lo lắng đấy!
     - Là sao ạ? – Tôi sợ hãi hỏi
     - Chỉ vài năm nữa là tôi đến tuổi nghỉ hưu, nhà lại nằm giữa cái anh Chợ Quế và Chợ Bầu. Anh nào cũng ngót năm cây số cả. Không biết còn được ăn món Quen này nữa hay không đây?
     - Tưởng gì! – Tôi cười khoái chí lắm, giống như người ta vừa giải thoát được một tội lỗi gì đấy mà mình vô tình dính vào. Không những thế tôi còn thấy vui vui là đằng khác, vì khi ấy anh sẽ tập ăn cơm trưa, cơm do vợ nấu, gạo của chị làm ra, chắc chắn anh không còn tốn phí trên bốn chục ngàn một tháng.
     Tôi cảm thông cho nỗi lo của anh. Hữu sinh năm 1952, tốt nghiệp khoa ngữ văn trường Đại học tổng hợp. Nghe nói sau tốt nghiệp đại học anh từng vào dạy học trong rừng Tây Nguyên. Sống vu vơ một thân một mình trong những năm thập kỷ 80 đói vàng mắt. Niềm say mê duy nhất với nghề làm thầy giáo của mình chắc ngồi hàng đêm suy nghĩ ra đề thi gửi cho Ty giáo dục. Năm nay thi gì? Giải thích hay bình luận? Chọn bài thơ nào của nhà thơ lớn Tố Hữu để ra đề?
     Lại nghe sau ngày Hà Nam tái lập tỉnh anh được mời về công tác tại Hội VHNT với chức danh Ủy viên thường trực, trưởng bộ môn VNDG. Thông tin của anh, tôi chỉ biết mờ mịt có thế, vả lại cũng không muốn tìm hiểu thêm về quá trình công tác đầy vẻ xuông xuông của nghề giáo cao sang và trọng thị của xã hội.
     Tôi là hội viên còn mới toanh, dân viết văn xuôi, nằm ngửa đạp ngược. Tôi cũng vừa trải qua một kỳ thi Truyện ngắn và Ký do Bộ Giáo dục phát động, hôm nay rỗi rãi nên xuống hội chơi với anh. Truyện ngắn Mẹ con nhà chuột rốt cuộc cũng chạy về thứ ba trong một cuộc thi không có ai về nhất nhưng không hẳn là thất bại vì rằng chưa bao giờ giáo dục nước nhà nhận mình thất bại sau nhiều năm cải cách. Thế mới biết nghề “trồng người” khó biết chừng nào?
     Trong con mắt một người chuyên nghiên cứu văn học dân gian, văn học cổ điển đến hiện đại, từ văn học truyền miệng đến văn học điện tử thì một nhà văn còn thơm mùi cỏ non, một hội viên mới trúng tuyển vào Hội VHNT tỉnh (tôi vào hội năm 2009) có cái gì mới mẻ chăng? Ít nhất thì cũng có cái mùi gì “cỏ gấu” tý chứ?
     Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Góc phòng, một chiếc ấm sắc thuốc bằng sứ đang phì phạch thở ra làn hơi như khói thuốc mê, mùi thuốc nam nồng ngái, ngưa ngứa. Gian phòng của anh thật giống như một bệnh viện Nam học. Gần đây tôi được anh em trong Văn phòng nói Hữu nhiều bệnh lắm, đứng đầu danh sách là căn bệnh suy tim độ ba. Anh ngồi đó, hai tay run run (Păc ki sơn  đứng cuối danh sách bệnh tật dài dặc). Trông anh như một bức tranh sơn dầu, qua nền cửa sổ, sau lưng vẫn là hồ Chùa Bầu liên tục nhả từng bụm khói hương. Cảnh vật lặng lẽ, bình yên, chỉ thiếu mấy cô tiên nghịch nước bên hồ Chùa Bầu thì chẳng khác gì cảnh trên tiên giới. Tôi nhìn anh, nhìn vào bức chân dung sơn dầu ấy, ngược sáng nên “mắt và răng” là một điểm sáng duy nhất, linh hồn nhất của tranh.
     - Theo ông, bây giờ các Nhà văn sáng tác trọng tâm là cái gì?
     Anh rót nước vào chiếc ấm pha trà rồi bắt đầu câu chuyện như thế.
     Tôi học nghề thợ hàn, học không có hành, chính quy hẳn hoi. Thợ hàn mà viết văn cũng thật to gan. Hôm nay không có ai thuê hàn nên tôi lần xuống Hội ngồi chơi. Tôi rất thích nói chuyện với Hữu. Đây là cách học hỏi hiệu quả nhất của nhà văn. Người ta học đại học những năm năm, tích lũy bao nhiêu kiến thức ngoài nhà trường. Đây tôi chỉ ngồi vài ba tiếng đồng hồ là rút ruột, thông gan người ta, chẳng phải miễn phí hay sao? Hữu có cả kho dữ liệu về văn hóa -  sử, am tường văn chương. Chuyện văn chương đương đại hay văn học dân gian anh có những nhận xét rất tinh, cuối cùng, bao giờ anh cũng quy chiếu về một hệ không gian văn hóa nào đó, quy nạp rồi định tính có tính chất phục vụ hay phục tùng. Tôi thì lúc nào cũng muốn anh hiểu mọi vấn đề mặn hơn chút nữa; còn anh vẫn còn vấn vương một thời đã qua. Các bề trên của anh thay ca cũng nhiều nhưng họ đều một bộ dạng như nhau, cốt sao đừng để cho con diều văn nghệ bay đi mất, mà cũng đừng để nó lộn cổ xuống đất. Đứng im là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc rồi còn gì! Thế nên anh buộc phải khoác thêm chiếc áo thầy tu ra ngoài. Miếng cơm, manh áo của Hữu cũng như nghề hàn của tôi. Không đi hàn là tôi chết! Văn chương không làm no bụng được, nhưng được cái nó sướng, rất sướng! Tôi biết anh cũng đang ngứa tay như tôi. Hai nghìn tiền bánh cuốn càng khiến anh ngứa tợn. Anh hỏi tôi như thế, biết trả lời sao đây? Anh vẫn còn chết đắm với phương pháp cũ.
     Một thoáng im lặng. Im như những bức tường của Hội VHNT.
     - Hiện thực xã hội chủ nghĩa? Hữu bắt đầu lên tiếng
     - Không còn phù hợp
     Lại im lặng. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đề cao tính Đảng, tính giai cấp. No! Dường như có cái gì đó sượng sượng, dù bây giờ không có ai nhắc đến như một sự bắt buộc.
     Khoảng ngưng này làm tôi thật hoang mang. Văn chương vốn mềm như nước, nhũn như nước, hoàn toàn hữu hình, đựng vào cái gì nó ra hình cái ấy – Một màu mà muôn vẻ. Tôi hỏi Hữu:
     - Theo anh, các nhà văn ngày hôm nay nên viết gì?
     - Nhà văn bây giờ nên lấy hình tượng doanh nghiệp làm trọng tâm
     Ui cha! Kiểu như nhân vật Nhẫn trong Cỏ non của Hồ Phương…tôi bái phục anh lắm. Lúc trước anh hỏi ướm tôi xem giới sáng tác đang có sự chuẩn bị gì? Thời hiện đại đang hướng tới cái gì? Văn chương có chịu phẳng không thì bảo! Thế giới phẳng rồi đấy! Thế giới ngày nay chỉ còn một thị trường thôi đấy! Làm cái gì cũng phải có chủ kiến chứ! Văn chương liệu có còn nên định hướng không? Kiểu như “đèn đỏ được phép rẽ phải” rất chi là buồn cười, nhưng không cười được mà chỉ cười buồn, buồn vì suy rộng ra ai muốn lương thiện cũng phải “được phép” mới lương thiện được, phải không ta? Như trên nói nếu coi văn là nước thì rượu là tinh hoa của nước. Rượu đâu chỉ có rượu trắng độc vị? Rượu thực vật có cam, chanh, vang nho, thuốc bắc, đương quy, ba kích, táo mèo, sâm cau, đông trùng hạ thảo… Rượu động vật có tắc kè, rượu rắn, hải dương, kiến đen, mật gấu, cá ngựa…rồi còn cả rượu nút lá chuối nữa! Đều bổ béo, dễ xơi hơn rượu trắng. Văn học có một thời được gọi là dòng văn học thời kỳ đổi mới rồi bỗng nhiên sững lại, có phải nhà văn đang thiếu định hướng sáng tác hay không? Hữu đã chỉ ra một hướng phát triển văn học, không phải tam toạng đâu, nhưng mà, trước đây, dòng văn học hiện thực XHCN cũng có ối tác phẩm đề cập đến các doanh nghiệp Nhà nước, các Hợp tác xã, sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ…rồi đề cao tinh thần làm chủ tập thể…chỉ riêng có Thương mại là chịu thiệt thòi, nhà nước chỉ đề cao Công – Nông – Binh thôi, đã thế Doanh thương còn bị người đời kỳ thị gọi là con buôn nữa…
     Tôi ngồi suy nghĩ tung tóe. Nếu chọn Doanh nhân làm trung tâm thì cái ngoại biên, cái bên lề thì sao? Rồi trở thành ý thức hệ như một thời đã qua thì sao? Một ông chủ doanh nghiệp có quan hệ, quyết định đời sống của hàng ngàn công nhân, sống chết, ăn ở ra sao đều trông vào ông ấy cả. Thời buổi công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển như này, các nhà máy đều tự động hóa, công nhân lưu kho cả hay sao? Lợi ích toàn dân giờ chỉ còn hai lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước. Doanh nhân tính theo dân số, tỷ lệ chỉ tí ti thôi nhưng quan trọng vô cùng và  “mèo trắng”, “mèo đen” đủ cả. Nhà văn lại thiên về cảm xúc. Họ không thể thành công nếu thiếu cảm xúc. Điều này, các doanh nhân ngó lơ, cười vào mặt nhà văn nữa.
     Hữu sợ tôi hiểu sai ý anh liền gợi ý:
     - Tôi nghĩ nên. Sự phản ánh đời sống hôm nay có bao nhiêu đất diễn. Không viết thì phí lắm! Nhưng viết khác đi.
     Tôi hiểu cái khác ý của anh là giờ đây kinh tế tư nhân hóa hết rồi. Tư liệu sản xuất đã chuyển sở hữu từ nhà nước, tập thể sang sở hữu tư nhân rồi, tất yếu phải viết khác đi thôi…
     - Các doanh nghiệp hiện đóng góp công lao rất lớn cho nền kinh tế nước nhà, cho nên văn chương cũng nên đồng hành cùng doanh nhân – Hữu nhìn thẳng vào tôi. Im lặng một chút – Tôi nghĩ nên dành cho họ dòng chủ lưu. Các nhà văn khám phá, đề cao, tin yêu. Họ có thể làm đại diện xứng đáng trong tình hình mới. Dù kinh tế thế giới có phẳng đến đâu thì văn hóa mỗi dân tộc còn lâu mới phẳng. Không phẳng được đâu!
     Anh im lặng một lúc rồi nhìn tôi khẳng định:
     - Các doanh nhân như tôi được biết, họ biết quan tâm và chia sẻ với người nghèo. Họ là những người tốt!
     - Không! Tiền làm cho họ tốt.
     Tôi cãi giả anh. Anh không bằng lòng. Cứ nhùng nhằng giữa hiện tượng và bản chất. Cuối cùng anh quay lại đề tài mà tôi quan tâm nhất. Tôi ngồi nghe anh giảng giải về các thế hệ nhà văn đã góp phần xây dựng một nền văn học vừa chiến đấu vừa xây dựng CNXH. Qua giọng chuông rền của Hữu, cả cái nhìn như gắn chặt vào người đối thoại. Anh say sưa quá. Thú thực, tình cảm lúc ấy đong đưa, nghĩ trộm, khâm phục anh lắm. Việc áo cơm và việc viết văn giống như vợ già và cô hàng xóm đẹp người, tốt nết, buộc nhà văn phải chung thủy với vợ, mà thủy chung một cách sắt son cơ. Đối với đa số nhà văn chúng tôi việc thèm khát văn nghệ chẳng ai dám đi đến tận cùng, dù vẫn biết rằng nơi tận cùng ấy là cái đẹp của con người với con người. Với Hữu, có thể anh không quá nệ vào áo cơm, văn chương quần cho mê mệt, sưu tầm một câu hát dặm Quyển Sơn cũng làm anh tơi tả vì bản quyền. Việc sưu tầm văn học dân gian y như người ta phát hiện ra mỏ vàng. Cứ để yên đấy thì không sao, nhưng nhìn thấy cái vàng chóe là có biết bao người nhận chủ quyền. Đến tội! Hàng ngày tôi đi hàn kiếm tiền đều đặn, rỗi rãi thì nhìn trộm cô hàng xóm. Với anh, đơn giản, tôi nghĩ Hữu có một hậu phương kiên cố như bức tường bằng thép. Không hậu hĩnh nhưng vững chắc. Nói như nữ văn sĩ họ Võ (có lần về Hà Nam nói chuyện) vì thương quá, ức quá mà kêu: “Nhà văn không được nghèo”, làm cho các nhà thơ ngồi nghe gào lên: “Đồng chí ấy nói cái gì thế?”. Tôi hiểu cái câu kèo ấy lắm chứ, nhà văn có thể nghèo cơm áo nhưng không được nghèo chữ thì một nhà văn như anh, được nghèo là hạnh phúc lắm rồi. “Nghèo bền vững” thì văn chương mới có đất sống, có nơi mà gửi gắm như cá có nước, như buồm no gió, thuyền có bến mà neo đậu…suy cho cùng có nhiều người làm đầy tớ cho tiền nhưng chẳng nhà văn nào muốn khom mình làm nô lệ cho chữ.
     Đàm đạo chán chê về nhân vật trung tâm, Hữu quay sang nói chuyện về Sartre, Marcel, Camus, các đồng hương của Sartre về Chủ nghĩa hiện sinh. Anh nói:
     - Đúng ra, chính xác nó là sự tiếp nối của chủ nghĩa hiện thực, hiện đại. Càng hiện thực càng tiên tiến. Triết lý của chủ nghĩa hiện sinh xoay quanh chủ đề con người, trọng tâm là bản tính, thân phận, thế giới nội tâm. Tóm lại là quan hệ giữa tồn tại và bản chất của con người.
     Nghe anh nói đến đây tôi thấy vấn đề trở nên rối rắm, phức tạp vô cùng. Thế giới đi đường này, anh em chúng mình đi tắt đón đầu rồi đắp lên con đường hiện thực XHCN, một mình một đường. Anh gợi ý chúng tôi xây dựng các nhân vật trung tâm, nhân vật điển hình là giới doanh nhân, giàu có và thế lực; lại nghe anh phân tích các kỹ xảo điền vào các khoảng trống trong tiểu thuyết, cách rửa văn ra sao cho sạch nước cản nhất là những người có tiền và thế lực. Nói đi nói lại cuối cùng anh vẫn quay về với nhân vật trung tâm. Anh bảo đề tài doanh nghiệp không bao giờ cũ nhưng ít ai phản ánh mà chỉ chủ yếu viết về giai cấp công nhân, là giai tầng bị bóc lột, nghèo, dễ tổn thương. Anh ngần ngừ một lúc rồi bảo rằng nhà văn mình chưa nhiều trải nghiệm, chưa đủ tầm để phản ánh những vấn đề lớn lao trong kinh tế, thương trường. Tôi bảo:
     - Có lớn bằng hai cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc không? Có nhà văn không ra trận vẫn có những tác phẩm lớn viết về người lính. Ông Hữu Mai có phải phi công đâu mà viết tiểu thuyết Vùng trời giỏi thế. Có cái gì đấy khiến cho nhà văn chưa sẵn sàng thôi. Chỉ cần có cảm hứng, nhân vật là những ông chủ tư bản thân hữu hiện đại cũng hiện ra. Như thế tác phẩm sẽ hấp dẫn và thoát khỏi bẫy văn nghệ trung bình. Ông Sartre bảo: “Một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”, sẽ không bị căng cứng khi viết.
     - Kể ra…khó thật! Cái gì đấy như lời ông nói là cái có thật. Giới doanh nhân dùng lý trí kiểm soát toàn bộ, như lửa muốn thiêu rụi cảm xúc. Nhà văn thương người, còn là nước nữa. Nước với lửa. Chà…chà! Văn chương thời 4.0 này không biết thế nào đây? Sốt ruột quá!
     Tôi với Hữu nói chuyện rông dài, dẫn ý kiến của người nọ, phát biểu của người kia, tan nát, tản mạn. Cuối cùng tôi vẫn không biết viết gì. Anh thì trăn trở với thuyết trung tâm mãi chả xong, kiểu này chúng tôi còn đàm đạo còn chán.
     Tôi đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ. Mặt hồ Chùa Bầu giờ này, trời đang đổ vàng thẳng đứng xuống từng đọn sóng. Thế mà đã trưa rồi đấy! Tôi đứng dậy, giục anh:
     - Thôi chết! Em chẳng để ý gì cả. Anh mau lên chợ, kẻo hết bánh cuốn thì hết cả hiện sinh!
     - Yên tâm đi – “Mắt và răng” cười tươi lắm – Tôi ăn bánh cuốn vé năm. Cả cái tỉnh này chỉ mỗi mình tôi được hưởng cái đặc quyền ấy thôi!
*
     Tôi đi xuống bếp. Nếu tính từ cổng vào thì vấp phải cái bếp nhà anh trước. Nó xếp hình vuông thước thợ với căn nhà mái bằng ba gian mấy năm chưa thèm quét vôi. Thật là cổ kính và hợp với bộ môn dân gian mà anh nghiên cứu!
     Căn bếp xây thấp, mái lợp ngói tận dụng từ ngôi nhà chính dỡ ra. Ngay cửa ra vào có mấy củ xu hào rụng hết cả tóc, toác da nằm co ro trong chiếc rế nồi năm…
     Ngoài sân mưa lâm thâm rơi, loang loáng nước…
     Nhìn ra ngõ thấy cánh đồng mù mịt hơi nước…
     Xa xa, sâu sâu có một bãi tha ma ở giữa cánh đồng…
     Ra giêng là quãng thời gian đồng đất được nghỉ ngơi chờ đến thời vụ. Tháng giêng năm nay rét như cắt, cánh đồng cũng ro mình lại mà chống rét. Chưa có năm nào rét như năm nay. Đài báo lại thêm một đợt gió mùa đông bắc bổ sung. Thôi trời rét thì cứ rét đi, đằng nào thì tháng giêng vẫn là tháng có cái quái gì làm đâu. Sợ quách gì!
     Tôi cúi người bước chân vào bên trong. Chiếc bóng điện 25w mù mờ không đủ khoe ra căn bếp hai gian.
     - Em chào chị.
     Chị ơi, chị đâu? Gian trong để thùng gạo, mâm bát. Gian ngoài là gian chính, là nơi đun nấu. Nhà anh vẫn đun bếp rơm truyền thống. Mọi thứ đồ đạc làm đồng vẫn được bài trí như thời kháng chiến chín năm.
     Gian trong bỗng nghe có tiếng gì sột soạt...
     Bóng một chiếc áo mưa động đậy…
     Vụt đứng lên…
     Quay ngược lại…
     Dưới bóng đèn 25w…
     Trước mặt tôi là gương mặt một người đàn bà, mặt bầu, da gầu sòng, rất lắm nếp nhăn. Bao nhiêu cái tết là từng ấy nếp nhăn trên khuôn mặt ấy, nhìn kỹ thấy phúc hậu vô cùng. Bên dưới chân chị là chiếc nồi nhôm đúc thủ công đặt trong chiếc rế rách. Màu cơm trắng nổi lên trong lòng nồi, có chiếc thìa i nốc đổ kềnh, ngửa lên còn cố ôm vào lòng miếng xu hào sắt vuông.
     Chị đi làm đồng quá mái giờ mới trở về. Cái bếp này rõ là thân ái, quen hơi, ấm tình hơn căn nhà mái bằng trên kia, cái nhà mà anh co cóp lương cả đời viết văn, tiết kiệm từng đồng nhuận bút để làm nên nó. Nó thật sự có giá trị với anh, còn với chị, chị mừng cùng anh, tự hào về anh - Vợ của một nhà văn nhưng chị thấy nó quá hùng vĩ và hoàn toàn xa lạ với mình. Tiền của chị, công điểm của chị, lúa gạo, gà lợn của chị góp vào với anh mà không khoe ra. Tất cả những thứ có được đều là của anh. Nhà của anh làm đấy!
     Người đàn bà lúng túng nhìn tôi. Tôi nhìn chị, nhìn xuống đôi chân trần rét mướt. Chị ngồi ăn cơm không kịp cởi chiếc áo mưa, cũng không kịp dọn ra mâm bát. Chị ngồi xụp xuống, úp mặt vào tường xúc từng thìa cơm mà ăn. Giá mà biết nhà có khách, mà khách của chồng, khách của ông ấy xưa nay chỉ rặt nhà văn, chắc chị cũng sắp cho mình một bữa cơm cho ra trò, để anh khỏi bị mất mặt, cả chị cũng không khỏi xấu hổ vì tính luộm thuộm của mình.
     Ngoài sân, mưa kim bỗng ào ào tạt xuống…
     Chị không hề luộm thuộm mà chúng tôi, lũ nhà văn vô dụng không đem lại cho người đàn bà của mình một cuộc sống không được đầy đủ thì cũng gọi là tươm tất, có quy tắc, nề nếp và không bao giờ tùy tiện. Tôi thương chị vô cùng. Chị không tùy tiện, chỉ có cái tùy tiện làm ra  sự eo hẹp tiền bạc khiến cho chị hết ngày này qua ngày khác phải dè sẻn và không còn nhớ đến bản thân mình, nhớ mỗi cái tên của chị. Từ bao giờ? Thực tình không nhớ nữa.
     - Chú lên nhà uống nước với nhà tôi – Chị lúng túng – Chú thông cảm, tôi vừa đi làm đồng về - Chị lý do – Tôi vội quá, chiều lại phải ra xới nốt luống khoai. Mấy ngày nay mưa phùn cỏ mọc nhiều quá – Chị thẹn thùng – Chú thông cảm cho, nông dân chúng tôi cứ sấp sấp, ngửa ngửa cho nên cái nết ăn thường đơn giản lắm. Anh ấy vẫn mắng tôi luôn!
     Anh vẫn mắng chị sao? Chị ơi, chị không cần lý do, chị không phải thẹn thùng, chỉ có chúng tôi mới đáng hổ thẹn. Anh vẫn ngồi điềm nhiên uống nước chè đợi tôi lên. Chắc anh chẳng bao giờ để ý, để biết người đàn bà của mình, theo mình suốt cuộc đời kham khổ ra sao, sống đơn giản đến nhường nào mà họ không bao giờ nói ra. Chúng tôi hổ thẹn vì sự hùng hồn hàng ngày bên chiếc bàn mù mịt khói thuốc luận bàn về văn chương, về sáng tác, về định hướng. Chúng tôi hổ thẹn vì mọi thứ có trên đời này vì những lời nói dối, lung linh giả tạo.
     Văng vẳng bên tai tôi lời anh nói, về cái thứ chủ nghĩa anh hùng thời nay, về công lao của doanh nghiệp, về người khác ngoài bản thân mình. Cả tôi, cả anh, lúc nào cũng mơ tưởng, tìm tòi cái nhớn mà quên đi những điều giản dị, bé nhỏ xung quanh. Chị không hề biến mất, chị chẳng đi đâu cả, chị vẫn còn hiện hữu ở đây, giờ này. Chỉ tại chúng tôi quên mất chị, biết bao năm tháng trôi qua, các nhân vật của chúng tôi thường nhạt nhẽo nhưng lại đỏ tòe đỏ toẹt. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục trên con đường vô định để tìm kiếm, để lưu dấu bước chân từng nhân vật của mình. Sự thật thì bây giờ nó đang bế tắc. Những nhân vật của văn chương hàng ngày chúng tôi lướt qua, đảo lại nhưng lại không hề trông thấy. Chúng tôi cứ mải đuổi theo những hình tượng nhân vật mang đầy đủ tính cách của một ai đó, không giống con người. Càng xa hiện thực thì càng được tán thành.
     Các Doanh nhân vĩ đại lắm, Hữu ơi! Muốn diễn tả họ, muốn đẩy họ vào trung tâm thì ắt phải buộc họ vào khuôn khổ, trung thành, trung thực, thương giống nòi, thương người lao động, phải nằm lòng văn hóa kinh doanh, đừng bao giờ đào tượng để nung vôi, dù lợi nhuận cao bao nhiêu cũng đừng làm hại môi trường…như thế khác nào anti Doanh nhân! Thật sự tôi chỉ muốn tẩy sạch cái từ Con buôn có từ ngàn đời để cổ động cho họ. Như thế lại phải bơm thật nhiều cảm xúc vào họ, nhưng theo tiến sỹ Dương thì cảm xúc là kẻ thù của sự thành công. Mâu thuẫn quá! Chắc tôi không làm được. Tôi tự khoanh vùng cho mình. Tôi sẽ không sáng tác nổi vì tôi không thể quên một lần đến thăm anh. Tôi chưa bao giờ nói lại câu chuyện này với anh nhưng tôi chắc là sẽ viết về những con người bé nhỏ, nỗi đau đồng xu, nỗi khát thèm được yêu thương, nâng niu một chút xíu mà người đàn bà của anh là nhân vật. Cả cuộc đời chị đứng nấp sau anh. Ngành dọc của anh bao giờ chị cũng ưu tiên xếp trên cuộc đời mình. Anh là người nhìn xa trông rộng, anh muốn xây dựng lý thuyết trung tâm, nhưng chúng tôi lại bàn về chủ nghĩa hiện sinh. Thôi thì hãy bắt đầu bằng những chuyện nhỏ bé nhất, quen thuộc hàng ngày, cái mà làm cho tôi động lòng, thương nhất – Vợ của nhà văn.
                                                                     L.T.K
 
 
 
 
 
 
    
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 78
Trong tuần: 720
Lượt truy cập: 415064
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.