Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TƯỢNG GỖ DE

Nguyễn Đức Hậu
 
TƯỢNG GỖ DE  
 
    Đây là lần thứ ba chị cùng con gái nuôi đến phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc của hội Văn nghệ tỉnh. Lần nào chị cũng đứng tần ngần rất lâu bên pho tượng ấy. 
    Con bé giục về mấy lần nhưng dường như chị không nghe thấy. Ở tuổi mười ba làm sao nó đã hiểu được những xung động đang cuộn xoáy trong lòng chị. Ngay từ lần đầu đến xem, chị đã như bị thôi miên bởi bức tượng lớn bằng gỗ đặt trên một cái đôn cũng bằng gỗ cùng loại. Chị lại gần, dịu dàng sờ lên khuôn mặt và thân thể đầy vết sẹo nhằng nhịt của người đàn ông khỏa thân đang nằm gọn trong lòng người phụ nữ trẻ mặc áo blu trắng. Mùi thơm the the giống mùi hương nhu từ bức tượng tỏa ra như thể cô gái mới gội đầu lá sả làm chị thấy cay cay mắt. Lòng chị thoắt bồi hồi như thuở còn con gái. Dòng tên tác gỉa khiêm tốn ẩn chìm trong vân gỗ làm chị phải đưa ngón tay xoa kỹ lớp bụi mới đọc được. Nhưng đọc xong thì chị chợt thất vọng bởi cái tên “Tuyên Bình” lạ hoắc chị chưa hề nghe bao giờ. Thế là mọi dự định trong đầu trước khi đi đã hoàn toàn tiêu tan. Chị lại lẳng lặng cùng con gái ra về. Lạ nhỉ? Chị buột miệng tự hỏi làm cô con gái đi bên cạnh ngạc nhiên ngước đôi mắt trong veo nhìn mẹ, nhưng nó thấy má nó trầm ngâm hai tuần nay nên nó ý tứ không dám hỏi. Phiên trực đêm hôm ấy, ở khoa cấp cứu không có bệnh nhân nặng. Chị muốn chợp mắt một chút mà không sao ngủ nổi. Chị nằm nghiêng ôm xiết chiếc gối lớn vào lòng. Bất giác luồn tay dưới áo xoa lên khuôn ngực đã mây mẩy lại, không còn tong teo lép dẹt như trước và chưa một chút hơi tay đàn ông của mình thở dài. Chả trách mấy cậu thanh niên trong khoa cứ chọc chị: “Dạo này bà chị hồi xuân có khác, da thịt cứ mỡ màng phây phây ra. Hay lại vớ được ông nào mới bỏ vợ phải không? Chả bù cho mấy năm rồi người cứ sắt lại như con mực ròm.” Chúng nó cứ đùa ác chứ chị làm gì có ai. Chỉ mỗi cái lão phó giám đốc viện đã con đàn cháu đống cứ theo đuổi chờm hớp vài tháng nay. Mỗi lần bắt gặp con mắt lão luồn lách quờ quạng qua cổ áo hơi trễ ra của chị là lưng chị lại gai gai lên. Có lần lão nhăn nhở nói độp vào mặt chị: “Thế giữ mãi để ép khô như người ta ép hoa trong sách à?” Chị bực lắm nhưng chẳng làm gì được lão bởi có quặc lại lão thì lão bảo lão nói đùa là xong. Tuy vậy, chị cũng cảm thấy thinh thích vì mình chưa đến nỗi bỏ đi dưới mắt đàn ông. Nhưng là ai kia chứ, còn lão thì chị thấy lợm lợm thế naò ấy. Chị nhìn bâng quơ qua cửa sổ. Bầu trời trong và nhiều sao. Những ngôi sao nhấp nháy như mắt ai mời gọi. Anh đèn cao áp ngoài sân hắt một quầng màu vàng mơ trên tường soi rõ cặp thằn lằn vờn nhau âu yếm và kêu lên tăng tắc những tiếng bản năng. Chị nhớ lại những chăm chút kín đáo của anh giành cho chị và cả những ánh mắt khát khao anh nhìn chị những lúc hai người có dịp ngồi riêng với nhau... Chị bỗng thấy tiếc nuối thời tuổi trẻ sôi động và bồng bột của mình. Cái đêm trăng bên bờ Bàu Bà (*) ấy chị làm sao mà quên được. Anh lúng túng mãi, rào trước đón sau mãi mới dám nói bằng cái giọng miền bắc vụng về: “Anh kính trọng em ở lòng nhân hậu như người mẹ, anh muốn làm một điều gì đó để đền đáp ...” Ôi! Chị có đòi hỏi sự đền đáp đó đâu. Chị chỉ cứu anh bằng tình đồng đội, chăm sóc anh bằng tình thương và trách nhiệm của một hộ lý, một người phụ nữ. Mà hình như hồi ấy chị chưa yêu anh. Chị chỉ thấy thương và cảm phục lòng can đảm của anh thôi. tuonggode
    Anh ra bắc rồi, chị mới thật sự nhìn rõ lòng mình khi nỗi nhớ anh cứ rỉa rích tâm hồn chị từng tý từng tý một, trong cả những lúc gian khổ và ác liệt lẫn lúc tĩnh lặng yên hàn. Trông người to lớn can trường vậy mà đứng trước con gái thì vụng ơi là vụng. Giá lúc ấy anh khéo nói một chút, mạnh bạo một chút thì có lẽ chị đã ngả đầu vào khuôn ngực vạm vỡ của anh mà mơ màng hạnh phúc. Tiếc là nghe xong chị lại giận mà mất tỉnh táo bảo thẳng với anh rằng chị chẳng cần đến sự đền đáp ấy của anh làm anh cụt hứng không nói được nữa. Thực ra chị hiểu tấm lòng anh yêu chị một cách chân thành. Chị đọc điều đó trong đôi mắt to rất đỗi hiền dịu của anh trong những ánh nhìn đắm say giành cho chị. 
    Đúng là tuổi trẻ xốc nổi, dại khờ. Tình yêu ở trong tầm tay mà chị lại để nó tuột mất vĩnh viễn. Rồi chị lại hình dung ra anh ngồi tỉ mẩn đẽo gọt pho tượng như gửi gắm tất cả tình yêu thương và nỗi nhớ nhung chị trong từng đường nét chạm khắc. Ừ, mà sao mình không nghĩ ra nhỉ? Có thể đó là nghệ danh của anh. Hoặc nếu tác gỉa không phải là người trong cuộc thì chí ít cũng phải có một đồng cảm sâu sắc với người kể mới tạo ra được một tác phẩm gây xúc động đến vậy! Chị cứ quanh quẩn với những ý nghĩ như thế nên thấy lòng nôn nao mong trời mau sáng. Phải, mình cứ gặp thẳng ban chấp hành mà hỏi chứ ngại gì? Biết đâu lại tìm ra anh ấy thì sao? Ôi! Chị đã đợi anh biết bao nhiêu năm với hy vọng sau giải phóng anh sẽ quay vào tìm chị. Bao người đàn ông đến với chị, chị đều phải từ chối khéo để rồi người chị cứ khô héo dần như cây thiếu nước... 
                                                                              °**    
    Sáng sớm. Sương muối giăng như bụi đá lạnh ai xay ra rắc đầy mặt sông Gâm. Đứng bờ bên này không nhìn thấy bờ bên kia. Sườn núi đá dựng đứng ven sông nhòe đi trong sương trắng như được phủ một lớp tuyết loang lổ những vệt xanh mờ, nom giống những bức tranh vùng Xi Bê Ri. Anh bạn nghệ sỹ điêu khắc nhìn chiếc thuyền bập bềnh bên bè vó kể với chị rằng: Những buổi sáng như thế này ông Lựu thường bơi chiếc thuyền lá tre này ra gỡ giỏ cá ở đáy vó bè đổ vào cái rổ lớn trong lòng thuyền. Những ngón tay ông phát cước đỏ ửng lên như tôm luộc thoăn thoắt phân loại cá để kịp năm rưỡi bán cho mấy bà buôn mang ra chợ, rồi quay sang công việc cố hữu của mình là gọt đẽo những bức tượng gỗ. 
    Đã bao năm nay ông sống đơn độc trên bè vó này và dốc toàn tâm trí vào một pho tượng chưa thành. Trong lều, đặt ngay ngắn trên một cái kệ gỗ lát chun rất đẹp là hàng chục pho tượng đẽo dở dang bằng đủ các loại gỗ cùng một kiểu dáng. “Cái này bằng gỗ hồng mang bị khuyết tật phía sườn trái cô gái, bức dầu gió kia thớ gỗ mịn nhưng mất cân đối, bức bằng gỗ thừng mực không nổi được những vết sẹo chằng chịt trên thân thể người đàn ông. Nhưng chủ yếu là chưa bức nào lột tả được cái “thần” của nhân vật mà ông rất đỗi yêu thương và kính trọng”. Ông giải thích cho anh hiểu lý do ông phải bỏ đi những pho tượng đó. Một hôm ông vào rừng tìm được khúc gốc de vừa mắt. Thứ gỗ ít vân, trắng mềm nhưng rất thơm dẫu khô kiệt, thơm vĩnh viễn. Ông bảo: “Cái mùi thơm này giống như mùi hương ủ trên tóc nhân vật chính của bức tượng trong những buổi tối ngồi chơi với ông bên bờ Bàu Bà”. Đặt cái gốc cây xoắn bện rễ trước mặt trên bè vó, ông ngồi như thiền suốt mấy ngày quên cả nấu ăn. Đến bữa, ông đổ nước phích pha mì tôm vừa ăn vừa ngắm nghía săm soi từng cái rễ xem có thể cắt gọt thế nào để tạo dáng. Ngày thứ tư ông bắt tay vào việc. Chiếc cần vó được cột vào cọc cho vó treo lên phơi trong ánh nắng vàng rực của vùng núi hẻo lánh. Ông không nghe thấy lũ chào mào gọi nhau rộn lên trên ngọn cây sấu già tỏa bóng trên lều vo. Cũng không nghe tiếng nước réo rắt như bản nhạc không lời muôn thuở của thác Hòn thần phiá dưới một quãng. Hồn vía ông như lạc về một vùng đất khác, nơi khét lẹt mùi lửa đạn... Ông làm rất lâu mới xong pho tượng. Khi phun xong nước sơn cuối, tác phẩm đã hoàn chỉnh mỹ mãn, ông ngồi lặng đi hàng giờ ngắm nghía như ngắm đứa con mình vừa sinh ra với niềm sung sướng và hạnh phúc vô hạn. 
    Chị ngồi lặng đi! Hờn giận và thương cảm. Thì ra, cũng như chị, chẳng lúc nào anh quên được chị. Chị đã tiên đoán chính xác khi gặp pho tượng. Mà không, có lẽ đó là những tín hiệu riêng của những người yêu nhau, dẫu cách xa ngàn trùng họ vẫn tìm mọi cách gửi lên không trung những tình cảm nồng thắm, những nhớ nhung da diết cho nhau. Hồi bé, mỗi khi chị nhớ ba, khóc vòi má, má lại lật ngược chiếu lên và bảo làm như thế là đêm nằm má con mình được gặp ba trong mơ. Có lần thì má chị lẳng lặng thắp một ngọn đèn dầu và một nén nhang đặt trên bàn trước mặt hai má con cùng miếng bìa có những chữ cái xếp thứ tự an pha bê trên bốn cạnh cuả hình vuông lớn rồi lẩm nhẩm đọc bài chú. Đọc xong, má bảo chị cùng má đặt ngón tay chỏ vào quân cơ bằng gỗ ván hòm được cắt ra từ tấm ván thiên bốc ở dưới mộ lên. Thật lạ. Không hiểu má chị có đẩy quân cơ đi hay không chị không rõ, nhưng đúng là chị không đẩy. Vậy mà, hỏi câu nào ba chị ở dưới cõi âm trả lời câu ấy bằng cách dịch chuyển mũi nhọn quân cơ vào những chữ cái để má con chị ghép lại thành vần, thành câu mà hiểu ba chị nói gì. 
 
3-  
    Nhiều lần làm vậy đến mức chị thuộc lòng bài cơ lúc nào không hay. Giờ chị cũng làm thế. Chị phải nói chuyện với anh. Phải hỏi anh cho ra nhẽ rằng sao chừng ấy năm mà anh không vào tìm chị, để đến nỗi bây giờ âm dương cách biệt! Chị lấy giải khăn tang xòa trước ngực thấm nước mắt. Nỗi đau qúa lớn cho một hy vọng của đời người khiến chị không khóc to lên được. Gía khóc to lên được có lẽ lòng chị sẽ vơi đi chút ít! Anh bạn nghệ sỹ điêu khắc và con gái chị cũng lặng đi. Con bé không hiểu gì lắm, thấy má khóc cũng nước mắt vùng quoanh. Lát sau anh bạn nghệ sỹ điêu khắc đưa cho chị tờ giấy xét nghiệm chất độc màu da cam dương tính ngùi ngùi nói: “Trước khi mất khoảng sáu tháng, người anh cứ nứt ra và tím lại như bị thui trong lò lửa. Anh dặn tôi bằng mọi giá gửi được pho tượng vào cho chị. Nhưng địa chỉ thì anh bảo đã bay mất cùng với cái bồng bằng vải bạt US chị khâu tặng hồi ở khu Lê trong một trận bom B52 trên đường ra. Thành thử tôi phải gửi tác phẩm về Hội Văn Nghệ tỉnh với hy vọng rất mỏng manh. May mà …” 
    Chị thần người ra một lát, rồi gương mặt dần sáng lên như dìm nỗi đau vào nơi sâu thẳm để sống với niềm hạnh phúc của anh, với đứa con tinh thần anh để lại cõi đời cho chị. Thì ra anh ghép hai chữ cái đầu tên của hai tỉnh Tuyên Quang và Bình thuận. Cái tên tác giả anh chọn là để kỷ niệm hai vùng đất đã sinh ra và nuôi lớn chị với anh ấy. Chỉ có điều, giá như chị được ở bên anh lúc anh mới ngã bệnh, để chị lại được chăm sóc anh như ngày xưa. Trước mặt chị, bức tượng hiện ra rõ mồn một. Và mùi hương the the của rừng de trên bờ sông Gâm nương theo gió bay về bỗng thơm ngào ngạt.  
N.Đ.H

----   

(*) Bàu Bà: Bàu nước ngọt thuộc Lương Sơn, gần Chiến khu Lê Hồng Phong, Huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận   

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 448
Trong tuần: 1133
Lượt truy cập: 435929
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.