Từ những ý kiến sâu sắc, quý báu
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
về văn hóa, văn nghệ, giáo dục
PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện
Hội Nhà văn Việt Nam
SÂU SẮC...
TÁC GIẢ VÀ TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TẠI VP TBT
Thời học Phổ thông tại quê nhà, anh Nguyễn Phú Trọng học giỏi môn Văn, mơ ước lớn lên được làm các công việc gắn bó với văn chương, báo chí. Anh trở thành sinh viên Đại học khoa Ngữ văn khóa VIII Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng học với chúng tôi suốt trong 4 năm, từ 1963 đến 1967. Trong lớp anh là người sinh viên gương mẫu, học giỏi, kính thầy cô, yêu mến bạn bè đồng môn, khiêm tốn, giản dị, tận tụy với các công việc chung được giao phó, phấn đấu trở thành người trí thức "vừa hồng, vừa chuyên". Năm học cuối cùng anh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Lúc này năng khiếu tiềm ẩn về văn chương của anh đã bộc lộ: anh có chùm thơ với ngòi bút chững chạc, cảm xúc thăng hoa đăng trên Tập san nội bộ viết tay của Lớp năm 1967; bảo vệ xuất sắc Luận văn tốt nghiệp Đại học Ngữ văn rồi trên cơ sở đó, công bố bài nghiên cứu, phê bình văn học đặc sắc có nhiều tìm tòi mới mẻ, nhan đề “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” in trên Tạp chí Văn học số tháng 11/1968.
Cùng với chúng tôi trong những giờ lên lớp nghe các thày cô giảng bài, kho tàng kiến văn về văn hóa văn nghệ dân tộc và nhân loại đã mở ra cho anh Trọng và chúng tôi một chân trời rộng lớn, bao la của những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, làm cho đời sống tinh thần của con người thêm phong phú, hài hòa, cao đẹp.
19 tuổi anh là Bí thư đoàn lớp Văn khóa VIII, 23 tuổi trở thành đảng viên cộng sản.
Những năm tháng tuổi trẻ ấy quả là cần thiết, giúp anh tích lũy một khối lượng tri thức thấm nhuần những quan điểm mỹ học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ. Và rồi, ra trường tiếp tục rèn luyện và tự học, dạy học lần lượt trên các cương vị công tác: nhà báo Đảng, nhà tư tưởng, nhà quản lý, lãnh đạo giữ những cương vị cao: GS,TS. Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư của Đảng, Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có dịp thay mặt Đảng và Nhà nước phát biểu những ý kiến quan trọng giúp vào sự quán triệt và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh được tập hợp vào cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản tháng 6/2024. Trọng tâm cuốn sách giới thiệu 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, bản lược ghi, bài trả lời phỏng vấn… từ năm 1968 đến nay của đồng chí Nguyễn Phú Trọng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Qua những bài nói, bài viết, đồng chí đã thể hiện sự am hiểu thấu đáo và tầm nhìn chiến lược nhạy bén về những vấn đề then chốt nhất của sự lãnh đạo và phát triển văn hóa, văn nghệ cùng những gợi ý thiết thực để thực thi có hiệu quả xây đắp nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hằng mong mỏi.
Tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Văn học (12/1999); 70 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (7/2018); Hội nghị văn hóa toàn quốc (11/2021); đồng chí đã trình bày tổng kết và nhấn mạnh, phát triển các tư tưởng, quan điểm thuộc đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở các khía cạnh sau:
Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Đúng như Bác Hồ nói: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Có thể thấy với những ý kiến thể hiện tư tưởng chiến lược, chỉ đạo và bằng các hoạt động không mệt mỏi của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là người học trò (thuộc thế hệ sau) xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là người phát động và là thủ lĩnh dấy lên cao trào chấn hưng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu mới của thời đại, mong mỏi của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất mà còn xứng đáng là nhà văn hóa uyên bác, một Hiền Nhân thuộc vào hàng “nguyên khí quốc gia”. GS.TS Nguyễn Phú Trọng cũng đồng thời noi gương "vạn thế sư biểu”(*) Chu Văn An, nhà giáo Nguyễn Tất Thành, GS. Hoàng Xuân Nhị (Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn), GS. Hà Minh Đức (Chủ nhiệm lớp Văn khóa VIII), để trở thành một giảng sư thỉnh giảng từng trải, minh triết, lão thực, bậc thầy (thuộc thế hệ sau) đáng trọng thị bởi luôn tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người và đào tạo thế hệ trẻ, kế cận.
Hà Nội, tháng 7 năm 2024
(* ) "vạn thế sư biểu": bậc Thày của muôn đời.
Người gửi / điện thoại