Nguyễn Nhuận Hồng Phương
VIẾT Ở ĐẦM CÒ
Gọi Tùng cò, bởi ngày đầu tiên gặp nhau ở kí túc xá sinh viên trường Đại học, tôi chưa gõ mà hắn đã xưng: Tôi tên Tùng, nhưng vì nhà ở Đầm Cò nên mọi người gọi vậy để phân biệt với những người trùng tên.
Không biết có phải vì sinh ra ở Đầm Cò mà cái biệt hiệu “cò” lại rất đúng với phong thái bề ngoài của Tùng : Khuôn mặt dài, lưỡng quyền nhô, xương cằm bạnh như hàm rắn; người cao, dáng mảnh khảnh, “đầu gối quá tai” bước cà nhắc theo đúng nhân gian thường ví: “Trông như Cò Hương”.
Tùng cò và tôi trọ chung phòng và học cùng khoa “Tài nguyên và Môi trường”. Tính Tùng cò hiền lành nếu không gọi là nhút nhát. Nói năng nhỏ nhẹ, ít giao du, học bài xong ngồi lì trong phòng đọc sách. Thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ không ở lại thành phố mà vội vội, vàng vàng ra bến leo tót lên xe khách về quê, tối mịt chủ nhật hoặc mờ sáng thứ hai mới có mặt ở trường. Một lần tôi hỏi đùa: Có em nào bỏ bùa mê thuốc lú cho cậu hay sao mà tuần nào cũng về? Mặt Tùng cò đỏ ửng, đưa tay gãi đầu: Không về người ta lại tưởng mình ra thành phố quên người nhà quê, phiền phức lắm.
Như vậy đích thị Tùng cò đã có người yêu và hai đứa chắc phải yêu nhau lắm lắm. Tôi đoán vậy và mặc dù rất thân, nhưng nói theo cách nói của bọn sinh viên không “xắn quần lội vào đời tư” của người khác nên tôi không hỏi. Nhưng học dở năm thứ ba thì đột ngột Tùng bỏ học cùng với tin bố Tùng phạm tội bắn chết người phải đi tù. Bặt tin từ ngày ấy, đột nhiên sau gần mười năm, tôi nhận tin Tùng mời về nhà chơi với lí do đơn giản: Nhớ hồi cùng học, tôi có hứa sẽ mời anh về ăn một bữa “lẩu cò”.
Cưỡi xe máy hơn trăm cây số về tới ngã ba phố huyện quê Tùng. Tôi hỏi một em bé chăn bò. Đứa bé nhìn tôi suốt lượt như kiểm chứng rồi hỉ hả: “Vậy chú không phải là dân câu rồi. Chắc chú đến để học tập cách làm kinh tế của chú ấy chứ gì? - Tôi ừ hữ, chú bé chỉ tay về dãy núi xa xa nói tiếp - Chú cứ theo dọc con đường kia, khi nào nhìn thấy vết cứt cò là đến cơ ngơi của chú Tùng cò.”.
Đúng như lời chú bé chăn bò nói: Ngoặt vào lối rẽ tôi bắt gặp những bãi phân cò trắng như vôi rắc. Trước cổng vào có một chiếc lán rộng và một tấm biển ghi rõ: “Khách đến Đầm Cò, làm ơn để xe có động cơ ở đây và tránh gây tiếng động cho cò.”. Tôi tắt máy dắt xe vào. Trong lán đã có mấy chiếc ô tô bốn chỗ và hàng chục chiếc xe máy dựng thành hàng. Quanh bờ đầm, dưới những chiếc lều nhỏ lợp lá cọ nằm xen kẽ giữa hàng cây ăn quả lâu niên, các “đệ tử của Lão Vọng” mắt đắm đuối theo dõi phao câu, im phắc như tượng gỗ trong chùa; tay cầm cần theo tư thế sẵn sàng... giật.
Vậy ra đây là nguồn sống chính của Tùng. Tôi lẩm nhẩm rồi mở cổng đi vào. Đầm Cò rộng mênh mông ngoài trí tưởng, mặt đầm trải tít đến gần chân dãy núi; từng làn sóng nối nhau vỗ bờ ì oạp; giữa đầm một bãi nổi với cánh rừng bát ngát rời rợi màu xanh; gió thổi lộng, rừng cây đu đưa, nhấp nhoáng ẩn, hiện trong những cánh cò trắng phau rập rờn giữa màu xanh tinh khiết. Không khí trong lành và cảnh quan thơ mộng gợi trong tôi về với miền cổ tích...
Đang ngất ngây ngắm phong cảnh, đột ngột một con chó to bự, lông xù sồ ra kèm theo tiếng sủa vang. Tôi giật mình nghiêng người thủ thế. Con chó nhe nanh gầm gừ... Một tiếng quát giật giọng từ trong lều ném ra: Lu, hỗn nào, vào! Con chó cum cúp quay lại. Tùng từ trong nhà bước ra.
Tôi không tưởng tượng nổi sự đổi thay của Tùng: Cái dáng “Trông như Cò Hương” biến đâu mất. Trước mặt tôi là một thân hình vạm vỡ, da cháy nắng, đầu húi cua, bước đi nặng chịch chắc chắn đích thực một tráng nông chi điền.
Tùng mời tôi vào lều. Gọi lều bởi được ốp bằng những cây sậy, lợp cỏ gianh xuôi mái. Trong lều ngoài chiếc giường đan sạp nứa, cái đáng giá duy nhất là cây đàn ghi ta treo trên vách cạnh bức ảnh một nam, một nữ đứng sóng đôi, cả hai đều mặc đồng phục Thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Tùng rót bát nước mời tôi rồi nói: Tôi mua được mảnh đất hơn một trăm mét vuông ở khu giãn dân. Gạch, ngói, gỗ lạt, tre pheo, tiền công thợ cũng đủ rồi. Nhưng đợi khi nào bố tôi được ra tù thì sẽ khởi công. Tôi hỏi: Thế ông cụ bao giờ mãn hạn? Ngày mai - Tùng đáp - Bố tôi bị kết án mười năm, nhưng ông cải tạo tốt nên được hưởng chính sách ân xá tha trước thời hạn hai năm. Nhưng thôi, chuyện đâu bỏ đó, bây giờ ta đi ăn đã, chắc đi xa như thế anh cũng đói rồi.
Tùng kéo tôi ra ngồi ở bộ bàn ghế được đẽo gọt thô sơ từ những gộc cây còn nguyên rễ và sẹo mắt xù xì kê dưới tán một cây khế cành lá sum sê, núc nỉu quả và những chùm hoa tím xẫm. Ngay sát bờ đầm nơi chúng tôi ngồi neo chiếc thuyền thúng bằng sợi dây thừng bồng bềnh rỡn đùa cùng sóng nước...
Dường như đã chuẩn bị, trên mặt bàn bày sẵn bát đũa, vò rượu và mấy thỏi cơm lam. Tùng nhấc chiếc lò chứa than củi đặt lên mặt bàn, nhóm lửa, bật quạt thổi cho hồng rồi xuống giệ đầm xách giỏ cá lên - Tôi bảo anh lên ăn lẩu cò nhưng đó chỉ là nói đùa thôi - Tùng mở giỏ bắt ra những con cá rô màu vàng ươm - Từ ngày bố tôi đi tù, tôi thề không bao giờ ăn thịt cò nữa. Thay lẩu cò, tôi đãi anh món cá rô đồng nướng than củi giành giành nhắm rượu và ăn với cơm lam. Cơm lam tay tôi làm, rượu tự nấu, cá bắt dưới đầm, cây giành giành mọc ven bãi nổi ở Đầm Cò lúc nào cũng sẵn.
Tùng xiên cá gác lên bếp than hồng, tiếng than reo tí tách, vẩy cá nở như hoa, Tùng lấy lông gà tẩm nước gừng phết lên từng lượt rồi lật đi lật lại, cá bén lửa tỏa mùi gừng thơm lựng. Cá chín, Tùng bóc, gỡ ruột bỏ đi rồi đặt vào bát tôi: Cá này phải ăn nóng mới ngon. Uống rượu xong thì ăn cơm lam. Các anh ở thành phố thiếu gì đặc sản, nhưng bảo đảm ăn xong bữa này anh sẽ nhớ đời.
Tùng rót rượu ra bát đưa cho tôi- Anh thông cảm, ở trên này chúng tôi có lệ uống rượu bằng bát. Nào mới anh- Tùng nâng bát rượu cụng vào bát của tôi. Cứ uống xong một ngụm Tùng lại chìa tay ra: Anh thông cảm, trên này có thông lệ cứ mỗi lần cụng là phải “giật giật, lắc lắc”. Nói rồi Tùng cười, nụ cười như tự giễu với cái “văn hóa nửa mùa” ấy.
Tôi vừa nhâm nhi vừa nhìn Tùng. Quả thực tôi không tài nào nhận ra chàng sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường ngày xưa nữa. Hết cả sự rụt rè, e nép; hết cả tiếng nói, cười nhỏ nhẹ. Thay vào đấy là một Tùng lanh lợi, tháo vát, vẻ bụi bụi của một người từng trải. Sau ba tuần rượu, Tùng kể:
- Bố mẹ tôi cùng đi Thanh niên xung phong một đợt- Tùng ngả người tựa vào gốc khế, nhìn về phía bãi nổi- Lúc ra quân thì làm đám cưới. Nhưng vì cả hai đều nhiễm chất độc màu da cam, nên chữa chạy thuốc thang mãi mới có tôi. Hồi ấy khu vực này làm gì có người. Khu đầm hoang mà anh, theo lời kêu gọi vỡ đất hoang hóa, phủ xanh đồi trọc, bố mẹ tôi xung phong ra đây. Mới đầu là vượt bờ, thưng ruộng, cấy lúa. Nhưng anh tính, đất ở đây ngập phèn, chạt váng vàng như đồng thau, bong bóng sủi tăm nổ như rang ngô, không khau nước được, lúa đến thì con gái úa rực như tơ tằm, gặt về những rơm là rơm. Sau mấy lần thất bại, bố mẹ tôi bàn nhau chuyển hướng. Bố tôi bảo: Các cụ ta có câu “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” Mình không có gan gá bạc thì chịu khó làm đầm thả cá. Thế là bố mẹ tôi ngày ngày sì sụi khơi dòng, vạ đất đắp bờ. Không có tiền mua cá giống, mẹ tôi ra chợ mua những mớ cá ế mang về; con sống thả đầm, con chết để ăn. Nhưng ông trời không thương bố tôi. Lúc tôi lên bảy tuổi thì mẹ tôi qua đời...
Tùng nhấp thêm ngụm rượu, mặt không còn lựng đỏ mà dài dại, tinh mắt đờ đẫn như gánh nặng quá khứ đang đè nặng lên tâm hồn. Tôi lo lắng sợ Tùng quá chén, nhưng Tùng lắc đầu:
- Anh an tâm đi. tôi không phải là kẻ mượn rượu giải sầu. Hôm nay có anh nên tôi muốn trở về với những điều từ bao lâu nay ấp ủ trong lòng. Ai cũng có quá khứ, dẫu đó là niềm vui hay nỗi buồn. Và ai cũng muốn được thổ lộ, trần tình cho nguôi ngoai hoặc sẻ chia. Nhưng cuộc đời đâu giản đơn như ta nghĩ. Có những nỗi niềm ẩn khuất không thể thốt thành lời. Phải chăng đó là số phận? Mà sao số phận ấy lại đến với bố con tôi? Bố tôi suốt một đời tận tụy. Một thời tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước; về già muốn vượt qua nghèo khó thì lại mắc vòng lao lý. Có đứa con duy nhất thì bỏ trường đại học về đây làm ông chủ hồ câu và trông nom một bãi cò hoang.
- Vậy ra ông cụ vẫn nghĩ anh đi học đại học? – Tôi hỏi.
- Đúng là bố tôi vẫn nghĩ tôi học xong đại học và đi làm rồi. Vì vậy tôi lo sợ cái ngày mai. Cái ngày bố tôi biết sự thật về đứa con mà ông đặt hết niềm hy vọng vào. Bằng cả tình yêu phụ tử và trách nhiệm máu thịt...
Đang nói Tùng dừng lời vì có người tới. Người khách là dân câu vì cái túi đựng đồ câu khoác trên vai nói lên điều đó. Tùng xởi lởi: Được con nào chưa mà anh về sớm thế? Ngồi làm với bọn em tợp rượu đã. Người khách câu gật đầu chào, hạ túi đồ, ngồi xuống, giọng tiếc nuối: Chán quá, tớ phải về vì vợ điện nhà có việc đột xuất. Hơi tiếc, mồi thả vừa chín, cá lượn vòng quanh, tăm nổi ùng ục... Anh ta vừa nói vừa móc túi lấy tiền ra. Tùng xua tay: Em không lấy đâu. “Luật” rồi mà anh, ai đến câu ở Đầm Cò “bị móm” em không thu tiền, mồi thả xuống coi như để nuôi cá.
Người khách nhét tiền vào chỗ cũ: Đã là “luật” thì phải chấp hành thôi. Nhưng Tùng này- Người khách câu cầm bát rượu Tùng vừa rót chạm đánh “keng” vào bát của tôi, rồi ngửa cổ dốc “ực” một cái vào cổ họng- Cậu có cách kinh doanh khác bọn hồ câu dưới xuôi. Bọn dưới ấy, đã ném mồi, buông cần là nộp hết, được, hay “móm” không “oong, đơ” gì hết. Kiểu kinh doanh như cậu, thiệt trước mắt nhưng được cái về lâu dài- Kết luận xong người khách câu đứng dậy - Thôi, chúc các vị ngon miệng, “bai” nhé!
Chờ người khách đi khuất, tôi hỏi: Mỗi hôm quân bình thu được bao nhiêu hả Tùng? Tùng cười: Cũng tùy, nhưng vào thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ thì khá hơn. Dân câu thích câu ở Đầm Cò vì cảnh trí ở đây đẹp, môi trường sạch, có dòng đối lưu nên nước sạch, cá không bị ô nhiễm.
Tôi hỏi: Tiền thu thế nào? Tùng mân mê chén rượu: Tôi thu theo ca mà anh. Bốn tiếng gọi là một ca, mỗi ca năm mươi nghìn. Nửa tháng thả thêm cá một lần, loại bé nhất cũng trên cân một con. Đầm Cò sẵn phù du nên cá nhanh lớn. Anh tính, ngồi ôm cần câu cả ngày, không giật được con nào chán lắm. Mà tiền câu, tiền mồi tính ra nhiều hơn cả tiền mua cá ở chợ. Nhưng đã nghiện câu rồi, tuần không ngồi được một lần là không chịu được. Chả thế dân câu thường nói đùa với nhau: Nhìn phao câu nhiều hơn nhìn mặt vợ.
Tôi hỏi: Thế còn đàn cò, thu hoạch khá không? Tùng xiên thêm mấy con cá nữa đặt lên lò than: Không! Cá và cây ăn quả là nguồn thu chính của tôi, còn đàn cò là tôi làm theo ý nguyện của bố tôi. Anh biết không, tôi nhớ hồi còn nhỏ, một lần bơi từ bãi nổi về, ông bế thốc tôi lên chạy ra bờ đầm, chỉ tay vào rừng cây trên bãi, reo: Tùng ơi, có cò tha rác về làm tổ trên cây rồi. Kia kìa... Con có nhìn thấy không?
Tôi bé biết gì đâu, vả, những con cò với tôi chẳng là gì hết. Tôi chế súng cao su rình bắn, kiếm nhựa dính giăng bẫy bắt cò. Bố biết, không giận mà bắt tôi ngồi xuống trước mặt giảng giải: Theo cố nội kể cho bố biết: Trước kia đây là nơi trú ngụ của các loài muông thú, nhưng nhiều nhất vẫn là đàn cò, vì thế nên mới gọi là Đầm Cò. Sau đợt Tây càn, bãi nổi bị đạn đại bác bắn vào cháy rụi nên muông thú, chim muông bỏ đi hết. Bây giờ tự nhiên có đàn cò về làm tổ, đó là điềm lành cho bố con mình. Con chim có tổ cũng như con người có nhà. Vậy nên con đừng phá, giữ yên ắng cho cò có nơi có chốn...
Những điều bố nói cộng với hành động của ông thấm dần vào tôi. Tôi nhớ mỗi lần đàn cò về muộn, bố không ăn cơm mà ra bờ đầm trông ngóng, cho đến khi những cánh cò như dải chớp trắng theo hình mũi tên bay về tổ ông mới thở phào nhẹ nhõm... Với ông, dường như đàn cò là tất cả. Tôi bị lây tình yêu của bố, nên khi thi đại học tôi quyết định thi vào Khoa Tài nguyên và Môi trường.
Cho đến khi tôi vào đại học, đàn cò ở bãi nổi đã có trên một nghìn tổ. Bố tôi vui lắm. Ông thường ra ngồi ở đây, nhấp chén rượu ngắm đàn cò, gảy đàn và hát những bài hát nói về một thời Thanh niên Xung phong.
- Vậy sao anh không làm theo ý nguyện của ông cụ? – Tôi hỏi. Tùng nhìn tôi với ánh mắt đượm một nỗi buồn khó tả: Anh còn nhớ hồi còn ở kí túc xá không? - Thứ bảy, chủ nhật nào tôi cùng về. Thú thực với anh, lúc ấy tôi về vì tôi đang yêu. Nàng tên là Khế, học sau tôi hai lớp, nhà ở phố huyện, con út một chủ thầu bất động sản. Tôi bị nàng cuốn hút, nên yêu cả cái tên mà theo bạn bè cái tên không xứng với sự xinh đẹp của nàng. Tuy là con nhà giàu nhưng nàng không kênh kiệu. Có lần nàng nói với tôi: Em thích cái Đầm Cò của anh hơn cái biệt thự mà bố em xây làm của hồi môn cho em. Để chứng minh tình cảm của mình, nàng mang đến cho tôi một cây khế non và bảo: Anh trồng và chăm sóc cẩn thận và hãy coi đây là tấm lòng của em... - Tùng vỗ tay vào thân cây khế - Cây khế này chính là cây khế nàng mang cho tôi đấy. Đã mấy mùa trổ hoa, đơm quả rồi mà mọi thứ vẫn còn dang dở...
Ngừng một lát Tùng nói tiếp: Chính tình yêu của nàng đã cho tôi vượt qua sự mặc cảm thân phận của mình. Nhưng sự đời thường không như ta nghĩ. Vào một buổi chiều ở trường về, lúc đến đường rẽ tôi gặp anh trai nàng đi từ trong nhà tôi ra, anh ta đỗ xịch xe lại trước mặt tôi, nét mặt hằm hằm: Này thằng Tùng kia, từ nay tao cấm mày gặp em gái tao, nếu không đừng trách tao nói trước. “Đũa mốc lại chòi mâm son”. Buông xong câu thành ngữ anh ta rồ ga phóng vút đi.
Về đến nhà, tôi thấy bố tôi ngồi dưới gốc cây khế mặt buồn rượi. Tôi hỏi: Có chuyện gì đấy hả bố? Bố tôi thở dài: Bố con ông chủ thầu bất động sản muốn bố nhượng lại quyền thuê khu vực Đầm Cò để xây biệt thự mi ni. Trong thời gian ấy bố tôi lo lắm. Ông sợ khu Đầm Cò về tay người khác thì đàn cò sẽ mất. Bố tôi lên tỉnh đưa đơn yêu cầu. Thật may Ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường cử cán bộ xuống xem xét. Họ đánh giá cao việc cải tạo môi trường và gây lại đàn cò của bố tôi nên làm văn bản đề nghị địa phương cho bố tôi kí lại hợp đồng.
Không chiếm được khu Đầm Cò, anh trai nàng tức giận, ngoài việc ngăn cấm hai đứa tôi gặp nhau, thi thoảng anh ta đi xuồng cao su vào bãi nổi bắn chim. Bố tôi bực lắm, nhưng sức yếu, người bảo vệ không có, mà bố tôi lại sao được với những kẻ cố tình phá phách. Sau mỗi lần như vậy, bố tôi lại đi thuyền thúng ra bãi nổi nhặt cò mang về, con chết thì chôn, con bị thương thì chạy chữa, lành lặn lại thả về bãi. Có nhiều lần, tôi thấy ông vừa chôn xác cò vừa gạt nước mắt...
Kể đến đây, dường như xúc động về những hồi ức được nói ra, đôi mắt Tùng đẫm lệ. Tôi dứt tờ giấy lau đưa cho Tùng. Tùng thấm nước mắt rồi lật tờ giấy nhặt những cánh hoa khế tím biếc rụng trên mặt đất để vào:
- Vào cái hôm định mệnh ấy, tôi chèo thuyền thúng sang bãi nổi với mục đích gặp anh ta nói chuyện. Khi đến nơi, tôi thấy anh ta đầu đội mũ nồi đỏ, mặc bộ quần áo rằn ri, miệng phì phèo thuốc lá; súng hai nòng lăm lăm trong tay. Thấy tôi nhưng anh ta coi như không có, giương súng lên ngắm bắn. Một tiếng nổ vang, đạn ghém tỏa thành vầng, khói bay mù mịt; lũ cò xáo xác; những con cò trúng đạn rơi xuống như sung rụng. Không kìm được, tôi kêu lên: Không được bắn! Bất cần, khẩu súng nhả thêm một phát nữa; những con cò đang bay lơ lửng trên bầu trời trúng đạn táp cánh rơi xuống ngay trước mặt. Tôi nhìn những con cò máu chảy đầm đìa, giãy đạp, nhoai nhóp, đôi cánh non tơ vãy vãy, vươn cần cổ, há mỏ ra kêu cứu...khiến lòng tôi quặn đau như chính mình trúng đạn...
Tôi thảng thốt, nghẹn ngào, rên rỉ: Dừng lại đi, tôi cầu xin anh đấy, xin hãy để cho đàn cò được yên. Nhưng anh ta không một chút động lòng, ung dung nạp thêm đạn và tiếp tục giơ lên ngắm. Không chịu được nữa, tôi lao đến chộp khẩu súng. Anh ta khỏe nhưng tôi nhanh; tôi giằng được khẩu súng, giương nòng súng chĩa thẳng vào ngực anh ta: Anh mà còn làm thế tôi sẽ cho anh một phát. Anh ta cười nham nhở, lấy chân di di những con cò đang giãy giụa dưới đất: Bắn đi! Bắn đi! Tao thách cả bố con mày đấy! Nói rồi anh ta vung chân đá những con cò bị thương nằm dưới đất như người ta đá bóng.
Tôi nhìn động thái của anh ta, nỗi tức giận ùa lên nghẹn đứng. Tôi cố kìm vì nghĩ dù sao đó cũng là anh trai của người yêu mình. Tôi lấy giọng ôn tồn: Anh đừng vào đây phá phách. Tôi hứa từ nay sẽ không quan hệ với em gái anh nữa. Anh ta cười sằng sặc: Mẹ kiếp, cha con mày là hạng “cứt nát có chóp”. Mày về bảo thằng bố mày đừng cậy có vài năm mặc quần áo thanh niên xung phong mà tưởng đã to. Còn mày thì có thè lưỡi liếm gót chân cho tao như một con chó thì cũng đừng có mơ chui vào nhà tao…
Tôi trừng mắt nhìn anh ta: Anh nói tôi thế nào cũng được, nhưng đừng xúc phạm đến bố tôi. Anh ta kéo mũ lệch về phía sau, cười khẩy: Bố mày là “cái đinh” gì với tao. Cơm không ăn lại muốn ăn cứt. Thằng nào chê tiền của tao thì thằng ấy phải chịu phạt. Tao thề sẽ phá nát cái khu Đầm Cò này. Nói rồi anh ta xông vào tôi cướp lại súng. Theo phản xạ tức thì, tôi bóp cò. Một tiếng nổ vang lên chát chúa, trong màn khói, tôi thấy anh ta gục xuống như cây chuối đổ, viên đạn ghém bắn ở cự li gần xé toang lồng ngực, máu chảy tràn mặt đất...
Tôi đứng sững như trời trồng. Vừa lúc ấy bố tôi từ dưới đầm chạy lên, ông chạy tới cái xác lật lên rồi gào: Tùng ơi, con giết chết người ta rồi. Rồi bố tôi lao đến giằng lấy khẩu súng và nói như một sự tính toán sẵn: Tùng, con trốn ngay đi, mọi việc cứ để mặc bố. Tôi nghe theo chạy đi được một đoạn nghĩ thế nào quay lại: Bố, việc con gây ra cứ để con chịu. Bố tôi quỳ xuống chắp tay vái tôi: Tùng ơi, nghe bố đi ngay về trường, coi như việc này là do bố làm. Tôi cúi xuống nâng bố dậy: Bố ơi, bố già rồi, vào tù bố chịu sao nổi. Bố ôm lấy tôi giọng van vỉ: Tùng ơi, bố có mỗi mình con. Hãy nghe bố, trả lại Đầm Cò đừng bám ở đây nữa. Hãy cố gắng học cho xong rồi tìm nơi khác mà sống. Tôi dùng dằng không nỡ, chợt bố quay ngược súng tì vào ngực, giọng đanh cứng: Nếu con không nghe lời, bố sẽ chết tại đây. Tôi hoảng hốt thất thanh: Bố...bố...bố đừng làm thế, con...con...con sẽ nghe theo bố mà...
Tùng dừng lời, đăm đăm nhìn sang phía bãi nổi. Tôi bàng hoàng về những chi tiết Tùng vừa kể. Không gian như nghẽn lại sau sự thật phũ phàng; gió lặng, bóng cây rừng in hình trên mặt đầm sâu thẳm... Một lát sau, tôi hỏi: Vậy từ trước đến nay Khế vẫn nghĩ người bắn anh trai mình là ông cụ?
- Đấy chính là bi kịch của đời tôi- Tùng nói sau khi bóc thỏi cơm lam để vào bát cho tôi - Anh biết không - Suốt một thời gian dài, cái chết của anh trai nàng luôn đeo đẳng, ám ảnh tôi như một sự trừng phạt. Tôi sợ phải sang bãi nổi, run rẩy đi qua nơi anh trai nàng trúng đạn. Ánh hoàng hôn tãi trên lá cây rừng như màu máu chảy ra từ thân xác ấy. Mỗi khi màn đêm buông, hơi sương bàng bạc trộn màu tăm tối như chiếc khăn tang khổng lồ trùm kín cả không gian, Đầm Cò hoang lạnh, cô độc, tiếng ếch nhái rên rỉ; từng đàn đom đóm chập chờn bay lẫn trong ánh lân tinh nhấp nháy... Tôi cô đơn, nỗi cô đơn làm thân xác rã rời, tâm thần hoảng loạn. Đã không ít lần tôi muốn bỏ Đầm Cò mà đi. Nhưng hình ảnh người cha thân yêu lại hiện về trong giấc ngủ. Người nhìn tôi trìu mến, nắm tay dắt tôi đi từng bước... Xung quanh, cánh cò, cánh vạc chao nghiêng, lượn vòng, ríu rít dưới vòm trời xanh biếc...
- Thế từ hồi ấy đến giờ Tùng có gặp lại Khế không? – Tôi hỏi. Tùng nhặt những cánh hoa rụng dưới đất để lên lòng bàn tay ve vuốt: Tôi làm gì còn tư cách để gặp nàng. Nhưng lối đời đâu chỉ là oan nghiêt, mà còn trớ trêu, cay đắng biết bao nhiêu. Thà rằng nàng đi lấy chồng, có một cuộc sống êm ả trong ngôi biệt thự của ông bố để lại thì có lẽ tôi cũng được an ủi phần nào. Nhưng không, sau khi tốt nghiệp sư phạm, nàng xin lên vùng cao dạy học, từ chối mọi lời cầu hôn và thề suốt đời không yêu ai nữa...- Tùng buông tiếng thở dài- Người đời thường nói: “Nếu con người còn sống thì vết thương lòng tự nó sẽ lành thôi.”. Nhưng với tôi, vết thương ngày càng khoét sâu, chà xát, nhức nhối, còn lương tâm thì luôn day dứt như một kẻ tội đồ trốn chạy, chui lủi trong một nấm mồ hoang lạnh...
Tôi định tìm lời an ủi Tùng, nhưng chưa biết nói sao thì Tùng bỗng đứng phắt dậy, vẻ mặt đanh cứng, bàn tay siết chặt những bông hoa, giọng quả quyết: Tôi nghĩ rồi anh ạ. Dẫu sự thật cay đắng, tàn nhẫn đến thế nào vẫn là sự thật, chờ bố tôi về xong tôi sẽ đến gặp nàng thú nhận. Cho dù tôi nhận từ nàng sự tha thứ hay nỗi hận thù còn hơn suốt đời tôi làm kẻ dối trá...
Đã cuối thu, hoàng hôn xuống nhanh, những tia nắng xuyên qua tán lá quanh bờ, hơi sương bàng bạc bảng lảng trên mặt đầm; một đàn cò từ trên cao sà xuống, chao nghiêng, lượn vòng, những đôi cánh rập rờn, cài xen, nhấp nháy... Để tồn tại những chớp trắng tinh khiết trên vùng Đầm Cò, có những kiếp người phải vượt qua số phận cùng với một cuộc tình mang hương vị đắng đót đến tận lòng...
N.N.H.P
Người gửi / điện thoại