Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRUYỀN THUYẾT HÙNG VƯƠNG

Phạm Bá Khiêm
 
KHÁT VỌNG DỰNG NƯỚC & GIỮ NƯỚC
TRONG TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT THỜI HÙNG VƯƠNG
                                                                                  
  1.      Truyện truyền thuyết Hùng Vương trên vùng đất cội nguồn
 
  Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách đây hàng ngàn năm, cha ông ta đã kiên cường, dũng cảm, khai sơn, phá thạch, cùng nhau gây dựng nên bờ cõi, non sông đất nước, lập nên một quốc gia độc lập, có chủ quyền đầu tiên của người Việt. Các Vua Hùng từ đời này qua đời khác, đã xây dựng nên nước Văn Lang với nền văn minh lúa nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, tạo tiền đề phát triển đất nước với nền văn hóa đồng thau Đông Sơn và một truyền thống văn hóa nghệ thuật phong phú, độc đáo. Từ đó, đất Tổ Hùng Vương đã trở thành cội nguồn dân tộc, nơi đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và vững bền của dân tộc Việt Nam. Đây không hẳn là những hư cấu ly kỳ thần thoại trong giai đoạn đầu tiên của dân tộc mà nó chính là bóng dáng đậm nét của một chặng đường lịch sử mà tổ tiên ta đã trải qua và tạo dựng nên. Trong đó, những truyền thuyết dân gian gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc có một ý nghĩa độc đáo.
Phú Thọ là vùng đất cội nguồn, đất Tổ, có một kho tàng di sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú và đa dạng. Vùng  đất tụ cư nối nghiệp của 18 chi đời Vương triều Hùng đã và đang tỏa sáng lung linh, huyền thoại, vừa như mơ, vừa như thực. Phú Thọ được coi là đất phát tích của dân tộc Việt Nam; nơi có Đền Hùng, có mộ Tổ linh thiêng còn in đậm dấu tích buổi bình minh dựng nước. Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt với hồn thiêng sông núi, khí phách ông cha ngàn năm vang vọng. Đất Phú Thọ còn bảo lưu được những trang huyền sử, những thiên tình ca, những câu chuyện truyền thuyết về các Vua Hùng, mẹ Âu Cơ, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, các Lạc hầu, Lạc tướng, các Mỵ nương và nhiều nhân vật lịch sử khác; về sinh hoạt xã hội, về cuộc sống con người... Có thể nói đây là một bảo tàng thiên nhiên -  địa văn hóa lưu niệm về hoạt động dựng nước của các Vua Hùng. 
Tìm hiểu, nghiên cứu truyền thuyết thời Hùng Vương, chúng ta càng thấy yêu quý quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Hàng ngàn năm đã qua đi, nhưng những cái “chất” quý giá của tổ tiên ta không hề rơi rụng trong các thế hệ nối tiếp. Từ thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu của dân tộc, đến ngày nay, người dân Việt Nam, những con Lạc, cháu Hồng, đời nọ nối tiếp đời kia đang ngày càng phát triển, nối dài theo sự trường tồn lịch sử.          
Nói về truyền thuyết Việt Nam có lẽ không một định nghĩa, ý kiến nào sâu sắc và xác đáng như ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó là tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian, làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người yêu thích” .
 
vua-hung-vuong
 
  1.      Truyện truyền thuyết thời Hùng Vương phản ánh khát vọng dựng nước và giữ nước của người Việt
 
   Hiện nay ở Phú Thọ có 345 di tích thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương. Có hơn 300 lễ hội truyền thống và có hàng ngàn câu truyện đẫm màu dã sử tâm linh về thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Truyện truyền thuyết ở Phú Thọ đều vần xoay quanh trục thời đại Hùng Vương: Các Vua Hùng, Mẹ Âu Cơ, Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh, Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Ngọc Hoa... Nhiều truyện có những chi tiết ly kì, thậm chí có tính chất hoang đường, thần thoại kỳ bí, nhưng quy chuẩn lại đều ẩn chứa những thông tin về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có gía trị thẩm mỹ cao. Qua lăng kính của những truyện truyền thuyết này, nếu gạt bỏ đi lớp mù huyền thoại sẽ giúp chúng ta hình dung lại bóng dáng của ông, cha ta cũng như của xã hội Việt Nam thời mở đầu dựng nước với công đầu thuộc về các Vua Hùng khởi nghiệp sơn hà cùng mẹ Âu Cơ khẩn hoang bờ cõi, sinh bọc trăm trai, nên nghĩa “đồng bào”.
Truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian Việt Nam, được xếp vào một trong những loại hình của văn hoá dân gian bao gồm: Văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết); Nghệ thuật dân gian (dân ca, múa, nhạc, tranh…); Phong tục; tập quán; lễ nghi; lễ hội… có nội dung kể lại những nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử của dân tộc thời chưa có chữ viết. Đặc trưng của thể loại này là có tính kì ảo, hư cấu, phóng đại đối với các nhân vật lịch sử. Tác giả của các truyền thuyết được cho là sản phẩm của nhân dân lao động, lưu truyền trong xã hội bằng con đường truyền miệng.
Truyền thuyết không phải là lịch sử nhưng khi chưa có chữ viết đồng nghĩa là chưa có chữ để chép sử, thì truyền thuyết giữ vai trò quan trọng trong việc phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở một nền kinh tế - văn hóa phát triển, các vua Hùng và cư dân Việt đã nhiều lần chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, mà truyền thuyết gọi là giặc "Man", giặc "Mũi đỏ", giặc "Ân". Truyện truyền thuyết thời đại Hùng Vương phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt. Việc dựng nước và giữ nước luôn song song tồn tại, gắn bó chặt trẽ với nhau tạo nên thành trì vững chắc của một quốc gia độc lập: nước Văn Lang.
          - Truyện “Một bọc trăm trai” kể về việc mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trứng, sau nở ra 100 người con trai. Trăm con một bọc, trăm người con trai là dương thịnh biểu hiện sự phát triển. Và như vậy ta có thể hiểu khái niệm “ trăm con một bọc ” trong huyền thoại “Một bọc trăm trai” là con số biểu tượng cho hội tụ đoàn kết nơi cội nguồn quốc gia, dân tộc; số ước lệ, số thiêng, số nhiều, số đầy đủ, số định, số trời, số cơ, số ấn tượng của sự viên mãn và là số của văn hóa tâm linh. “Một bọc trăm trai” hay “Trăm con một bọc” là biểu hiện cho sự hùng cường của đất nước, sự hưng thịnh của quốc gia - đỉnh cao của biểu tượng đoàn kết nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là biểu trưng một cái nhìn nhân sinh phát triên của muôn đời con cháu Lạc Hồng. Đó là đỉnh cao của sự đoàn kết với ý nghĩa “Đồng bào” của người Việt Nam. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc gia tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước.
- Truyện “Cột đá thề” kể về việc An Dương Vương dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thê với núi sông, đất nước rằng: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”. Lời thề ấy là chân lý thiêng liêng của đất nước, là hồn thiêng sông núi của dân tộc. Dựng nước luôn song hành với giữ nước. Luôn đặt Tổ quốc lên trên hết. Tổ quốc còn, dân tộc được độc lập, tự do và hạnh phúc. Văn hóa còn, dân tộc còn, đất nước trường tồn.
- Truyện “Sơn Tinh - Thủy Tinh” kể về cuộc chạy đua giành công chúa Mỵ Nương của hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh, thực chất đây là sự thể hiện tư duy địa - chính trị của người Việt cổ. Giữa Sơn Tinh / miền núi và ThủyTinh / miền biển, nên chọn địa bàn nào để làm trung tâm chính trị của nước Văn Lang. Câu trả lời là chọn địa bàn miền núi với lợi thế thiên về phòng thủ của núi rừng. Núi giáp đồng bằng, đồng bằng giáp biển, tạo nên một vùng trung châu rộng lớn để hình thành thế dựng nước. Với tư duy địa - chính trị như vậy nên sự thiên vị của vua Hùng dành cho Sơn Tinh khi ra đề bài cho cuộc thi kén rể trên cửa sông Bạch Hạc cũng là điều dễ hiểu. Sơn Tinh - Thủy Tinh là chuyện tình tay ba, chuyện ông vua thiên vị, mà cũng là chuyện chiến đấu chống thiên tai, đắp đê chống lụt của nhân dân. Ở đây hiểu thiên tai là một loại kẻ thù cần phải chống như địch họa. 
          Lược bỏ màu sắc thần thoại, Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh là thiên anh hùng ca về cuộc chiến đấu của cư dân Việt cổ với lũ lụt, giành lấy những mảnh đất màu mỡ ven sông để sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Người Việt biết trồng lúa nước vào loại sớm nhất thế giới, đến thời Hùng Vương thì nghề này đã đạt đến trình độ khá cao. Nghề trồng lúa, trồng dâu chăn tằm, chăn nuôi gia súc ngày càng phát triển thì thủ công nghiệp cũng phát triển theo (nghề gốm, nghề dệt, nghề mộc, nghề luyện kim đồng thau, khai mỏ đồng, nấu quặng đổ khuôn thành công cụ...). Giao thông vận tải phát triển, giao lưu kinh tế văn hóa trong cư dân Việt Nam cũng đạt trình độ phát triển cao. Một số lượng cực kỳ lớn và phong phú các loại vũ khí bằng đồng thau được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ. Tất cả những điều đó đã nói lên rằng trong thời kỳ này, chẳng những sản xuất phát triển, mà chiến tranh cũng đã xẩy ra thường xuyên. Vì vậy việc dựng nước và giữ nước nhất thiết phải luôn gắn bó chặt trẽ với nhau.
- Truyện “Quả dưa hấu” kể câu chuyện về vợ chồng Mai An Tiêm khai khẩn đảo hoang. Vua Hùng hạ lệnh đày Mai An Tiêm ra một hoang đảo - là vùng đất ngoài khơi xa vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà vua (mà nói theo ngôn ngữ thời nay là thuộc chủ quyền của nước Văn Lang trên biển). Qua truyện “Sự tích quả dưa hấu”, có thể thấy tư duy trọng nông của người Việt cổ thể hiện trong chi tiết Mai An Tiêm trồng dưa hấu trên đảo hoang thay vì đánh bắt cá dưới biển để mưu sinh. Mai An Tiêm chính là người có công đưa quả dưa hấu vào thị trường kinh tế biển (trao đổi với các thuyền buôn). Ông còn là chủ nhân đầu tiên sống trên đảo của vùng biển Việt Nam, song ở đây đã phản ánh rõ ràng từ thời Hùng Vương nước Văn Lang đã có thuyền lớn, đã vươn ra chinh phục biển Đông hay nói theo cách khác biển Đông đã thuộc chủ quyền của nước Văn Lang thời đại các vua Hùng cách nay gần 5000 năm lịch sử (2.879 Tr. CN - 2024).
- Truyện “Sự tích Trầu Cau” đề cao quan niệm hôn nhân một vợ một chồng nhằm góp phần xác định mô hình gia đình làm giường mối cho kỷ cương xã hội đương thời. Thật ra thì chưa thấy có truyện cổ dân gian nào không đề cao quan niệm hôn nhân một vợ một chồng, nhưng điểm độc đáo là sự giải quyết mâu thuẫn gia đình sau khi chết, người em hóa thành hòn đá vôi, người anh hóa thành cây cau và người vợ hóa thành dây trầu, hòa quyện cùng nhau trong miệng người ăn trầu.  Đó thực sự là sự đoàn kết, thủy chung và cao hơn cả là sự tha thứ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Sự đùm bọc này đã tạo nên tinh thần đoàn kết trong sự hài hòa tôn trọng lẫn nhau cùng dựng xây và phát triển.
- Truyện “Con voi bất nghĩa” đề cao sự đoàn kết, cùng chung chí hướng, trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ai là người phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc sẽ bị trừng trị đích đáng. Mặt khác câu chuyện còn đề cao tinh thần pháp trị. Kiên quyết trừng phạt những kẻ đi ngược lại lợi ích dân tộc, đầu hàng giặc, phản bội nhâ dân, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai cũng phải bị trừng trị đích đáng. Đó còn là tinh thần dũng cảm của người phụ nữ luôn đặt lợi ích của dân tộc và của Tổ quốc lên trên hết. Muốn giữ nước trước tiên phải giữ được sự đoàn kết nội bộ.
          - Truyện “Thánh Gióng” kể về người anh hùng làng Gióng. Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong truyện cổ dân gian Việt Nam xuất hiện con ngựa sắt có khả năng phun lửa của người anh hùng làng Gióng. Chi tiết nghệ thuật độc đáo này thể hiện quan niệm của người Việt về sự đồng hành giữa sức mạnh của lòng yêu nước với sức mạnh của vũ khí hiện đại, với khoa học kỹ thuật phát triển. Bởi chỉ có khoa học phát triển mới có vũ khí hiện đại, và chỉ có vũ khí hiện đại mới có sức mạnh vượt trội để rượt đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Thánh Gióng là chuyện đánh giặc giữ nước, mà cũng là chuyện dùng người hiền tài giữ nước. Người hiền tài ở chốn nhân gian chứ phải đâu nằm trong cung thất vương triều. Người anh hùng dân tộc thuộc về nhân dân chứ không phải ở những nơi cung Vua, phủ chúa.
Cậu bé làng Gióng ba năm nằm trên chõng chẳng nói, chẳng cười, nhưng vừa nghe tiếng mõ rao cầu hiền tài đi đánh giặc ngoại xâm thì đã vụt lớn lên như thổi, ăn hết bẩy nong cơm, mấy vại cà, rồi lên đường ra trận. Theo Ông Gióng ra trận còn có những người dân cày đang cầm vồ đập đất, người câu cá, người đi săn, đoàn trẻ chăn trâu..., nghĩa là ông Gióng đã cùng toàn dân ra trận.
Câu chuyện Thánh Gióng biểu hiện tinh thần chiến đấu bất khuất chống giặc ngoại xâm của người Việt thời cổ, người anh hùng làng Gióng là hình ảnh của dân tộc Việt Nam thời thơ ấu, sớm trưởng thành trong gian lao, trước hoạn nạn của dân tộc. Đất nước ta, nhân dân ta, như cậu bé làng Gióng, mới ra đời thì hai vai đã nặng trĩu nhiệm vụ dựng nước và giữ nước. Cộng đồng người Việt ngay từ đầu đã cố kết lại với nhau trong tư thế vừa sản xuất, vừa chiến đấu; đồng nghĩa là hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn song hành tồn tại.
          - Truyện “Mỵ Châu - Trọng Thủy” kể về thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy. Nội dung cốt truyện thực chất là việc xây thành đắp lũy và chế tạo vũ khí hiện đại (nỏ thần), là chuyện cảnh giác với hoạt động gián điệp, mà cũng là chuyện đấu tranh ngoại giao giữa các quốc gia, dân tộc.
 Đất Việt phương Nam thời đó, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước là một nhu cầu cấp bách. An Dương Vương dời đô từ đất Phong Châu xuống miền Cổ Loa. Việc dời đô từ vùng trung du xuống đồng bằng là một biểu hiện của nhu cầu phát triển đất nước lớn mạnh. Với việc sử dụng công cụ sản xuất bằng kim loại, miền đồng bằng đã được khai phá rộng hơn, nhiều hơn. Với việc lập đô ở Cổ Loa, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và văn hóa, cư dân Âu Lạc tỏ rõ ý chí mạnh mẽ, tự tin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là một quốc gia kế tục và phát triển trên một trình độ cao hơn nước Văn Lang, trên cơ sở nền kinh tế và văn hóa phát triển. Văn hóa Đông Sơn càng tỏ rõ sức sống mãnh liệt, trên cơ sở kỹ thuật đồ đồng thau phát triển, người Âu Lạc đã nắm được kỹ thuật rèn sắt, đã chế tạo được loại nỏ bắn nhiều phát một lần, với mũi tên bằng đồng có ba cạnh sắc. Thành Cổ Loa được xây dựng. Với thành Cổ Loa và nỏ Thần (nỏ máy), cư dân Âu Lạc thể hiện rõ tài năng sáng tạo của mình. Nhà Tần, rồi sau đó là Triệu Đà đã hàng chục năm liền đưa quân đánh chiếm Âu Lạc, song An Dương Vương cùng cư dân Âu Lạc đã nhiều lần kháng chiến thắng lợi.
Nhờ tinh thần đoàn kết, ý thức tự chủ của cư dân Âu Lạc nên đội quân xâm lược nhà Tần và những đợt xâm lược của Triệu Đà luôn chìm trong sự thất bại nhục nhã. Nhưng cũng chính thời kỳ lịch sử này đã để lại cho hậu thế bi kịch mất nước, để rồi con cháu Lạc Hồng phải chịu sống dưới ách nô lệ trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Đó là vì kẻ địch xâm lược hùng mạnh không thể thắng ta về mặt quân sự, nhưng chúng chưa bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính nước ta. Thất bại về quân sự, chúng chuyển sang chiến lược ngoại giao, bằng cách giả vờ cầu hòa, dùng gián điệp phá ta từ bên trong. Triệu Đà cho con là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, lấy công chúa Mỵ Châu, ở rể tại thành Cổ Loa, để dò xét tình hình Âu Lạc, đánh tráo lẫy nỏ thần của An Dương Vương rồi về nước báo cho Triệu Đà. Do chủ quan, mất cảnh giác, Thục An Dương Vương và Mỵ Châu nhẹ dạ cả tin, mắc mưu kẻ địch. Kết hợp dùng quân sự và gián điệp, Triệu Đà đã thôn tính được Âu Lạc vào năm 179 trước công nguyên. An Dương Vương thua trận phải tự tử. Nước ta bị mất độc lập tự do (mất nước).phambakhiem
          Truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, đã thiên theo hướng tổng kết kinh nghiệm thất bại chứ không phải kinh nghiệm chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Kinh nghiệm thất bại như một thông điệp của cuộc sống là đừng bao giờ tin và nghe theo lời nói ngon ngọt của kẻ thù, bởi với kẻ xâm lược thâm độc và xảo quyệt là luôn “nói một đường làm một nẻo”. Nếu mất cảnh giác, không giữ được bí mật quốc gia, bí mật quân sự thì cũng đồng nghĩa với việc sớm đưa đất nước rơi vào tay ngoại bang, sớm đưa dân tộc rơi vào cảnh đời nô lệ, nước mất, nhà tan, sống oan, chết nhục.
- Truyện “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” kể câu chuyện tình về công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử.  Chử Đồng Tử là tên của một vị thánh nổi tiếng, một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những huyền sử được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái, về thời kì cổ xưa của nước Việt Nam. Chử Đồng Tử - Tiên Dung, những con người không tham danh vọng, không màng phú quý vinh hoa, suốt đời chỉ tìm đến với những cái đẹp trong thiên nhiên, khai phá tạo dựng những bãi bồi phù sa đã đi vào cõi bất tử trong tâm linh của người dân đất Việt. Sự gặp gỡ có phần kì bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Đồng Tử nghèo hèn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Đây là một nét đẹp đậm chất nhân văn nhất trong bốn vị Thánh của “Tứ bất tử”. Câu chuyện trên thể hiện nguyện vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh trên nền tảng một tình yêu đích thực. Linh thiêng một tình yêu, tình yêu nam nữ, người với người, tình yêu quê hương, đất nước và cao hơn cả là lòng yêu nước. Và chỉ khi có lòng yêu nước thì mọi người dân mới có ý thức cao về sự đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước. 
 
  1. Lịch sử và truyện truyền thuyết
 
   Thông qua truyện truyền thuyết, người Việt đã thần tiên hoá hình tượng các nhân vật lịch sử, thậm chí xây dựng cả một huyền thoại về họ cũng là để tôn vinh họ, và trong bầu không khí tâm linh đó con người ta dễ đồng cảm hơn, dễ tiếp nhận hơn, nhân vật lịch sử đó càng trở nên gần gũi hơn. Người Việt cũng đã huyền thoại hoá những sự kiện lịch sử để nó trở nên dễ nhớ hơn, dễ truyền tụng từ đời này sang đời kia hơn. Vả lại, khi chưa có chữ viết thì những câu chuyện truyền miệng sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục tư tưởng yêu nước cho mỗi người. Việc lập đền đài, miếu mạo để thờ cúng các nhân vật lịch sử cũng là để ghi nhớ công lao của họ; đó còn là văn hoá “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt, là cách tốt nhất lưu lại dấu tích cho muôn đời con cháu mai sau.
          Những truyện truyền thuyết thời Hùng Vương của người Việt xét về bản chất thì nó chỉ là những câu chuyện dân gian, nhưng khi được gạn lọc để tìm ra sự thật cốt lõi của lịch sử, đưa vào “Quốc sử” thì nội dung của nó phần nhiều mang ý nghĩa tượng trưng, nó soi dẫn cho chúng ta tìm đến những tư tưởng minh triết của người xưa, niềm kiêu hãnh về cội nguồn tổ tiên, về việc xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia và ý chí quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc./.
                                                                                   
                                                                                   Tháng 3 / 2024
                                                                                            P.B.K
         
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 122
Trong tuần: 1181
Lượt truy cập: 436245
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.