Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRUYỆN THƠ ĐỒI THÔNG HAI MỘ

Đinh Đăng Lượng

dinhangluong

TRUYỆN THƠ “ĐỒI THÔNG HAI MỘ” ĐẶT TRONG TỔNG THỂ TRUYỆN THƠ TÌNH NGƯỜI MƯỜNG

     Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi còn theo học cấp 2 cấp 3 của các trường phổ thông, tôi đã được đọc truyện thơ “Đồi thông hai mộ” viết tay dù chỉ là trích đoạn không đầy đủ, thời đó bản thân đã có cảm nhận đây là truyện thơ về dân tộc mình vì hai họ Đinh, Quách là họ của người Mường. Mặc dù tác phẩm ra đời muộn hơn rất nhiều so với các truyện thơ tình như Nàng Nga – Hai Mối, Út Lót  - Hồi Liêu, nàng Ườm – chàng Bồng Hương…của người Mường nhưng chính “Đồi thông hai mộ” lại đến với chúng tôi sớm hơn. Mãi sau này khi đã trưởng thành, bằng các bản sưu tầm của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Đình Ân, Bùi Thiện, Cao Sơn Hải… tôi mới được tiếp cận đầy đủ với các truyện thơ của dân tộc Mường dưới dạng văn học viết (trước đây chỉ nghe qua các bài hát ru của mẹ, lời kể của người có tuổi) Các truyện thơ này được tập hợp trong “Hợp tuyển văn học Mường “- Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – năm 1996 hoặc trong một số tác phẩm văn học dân gian khác về người Mường.

    Nhìn chung cốt truyện của các truyện thơ này đều theo một mô tuýp chung: Trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau và cuối cùng phải tìm đến cái chết (Tìm về mường ma để gặp nhau). Song mỗi tác phẩm lại có tình tiết khác nhau. Tựu trung đều lên án chế độ phong kiến: cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, không được phép tự do hôn nhân.

  1. Để tiện so sánh xin nêu tóm tắt hai cốt truyện trên như sau:

  - Nàng Út Lót – Đạo Hồi Liêu:

   Nàng Út Lót là con gái thứ hai một gia đình không có con trai, nàng phải cải trang giả trai cùng với chàng Hồi Liêu đi chầu Vua. Sau khi từ kinh đô trở về nàng mới cho chàng biết mình là phận gái. Trong thời gian đó bố mẹ chàng Hồi Liêu đã tìm vợ cho, song chàng không ưng, vật vã nhớ thương Út Lót. Hai người phải nhờ chim chào mào đưa “thức ăn” qua lại, nhưng lần cuối cùng thì chào mào lại chén hết thức ăn nên nói dối Hồi Liêu là không có quà của Út Lót gửi, và vì thế chàng Hồi Liêu ốm mà chết. Nàng Út Lót gửi lễ tang đến người yêu. Bố mẹ lại gả nàng cho Đạo Đẹ có nhà riêng trên đường đi qua mộ Hồi Liêu. Đám cưới đi qua mộ Hồi Liêu, nàng xin vào viếng; nàng dậm chân thì mộ nứt ra và Út Lót vào với người mình yêu.

“Đạo Đẹ buồn tiếc, biến thành con cày cun gầy rọp ngủ suốt tháng ba, tháng tư. Đoàn người đưa dâu ngơ ngác biến thành đàn bướm trắng, tháng ba bay từng đàn bên khe suối, bìa rừng. Còn đồ đạc sống áo và hoa văn thêu thùa trên gối, chăn biến thành hoa bông trăng. Đến tháng ba, tháng tư chúng ra hoa hai màu trắng đỏ như nhắc nhở mối tình Út Lót – Hồi Liêu (trang 25 – truyện Nàng Út Lót – Đạo Hồi Liêu) của Cao Sơn Hải NXB Thanh Hóa – 2013. Không có nơi phát tích của câu truyện này.

-Nàng Nga – Đạo Hai Mối:

Nàng Nga là con gái lớn của lang Cun giàu có, quyền thế ở Mường Đủ - Ó. Nàng ra chợ gặp chàng Hai Mối. Hai người đã phải lòng nhau, gia đình nàng Nga lại gả nàng cho Vua Ai Ước ở vùng thượng Lào làm vợ bé. Nàng Nga viết thư cho Hai Mối, chàng lên thượng Lào gặp nàng Nga, Hai Mối tức giận nhưng nàng Nga can ngăn không cho chàng manh động với vua Ai Ước. Nàng Nga lấy cớ bố mẹ mất, về tang. Về đến nhà thì Hai Mối đã tự vẫn ở “rừng dâu gốc, rộc dâu non”. Nàng Nga thuyết phục bố mẹ được làm đám tang cho Hai Mối. Lo xong việc nàng Nga trở lại thượng Lào, ông vua ghen tức cầm roi con cúi bông đánh nàng. Cả hai ngã ở cầu thang mà chết. Quan tài nàng Nga thả theo dòng sông về với Hai Mối. Nơi phát tích câu truyện “ở buổi chợ Cẩm Thủy, Quan Hoàng” (theo Cao Sơn Hải)

  1. Nêu tóm tắt truyện thơ “Đồi thông hai mộ”:

   Chàng Đinh Lăng yêu Mỵ Dung, song vẫn chấp nhận chia xa để đi du học ở xứ đất nước “mặt trời mọc” . Mỵ Dung ở nhà bị ép duyên nên đã uống “tiên đan” tự vẫn ngay trong tiệc cưới. Ở xứ “mặt trời mọc” chàng Đinh Lăng lại gặp nàng Thiên Hương đơn phương mê đắm mình. Bị Đinh Lăng từ chối, nàng Thiên Hương đã tự kết liễu đời mình. Chàng Đinh Lăng bị nhà chức trách xử tù, sau đó được minh oan.

   Về nước Đinh Lăng cùng với bạn thân Lồ Kỳ Lân xung trận, song Lân lại nghi người yêu của mình là Cầm Bích Liên phải lòng Đinh Lăng nên đã hãm hại bạn. Tòa không có chứng cứ để xử Lồ Kỳ Lân, trên thực thế Cầm Bích Liên cũng yêu vụng nhớ thầm Đinh Lăng. Cầm Bích Liên đã dùng kế mỹ nhân để Lồ Kỳ Lân hiện nguyên hình kẻ sát hại Đinh Lăng và quân mật phục của nhà chức trách đã tống giam Lồ Kỳ Lân. Cảm phục mối tình chung thủy của hai người Cầm Bích Liên đã nhờ người làng xây mộ cho Đinh Lăng và Mỵ Dung bên nhau, còn mình thì đi tu. Truyện thơ Đồi thông hai mộ có ba người chết là: Đinh Lăng, Mị Dung và nàng Thiên Hương, Lồ Kỳ Lân vào tù, Cầm Bích Liên đi tu.

doithonghaimo

  1. So sánh ba cốt chuyện trên cho thấy:

-Hai truyện thơ Út Lót – Hồi Liêu, Nàng Nga – Hai Mối: Hai người con trai vì thất tình mà tìm đến cái chết, hai người con gái đều làm ma cho người mình yêu (trọn tình vẹn nghĩa)

-Ngược lại, ở Đồi thông hai mộ thì Đinh Lăng chỉ chết khi bị bạn sát hại, chàng yêu Mỵ Dung, chung thủy song luôn biết gác tình riêng mưu cầu nghiệp lớn “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” như ta vẫn nhắc nhở cháu con.

-Ba mối tình trong ba truyện thơ là những mối tình chung thủy sắt son. Âu là cũng rất cần thiết cho việc giáo dục lớp trẻ ngày nay trong xu thế hội nhập, sớm nắng chiều mưa, sống thử…

-Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải đã khái quát Nàng Nga – Đạo Hai Mối, nàng Ườm chàng Bồng Hương, Vườn hoa núi Cối, nàng Út Lót – Đạo Hồi Liêu đã hợp thành bốn bản tình ca của người Mường” (trang 3, nàng Út Lót – Đạo Hồi Liêu – NXB Thanh Hóa  - 2013)

-Đến đây ta có thể bổ xung thêm “Đồi thông hai mộ” vào tập đại thành bản tình ca của người Mường.

- Tác giả “Đồi thông hai mộ” đã kế thừa những cốt chuyện của truyện thơ tình dân tộc Mường vào sáng tác của mình. Ông đã dùng thể thơ song thất lục bát, các hình tượng văn học mới lạ, ngôn ngữ thi ca trau chuốt để dẫn dắt câu chuyện, cuốn hút người đọc, dễ nhập tâm so với các truyện thơ trước đó của dân tộc Mường (thường là theo lối hát Dang)

-Thiên tình sử “Vườn hoa núi cối” đã rõ nơi phát tích là Mường Thàng (nay là huyện Cao Phong) hiện còn lại những dấu tích trên thực địa. Với chùa Quèn Ang được phục dựng bên khu Cối đã trở thành điểm thăm quan vãn cảnh của du khách thập phương ở Cao Phong. Xét về mặt bi lụy thì “Vườn hoa núi Cối” hơn hẳn “Đồi thông hai mộ”, các nhân vật đều tự kết liễu đời mình (17 người). Nếu qua cuộc tọa đàm này nơi phát tích truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang được khẳng định thì sẽ là cơ hội để huyện Kim Bôi (Mường Động) có thêm một địa chỉ văn hóa, tạo điều kiện mở ra một điểm đến cho du khách thập phương, chắc chắn sẽ đông đảo hơn vì sự nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc của “Đồi thông hai mộ”. Vấn đề cốt lõi là qua tọa đàm, hội thảo khoa học về tác phẩm này khẳng định cho được giá trị tư tưởng và nghệ thuật từ đó xác định chỗ đứng của “Đồi thông hai mộ” trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện nay./.

                   Kỳ Sơn ngày 8/8/2019.

                          Đ.Đ.L

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 260
Trong tuần: 1185
Lượt truy cập: 436492
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.