Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRĂNG TRÊN ĐỈNH ĐÈO MƯƠNG

Nguyễn Viết Lệ

TRĂNG TRÊN ĐỈNH ĐÈO MƯƠNG
Tiếng gà rừng từ đỉnh Đèo Mương vọng xuống. Nguyệt thức giấc người đau ê ẩm, và lạnh buốt. Bên ngoài sương mù dày đặc. Cô rém lại chiếc chăn cho thằng cu Tý rồi trở dậy bật diêm nhóm chiếc bếp dầu, hầm lại nồi cháo chân giò chị Xinh vừa cho lúc tối. Ánh lửa nửa tỏ, nửa mờ soi lên khuôn mặt đẹp như tranh của cu Tý. Nguyệt mỉm cười hình dung lại những chuyện từ khi chuyển về trường này cách đây mấy năm.
                                                  * 
Xem xong giấy tờ, thầy hiệu trưởng vui vẻ nói: “Nguyệt này, em đồng hương với tôi đấy. Em còn trẻ quá! Mới lên đây chắc là buồn lắm nhưng ở vùng cao lâu lâu sẽ thấy có nhiều điều thú vị. Bây giờ em gặp cô Ghi phụ trách công đoàn, bố trí phòng ở nhé!”.
Mấy ngày đầu nghe chị em trong trường bàn tán, Nguyệt cảm thấy hơi ngượng. Các chị lớn tuổi bảo:
- Câu ca dao: Sông Thao nước đục người đen/ Ai lên phố Ẻn thì quên đường về  không còn hợp nữa.
- Đúng đấy! Cái Nguyệt quê ở sông Thao, sao nó lại trắng trẻo xinh đến thế.
Mấy cô ít tuổi hơn cũng xì xào:
- Nguyệt nó đẹp thật!
- Ừ, công nhận! Má lúm đồng tiền rất duyên nhưng sao đôi mắt đượm một nét buồn khó hiểu?
- Chính là ở chỗ đó, chưa biết chừng đã bao nhiêu chàng trai chết đuối vì đôi mắt  buồn ấy đấy. 
- Ôi dà, hồng nhan bạc phận mà, có lẽ trắc trở đường tình duyên đó thôi!
   Còn Tuấn một giáo viên dạy nhạc hoạ kiêm tổng Đội hoạt bát, nhanh nhẹn, hát hay lại trẻ nhất trường. Nhưng không hiểu sao chỉ ít ngày, sau khi Nguyệt về trường này tính tình của Tuấn thay đổi rất rõ: bớt nói cười, đôi khi có vẻ tự lự…
Đã qua một tháng, Nguyệt vẫn chưa quen với cuộc sống ở vùng cao. Có nhiều đêm Nguyệt hầu như thức trắng, nằm nghe tiếng đổ ầm ào của những thác nước xa, tiếng thì thụp từ mấy chiếc cối gạo nương của đồng bào; tiếng những con chim ăn đêm khắc khoải tìm nhau. Tất cả những âm thanh ấy đan xen nhau rồi lại tan loãng vào đêm dài thăm thẳm, gây cho Nguyệt một nỗi buồn vô hạn. Những khoảnh khắc như thế, Nguyệt thương mình và thương cho cha mẹ già ở quê vẫn phải vất vả, vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Nguyệt không khóc mà nước mắt cứ ứa ra…
Có đêm chịu không nổi, Nguyệt sang ngủ chung với cô Ghi. Cô Ghi đã gần hai chục năm trong nghề. Cô là một giáo viên gương mẫu trong mọi công việc, tính tình điềm đạm. Trừ thầy hiệu trưởng và cô hiệu phó lớn tuổi hơn, còn lại tất cả mọi người coi cô như chị cả. Nằm bên cạnh cô, Nguyệt cảm thấy yên tâm. Một lần cô tâm sự: “Nguyệt ạ, em là đứa con gái xinh đẹp, rất nữ tính nhưng hơi yếu đuối lại dễ tin người. Cô nói cho em biết: tin người là đức tính tốt nhưng phải tuỳ nơi, tuỳ chốn!”. “Cô ơi, có phải ý cô muốn nhắc đến một thầy giáo trẻ cuả trường ta?”. “ Đúng, em rất thông minh. Chàng trai ấy dáng vẻ thật hào hoa, phong nhã nhưng lắm mưu, nhiều kế. Hơn nữa là con của một xếp lớn nên tiêu pha chẳng cần tính toán, không như chị em mình lương ba cọc, ba đồng thiếu thốn đủ mọi thứ. Thường con người ta dễ bị vật chất cám dỗ, đã có vài cô gái mắc phải sống dở, chết dở. Nên thận trọng em ạ!...”.                                                
Nguyệt nhớ lại hôm đầu tiên nhập học ở trường sư phạm, trước khi đi bố Nguyệt có dặn: “Con chưa xa nhà bao giờ, ngoài đời người tốt rất nhiều, kẻ xấu cũng lắm. Sống tập thể con phải hoà nhã, khiêm tốn cư xử cho đúng mực. Khôn ba năm dại một giờ. Làm thân con gái phải biết giữ gìn con nhé…”. Những lời tâm sự của cô Ghi là một bài học quý giá cho Nguyệt.     
                                                    *
Ngày tháng qua đi, sống trong không khí thân tình của anh chị em đồng nghiệp, nhất là học sinh ở đây, các em rất mến thầy cô. Nguyệt thấy quen dần và gắn bó với trường lớp hơn.
Sang học kỳ hai ban giám hiệu cử Nguyệt cùng với Tuấn, tập luyện cho một số em có năng khiếu chuẩn bị sắp đến ngày hội khoẻ Phù Đổng. Thế là hai người có điều kiện gần gũi nhau hơn. Tuấn rất khôn khéo tỏ ra quan tâm giúp đỡ Nguyệt nhiều việc và cũng hay gợi chuyện riêng tư. Mỗi khi qua nhà hoặc đi đâu xa về đều có quà riêng cho Nguyệt. Với sự mách bảo của con tim, Nguyệt hiểu được Tuấn muốn gì. Kể ra nhiều lúc Nguyệt thấy khó xử nhưng cứ nghĩ tới lời cô Ghi tâm sự và linh cảm của một người khác giới, Nguyệt có cảm giác rờn rợn…vì đôi lúc bắt gặp cái nhìn sắc lẻm, từ đôi mắt hao hao hình tam giác của Tuấn cứ như dán chặt lấy bộ ngực thanh xuân của mình…!
Sau đợt thi hội khoẻ ở cụm, trường của Nguyệt xếp vào một trong ba trường loại A và được dự thi tiếp toàn huyện vào trung tuần tháng tới. Một hôm nhà trường cử Tuấn và Nguyệt đi sắm thêm một số dụng cụ cần thiết cho cuộc thi. Đạp xe từ trường đến phố huyện phải hơn hai chục cây số đường rừng nhiều suối, nhiều dốc và lắm đá tai mèo. Lúc đi, mới sáng ra ở vùng cao này có lãng đãng chút sương mù nên không khí man mát dễ chịu. Nhưng lúc trở về đã gần trưa, cái nắng tháng tư chói chang, gió tây thổi nóng hầm hập. Mỗi lần đẩy chiếc xe lên dốc, Nguyệt thấy chân tay mỏi rã rời, mồ hôi vã ướt đầm cả áo. Khi xuống khỏi dốc Tay Quay,Tuấn bảo: 
 - Nguyệt ơi! Đến suối Ngang kia, ta nghỉ một lát . 
 - Vâng. Em cũng thấy mệt quá rồi.
Lòng suối rộng chừng ba, bốn mét gì đó. Nước trong như lọc, nhìn thấy rất rõ từng hòn sỏi dưới đáy. Nguyệt xắn quần lội xuống dòng suối vốc nước rửa mặt, nước mát làm dịu hẳn đi cơn oi nồng.  Một cảm giác thật lạ! Nguyệt như mê đi vén cao đôi ống quần rộng bằng vải katăng lội ra chỗ sâu. rồi sâu hơn nữa. Cho tới lúc nước ngập đến tận đùì non, Nguyệt mới giật mình dừng lại và lẩm nhẩm  “mình vô ý quá”. Khi vừa quay người định trở vào bờ thì Tuấn đã ở ngay bên cạnh. Nguyệt đỏ mặt vì lại gặp cái nhìn sắc lẻm từ đôi mắt giống hình tam giác của Tuấn, đang ngắm cặp đùi trắng nõn cuả mình ngâm dưới dòng suối nước trong veo…
Lên bờ cùng ngồi nghỉ trên một tảng đá, Tuấn cười vẻ mãn nguyện và nói:
- Nguyệt à! Em khỏi mệt chưa?  
- Rồi.
- Em có biết anh đang nghĩ gì không?
- Không! Làm sao em biết được.
- Thế này Nguyệt ạ, anh rất mến và… yêu em ngay từ buổi đầu em về trường. Gia   đình anh có một chị gái nhưng đã đi lấy chồng. Bố anh là xếp lớn ở huyện. Em đồng ý thì anh chỉ cần nói với bố một tiếng là sang năm sẽ chuyển ngay về một trường hạ huyện. Ở nơi phố thị chúng mình sẽ sống hạnh phúc, không phải khổ sở như cái nơi “ vượn hú cú kêu” này. Em thấy thế nào?  Anh nói nghiêm túc đấy!...
Tuấn vẫn tiếp tục xổ ra một tràng dài những gì gì nữa…nhưng chỉ để cho cây rừng và nước suối nghe. Còn Nguyệt thấy mình tỉnh táo hơn lúc nào hết, sửa lại mái tóc cho gọn rồi nói:
- Vâng, em cảm ơn anh! Thế này anh Tuấn ơi, việc hệ trọng cả đời người. Anh nghĩ kỹ chưa? Chúng mình mới quen biết nhau ít ngày, anh đã hiểu gì về con người và hoàn cảnh gia đình em đâu! Việc này phải có thời gian nhất định anh ạ. Thôi! chuyện đâu sẽ có đó. Bây giờ ta về kẻo muộn lắm rồi.
Mặt trời đã đứng bóng. Nguyệt và Tuấn cùng mải miết đạp xe, không ai nói thêm một lời nào nữa. 
                                                      *trangnui
Đến cuối năm học, sau buổi liên hoan tổng kết, ban giám hiệu có thông báo lịch  giáo viên trực trường trong thời gian nghỉ hè. Ngoài việc trông coi tài sản, các giáo viên còn kèm cặp, dạy thêm cho những học sinh yếu kém. Nguyệt trông trường vào đợt cuối, cùng với cô Ghi (nhóm trưởng), chị Xinh ( cô giáo người địa phương) và cả Tuấn.
Về nghỉ ở nhà mới được mấy hôm thì xảy ra chuyện: không hiểu sao mùa hè mà bệnh khớp của mẹ Nguyệt lại tái phát, phải đi nằm viện Đông y. Thằng cu Tý ở với bà từ lúc còn nhỏ, nay đã sõi. Nó bện hơi bà lắm. Vắng bà, tối nó ngủ với Nguyệt nhưng nhiều lúc nhớ bà, nó cứ khóc và đòi: “Bà đâu, bà đâu mất rồi. Tìm bà về cho con đi mẹ Nguyệt ơi! Con bắt đền mẹ đấy…”. Thương nó quá, Nguyệt dỗ: “Cu Tý ngoan nào. Bà đi chữa cái chân vài hôm khỏi đau, bà lại về thôi. Ở nhà cu Tý ngủ với mẹ Nguyệt cũng được mà. Mẹ yêu con lắm, con có yêu mẹ không…”. Rồi Nguyệt phải xoa lưng, kể chuyện con cò, con vạc, làm bà Còng đi chợ giời mưa…nó mới chịu ngủ.
Gần một tháng trời chữa chạy mẹ của Nguyệt được ra viện. Bệnh tuy đã khỏi nhưng sức khoẻ chưa hồi phục. Một hôm Nguyệt nói với mẹ: “Mẹ ơi! Ngày kia con hết hạn nghỉ phép rồi mà mẹ vẫn còn yếu. Con tính cho cu Tý đi với con một thời gian để mẹ đỡ vất vả. Được không mẹ?”. Lúc đầu bà không nghe, Nguyệt phải lựa lời thuyết phục. Cuối cùng bà rơm rớm nước mắt nói: “Biết làm sao được. Bố con có tuổi rồi mà phải trông cháu thì khổ ông ấy quá. Thôi đành vậy! Khi nào mẹ khoẻ con đưa cháu nó về…”
Hôm trả phép, lúc Nguyệt tới trường mặt trời đã xuống gần đỉnh Đèo Mương. Nguyệt dắt xe qua chiếc sân rộng rồi rẽ sang khu nhà ở tập thể của giáo viên, có ba phòng cửa mở nhưng chẳng thấy ai. Nguyệt dựng xe, dắt cu Tý đến trước một phòng bảo: “Con mệt quá phải không? Mẹ mở cửa xếp giường chiếu cho con ngủ. Lúc nữa mẹ gọi con dậy ăn cơm”. Vừa nằm xuống giường mắt cu Tý đã nhíu lại, miệng ề à: “Tý ngủ đây. Mẹ Nguyệt không được đi đâu xa bỏ Tý nhé…mẹ Nguyệt…”. Cùng lúc đó có tiếng động dao thớt, Nguyệt nhẹ nhàng đi xuống bếp: chị Xinh chặt thịt, cô Ghi đang thái mấy chiếc măng bương, hai người ngồi quay lưng ra cửa. Nguyệt lên tiếng chào rất to:
- Em chào cô, chào chị! 
Chị Xinh quay ngoắt lại: 
- Con Nguyệt hả? Làm tao giật cả mình ( lúc không có học sinh các cô, các chị thường xưng hô như vậy cho thân mật).
- Nào, bây giờ em làm việc gì đây?
Cô Ghi nhìn Nguyệt cười:
- Gớm chưa kia! Trông như quân thất trận. Bây giờ đi mà tắm giặt cho sạch sẽ, trang điểm đẹp thêm vào. Sau đó lau bàn ghế. dọn mâm bát. 
Trời chạng vạng, mấy con dơi chao đảo bắt mồi. Công việc bếp núc đã hoàn tất. Mấy ngọn đèn dầu được thắp sáng. Chị Xinh gọi toáng lên:
-  Cái Nguyệt đâu? Ra ăn cơm mau, tao đói thắt cả ruột rồi đây này.
-  Vâng, em ra ngay đây.
Nguyệt dắt cu Tý ở trong phòng bước ra: “Nào con trai, chào các thầy, các cô đi!”
Mọi người đều ngỡ ngàng. Chị Xinh nhìn xoáy vào thằng cu lẩm bẩm: “Kỳ cục thật! Thế này là thế nào nhỉ? Chưa có chồng…”
Nguyệt cười rồi nói:
-  Con em đó, tên là Tý. Kỳ này cho cháu lên ở với các thầy, các cô cho vui.
Cô Ghi nhìn Nguyệt:  
- Thật hả? Nào bá bế cu Tý nào. Thế…thế ngoan quá, Ôi cháu thật xinh. Ở nhà cháu giống ai nhất?
Cu Tý bẽn lẽn: “Dạ, cháu không biết, chỉ nghe bà nội nói giống mẹ Nguyệt ạ”.
Chị Xinh cầm chiếc đèn, buông một câu : “Giỏ nhà ai quai nhà ấy, đẹp như thiên thần…” rồi chị đi xuống bếp. Lúc quay lên chị nháy mắt : “Đây là phần của cu Tý, đùi con gà rừng đấy, ngon lắm. Cu Tý chưa được ăn bao giờ đâu”.
Bữa cơm họp mặt sau những ngày hè xa cách. Mỗi người góp một chuyện thật vui .
                                              *
Trời đã chuyển sang tiết thu se se lạnh. 
Một sáng chủ nhật, núi rừng và bản làng còn chìm trong màn sương trắng xoá. Chi Xinh đã gõ cửa gọi:
-  Nguyệt ơi! Hôm nay chị nhờ người “làm mải”(*) cái mái nhà. Cô Ghi và Tuấn vào giúp hộ những việc lặt vặt.
-  Thế còn em?
- Trông trường, trông cu Tý thế thôi. Các chị đi đây.
Ngày thu ở vùng cao hình như ngắn hơn. Nguỵệt vừa dọn dẹp sạch sẽ khu nhà tập thể thì đã chuyển về chiều. Tắm giặt và cho cu Tý ăn uống xong là tối mịt. Thời tiết thay đổi, cu Tý húng hắng ho đòi đi ngủ sớm. Một mình buồn lấy cuốn thơ ra đọc. Nguyệt rất thích bài thơ của Lê Đình Cánh: Em đi “bán chữ” trên rừng/ Đã qua mặn ngọt, đã từng cay chua…  nhất là hai câu cuối: Tiếng rao xao xác lau già/ Non cao đội mảnh trăng tà ngậm sương…
Đang mơ màng, ngẫm nghĩ thì có tiếng gọi của Tuấn: 
-  Nguyệt ơi! Chị Xinh gửi quà cho cu Tý đây. Các chị còn dọn dẹp lát nữa mới về.  Đặt gói phần xuống bàn, Tuấn bảo; 
- Bị ép uống nên say quá! Em có nước gì chua chua cho xin một chén. Anh về phòng đây.
Tuấn uống hết cốc nước chanh Nguyệt đem sang cho.
Ngọn đèn bỗng vụt tắt. Tuấn ôm lấy Nguyệt kéo lại giường. Bộ ngực căng tròn bị sức ép của người con trai, Nguyệt thấy đau cứng. Cố đẩy ra nhưng Tuấn càng ghì chặt. Chân tay Nguyệt rã rời và trong người như có gì rạo rực…tuy vậy đầu óc còn tỉnh táo, Nguyệt thoáng nghĩ chỉ có cách… (!). Nguyệt thả lỏng người, không chống cự nữa và thì thầm: “Anh à, em sẽ chiều anh. Nhưng hãy từ từ, để cho em cởi bớt áo ngoài ra đã chứ!”. 
Lời nói thật hiệu quả. Tuấn nới vòng tay và ngồi dậy đợi…
Chỉ chờ có thế, Nguyệt bật đứng lên: “Anh là một thằng tồi” rồi lao ra sân, chạy vội về phòng đóng chốt cửa lại.
Nằm ôm cu Tý mà Nguyệt thấy lòng mình như ai xát muối. Nguyệt rất xót xa vì Tuấn đã coi mình tầm thường quá “chưa chồng mà lại có con” thì “việc ấy” chắc là quá dễ dàng. Nguyệt hận cho hành động thô bạo của Tuấn. Nhưng nói ra liệu ai tin vì lấy gì làm bằng chứng? Hơn nữa quan trọng là Nguyệt vẫn giữ được mình, có làm sao đâu. Nguyệt sẽ giữ kín chuyện này nhưng từ nay phải hết sức cảnh giác!
                                                    *
Năm học tiếp theo, Nguyệt dành phần ít thời gian chăm chút cho cu Tý. Còn phần lớn lao vào học hỏi chuyên môn và làm tốt mọi công việc nhà trường giao cho. Cuối kỳ một Chi đoàn thanh niên tổ chức cuộc họp vào buổi tối, có mời ban Giám hiệu và Chi bộ nhà trường cùng dự. Sau khi kiểm điểm và rút kinh nghiệm những công việc đã làm trong thời gian qua. Đến mục cuối cùng giới thiệu danh sách dự kiến cử ba đoàn viên đi học lớp cảm tình Đảng, trong đó có Nguyệt.
Một nữ đoàn viên phát biểu: “Tôi hoàn toàn nhất trí hai bạn : Hạnh và Đức. Còn Nguyệt tôi hơi băn khoăn vì lý lịch cá nhân chưa thật rõ ràng?”. Tiếp đó là Tuấn: “Tôi đồng ý với ý kiến vừa phát biểu. Cô Nguyệt gương mẫu trong mọi công tác nhưng chưa lập gia đình sao lại có con nhỏ? Tôi đề nghị nên xem lại việc này để cho mọi người tâm phục, khẩu phục”.
Không khí phòng họp lặng đi, không ai tham gia gì nữa, Lúc đó cô hiệu phó (cũng là bí thư chi bộ trường) mới đứng lên nói:  Những góp ý của anh chị em rất tốt, có ý thức xây dựng, nhưng không hoàn toàn như vậy. Là một người có trách nhiệm tôi đã tìm hiểu kỹ gia đình đồng chí Nguyệt. Bố mẹ Nguyệt đều là cán bộ về hưu, nay già yếu rồi. Anh trai đi bộ đội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ nơi biên giới. Chi dâu sinh con được một thời gian thì mắc phải bệnh nan y không chạy chữa được. Thật đau xót! Anh chị mất đi để lại thằng cu Tý mới lên một tuổi cho cha mẹ và cô em gái. Đến lúc bập bẹ học nói lời đầu tiên nó gọi Nguyệt là “mẹ”. “Máu chảy ruột mềm”, thương cháu mồ côi , Nguyệt đã chấp nhận tất cả những lời đồn thổi, “điều ong tiếng ve” của một số người không hiểu rõ hoàn cảnh. Sự thật là như vậy. Những việc làm của Nguyệt là một nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam…! Theo tôi nghĩ bây giờ và cả mai sau, Nguyệt vẫn xứng đáng làm mẹ của cu Tý! Chúng ta hãy suy ngẫm, xem xét sao cho hợp tình hợp lý!”.
Nghe cô hiệu phó nói xong, cả phòng họp im phăng phắc. Nguyệt không nén nổi xúc động gục đầu vào cô Ghi làm vai áo cô ướt đầm nước mắt.
Cuộc họp tan nhưng chưa ai muốn về nơi ở riêng. Tất cả còn đứng ở sân trường nói chuyện vui vẻ, thưởng thức một đêm vùng cao trời quang mây tạnh có vầng trăng đang buông nhẹ ánh sáng xanh dịu trên đỉnh Đèo Mương lung linh, huyền ảo! 
                                                                                             N.V.L
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 87
Trong tuần: 1161
Lượt truy cập: 436895
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.