Nguyễn Tùng Minh
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, kính thưa các nhà văn, nhà thơ và các tác giả hội viên có mặt trong hội nghị hôm nay!
Được sự giới thiệu của ban tổ chức, tôi xin có một số ý kiến về: Trách nhiệm của người viết thơ với bạn đọc
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Đứng trên bục để trao đổi kinh nghiệm sáng tác của mình, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhất là đứng trước các nhà thơ, tác giả giầu kinh nghiệm như nhà văn Vũ Quốc Khánh, nhà văn Vũ Thị Thanh Minh, Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hải Yến; Tác giả Đàm Tuất, Tác giả Nguyễn Văn Minh, Tác giả Hà Thành, Tác giả Lê Quang Vinh, Tác giả Trần Anh Nhì, Tác giả Nguyễn Đình Xán... Thực sự, tôi chỉ là anh lính mới tò te...
Được sự giới thiệu của ban tổ chức. Bằng những đúc rút từ bản thân. Tôi xin được mạnh dạn tâm sự và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác như sau:
Hiện nay, bên cạnh chúng ta là phong trào thơ rất sôi động, có thể nói là phát triển như hoa lá mùa xuân. Từ làng bản xóm thôn đến huyện, thị, thành phố, ở đâu ta cũng gặp các câu lạc bộ thơ, các sân chơi vui, khỏe, có ích thông qua hoạt động thơ ca... vv.
Đối với chúng ta là hội văn học nghệ thuật cấp huyện, thị, thành phố. It nhất mỗi quý, mỗi hội cũng xuất bản được một tập san, (trong đó các tác phẩm thơ cũng chiếm một tỷ lệ, số lượng bài nhiều nhất) được phát hành tại địa phương và có sức lan tỏa rộng khắp trong tỉnh. Bên cạnh các tác giả thơ, luôn có những độc giả thông thái. Chính vì điều đó mà người làm thơ cũng phải xác định được trách nhiệm của mình, là trách nhiệm của người viết với người đọc, đây là điều cần phải đặc biệt quan tâm, vì không có bạn đọc thì người làm thơ không thể tồn tại. Chính vì thế mà Hội nghị thảo luận hôm nay, nhằm trao đổi kinh nghiệm với nhau để có được một bài thơ hay.
Trước hết, để viết được tác phẩm thơ; điều đầu tiên là ta cần đọc nhiều thơ của người khác. (Nghe thì đơn giản thế thôi), nhưng đọc ở đây không đồng nghĩa với việc mượn tứ của người ta, mà để tìm hiểu xem tại sao mình lại thích tác phẩm này. Trong cả một tập thơ, cùng một chủ đề, bài nào cũng hay, bài nào cũng giá trị. Nhưng cả tập thơ ấy, tại sao mình lại thích có một bài thơ!
Đây vừa là một câu hỏi, nhưng giải đáp được thì đồng thời cũng là chìa khóa giúp ta viết thành công!
Tôi xin kể cho các đại biểu tham dự hội nghị hôm nay một câu chuyện về cảm xúc của chính bản thân tôi khi đọc một bài thơ; Năm 1975, sau 30 tháng 4 trên báo văn nghệ có đăng một bài thơ của nhà thơ Viễn Phương, viết về những giây phút của sự kiện trọng đại này. Bài thơ rất dài, gần kín trang báo; có những câu thơ dài tới 13, 14 từ đọc đến đứt hơi. Nếu nhìn vào khuôn chữ thì không ai nghĩ đấy là bài thơ. Nhưng khi đọc lên, những âm hưởng của bài thơ hào sảng, hào khí, hào hùng, có vần có nhạc. Ngữ điệu của bài thơ là niềm vui chiến thắng, niềm hạnh phúc vỡ òa. Như sóng, như gió, như lời ca... Hòa chung tình cảm của đồng bào hai miền Nam Bắc vui mừng đất nước, non sông thu về một mối.
Vì bài thơ rất dài, tương đương một trường ca. Sau này tôi đã tìm trên nhiều sách báo, nhiều thư viện, nhưng không gặp lại bài thơ này. Dù sao, chí ít đến bây giờ, tôi vẫn thuộc được một đoạn mở đầu:
Lịch sử có nhiều thế kỷ, nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày
Nhưng năm tháng này chói lòa, hóa thân, đột biến
Là rốn bão, là hỏa diệm sơn động biển
Là cấp số nhân hay là tổng số thành
Là sức của trăm ta nhân với triệu mình
Là sự vật cộng vào nhau trái chín...
Là lên men, thời cơ đến trước giờ nó đến
Là rồng bay, ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng
Cái hữu hạn lòng ta òa lên bởi gặp cái vô cùng
Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại...
Các bạn ơi!
Các bạn đã làm lên lịch sử; có phải...
Nếu ta lấy lịch sử xâu vào một chuỗi chỉ hồng
Thì ngày này, tháng này, năm này
Sẽ chói lòa lên, hơn hẳn cả thời gian nó chói!
Thưa các quý vị đại biểu, Thưa các anh, các chị!
Hôm nay, sau 49 năm, khi đọc lại những vần thơ này, tôi như thấy mình được sống lại những giây phút thiêng liêng, những cảm xúc trào dâng khi được nghe bản tin trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam ngày ấy lại hối hả ùa về.
Điều đó cũng minh chứng rõ nét cho lời chia sẻ của tôi về tác dụng của việc đọc đối với người làm thơ!
Đã có lần tại Hội nghị chuyên đề sáng tác thơ tại Hội trường Tỉnh ủy Phú Thọ với các hội viên câu lạc bộ thơ VN tỉnh Phú Thọ; Nhà thơ Trần Nhuận Minh có nói: “Thơ ngoài tứ ra thì nghệ thuật sáng tác phải là chân chân chân, ảo ảo ảo – Thật quá thì dù có hay cũng không thể gọi là thơ được, mà là báo, là thơ phong trào; mà ảo quá thì người đọc sẽ chẳng hiểu gì cả “
Muốn có được những bài thơ hay; bản thân người viết phải có một vốn sống thực tế, đi cùng với cái tâm trong sáng, có cái nhìn sâu rộng dưới nhiều góc cạnh, có con mắt sâu xa và ngòi bút sắc bén, dù bất kể trong hoàn cảnh nào cũng cần biết làm mới cái tôi hướng tới những gì tốt đẹp nhất. Những người làm thơ chân chính, ngoài sự đam mê là cả một sự vật lộn gian khổ, biết buộc mình vào một thế giới riêng biệt, để sống với khoảnh khắc nội tâm, tự tìm cho mình cách nhìn tinh tế nhất, từ đó thoát sác làm thơ, giằng xé vất vả lắm mới có thể tìm ra được những từ gan ruột để đón nhận được đồng cảm của bạn đọc và giúp ích cho đời...
Chúng ta, những người có mặt trong Hội nghị hôm nay hẳn đã từng đọc bài thơ “Đợi”. Của nhà thơ Vũ Quần Phương, hoặc từng nghe ca khúc cùng tên do nhạc sỹ Huy Thục phổ nhạc. Nhưng không phải ai cũng hiểu được xuất xứ của bài thơ đó. Câu chuyện về một người đi làm cách mạng, do yêu cầu của tổ chức phải chia tay với vợ con để tập kết ra Bắc với bao thương nhớ, chờ mong và tin tưởng tới ngày đoàn tụ. Sau ngày thống nhất đất nước 30/4, ông trở về Miền Nam. Khi về tới quê nhà, ông được tin vợ ông, người mà đằng đẵng bao năm ông nhớ thương da diết đã trở thành vợ của một người bên phía đối địch... chính từ lẽ đó mà “Đợi” đã ra đời và trở lên bất hủ.
...“Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em”
Kính thưa các anh, các chị! Tại sao, có nhiều nơi rất thơ mộng mà tác giả không chọn mà lại chọn: đứng ở trên cầu?! trên cầu vắng vẻ, cô đơn và đợi đến cùng “Nắng dọi bên ấy, bên này” mà anh vẫn đợi. Vì thế cầu ở đây bao hàm một ý rất rộng, danh giới của cuộc chiến và những hy sinh, mất mát đấy.
“Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời đất quen thành lạ”. Nhà thơ đã không kêu trời về nỗi đau tủi nhục giằng xé tâm can mà chỉ âm thầm so sánh (một ngày với một đời) (đất lạ thành quen với đất quen thành lạ) tưởng như đơn giản mà đắt vô cùng. Đúng là thơ, và chỉ có thơ mới làm được như thế!
Chúng ta không thể so được với những nhà thơ có tên có tuổi, mà chỉ mong học được một đôi điều. Để có được như vậy thì người viết cần biết tìm tòi, khám phá, phát hiện và phản ánh những góc cạnh của cuộc sống, của thiên nhiên bằng những sáng tạo, qua đó gửi gắm những thông điệp, dự báo cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn
Qua Hội nghị thảo luận nâng cao chất lượng sáng tác thơ do các Hội VHNT huyện thị, thành phố đồng tổ chức tại Hội Văn học nghệ Thuật Thanh Sơn hôm nay. Tôi mong mỗi chúng ta, các tác giả thơ thực sự là cầu nối giữa cuộc sống với ý thức cuộc sống cho mỗi người đọc, giúp cho đời sống ngày thêm phong phú đa sắc màu.
N.T.M