Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TIẾNG THỞ DÀI

Nguyễn Xuân Mẫn

TIẾNG THỞ DÀI

Phựt!

 Cô giáo đang cắm cúi xem trên bàn, nó giật phắt quyển vở trong tay Díu. “Tao mượn! Cấm thưa cô giáo”. Nó nói nhỏ, chỉ đủ Díu nghe, nhưng gầm gừ như con chó vừa cướp được khúc xương của con khác. Nó chạy lên đưa cho cô giáo. Thì ra tối hôm qua nó không làm bài ở nhà nên phũ phàng mượn vở của Díu. Hơn Díu ba tuổi, nó to cao đi đứng lừ lừ như con gấu, không thoăn thoắt như con khỉ mà dòng họ Hầu nhà nó phải thờ. Ngồi trong lớp, hết xoay ngang lại quay xuống dưới. Chảo à! Ra chơi trốn đi đốt tổ ong đất ngoài đồi gianh nhá! Thằng Chảo vụt thước vào lưng nó: Quay lên, cô giáo phạt đấy! Nhiều hôm, học xong cô giáo phải giảng thêm bài cho nó nhưng cái đầu nhà họ Hầu vẫn ngơ ngơ. Lười và dốt giữ chân nó cứ đì đụp ở lại lớp. Khi Díu vào học lớp năm lại ngồi cùng bàn với nó. Vì vậy nó hơn ba tuổi nhưng không bao giờ Díu gọi bằng anh. Dạo ấy, chưa có đường ô tô, trèo lên xã phải mất một ngày chân đi, miệng phì phò thở. Cô giáo nào cũng mê mẩn nghe chim hót khắp rừng, reo hò khi nhìn thấy thác đổ trắng xóa. Hăm hở lắm lại chán nhiều. Dạy chưa nhớ mặt hết chín học sinh trong lớp, các cô sụt sịt nháy nhau khoác ba lô tuột vùn vụt xuống dốc. Hai thầy giáo không đủ sức dạy năm lớp cấp một, dù dồn vào ba phòng học, các thầy cho lớp Díu nghỉ hẳn.

   Ban ngày lủi thủi trên nương, nghe chiếc đài bên hông hát réo rắt. Lều nương cao lưng trời nên ti vi bắt được sóng hình tận Hà Nội nhìn rõ như người thật. Nghe nhiều, xem lắm hóa chán, người trên lều nương thèm được nghe tiếng người thật, nhìn người thật. Nhà nào làm cấp sắc, có đám cưới, đám ma… là dịp mọi người tụ tập. Díu biết che mặt xấu hổ, nhưng đi đâu mẹ cũng bắt đi theo. Ngồi nghe các bà rỉ tai nhau: Lão đầu hói họ Hầu kia, ngày ở xã đội, tập bò mãi trên bụng hơn chục cô dân quân, nhưng chẳng có đứa xã đội con nào bò ra nhỉ? Díu hỏi sao người lớn phải tập bò, các bà rúc rích cười. Khi ngực Díu nhô lên như hai quả đào, nhưng chưa được mời ngồi vào mâm người lớn, Díu và các bạn đứng ngồi láo nháo tít ngoài ngõ. Chiếc máy thủy điện nhỏ chỉ đủ sáng trong nhà đám, nên bên ngoài tối hun hút như hang sâu. Cả đám xì xào khi chiêng, trống, kèn pí lè nổi bài đón dâu vào lễ tổ tiên. Díu đang ôm vai đứa bạn gái, một bàn tay cứng như sắt, kéo bật Díu lôi đi sềnh sệch. “Đi! Đến giờ rồi!” “Đồ khốn nạn!” “Khốn nạn mới kéo đi!” Lờ mờ nhận ra nó, nhưng Díu chịu. Được! Ra ngoài kia tao tát sưng mặt cho cả tháng phải chui trong buồng! Nghĩ cứng thế nhưng sự cần của con gái suốt ngày ở trên nương với mẹ, làm Díu mềm người, ghé tai nó: “Tắt đèn đi, đồ ngu!” “Ngu mới tắt đèn”. Chúng nó kéo nhau chui vào bụi cây hết rồi!

   Sáng hôm sau Díu lại lên nương. Mọi ngày mở đài, nghe bài hát nào cũng hay mà hôm nay thấy nhạt nhẽo. Đầu nghĩ vơ vẩn như bay trong sương mù, quẳng túi đậu giống tra dở, Díu vào lều bật ti vi. Màn hình hiện ra đôi trai gái Tây đắm đuối hôn nhau giữa phố đông người. Díu nghĩ đến quanh khu gốc cây dâu da đêm qua, tới năm sáu đám có tiếng thì thầm, khúc khích… Chủ nhật, cô bắt bốn con gà mang xuống chợ. Đang dũa lưỡi cuốc, mẹ càu nhàu: “Mày định mua cái gì cần tiền nhiều thế. Bố mày biết thì ăn no đòn. Ông ấy hỏi thì bảo tối đi đám cưới cáo về cắp gà”. Díu chẳng trả lời. Bà không biết Díu đang nghĩ phải mua cái áo trả nó. Cái đêm tức tối và thích thú xô đẩy trong người khi thoát khỏi đời con gái, Díu ngấu nghiến miệng cắn, tay xé tan áo nó. Bán xong gà, cô ghé vào hàng quần áo. Chết! Không biết loại áo nào nó mặc vừa. Biết tính nó háu đói, Díu lượn qua dãy hàng phở, sang hàng bún và mấy hàng bánh cuốn nhưng chẳng thấy cái lưng con gấu ngồi đâu. Đồ khỉ! Chui vào hàng nào không biết! Cô lấy điện thoại ra bấm, tìm mấy lần vẫn không thấy tên nó. Díu ấm ức nhớ ra chưa bao giờ lưu số điện thoại của thằng này. 

  Qua hai, rồi ba phiên chợ, cô không thấy mặt nó nhưng chẳng dám tìm cũng không dám hỏi. Chống cuốc đứng hàng giờ giữa vạt ngô, Díu giật mình nghe tiếng quát: “Mày ăn vào lá lú nên đứng như gốc cây mục thế à. Ba ngày nữa không vun xong ngô, được bố mày đá bay lên tận đỉnh núi San Ngài, tha hồ mà lơ lửng với mây với gió. Để đấy tao làm. Về tắm giặt, đi xuống đám cưới nhà ông Kinh. Ai hỏi bảo tao đau chân”. Như kẻ đang mơ ngủ, bỗng choàng tỉnh dậy, Díu mừng suýt nữa buột miệng: Đêm nay lại bị nó lôi đi rồi, vì mẹ nó là em ruột bà Kinh, thế nào nó cũng đến… Tắm rửa xong, cô lấy bát xúc cơm nguội, vừa đưa lên miệng bỗng nôn thốc nôn tháo. Ngoài vạt ngô, mẹ chửi Díu: Ngu thế, vừa tắm nước lạnh lại ăn cơm nguội, có ngày thành người không được ăn cơm. Người khác bị chửi như thế, chắc khóc thành chết, nhưng nghe mãi mẹ chửi độc nhiều, chịu bố đánh mãi từ bé nên Díu cho là chuyện thường.dao-do-2

  Đưa mắt khắp lượt trong nhà, ngoài sân rồi giả vờ kéo con San Mẩy đi ra ngoài ngõ cho đỡ mỏi chân nhưng chiếc đèn chiếu đến hết pin cũng chẳng thấy nó. Gần mười hai giờ, sắp làm lễ đón dâu vào nhà, nghe bà Kinh bảo chú rể: “Thằng Quẩy con dì mày, sau đám cưới nhà ông Mìn, chẳng hiểu nó đòi lấy đứa nào mà bố con cãi nhau, nó bỏ nhà đi!” Díu bủn rủn người suýt ngã, con San Mẩy tưởng cô trượt chân nên giữ lại. Bỏ dở đám cưới, Díu lên đến lều nương khi trời sáng rõ. Vừa ngồi xuống sàn lều để thở, Díu bị mẹ túm áo ngực, tát túi bụi. “Chó ghẻ! Thằng nào cho nước con vào bụng mày! Bố mày đã nhận năm trăm triệu đồng của lão Nhàn bên Vùi Lùng Sung rồi. Còn một tỷ nữa, nó hứa trước khi đón dâu sẽ đưa hết. Ba đời vợ của nó đều ăn lá ngón chết. Thầy bói bảo chỉ có mày, tuổi con ngựa, người họ Vàng lớn, thờ con hổ vàng mới giữ được giống cho dòng họ Lý bé thờ con ngựa tía. Bố mày bắt tao ở lều nương là để giữ mày, chờ lão Nhàn sang đón dâu. Lão hơn bố mày năm tuổi nhưng mỗi năm tiền bán thảo quả có bảy tám trăm triệu đồng. Chỉ một phiên chợ tao cho mày khắc đi mà mày để đứa nào cho… Thấy cái gân máu xanh ở cổ mày, không mình mày chết mà tao cũng chết với thằng bố mày!” Có tiếng người gọi dưới chân nương: “Bà Phủng à! Về xã lấy tiền vay quỹ phụ nữ đi. Hội trưởng bảo hai con dâu bà nó ở riêng nên không lĩnh thay được đâu.” Vừa hấp tấp thay quần áo, bà vừa làu bàu: “Về qua rừng Sải Duồn, tao hái thuốc cho nó ra.” Bóng bà xuống khỏi nương, Díu vội vàng vơ quần áo, tống vào chiếc ba lô cũ, rồi đi tắt rừng ra ngã ba làng Chang. Bà Khuôn, người cùng làng với Díu, ở huyện về, xuống xe bảo: “Tao thấy bố mày mua vòng bạc cho mày mà! Nhà thằng sắp làm chồng mày chắc giàu lắm. Mua vòng bạc này, lại nhờ người lên Lùng Thàng mua năm sáu bộ quần áo, khăn người Dao mình mà phải lục lạc và cúc bằng bạc cũ. Tao hỏi đứa nào sắp thành rề, bố mày chỉ cười. Nó có bằng được tuổi mày không á?” Dù rất lúng túng nhưng ma sui quỷ mách thế nào, Díu lại đối đáp nhanh nhẹn. “Anh ấy đang chờ cháu ngoài phố tỉnh để mua xe máy. Cháu phải đi đây!”

  Xe khách đỗ lại, chị ngồi phía trong giục: “Xuống đi em, xe họ quay đầu ở đây!” Người Díu lâng lâng như say rượu, trên đường phố dày đặc xe cộ thi nhau bấm còi và xả khói mù mịt. Không biết đây là chỗ nào nhưng cô đoán chắc xa nhà lắm rồi. Mệt và đói, Díu tạt vào một quán ăn. Con bé chừng tuổi Díu đon đả: “Chị dùng cơm hay phở?” Lúc đó Díu mới nhớ ra, trả xong tiền vé xe, túi chẳng còn đồng nào. Vội đi, cô quên phắt, không nghĩ đến tập tiền bán trộm các thứ dắt trên mái lều. Khoác túi lên vai, Díu quay ra. Người đàn bà đứng trước cửa, mặc áo cổ trễ, bộ ngực cứ ngất ngưởng như đòi tuột khỏi áo nịt nhỏ tý. “Đã vào hàng chị, em ăn giúp gì đi chứ, ai lại ra không. Chả lẽ chị phải đốt vía!” Díu lí nhí: “Em không đói…à…!” Nhìn sắc mặt Díu, đoán chừng khách bí tiền, mụ đon đả: “Thôi, vào chị đãi, chị đi chùa mà. Phật dạy: Giúp kẻ nhỡ đường, phúc đẳng hà sa!” Bụng đói kêu xèo xèo, Díu vừa đưa bát cơm lên miệng, bỗng ọe liên hồi, không kịp chạy ra ngoài. Chau mày nhìn mặt Díu, mụ dịu giọng: “Em mới có thai phải không? Sao không bảo chồng đi cùng? Chị cho uống thuốc là ăn được ngay.” Díu thật thà kể sự tình cho mụ nghe. Mụ thở dài: “Khổ thân! Hay em ở đây làm với chị. Mỗi tháng chị trả ba triệu đồng, nuôi cơm, ở luôn nhà chị!” Như người bị lũ cuốn vớ được đoạn cây vầu nhỏ, Díu gật đầu.

   Tỉnh dậy Díu thấy mình đang bị truyền thuốc, mụ chủ quán reo lên: “Mô phật! Quan thế âm bồ tát phù hộ cho em tỉnh rồi.” “Con em đâu?” Thằng bé đang nằm bên phòng trẻ sơ sinh. Díu lơ mơ nhớ khi đau bụng dữ dội, mụ chủ quán gọi xe đưa đến phòng khám phụ khoa tư nhân này. Người ta bảo phải mổ vì sản phụ sức yếu. Đưa Díu lên bàn mổ như không hề biết cô đau muốn chết, những người phục vụ cứ vô tư cười nói: “Đẻ mổ sướng thật, vì cái này vẫn mịn, khối thằng con trai xin chết”. Người ta chụp lên mũi Díu cái gì như cái phễu, cô chìm vào giấc ngủ lơ mơ, chập chờn nghe tiếng lách cách của dao kéo, tiếng sột soạt ở dưới bụng. Díu nghe như có tiếng trẻ oe oe, tiếng ai bảo “ngón út và ngón áp ở chân trái nó liền nhau trông thương quá mày ạ!” “Không sao đâu, có tật mới có tài. Tao gặp mấy ca thế này rồi, toàn đứa học giỏi lắm đấy. Con bé khỏe thật, chúng mày tăng thuốc mê đi” Díu lại mê man không biết gì nữa.

  Vết mổ râm ran đau, hai bầu vú căng tức, Díu hỏi sao hai ngày rồi vẫn chưa đưa thằng bé về cho bú. Mặt mụ chủ quán câng câng: “Người ta đưa nó đi rồi, nhẹ việc cho cô nhá. Cô tưởng được người ta trả nhiều lắm à, không đủ tiền bồi dưỡng khi cô chửa và tiền ca đẻ mổ. Phúc cho cô đấy, bà bác sĩ ấy là bạn thân của tôi nên cô thoát khỏi tay tử thần.” Mụ dịu giọng: “Em tiếc gì cái giống phụ bạc ấy, để em phải bỏ nhà đi. Đời còn dài em ạ! Chị phải tính chuyện cho em đẻ mổ để sau này dễ lấy chồng. Nằm nghỉ cho lại sức đi em. Đàn bà đẻ đừng cả nghĩ, hại người lắm! Mô phật, chị phải lên phòng thờ, ba ngày nay bận bịu vì em, không tụng kinh niệm phật” 

  Căn phòng càng trở nên lờ mờ như màn sương dày đặc. Nước mắt giàn giụa, Díu càng tủi phận mình. Bố mẹ tàn ác, anh trai bất lực, nó phụ bạc, lại gặp mụ chủ nhà thâm độc. Ngày mới đến, mụ đon đả vồ vập khác nào chị em ruột. Mụ thường mắng người làm trong quán: “Bụng con bé vượt mặt, sao chúng mày bắt nó làm việc nặng nhọc thế? Hôm đưa Díu ra khỏi phòng khám sản, mụ loe xoe: “Trời phật ban phúc cho chị em mình rồi! Con trai nghiêm chỉnh nhá. Chị ghen với em đấy! Ba con vịt giời nhà chị, lớn lên nó bay sạch.” Nghe trên tầng ba, tiếng mõ cốc cốc chói tai như gõ hai hòn đá cuội vào nhau, Díu nghĩ hay là mụ định chiếm thằng bé làm con nuôi. Trong những ngày mang thai, Díu thường nghĩ sinh con xong, sẽ tìm thuê một gian nhà trọ. Tối tối mẹ con tha hồ ríu rít. Cô sẽ gom nhặt tiền, đi học nghề may. Khi nào con lớn lên, Díu sẽ đưa về làng Ván Hồ trên kia. Chắc lúc ấy, bố mẹ không giận nữa. Còn nó, có quỳ xuống lạy cả ngày, Díu cũng không cho đứa bé gọi là bố. Cô sẽ quát vào mặt nó “Không phải dòng họ Hầu nhà mày đâu. Bố thằng bé ngắn số nên bị chết rồi.”

  Mấy lần Díu định tìm đến cái chết nhưng không thành. Ở phố không có lá độc. Díu ra khỏi cửa, bao giờ mụ chủ cũng bảo người đi kèm vì sợ cô chưa khỏe hẳn. Díu gượng dậy quét nhà, lau bàn. Cái chổi và khăn lau giúp cô gạt bớt nỗi đau mất con đang như vết sẹo chìm sâu trong lòng.

  Chiếc ti vi ngoài gian hàng nổi nhạc chương trình thời sự buổi tối. Díu gỡ quần áo trên dây gấp cho vào túi. Có ai đập vào người, Díu quay lại. Cô Lan còi gấp gáp rỉ vào tai Díu: “Chị trốn ngay. Họ định đêm nay đưa chị lên biên giới bán.” Díu vọt ra cửa, bám vào cây đòn tre khiêng hàng do ai đó dựa sẵn vào bức tường xây. Díu vẫy bừa một chiếc xe máy. Người phụ nữ dừng xe hỏi: “Về đâu?” “Chị cứu em!” Díu leo lên xe, chiếc xe lao nhanh khỏi phố, rồi chạy băng băng, chừng hai giờ sau mới dừng lại trong một xóm nhỏ.

  Vận may đến với Díu. Người đèo Díu ra khỏi phố là chị Dung, công nhân xí nghiệp giày da của Trung Quốc nằm trong khu công nghiệp Thành Tây. Đời chị cũng gặp lắm éo le khốn khổ. Bố mẹ mất sớm. Lấy phải thằng chồng chuyên nghề cờ bạc. Thua bạc, hắn gán hết nhà, lừa chị gán cả đứa con gái cho bọn buôn người. Chị bỏ quê lên tận khu công nghiệp làm công nhân. Chị Dung xin cho Díu vào làm ở phân xưởng đóng gói trong công ty của chị. Năm năm liền, hai chị em quấn quýt lấy nhau, họ coi xóm trọ ấy là quê hương. Tuy phải đi làm xa năm cây số, nhưng hết giờ, hai chị em lại về nhà trọ trong xóm nhỏ ở vùng nông thôn yên tĩnh.

  Nguyễn Thái Phương mới về làm quản đốc phân xưởng, đem lòng yêu Díu. Chị Dung mừng ra mặt: “Lấy thằng ấy cũng được. Hắn bảo vợ chết vì tai nạn giao thông, mấy năm nay chưa tìm được người ưng ý.” Tối đến, Thái Phương lại phóng xe vào đón Díu đi chơi. Chị Dung cười: “Rước thì rước hẳn đi, cho tôi nhờ.” Thái Phương bấm còi bim bim thay câu trả lời.   

  Díu chết lặng khi mấy người đi hội chợ bên Trung Quốc về kể lại. Các chị vừa rủ nhau vào toalet thì một toán người Tàu ập vào, lôi nghiến chị Dung lên chiếc xe bán tải. Mọi người ú ớ kêu không ra tiếng, dúm tất vào một góc. Một thằng mặt bặm trợn, đầu trọc hếu cười hơ hớ: Hảo lớ! Hào lớ! Chào vớ! Giào ớ! Khi hoàn hồn, các chị chạy ra, run run nói với mấy người Việt cùng đi hội chợ. Họ thở dài: “Đất nước này khốn nạn lắm các em ạ! Không có mặt công an, bắt người là chuyện thường ngày ở phố. Con gái ở đây cũng vậy, nếu không phải người thân quen, chẳng ai thèm lên tiếng đâu. Bọn họ không có câu bầu ơi thương lấy bí cùng như mình.”

  Cả công ty nhốn nháo khi xe công an vào đọc lệnh bắt ông chủ người Trung Quốc và Thái Phương cùng hai công nhân người Việt. Khi công an đưa cho xem một tập ảnh phụ nữ, mọi người thất thần nhận ra toàn công nhân công ty. Họ bị bọn kia lừa bán sang bên kia biên giới, được công an Trung Quốc giải cứu. Díu cùng mọi người xem kỹ tập ảnh nhưng không ai thấy ảnh chị Dung.

  Vừa xuống xe ở ngã ba làng Chang, Díu giật mình nghe tiếng gào: “Díu con ơi! Con đi đâu biệt tăm chẳng thấy về! Nghe gọi tên mình, cô quay lại nhìn người đàn ông râu tóc bạc bù xù, bẩn thỉu, đôi mắt mờ đục. Hoảng hốt nhận ra bố mình, Díu ào đến ôm chầm lấy bố: “Con đây, con Díu của bố đây.” Bố đờ đẫn nhìn Díu. “Thật không, đúng Díu không. Đừng nói dối tôi.” Bỗng bố hất mạnh Díu ra: “Cô...Chị…Bà…! Người gái Kinh này không phải con tôi. Con tôi xinh gái nhất vùng này.” Bất chợt có tiếng người hỏi phía sau: “Đúng Díu không à?” Cô quay lại nhận ra anh Phìn, anh ruột mình. Phải thuê xe tắc xi rồi dỗ ngon dỗ ngọt mãi, hai anh em mới dìu được bố lên xe về nhà. Ông cứ thơ thẩn vào ra, rồi chạy bổ xuống đường, vẫy xe máy xin đi nhờ để tìm con gái. Lòng cô thắt lại. Gào, thét, quát, kêu khóc mãi, bố lăn ra nền nhà ngủ. Anh Phìn bảo cứ để ông nằm dưới nền xi măng, hơi lạnh sẽ rút bớt cái nóng đi. Kéo em ra ngõ, anh kể:

  Díu bỏ nhà đi hôm trước, hôm sau lão Nhàn thuê xe máy bổ sang. Cắm phập con dao nhọn vào cánh cửa, lão gào: “Chúng mày lừa tao, đem bán vợ chưa cưới của tao sang Tàu à? Tao không cần tiền, tiền tao nằm đỏ trên rừng thảo quả. Tao cần vợ”. Mặc cho bố Díu phân bua, mẹ cô kêu khóc, lão Nhàn cứ gầm gào, bắt phải trả vợ cho lão. Khốn khổ, chẳng ai biết Díu ở đâu. Bố mẹ cô thề nếu bán con sang Trung Quốc thì họ ăn lá ngón chết. Lão Nhàn bải hoải chân tay. Ba đời vợ lão chết vì thứ lá này. Chẳng lẽ hai người nhũn như con giun kia lại cũng chết vì lá đó. Giọng lão run run: Tao tên là Nhàn, là người nhân đức mà vía tao giết thêm hai người này sao? Rú lên như con thú bị cướp mất mồi ngon. Lão vọt xuống đường, nhảy lên xe ôm, giục người lái nổ máy. Tiếng xe máy chở lão Nhàn è è xuống dốc, bố cô chùi nước mắt bảo mẹ: “Tại tôi, tại tôi cả. Mình ở nhà, tôi đi tìm con. Tìm đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Bà lên bảo vợ chồng thằng Phìn về đây ở!” Bố bỏ nhà lang thang lên phố huyện, ra phố tỉnh, rồi như người mất trí, cứ gào: “Díu con ơi! Con đi đâu, con ở đâu, về đi, bố mẹ không bán con cho lão Nhàn già đâu!” Đi chán, bố lại về nhà, lại lầm rầm câu ấy. Anh Phìn mời cả họ Vàng lớn họp bàn, chia nhau đi tìm Díu và đưa bố đi viện. Năm con trâu và hai chiếc xe máy của vợ chồng anh, cùng mấy trăm đồng bạc trắng bố mẹ cô dành dụm, đều bán sạch. Tiền hết, bạc mất nhưng không kéo được bố tỉnh lại, chẳng tìm thấy bóng cô. Giơ đôi chân gà cúng tổ tiên họ Vàng lớn, mo Kiêm phán: “Con gái các ông bà chết nước sông Nậm Hoàng rồi. Xác nó tan hết rồi. Đây! Cả hai chân gà đều tõe ngón, lại chi chít chấm đen. Còn ông Chảo, uống thuốc của các ngài là ngày mai khắc khỏi. Các ngài bảo tôi thế.” Cả họ gom tiền làm ma cho cô ba ngày ba đêm liền. Bao nhiêu quần áo đồ dùng của Díu được đốt để gửi cho hồn ma khỏi rét. Mo Chảo bảo các ngài vẫn cho bố cô uống thuốc nhà trời, thế mà mấy tháng ròng mà điên vẫn hoàn điên. 

  Díu về nhà chiều hôm trước, tối hôm sau nó lù lù xuống. Nó vẫn lừng lững như con gấu, chỉ đanh người lại. Không nói năng gì, nó kéo tuột Díu ra ngõ. Cô chửi “Thằng chó!” Nó cười: “Mày với tao đều là chó nên mới về nhà. Tao đi khắp nơi, chẳng gặp con chó nào đẹp như con chó này, nhưng hôm nay tao không thèm làm chuyện chó vờn chó như trước. Tao muốn chữa cho bố mày.” Cô khấp khởi: “Mày có thuốc à, hay làm cúng, tao không tin cúng đâu! Đồ ngu!” Nó cười gằn: “Mày mới ngu. Lột hết quần áo người Kinh ra.” Díu định bỏ chạy nhưng đôi tay cứng như sắt của nó gìm chặt cô lại, đè nghiến vào gốc cây. Ối! Nó hi! Hí!!! Díu kêu chưa thành tiếng, nhanh như cắt, nó rút cuộn băng dính trong túi quần, dán chặt mồm Díu. Nó thong thả cởi áo ngoài, áo trong và quần dài, quần lót của cô. Bất lực, cô đành nhắm mắt chịu để nó làm nhục. Díu nhớ mọi người vẫn bảo bố nó ngày xưa ngủ với bao nhiêu đàn bà. Bây giờ lại đến nó nối dõi giống bạo dâm. Vì thế, trời đã trừng trị, họ Hầu nhà nó mười mấy đời chỉ đẻ có một người. Kéo cô sang bên kia gốc cây, mở một cái bao tải có sẵn, lôi ra quần áo người Dao, nó bảo: “Cả họ mày ngu, đem đốt đi. Thuốc chữa cho bố mày đây! Mặc vào. Mày mặc như đứa Kinh, bố mày khỏi sao được.” 

  Bố cô dần dần khỏi bệnh, không lảm nhảm gọi con nữa. Ông nhìn Díu cười: “Ô đây mới là con gái của bố. Đứa gái Kinh về nhà mình mấy hôm nay đi đâu rồi!  Buồn cười! Mình không biết đẻ nó mà nó lại nhận mình là bố.” Mẹ Díu bảo: “Vẫn con Díu nhà ta đấy, mấy hôm nay nó mới mặc quần áo Dao. Kéo cô lại gần, bố nhìn chằm chằm vào mắt: “Bà ơi! Đúng con Díu rồi! Đây! Từ lúc đẻ ra, nó đã có nốt ruồi đỏ trong lòng trắng bên mắt trái.”          

  Bố Díu trở lại bình thường, gia đình yên ấm. Nằm trong buồng Díu giả vờ ngáy nhưng nghe rõ hai ông bà nói chuyện ở buồng bên. “Bà à! Nghe đâu thằng Quẩy đang tìm bà mối xin con Díu nhà mình. Vợ nó bỏ trốn sang Trung Quốc lâu rồi. Này! Hôm nọ ở hội pút tồng nhìn ba bố con, ông cháu họ Hầu ấy đứng với nhau, ai cũng bảo ba giọt nước. Nhìn thằng bé kháu khỉnh thích quá. Lạ lắm bà à! Ngón út và ngón áp út ở bàn chân trái của thằng bé liền tịt vào nhau. Sách cổ của người Dao nói, đấy là con trời, là người tài giỏi, sau này làm quan to lắm!...” Díu thở dài nhớ lại lúc tỉnh lúc mê trên bàn mổ đẻ…

                                                                                  N.X.M

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 89
Trong tuần: 751
Lượt truy cập: 440015
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.