Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THƠ VIẾT GIỮA CHIẾN TRƯỜNG

 Bạch Thảo
 
ĐỌC THƠ VIẾT GIỮA CHIẾN TRƯỜNG CỦA LÊ DUY THÁI
 
   Tôi nhận được tập thơ ông tặng, nhìn tên tập thơ thôi đã dâng lên nhiều cảm xúc: Thơ viết giữa chiến trường của tác giả thơ Lê Duy Thái, ông hiện đang sinh sống tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, đây là tập sách thứ 16 khi đã bước vào tuổi 82, khi bước vào năm thứ 61 tuổi Đảng. Và, theo thông tin ghi bên bìa sách, ông còn dự định in 5 tập nữa cả văn và thơ. Tính thời điểm đầu tiên ông cho xuất bản tập thơ Tìm hương năm 2004 thì đến nay chặng đường 20 năm đi qua ông đã không một chút ngơi nghỉ để cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm của mình ở nhiều thể loại thơ khác nhau. Ông in riêng rồi in chung với bạn văn, in thơ riêng về đề tài Bác Hồ như Quảng Ninh nhớ Bác Hồ, Mùa sen nhớ Bác. Thật trân quý một tác giả thơ luôn trung thành với đề tài mà mình theo đuổi, muốn lan tỏa tình yêu về bậc vĩ nhân đến mọi người, muốn được san sẻ, được cùng dâng lên bậc vĩ nhân Hồ Chủ tịch muôn vạn lời ngơi ca mà nguồn thi hứng của ông như vẫn chưa định dừng nghỉ. Vì theo thông tin ghi trên bìa sách, tác giả sẽ tiếp tục trình làng tập thơ Hoàng hôn nhớ Bác…
 Tôi thật bất ngờ với gia tài sáng tác của nhà thơ Lê Duy Thái, ông nguyên là cán bộ chính trị quân giải phóng miền Trung (Quân khu năm từ năm 1966-1975). Trở về Quảng Ninh ông là giáo viên giảng dậy rồi trở thành trưởng khoa, rồi là Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy, phụ trách Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ từ năm 1979 đến năm 2002.
   Chắc nhiều bạn văn chương của ông thì biết ông làm thơ, chứ ít người biết ông từng là người lính trận đối mặt với cái chết ở chiến trường khốc liệt Quân khu 5 ngày đó. Ít người biết ông có những năm tháng đầy tự hào như thế. Và có lẽ vì ông đã gắn bó trọn đời với lý tưởng của Đảng và bác Hồ mà trong các sáng tác của ông luôn chan chứa những trang viết về tình yêu quê hương, đất nước với một niềm tự hào vô bờ bến.
   Ở tập Thơ viết giữa chiến trường vừa được Nhà xuất bản Hà Nội cấp phép xuất bản đã ra đời giữa mà hè 2024 như một món quà dành tặng bạn bè yêu văn chương thêm một lần đọc “giữa chiến trường” với nhiều cảm thức thân thương, xúc động, đau xót khi người lính đối mặt với vô vàn cam go thử thách khắc nghiệt. Giữa sự sống và cái chết, giữa muôn vàn yêu thương của đồng đội gửi trao nhau. Và trong đó là câu chuyện của tác giả với gần 200 bài thơ với đủ mọi cung bậc. Tên các bài thơ cũng rất ấn tượng và mang đầy “mùi chiến trường” như: Giữa chiến trường, Đồng đội cũ, Chuyện tình người lính trận, Người lính gùi đạn… Và không thể không có những khoảng lặng dành cho người em gái, người thương như Em thương, Em trách, Tản mạn cùng em, Hương em trăng sáng. Và tôi thấy như tác giả dù ngẫu nhiên hay chủ ý thì “nhân vật Em” trong thơ của tác giả luôn thường trực, luôn hiện hữu để anh “vịn” vào Em để anh bước qua những bước đường chiến tranh ngày ấy.
Những câu thơ đầy day trở như trong bài Em hỏi:z5755738806020_e432925284861743b80ea5ca4115dfa5
Em rất buồn, vẫn gượng cười vui
Không muốn tiễn đưa với nỗi lòng cay đắng
Sợ trên đường trắc trở em lo
Anh chiến đấu nơi đây vì nhiều lẽ lắm
Nhưng còn vì ánh mắt em theo
Lời dặn bình thường hóa những điều day dứt
“Anh có còn vào”
  Bài thơ ngắn, tác giả ghi viết vào ngày 1 tháng 7 năm 1973, tôi ngỡ ngàng khi lật giở tời lịch là tôi đang đọc thơ anh đang là tháng 7 mà là tháng 7 năm 2024. Hơn 50 năm đi qua, cái “mùi chiến trường” như còn nguyên trong câu thơ mộc mạc của người lính trận mang tâm hồn thi sĩ Lê Duy Thái. Dù viết về Em, thì cũng là khoảnh khắc chiến trường với những tâm tư của người đi kẻ ở. Cô Em ở nơi ấy là quê hương và cũng là chiến trường anh đến đóng quân. Mỗi câu hỏi, mỗi ánh nhìn của Em đã lưu dấu và khiến tâm hồn thi sĩ của người lính day trở và phải bật lên những câu thơ mộc mạc về nỗi lòng mình như thế. Trong bài Nghe đoán cũng là một trạng huống khá bâng quơ và chộn rộn mà lại ra một bức tranh giữa chiến trường thật rõ nét về sự sinh tử của những người lính ở mặt trận:
Nghe tiếng súng em đĩnh đạc đường hàong
Chúng nó bắn điên cuồng hỗn loạn
Anh hiểu rõ từ trong đường đạn
Biết thế nào em cũng bình yên
Anh vòng lên suối cạn lần tìm
Em ngồi dựa gốc mai vàng rực…
   Và nhân vật Em ở bài này là niềm vui giữa chiều đầy lửa đạn anh vẫn nhớ về em, lo lắng cho em, nỗi lo lắng tràn mọi cung bậc, khi “anh biết rõ từ trong đường đạn” để lo lắng cho Em. Một hình ảnh mà chỉ có người ở trong thời khắc đó mới biểu cảm, mới thấu hiểu hết sự lo lắng cho nhau, một tấm tình mỏng manh mà dầy hơn mọi bức tường thành. Nếu chỉ nghe kể, nếu chỉ thoáng qua đâu đó thì sẽ không thể cảm nhận được hết những câu thơ chân thật từ đáy lòng đó của tác giả. Rồi vì mong mỏi, vì lo lắng, vì chộn rộn bồn chồn cho nhau mà câu cuối bài thơ lại lóe lên một đốm sáng của sự sống, và người đọc hoàn toàn có thể hình dung người Em ấy đã ngã xuống, đã hóa đóa mai vàng trong mất thi sĩ! Nhưng cũng hoàn toàn có thể hình dung, đó là vẻ đẹp của người Em mà tác giả đã tôn thờ, đã nâng niu, dù “anh hiểu rõ từ trong đường đạn”, thì nỗi đau được hóa thành một biểu tượng đẹp của đóa mai vàng ở miền đất mai vàng nở bừng vào mỗi mùa xuân ấy. Thật sự ám ảnh câu thơ ấy- tôi nghĩ không hẳn là một câu thơ mà là một câu nói trong tâm thức của anh khi đọc bài thơ chỉ 6 câu, như một câu chuyện nhỏ xa xót và đầy kiêu hãnh về Em. Câu thơ cuối kết thúc như cho người đọc tự suy ngẫm là Em đã hóa thành bông mai vàng, là em vẫn là bông mai vàng của anh cả khi em đã ngã xuống. Anh xoáy vào nỗi đau khi biết rõ đường đạn và Em khi đã “Em ngồi dựa gốc mai vàng rực”. Xa xót hay yêu thương vô cùng thì anh vẫn phải chấp nhận em đã hóa bông mai vàng rực. Từ câu nói trong tâm thức, từ hình ảnh Em luôn chiếm trọn trái tim người lính trận để có một biểu tượng thơ về người lính thật đặc biệt. Như tôi đã nói ở phần trên, thơ tác giả Lê Duy Thái đầy “mùi chiến trường”, như là bài thơ anh lấy tên tập thơ Viết giữa chiến trường. Đó là những câu thơ như những dòng nhật ký bằng thơ mà anh lưu giữ cho riêng mình, cho bạn bè nếu như…anh ngã xuống., thì tập nhật ký bằng thơ này sẽ là tài sản vô giá để người thân biết được mỗi giờ, mỗi khắc ở chiến trường của anh và đồng đội ra sao.  Hãy nghe tiếng lòng của người thơ trong bài Viết giữa chiến trường, như một câu chuyện kể mỗi buổi tối bình an, mỗi ban mai chưa kịp lên đường:
Câu thơ viết giữa chiến trường
Có khi viết vội trên đường hành quân
Có khi trận đánh vừa xong
Ai còn ai mất trong lòng ngổn ngang…
  Đó là những câu thơ gan ruột của người lính mang tâm hồn thi sĩ. Chỉ biết kể lại câu chuyện của mình cho bạn bè nghe những khoảnh khắc đời thường ấy với một tinh thần lạc quan. Gữa cuộc chiến đầy sinh tử ấy, nhưng người lính như tác giả vẫn lạc quan để tiếp tục nhiệm vụ của mình…
  Tập thơ với gần 200 bài thơ đủ các trạng huống khác nhau của người thơ ở giữa chiến trường ngày đó, với bài viết nhỏ tôi không thể liệt kê hết. Tôi là bạn viết của nhà thơ, chỉ xin mạn đàm về một góc nhỏ với nhân vật trữ tình của nhà thơ là nhân vật Em rất riêng, mà không dễ nhà thơ nào có được.
  Tập thơ chia làm hai phần, phần 1 là Viết giữa chiến trường như là cả gia tài thơ viết về một thời trận mạc của nhà thơ gom cả vào phần này, đọc xong phần này tôi như được một “chuyến đi thực tế” mặt trận đầy khói súng qua thơ của tác giả Lê Duy Thái. Phần 2 ông chọn in những lời bạn bè viết về thơ ông, những tác phẩm thơ viết sau cuộc chiến và một số tư liệu thời ông là lính Quân khu 5.
  Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn làm thơ, vẫn cho xuất bản ssch, thật trân trọng một tâm hồn thơ đã đắm say với thơ hơn nửa thế kỷ đi qua. Thơ Lê Duy Thái vẫn ngồn ngộn chất liệu của thời chiến tranh ông đi qua, của những chiêm nghiệm khi ông trở lại cuộc sống thời bình với muôn vàn những câu chuyện về nhân tình thế thái. Xin kính chúc người thơ mạnh khỏe và có thể tiếp tục cống hiến cho bạn đọc yêu thơ như ông đã dự định, sẽ in 5 tập thơ sau tâp Thơ viết giữa chiến trường này./.
 
                                                                                        B.T
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 70
Trong tuần: 649
Lượt truy cập: 439546
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.