Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THƠ HAY CỦA LÊ THÁNH TÔNG

VUA LÊ THÁNH TÔNG
VÀ BÀI THƠ HAY CÒN ÍT NGƯỜI BIẾT

                                                  NGUYỄN THỊ THIỆN

anh_nha_giao_-_nha_van_nguyen_thi_thien

NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THIỆN

  1. Lê Thánh Tông, vị vua anh hùng, tài lược, nhà thơ lớn thời trung đại

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) tên là Lê Tư Thành, cháu của vua Lê Thái Tổ, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, thân mẫu là Quang Thục thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) tại nhà ngoại ở khu đất chùa Huy Văn, Khâm Thiên, Hà Nội ngày nay. Ông còn có tên Lê Hậu, miếu hiệu Thánh Tông Thuần Hoàng đế, là vị vua thứ tư nhà Hậu Lê, ở ngôi 38 năm (1460 - 1497), lâu nhất trong suốt chiều dài lịch
sử chế độ phong kiến Việt Nam. Lê Thánh Tông
có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đưa quốc gia phong kiến Đại Việt phát triển đến đỉnh cao. Giai đoạn đầu nắm triều chính, niên hiệu Quang Thuận, giai đoạn sau là Hồng Đức. Ông vừa là vị vua hiền tài, vừa nhà văn hóa lớn, nhà thơ lớn của dân tộc.

Từ khi lên ngôi năm 1460, Lê Thánh Tông đã ban hành những chính sách mới, hoàn thiện bộ máy quan chế - hành chính nhà nước. Nhờ những cải cách quan trọng và toàn diện nên ông đã đưa chế độ phong kiến Việt Nam phát triển đến cực thịnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Là người có trách nhiệm cao trongsự nghiệp bảo vệ lãnh thổ, giữ gìn biên cương Tổ quốc, ông thường nói với triều thần: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do vua Thái tổ để lại”. Câu nói bất hủ ấy còn có ý nghĩa đến muôn đời. Đại Việt sử ký toàn thư viết về ông: ”Vua lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, thực là anh hùng tài lược, Vũ Đế nhà Hán, Thái tông nhà Đường cũng không hơn được”.

 

 Không chỉ có tài trị quốc an dân, Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ lớn, nhà phê bình văn học sắc sảo. Năm 1495, ông sáng lập Hội Tao đàn Nhị thập bát tú tập hợp những học giả giỏi nhất nước
ta thời bấy giờ, tự xưng làm Tao đàn Nguyên soái, Thân Nhân Trung, tác giả câu nói bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là Phó nguyên soái. Nhà vua xướng họa thơ ca cùng Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán Lưu Hưng Hiếu… và nhiều quần thần thi nhân khác, tổng cộng 28 người. Sự xuất hiện của Hội Tao đàn đánh dấu bước phát triển cao về văn chương ờ nước ta.

Lê Thánh Tông có nhiều tác phẩm giá trị như: Quỳnh Uyển cửu ca, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỉ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy, Cổ tâm bách vịnh... Tất cả khoảng trên 300 bài (chữ Hán) và cuốn Hồng Đức quốc âm thi tập (chữ Nôm) được cho là sáng tác của Lê Thánh Tông cùng với Hội Tao Đàn. Sách do người đời sau tập hợp, biên soạn trong đó không ghi rõ tên riêng từng tác giả nhưng căn cứ văn bản, rất nhiều bài là của Lê Thánh Tông. Tác phẩm gồm 328 bài với năm môn loại: Thiên địa môn (môn loại về trời đất) gồm 59 bài vịnh về Tết Nguyên Đán, vịnh bốn mùa, vịnh mười hai tháng, vịnh năm canh, vịnh trăng, Vịnh Hằng Nga. Nhân đạo môn (môn loại về người) gồm 46 bài phần lớn viết về các nhân vật lịch sử và truyền thuyết. Phong cảnh môn (môn loại về phong cảnh) gồm 66 bài viết về phong cảnh thiên nhiên cả Đại Việt và Trung quốc. Phẩm vật môn (môn loại về phẩm vật) gồm 69 bài vịnh phong, hoa, tuyết, nguyệt; cầm. kỳ, thi, họa cùng các loại cây tùng, cúc, trúc, mai và cả ngư tiều canh mục. Nhàn ngâm chư phẩm (ngâm vịnh lúc thanh nhàn) gồm 88 bài và một số bài không xếp vào môn loại nào... Hiện Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu giữ và trưng bày cuốn Hồng Đức quốc âm thi tập của Nhà xuất bản Văn học năm 1982.

Thơ văn Lê Thánh Tông có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Qua thơ ông, chúng ta thấy một nhân cách lớn, một tâm hồn gắn bó
mật thiết với nhân dân, đất nước, có tinh thần dân tộc sâu sắc, nêu cao truyền thống anh hùng của
ông cha. Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính xác và đầy đủ thơ Nôm của Lê Thánh Tông nhưng bài văn Nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn có thể coi là bài văn biền ngẫu có giá trị nhất của nước ta ở thế kỷ XV. Tác phẩm không chỉ ghi chép thơ văn, mà còn ghi cả lý luận phê bình văn học, kinh tế, quan chế... Việc vua Lê Thánh Tông khuyến khích các quan lại và tự mình tích cực sử dụng chữ Nôm đã thể hiện lòng tự tôn và ý thức tự cường dân tộc. Ông tự hào về bản thân: ”Trống dời canh còn đọc sách,/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu” (Vịnh năm canh). Những bài thơ Nôm của Lê Thánh Tông viết về nhiều đề tài khác nhau đã góp phần tạo nên vẻ đẹp phong phú thơ văn của ông và thơ Đường luật của triều đại Hậu Lê. Đọc thơ ông, người ta thấy được khí phách cả một thời đại và dân tộc đang vươn lên, đầy hào sảng.

  1. Trong số hơn ba trăm bài thơ Nôm thuộc tác phẩm của Lê Thánh Tông, có áng thơ ít người biết đến là bài Vịnh Hòn Cóc. Theo tư liệu của tác giả Trần Trọng Dương cùng quá trình biên soạn cuốn sách Văn học biển đảo Việt Nam tổng tập, ông phát hiện ra “Ba bài thơ Nôm của vua Lê Thánh Tông về biển đảo Quảng Ninh” (CAND ngày 24/5/2020). Sở dĩ như vậy bởi nó không nằm ở chính văn mà được dẫn trong phần chú thích trong ”Hải Dương phong vật chí” - một cuốn sách địa chí được khắc in vào đầu thời Nguyễn. Trong đó tôi tâm đắc hơn cả với bài Vịnh Hòn Cóc, phiên âm như sau: 

 

VỊNH HÒN CÓC

 

Chẳng dái (sợ) ai mà mọc giữa đàng,

Hiệu là Hòn Cóc trấn bên giang.

Nổi thè lè trên mặt nước,

Ngồi chầu hẫu ở trong hang.

Trên xuôi coi xuống thù hàm ếch,

Dưới ngược trông lên tỏ chẫu chàng.

Vực nước đã an, ruồi muỗi lánh,

Lọ phiền quân kiến dám bò ngang.

Bài thơ cho thấy tình cảm yêu mến, tâm trạng vui thích, hứng khởi của thi nhân trước hình dáng lạ kỳ, độc đáo của hòn đảo nhỏ hình con cóc ở vùng biển ở tỉnh Quảng Ninh nước ta. Hòn Cóc hay hòn Con Cóc nằm trong khu vực vịnh Hạ Long, cách cảng Bãi Cháy 12 km về phía Đông Nam, cách bến tàu Tuần Châu khoảng 18 km. Đảo cao 9 mét, trông giống như hình thù một con cóc ngồi giữa vùng nước biển trong xanh, xung quanh còn rất nhiều đảo lớn nhỏ khác nữa. Bài thơ được trình bày dưới hình thức thất ngôn bát cú luật Đường. Cảm hứng xuyên suốt toàn bài là tình cảm yêu mến, tâm trạng vui thích, thú vị của thi nhân trước hình dáng lạ
kỳ, độc đáo của hòn đảo nhỏ hình con cóc nơi đây. Thi phẩm được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú Đường luật chen lục ngôn.

Hai câu phần đề giới thiệu rõ vị trí và tên của hòn đảo: 

“Chẳng dái (sợ) ai mà mọc giữa đàng,

Hiệu là Hòn Cóc trấn bên giang”.

Cóc vốn là danh từ chỉ loài động vật lưỡng cư không đuôi, da sần sùi. Những câu thơ mang dấu ấn thời gian bởi sử dụng những từ rất cổ xưa. Ở đây, thi nhân không chỉ hứng thú với vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn thổi hồn vào cảnh vật khiến cho đảo Hòn Cóc cũng có tính cách và tâm trạng như một sinh thể. Hòn đảo ấy có thái độ tự tin vào bản thân, chẳng sợ ai, đường hoàng trấn giữ nơi mặt nước, ngay trên con đường tàu thuyền ra biển thường
qua lại. Trong văn hóa dân gian Việt Nam những câu chuyện và thành ngữ về cóc có khá nhiều như: “Cóc kiện trời”, “con cóc là cậu ông trời” hay cụm từ “gan cóc tía” đã ghi nhận và khẳng định tính cách gan dạ, can trường của cóc so với các loài vật khác được tác giả vận dụng điều đó trong thơ rất tự nhiên.

Bốn câu phần thực và luận cùng miêu tả đặc điểm hình dáng, tư thế của đảo Hòn Cóc khi quan sát từ xa đến gần. Phần thực viết:

“Nổi thè lè trên mặt nước,

Ngồi chầu hẫu ở trong hang”

Mạch thơ trong bài đang thất ngôn, bất ngờ chuyển sang lục ngôn, buộc người đọc chú ý. Mặt khác, tác giả đã sử dụng từ láy và phép đối trong thơ rất tài tình. Từ láy “thè lè” nghĩa thông thường chỉ hành động đưa lưỡi ra ngoài miệng. Còn ở đây tác giả dùng để tả tư thế, hình dáng của hòn đảo nổi trên mặt nước. Tiếp đó là tính từ ”chầu hẫu” gợi tả dáng ngồi chầu chực sẵn bên cạnh, chăm chú ngóng chờ, quan sát hoặc hóng chuyện trong hang động. Dường như Hòn Cóc đang chờ nghe thiên nhiên vịnh Hạ Long kể những câu chuyện kỳ thú. 

Trên xuôi coi xuống thù hàm ếch,

Dưới ngược trông lên tỏ chẫu chàng”

Phần luận vẫn tiếp nối ý thơ tả hình dáng đảo Cóc ở những góc độ quan sát khác nhau. Từ đỉnh hòn Cóc nhìn xuống, đảo chẳng khác gì hàm của một chú ếch khổng lồ. Ngược lại từ dưới trông lên, đảo có dáng hình của một chú chẫu chàng cực đại. Với bốn câu thơ giữa bài, sử dụng phép đối xứng hài hòa, cân chỉnh, những từ láy được dùng đắc địa, thi nhân như tạc bằng ngôn từ giúp người đọc hình dung rất rõ nét và cụ thể về đảo Hòn Cóc. Hãy để ý tinh một chút, ta thấy tác giả đã rất tài tình trong việc tận dụng tối đa các từ thuần Việt, sử dụng các âm hưởng quen thuộc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động trong việc chơi chữ. Điều này còn được thể hiện tiếp trong những câu thơ cuối.

Hai câu phần kết: 

Vực nước đã an, ruồi muỗi lánh,

Lọ phiền quân kiến dám bò ngang.

Về nghĩa thực, phần thơ có sự khái quát cảnh quan thiên nhiên nơi đảo Cóc. Đây là một vùng vịnh bình an, thanh sạch, các loài côn trùng sâu kiến phải lánh xa, ruồi muỗi nể sợ cũng chẳng dám ngang ngược. Bên cạnh nghĩa tả thực, ý thơ còn hàm ẩn: khi chính quyền nhà nước phong kiến đã thu phục được bách tính, những đối tượng trước đây có ý đối kháng giờ đây phải tạm lánh, những kẻ đã từng phản phúc giờ đây phải thần phục. Điều thú vị là nhà thơ khéo vận dụngnhững các từ ngữ chi họ hàng nhà cóc vào bài: chẫu chàng, ếch đối lập với các con vật liên quan như ruồi, muỗi, kiến. Điều này, mấy thế kỷ sau được bậc danh nhân nữ lưu kỳ tài Hồ Xuân Hương kế thừa và phát huy rất xuất sắc trong thơ.

Cũng cần nói thêm là: sự đối lập giữa cóc với ruồi muỗi xuất phát từ thực tế trong cuộc sống được khái quát cao thành sự đối lập giữa người ngay thẳng và kẻ sống chui rúc, giữa bậc chính nhân quân tử và kẻ hèn hạ tiểu nhân, giữa người chính nghĩa và kẻ phi nghĩa.

Toàn bài ngôn ngữ thơ có ý nghĩa và khẩu khí của bậc đế vương - một đấng minh quân khiến những kẻ có lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ như bóng tối phả tự thu mình mà thuận theo ánh dương tỏa sáng. Đó là quy luật cuộc sống.

Có thể nói Đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên đã dùng thể tài vịnh cảnh vật, ngôn ngữ thơ nhiều khi rất bình dị, gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động nhưng có ý nghĩa sâu sắc ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên non kỳ thủy tú của đất nước Đại Việt. Bài thơ khiến chúng ta càng thêm kính trọng, yêu quý, cảm phục vị vua toàn tài và càng thêm yêu cảnh vật non sông đất nước Việt Nam thân yêu.

 

Hà Nội Xuân 2023

anh_cua_trung_nguyen_11

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 81
Trong tuần: 842
Lượt truy cập: 435370
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.