Trần Ngọc Dương
THIẾU MỘT BÔNG HỒNG
(Cho ngày lễ Vu Lan)
Vào lần sinh nhật thứ mười chín, tôi nhận được giấy gọi Đại học. Cũng dịp này, tôi nhận được lời tỏ tình từ anh. Và tôi cũng nhận được một bó hoa hồng nhung chỉ có mười tám bông! Tôi đã cố gắng mong tìm ra được một cái cớ để lý giải cho sự kiện trên. Song càng tìm, tôi càng sa vào sự rối rắm của những chuỗi câu hỏi: Tại sao lại thiếu một bông hồng? Tại vì sao? Tại sao???
Mọi năm, tôi thường đặt làm sinh nhật ở những nhà hàng sang trọng. Lần này, tôi hăm hở lo tổ chức vào buổi tối tại nhà. Ngoài mấy đồ đặt mua qua mạng, những thứ còn lại tự tay tôi sắp xếp với sự giúp đỡ của mẹ. Tôi muốn qua bữa tiệc sinh nhật này, không những chứng minh được sự trưởng thành của mình. Mà còn muốn công khai với mọi người, mối quan hệ giữa tôi và anh.
Mười chín năm sống trong nhung lụa, bố mẹ không tiếc tôi một điều gì, họ làm tất cả vì đứa con gái duy nhất. Song tôi chẳng ỷ lại, nhõng nhẽo đòi hỏi - Đấy là tôi nghĩ như vậy - Không phụ lòng mong mỏi của các bậc sinh thành, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi luôn luôn có tên ở tốp đầu của lớp. Thường xuyên đạt các giải thưởng trong những kỳ thi học sinh giỏi. Tôi trở thành niềm tự hào của bố mẹ. Các bậc phụ huynh quen biết coi tôi như một tấm gương, cái đích yêu cầu con mình phải phấn đấu. Và anh, cũng chính là vị gia sư toàn năng đã giúp tôi có được các thành tích trên.
Nhưng chẳng có một người nào nói cho tôi biết bố mẹ anh là ai! Tôi chỉ nghe thiên hạ đồn đại: Anh được tìm thấy cùng bọc tã lót ở ngay nơi cổng chùa vào môt đêm đông buốt giá. Anh lớn lên trong tiếng chuông chùa ngân nga và được đi học nhờ những tấm lòng hảo tâm. Bạn bè của sư trụ trì đủ các thành phần, họ thường đến chùa để đàm đạo, hoặc xin ý kiến về các lĩnh vực khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Trong số họ, có nhiều người tình nguyện xin phép sư trụ trì, được góp sức lo cho anh ăn học đến nơi, đến chốn. Và bố mẹ tôi là một trong số những người đó, họ coi anh như đứa con trai của mình.
Còn tôi từ lúc sinh ra cũng là một kẻ khó nuôi, được bố mẹ cố tình mang đặt nơi cổng chùa. Khi nghe thấy tiếng khóc của tôi, anh chạy ra mở cổng. Tôi đã nín bặt lúc anh chìa tay ra bế. Khi trao tôi cho sư trụ trì, tôi đã bám chặt lấy anh chẳng chịu rời. Lúc bố mẹ vào xin lại, tôi đã òa nên nức nở khi phải xa anh. Tôi cũng trở thành kẻ ăn mày nơi cửa Phật từ ngày ấy.
Những năm học phổ thông, anh luôn đứng đầu lớp. Noi gương anh, tôi cố gắng học tập để cuối năm ôm phần thưởng và tờ giấy khen về cho mẹ và để khoe với anh. Hồi thi vào Đại học Y, anh đỗ thủ khoa. Còn bây giờ tôi kém người đứng đầu có 0,25 điểm. Tôi muốn có mặt bên anh trong cuộc đời này, với dáng ngẩng cao đầu.
Tôi yêu anh từ lúc nào cũng chẳng biết nữa. Hình như Thượng Đế sắp đặt như vậy! Hình như bố mẹ tôi cũng biết!? Song họ chỉ khuyên tôi cố gắng kìm nén tình cảm, vượt qua các kỳ thi. Đừng làm gì vội vã kẻo ảnh hưởng tới tương lai. Họ biết, cô con gái rượu tuy xinh đẹp, nhưng tương đối bướng bỉnh. Tôi thừa hưởng ở bố mẹ những gien trội nhất. Mọi người xung quanh nhận xét, tôi là đứa con gái có bản lĩnh, với cá tính khá mạnh. Khi đã xác định được mục tiêu, tôi theo đuổi đến cùng. Mẹ muốn con gái học Sư phạm, bố mong sau này có người kế tục sự nghiệp kinh doanh, tôi lại thi vào trường Y. Cả bố và mẹ hình như đều hiểu: Tôi muốn trở thành cộng sự của anh.
Tốt nghiệp Đại học, anh được bệnh viện thành phố xin đích danh. Anh có tay nghề cao, thái độ hoà nhã ân cần, được các bạn đồng nghiệp nể trọng, không từ chối nề hà công việc, thường được tham gia các ca mổ khó cùng những chuyên gia đầu ngành. Khi biết tôi cũng có nguyện vọng thi vào trường Y, anh tâm sự: Mục đích của người thày thuốc là xoá đi, hoặc giảm bớt nỗi đau của người bệnh. Muốn thế họ phải sống thật tốt, phải có một trái tim đầy ắp sự yêu thương. Họ sẽ hạnh phúc khi mang lại được những niềm vui cho cuộc đời này…
Sáng nay vừa vệ sinh cá nhân xong, chuông nhà tôi đã reo. Nhìn thấy anh, tôi vội tranh với mẹ chạy ra mở cổng, mặc đầu tóc chưa kịp trải. Thấy bộ dạng của tôi, anh cười, ngắt một dây bìm bìm bám trên trụ cổng:
- Ấy buộc tóc bằng cái này được đấy.
Tôi nguýt:
- Cái anh này, mới sáng ra đã trêu em rồi. Biết thế này em không ra mở cổng, mặc đứng ngoài đường mỏi chân thì thôi.
- Ấy không nhớ là mẹ đã đưa cho anh một bộ chìa rồi hay sao. Mà không mở khoá anh sẽ vượt rào, vào nhà theo kiểu hôm nọ ấy đã dạy anh.
Tôi vội kéo tay anh:
- Thôi vào nhà đã, mẹ đang đợi anh ở trong. Hay anh định bắt em mặc quần áo ngủ đứng làm ma nơ canh ở ngoài đường.
Lúc vào trong nhà, anh vừa dứt lời chào mẹ đã bị tôi kéo lên lầu. Tôi giật mình khi nghe tiếng anh thoảng bên:
- Anh không cùng Ấy chuẩn bị sinh nhật được rồi.
- Sao vậy?
- Ở viện hôm nay có lịch mổ cả ngày, anh phải đảm đương.
- Viện hết người rồi hay sao?
- Những người có chuyên môn trong lĩnh vực này, đều vướng việc đột xuất.
- Chỉ người ta có việc đột xuất, anh thì không.
- Anh chưa có gia đình, ít bị vướng như họ.
Tôi giận dỗi:
- Em ứ biết? Tuần vừa rồi đã hứa với em những ba lần rồi! Còn việc ở cơ quan, nếu tất cả mọi người đều bận, hoãn lại cũng được chứ sao?
- Các ca phẫu hôm nay, không thể để đến ngày mai được! Lại còn phải trực cấp cứu nữa.
Tôi quay lưng lại, ấm ức:
- Trong con mắt anh, em chẳng là gì cả.
Anh vỗ vai tôi nhè nhẹ:
- Đừng vậy mà.
Tôi hất tay anh ra, nghẹn ngào:
- Em ngốc quá, từ trước đến giờ toàn sống trong ảo tưởng.
Anh thì thầm:
- Em cứ như thế này, sao làm vợ bác sĩ được.
Tôi quay phắt lại, bối rối nhìn anh. Chẳng nhẽ đây là lời anh tỏ tình?! Tôi chợt nhớ lại tối qua, lúc ngà ngà đã buột miệng khi cùng lũ bạn tán về một nửa của nhau. Trong khi bon chúng đua nhau nói về “Soái ca” của mình, tôi lại im lặng. Thấy thế, các bạn đua nhau hỏi về hình mẫu tôi thích. Tôi liếc anh, dõng dạc tuyên bố: “Tao sẽ là vợ bác sĩ!”
Anh lau nước mắt cho tôi:
- Ngoan nhé! Tối anh sẽ về với Ấy.
Thấy tôi nhìn như muốn nghe lại, anh thầm thì:
- Nhớ để giành cho anh một góc bánh ga tô.
Tôi lặng lẽ gật đầu.
Vậy mà đã quá giờ hẹn hơn một giờ anh vẫn chưa có mặt. Nghe chuông réo, tôi vội vã chạy ra mở cổng. Tôi sững người khi thấy bác lái xe cứu thương ở nơi anh làm, tay ôm một bó hoa hồng đỏ đứng đợi trước cổng. Tôi lí nhí chào, bác cười nói:
- Nó đã định về, song có một ca cấp cứu từ tuyến dưới chuyển nên, phải làm phẫu thuật gấp. Nó nhờ bác chuyển bó hoa này cho cháu. Chúc cháu sinh nhật vui vẻ. Nó xin lỗi vì không thể về theo lời hẹn được. Mong cháu thông cảm.
Tôi ôm bó hoa với tâm trạng không vui. Tôi nói mệt, xin lỗi lũ bạn rồi bỏ về phòng riêng. Biết tôi buồn, đứa bạn thân nhất theo lên. Cầm bó hoa của anh tặng, tôi để trên bàn trang điểm, cô bạn thủ thỉ:
- Bó hồng nhung đẹp thật. Của chàng hở?
Tôi lặng lẽ gật đầu. Cô bạn như muốn thanh minh hộ anh, tiếp tục nói:
- Chàng bận không thể có mặt, vẫn gửi hoa về tặng. Mà chàng khéo thật, toàn hoa tươi, được chọn rất kỹ - Tôi giật mình quay phắt lại khi nghe thấy những lời tiếp theo - Mười tám đóa hồng đỏ rực.
Tôi không tin những điều vừa nghe thấy, vội giằng bó hoa từ tay cô bạn, cẩn thận đếm lại. Mừng sinh nhật lần thứ mười chín của tôi, sao anh lại tặng có mười tám bông hồng? Người bán hoa bó thiếu? Hay bác lái xe làm rơi ở đâu đó? Hay??? Tôi không sao hiểu nổi ý định của anh, phải gặp ngay để hỏi cho ra nhẽ. Nghĩ sao làm vậy, tôi lấy xe máy, để bó hoa vào rọ. Thấy thái độ khác lạ của cô con gái cưng, mẹ tôi vội hỏi:
- Con định đi đâu vào giờ này?
Tôi cố gượng, ra vẻ bình thản trả lời:
- Con có việc vào chỗ anh.
- Việc gì?
- Cần điền gấp vào hồ sơ một số điều, con chưa hiểu phải hỏi anh.
- Mai không được hay sao?
Tôi chống chế:
- Sáng mai phải nộp rồi.
- Thế thì đi luôn đi. Chắc hôm nay có việc cần nên nó chưa kịp về. Tiện thể cầm cho nó một góc bánh ga tô, nhỡ đêm nay phải trực còn có cái mà ăn. Đi rồi về ngay nhé, kẻo mẹ mong.
- Mẹ an tâm đi, từ đây đến viện chưa đầy ba cây số, đường phố đèn cao áp sáng như ban ngày, xong việc con về luôn.
Những người bảo vệ bệnh viện quen thuộc, thấy tôi xuất hiện dẫn xuống căn phòng riêng của anh nằm cạnh khu vườn thuốc nam:
- Cô đợi Bác sĩ một tẹo, ca mổ chắc cũng sắp xong rồi.
Tôi đưa mắt ngắm căn phòng quen thuộc, lọ hoa hồng trắng để trên bàn làm việc, mới cắm từ ngày hôm trước đang toả hương êm dịu. Đã dặn phải bổ sung nước thường xuyên, vậy mà anh vẫn cứ quên. Tôi cầm lọ hoa vào phòng vệ sinh thay nước, cắm lại. Đang lúi húi lau bàn, xếp lại mấy quyển sách, tôi vội dừng tay khi nghe tiếng anh:
- Khuya rồi, em tới làm gì?
Tôi im lặng, anh nói tiếp:
- Mẹ cô bé này nhập viện với tình trạng rất xấu. Phải mổ ngay mới cứu được tính mạng.
Tôi vội ngẩng đầu lên nhìn. Một cô bé quãng mươi tuổi đứng cạnh anh, ngơ ngác nhìn tôi. Không hề để ý đến thái độ của tôi, anh say sưa:
- Bố đóng quân ở ngoài Trường Sa, họ hàng không ở gần. Một mình cô bé theo xe cấp cứu đưa mẹ tới đây.
Thấy tôi chăm chú nhìn đóa hồng nhung cô bé cài trên ngực áo, anh thanh minh:
- Em xem, mẹ chuẩn bị vào phòng mổ, con còn định ra phố tìm mua hoa hồng. Lần đầu tiên đến thành phố này, ai dám để cô bé đi một mình. Mà tối rồi, tìm đâu ra hoa hồng nhung để mà mua cơ chứ.
Tôi tò mò:
- Để làm gì?
- Cài trên ngực áo!
- Sao anh không lấy một bông trong lọ?
- Ở đấy toàn hoa hồng bạch, không cài được. Anh bèn lấy một bông trong bó hoa tặng em, đưa cho cô bé.
Tôi kinh ngạc:
- Sao không cài được? Sao anh lấy hoa tặng sinh nhật em trao cho người khác?
Anh thầm thì:
- Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, những đứa con có hiếu đều cài lên ngực mình một bông hồng để tỏ lòng biết ơn công sinh thành của người mẹ. Ai còn mẹ, sẽ cài lên ngực áo của mình một bông hồng màu đỏ. Còn ai mất mẹ, sẽ cài hoa trắng. Tối hôm nay, mẹ cô bé này phải mổ cấp cứu. Cô bé rất cần một bông hồng màu đỏ để cài trên ngực áo. Chắc em cũng như anh, chẳng thể nào từ chối được nguyện vọng này.
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi nhận được lời tỏ tình chưa hề thấy ghi trong sách vở nào.
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi được người yêu tặng bó hồng thiếu một bông.
Và kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi hiểu thêm ý nghĩa của những bông hồng cài trên ngực áo trong ngày lễ Vu Lan.
T.N.D
Người gửi / điện thoại
Sau ý kiến đề xuất mời các bạn đọc hưởng ứng gửi tác phẩm về đề tài tuần lễ Vu Lan. BBT nhận ngay được một truyện ngắn của nhà văn Trần Ngọc Dương từ Quảng Ninh gửi về. Truyện ngắn "Thiếu một bông hồng". Một truyện tuy ít chi tiết nhưng tính khái quát rất cao - Phải nói đây là một truyện ngắn hay! Mời các bạn theo dõi và tiếp tục gửi tác phẩm tham gia!
Trả lời