Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THI PHÁP TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

Vũ Thảo Ngọc

ĐÔI ĐIỀU VỀ THI PHÁP TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA PHÙNG VĂN KHAI

     Bái phục về sức lao động nhà văn

   Đầu năm 2020 tôi nhận điện thoại của Phùng Văn Khai, chị ở đâu, qua em tặng cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa in là Nam đế Vạn Xuân, đến giữa tháng 5/2020, Phùng Văn Khai lại alo, chị ở đâu đến em tặng chị tiểu thuyết lịch sử Triệu Việt Vương đã in xong! Thú thực, tôi chưa kịp định hình, Khai đã nói tiếp, ba tháng nghỉ giãn cách xã hội vì virut corona em hoàn thiện đó. Tôi thật sự bái phục Phùng Văn Khai, nhà văn trẻ hiện đang là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, người bạn đồng môn Khóa 6, Trường Viết văn Nguyễn Du với tôi.

    Tôi nhớ cách nay đã ngót mười năm, Phùng Văn Khai tặng tôi cuốn tiểu thuyết có tên Hư thực (Hư thực, tiểu thuyết, NXB Văn học - 2008) bạn nhờ đọc cho ý kiến luôn. Thông thường tôi cũng không mất nhiều lắm thời gian cho một cuốn sách đọc nghiêm túc để viết giới thiệu. Nhưng quả thực, điều này lại trở nên quá khó đối với tôi khi đọc Hư thực - thất bại vì kiểu đọc cổ điển của mình, suy nghĩ cổ điển của mình về... tác giả…quá thuộc nhau, thuộc hết về cái tình bè bạn, về phong cách viết, nên tôi đã hơi chủ quan và, phải thốt lên: bất ngờ và ngạc nhiên khi đọc xong Hư thực. Bởi lẽ những truyện ngắn của Phùng Văn Khai được in tập này tập kia thời gian qua đã cho thấy bút pháp khá dồi dào của nhà văn trung uý bây giờ đã vượt lên nhà văn binh nhì năm nào cách nay tròn mươi năm một khoảng cách đáng nể...  Đến bây giờ tiểu thuyết Hư thực là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Khai thực sự làm cho tôi ngạc nhiên về sức sáng tạo của Phùng Văn Khai. Nó vừa mang vẻ hiện thực, lại mang hơi hướng lối viết Liêu Trai của Trung Hoa. Nó mang vẻ hiện thực nhưng lại giấu trong đó niềm đau quặn thắt của khát vọng CON NGƯỜI.

   Tôi đã ám ảnh con số ba mà Khai đề cập trở đi trở lại trong cuốn Hư thực, "con mắt thứ ba của y được lặp đi lặp lại từ đầu cho tới cuối sách, khái niệm "ba đêm"... là câu kết của cuốn sách, và hình như chàng trai đất Hưng Yên sinh năm bảy ba chăng mà nên duyên nghiệp với con số ba trở đi trở lại như một ẩn ức nghệ thuật, để tác giả thăng hoa vung bút theo lối riêng của mình suốt hơn hai trăm cuốn tiểu thuyết Hư Thực. Thứ nhất, với cách tiếp cận hiện đại, thể hiện bằng hình thức nghệ thuật hiện thực huyền ảo cuốn tiểu thuyết đã thực sự chinh phục người đọc. Thứ hai những vấn đề Phùng Văn Khai tiếp cận đó chính là những vấn đề khá mới của làng quê Việt Nam với những cảnh dở khóc dở cười...ấy là Hư thực của hơn mười năm trước.vuacon

    Và thời gian thấm thoát trôi qua mười năm nữa, Phùng Văn Khai tiếp tục cho ra mắt cả chuỗi những tiểu thuyết lịch sử. Bắt đầu là tiểu thuyết Phùng Vương, xuất bản năm 2015 cuốn sách với nhiều tham vọng được cống hiến của nhà văn mang dòng máu họ Phùng lẫm liệt, cuốn sách đã đi cùng các hoạt động lớn của họ Phùng Việt Nam được giới thiệu và hội thảo khoa học nghiêm cẩn về họ Phùng ở Việt Nam. Rồi chúng tôi đã tham dự buổi tọa đàm giới thiệu về tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương tại Đại học văn hóa Hà Nội với nhiều bài viết của các học giả, các nhà phê bình, nhà văn trong và ngoài quân đội đánh giá nhận định tốt về cuốn tiểu thuyết này vào tháng 4/2019.

   Mỗi cuốn sách không chỉ là độ dày của số trang mà đều chứa đựng những thông điệp lịch sử giá trị từ Phùng Vương đến Ngô Vương viết về sự khởi phát của những ông Vua mang họ Phùng, họ Ngô, họ Lý…oanh liệt một thời, đến Nam đế Vạn Xuân là sự khởi phát của nhà Lý, giờ đến Triệu Việt Vương…

   Cách truyền tải thông điệp lịch sử của Phùng Văn Khai khá nhuyễn, tôi cứ mường tượng tác giả sẽ bị lặp lại đâu đó, vì lịch sử của thời quân chủ Việt Nam cũng nhiều kỳ bí huyền thoại và cũng nhiều những sáng tạo vô song chỉ có ở người Việt Nam mới tạo ra những bước ngoặt lịch sử ấy. Cách tiếp cận tư liệu lịch sử chính thống và dã sử, Phùng Văn Khai đã khai thác triệt để. Mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai nặng về số trang, cuốn nào cũng quãng ngót 500 trang in khổ lớn. Sự kiện thông qua ngôn ngữ của khát vọng chữ nghĩa của tác giả trưnglên cứ ngồn ngộn và ngồn ngộn những vấn đề lịch sử của dân tộc Việt Nam từ ngàn năm qua cứ đan chéo, cứ trồi lên những khát vọng chiến thắng, khát vọng sống cực kỳ mãnh liệt. những đáng quân vương có dòng dõi xuất thân từ những thôn làng nghèo khó, đại diện tiêu biểu của dân tộc có nền văn minh lúa nước phát triển từ ngàn năm qua. Mỗi cuốn lịch sử là hàng trăm nhân vật vua qua với triều chính, dân thường với vận mẹnh quốc gia đã hiển hiện một tinh thần Việt luôn bách chiến, bách thắng., một dân tộc quật cường chống chọi lại rất nhiều lần với một thứ bất biến là “giặc phương Bắc”! Mỗi triều đại đi qua lại để lại cho chúng ta những cảm xúc đặc biệt theo chân các vị đế vương đất Việt của từng thời đoạn lịch sử.

 

Thi pháp và ngôn ngữ trong bộ tiểu thuyết lịch của Phùng Văn Khai

       Về thi pháp tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai, tôi thấy thi pháp và ngôn ngữ của Phùng Văn Khai trong các cuốn tiểu thuyết lịch sử này bị lệ thuộc quá nhiều theo lối viết “chương hồi” của tác giả văn học cận cổ Trung Hoa. Là ngôi xưng với các cổ tự như tại hạ, sư phụ, tiểu tử, tiểu tăng, đại vương...với các tên nhân vật dùng họ gọi thay tên là phổ biến, với các vùng đất ai đó là chủ nhân thì gọi họ thành tên như Lý gia trang, Trương tổng quản, hương trưởng phụ lão… đối với công việc cụ thể của nhân vật làm công việc đó…

       Các chi tiết lịch sử có lẽ chỉ là một dòng trong các cuốn biên sử rất mỏng manh về thời đại đó, hoặc các câu chuyện dã sử từ cậu bé Lý Bí đến cahfgn thiếu niên ngô Quyền có cốt cách hiển hiện từ bé xíu thì Phùng Văn đã khéo léo vận công để đẩy lên những chiến công to lớn của các ông vua vào bậc minh quân sau này. Đó là những cách đi riêng của tác giả. Đọc Ngô Vương hay Nam đế Vạn Xuân đến Triệu Việt Vương… thì cách viết của nhà văn gần như cách bố cục tiểu thuyết dã sử, lịch sử theo lối chương hồi của Trung Hoa xưa như đã nói ở trên. Tôi có cảm giác tác giả như chưa “thoát được” cái ách quen thuộc của thể loại viết theo kiểu chương hồi” cũ kỹ kia, câu hỏi đặt ra, tại sao tác giả dám dấn thân vào đề tài khó nhằn này, mà không dấn thân thay đổi thi pháp viết! Và, tôi nhận ra, hình như, tác giả đã cố tình lựa chọn cách viết như một công thức có tên chương hồi” để dễ bề xxoay xỏa những năng lượng mà tác giả đang có, đang cần bung ra. Ở Ngô vương có đến 18 Hồi, ở Nam đế Vạn Xuân có 15 Hồi. Mỗi Hồi đều được mở đầu bằng các câu thơ đầy ẩn ý, theo cách của loại sách lịch sử cổ đại Trung Hoa. Như ở Hồi Thứ nhất của Ngô Vương là: “Dương Đình Nghệ thân chinh Bắc phạt/ Lý Khắc Chính binh phạt Giao Châu”, ở Hồi Thứ Nhất của Nam đế Vạn Xuân đươạc mô phỏng: “Rừng Hắc Lâm hổ vàng rơi giọt lệ/Chùa Cổ Pháp thiền sư nhận học trò”. Nếu ai đã từng mê các loại sách dã sử, kiếm hiệp của Trung Hoa xưa, cứ theo hai câu đề tựa này ta sẽ đi theo đến cùng sự kiện sẽ diễn ra như thế nào sẽ có cuối cùng của Hồi là “xem hồi sau sẽ rò… Một cách lặp lại có vẻ lười nhác của tác giả, tôi nghĩ thế. Chuỗi chi tiết lấy từ trong tư liệu về các nhân vật anh hùng xưng vương một thời đại nào đó, nhà Đinh, nhà Ngô, nhà Lý…đều có những phác họa sinh động và thuyết phục. Các câu chuyện được tái hiện ở góc nào đó theo tôi là thành công, nhưng về cách viết, về thi pháp tôi thấy Phùng Văn Khai đã bị chi phối ở thể loại mà các nhà văn cận cổ Trung Hoa đã cày nát cả rồi.

       Vì thế, tôi thấy về mặt thi pháp Phùng Văn Khai đã cũ quá, ngôn ngữ và thi pháp thể hiện đều theo lối “chương hồi” ấy, khiến loại độc giả như tôi đã có định kiến không thể tiếp nhận được loại hình sáng tác đó thấy hẫng, thấy tiếc khi giá mà, cũng nguồn tư liệu này, Phùng Văn Khai mạnh dạn viết bằng ngôn ngữ thuần Việt, tại sao không viết lại theo lối chương hồi cũ kỹ lắm rồi kia…Cái cũ bị bó hẹp vào lối viết lịch sử và dã sử của các tác giả Trung Hoa trong văn học cận cổ. Dù vẫn biết, cái lối viết chương hồi có nhiều độc giả vẫn say mê, vẫn bái phục các nhà văn dùng thủ pháp đó, họ đã thành công và hiện nay vẫn chinh phục một bộ phận khá đông đảo độc giả yêu thể loại viết như thế. Nhưng ở đây, cá nhân tôi muốn nói đến sự sáng tạo của Phùng Văn Khai, tại sao không lựa chọn phương pháp tiếp cận mang phong cách Việt, mang hơi hướm Việt mà cứ phải dựa vào lối viết, vào thi pháp đã quá cũ, mòn như đã nói ở trên. Tôi là độc giả không thích đi theo lối thi pháp đó, nó kể lê dông dài, nó mang hơi hướm của người khác. Đọc những trang văn của nhà văn Việt cứ ngỡ như đọc của nhà văn cổ cận Trung Hoa. Câu chuyện vì thế cũng bị cuốn theo những điều hư thực. Cứ luôn phải đặt câu hỏi tên ông tướng này, tên ông quan kia là ta hay thù. Những cái tên và phong cách nhân vật được mô tả cũng giông giống nhau.

   Hãy nghe Phùng Văn Khai khắc họa về một nhân vật trong Ngô Vương ở Hồi thứ Nhất: “…Ngô Quyền khi mới sinh đã có điềm lạ trời ban…” Khi Ngô Quyền theo lệnh cha vợ là tướng quân Dương Đình Nghệ mang thư hàng - thực ra là giả hàng -  đối mặt với Lý Trí Thuận và hình dung ra diện mạo của vị tướng trẻ mưu lược hiên ngang, ngạo nghễ, để đám thuộc hạ của Lý Trí Thuận phải loạng choạng lùi lại khi Ngô Quyền bình thản nói: “Để ta tự đi cũng được rồi! Xin anh em chém cho gọn một nhát ta đây biết ơn lắm”. Vì thái độ ngạo nghễ đến bình thản đón nhận cái chết như thế mà Lý Trí Thuận đã nói lớn từ trong trướng phủ với thuộc hạ: “Mau dừng tay! Tráng sĩ đây quả không nhục mệnh chủ. Mau bày tiệc để ta trò chuyện với con rể Dương công. Mai này mọi việc ở Giao Châu tất phải nhờ cậy vào cha con họ Dương rồi…” Và đó có thể nói đây là chiến công lớn, thể hiện chí khí của đấng quân vương sau này là Ngô Quyền với cha vợ là tướng quân Dương Đình Nghệ. Ở đây chúng ta thấy rõ vai trò của nhà văn đã khắc họa được cốt cách tinh thần Việt thông qua các nhân vật về chiến lược “lấy yếu thắng mạnh”, dùng tất các mưu mẹo, mưu lược để chống lại muôn hình vạn trạng dã tâm của kẻ thù “phương Bắc”!  Một thông điệp rất có ý nghĩa để gửi lại những thế hệ sau về những bài học lịch sử vô giá của cha ông ta chống giặc ngoại xâm như thế nào…Tôi đặc biệt ấn tượng những trang nhà văn đặc tả cách đánh giặc của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng bằng cọc gỗ (Hồi thứ Mười Lăm) …

     Hãy nghe Phùng Văn Khai khắc họa một nhân vật ở Nam đế Vạn Xuân ở Hồi thứ Nhất, tr28 về nhân vật Lý Bí khi trẻ: “…Xung quanh đầy vết chân cọp khiến mọi người lo lắng. Duy chỉ thứ tử Ly Bí không tỏ vẻ gì sợ hãi, cậu còn nhìn thẳng vào đám vết chân cọp in hình trên nền đất với vẻ mặt thoáng đanh lại. Có lẽ nào cơ duyên run rủi cho Lý gia có bước khởi phát phi thườngg chăng? Hôm trước, khi ở với sư huynh, xem tuổi cho thứ tử Lý Bí ngài đã phán bảo sau này chắc chắn có sự khác thường.” … Và nhân vật huyền thoại Lý Bí đã hiện ra với một tầm vóc của đấng bình định thiên hạ mang cốt cách của những bậc tiên thánh, hoàn hảo và kiêu hùng trogn sự nghiệp chống giặc phương bắc để lập nên triều đại nước Việt mới thịnh vượng thái bình bờ cõi nước Nam “…chân long hiển lộ, tay nắm càn khôn, thân làm những việc kinh thiên động địa…”, nhà văn khắc họa Lý Bí ở Hồi thứ Tám, tr258…

   Ở góc độ nào, nhà văn Phùng văn Khai cũng cố gắng dốc hết năng lực sáng tạo để đẩy các nhân vật lịch sử đến trọn vẹn của sự hoàn hảo. Một cách tôn vinh các anh hùng dân tộc, các vị minh quân ở các triều đại quân chủ Việt nam mà ít có các nhà văn đương đại đầu tư về đề tài này như nhà văn Phùng Văn Khai. Cá nhân tôi thật sự bái phục sự lao động bền bỉ của nhà văn rtả Phùng Văn Khai với đề tài lịch sử được văn học hóa như thế này. Dung lượng các cuốn sách cho thấy Phùng Văn Khai đã lưaạ chọn cho mình một lối đi riêng đầy thử thách, sự thành công là ít có được, vì thể tài này là thể tài lựa chọn độc giả…

   Và thay cho lời kết, tôi xin trích câu trả lời của nhà văn Phùng Văn Khai trong bài phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân onlie ngày 6/12/2018, tại sao nhà văn trẻ lại chọn đề tài lịch sử: “…Viết về lịch sử rất khó. Có người lộn trái lịch sử khiến người đọc mất phương hướng. Một số nhà văn ở hải ngoại là như vậy. Họ lợi dụng, đào sâu những khúc quanh, những giai đoạn lịch sử rối ren của dân tộc để viết, đi quá giới hạn cần thiết. Họ bị bạn đọc phản ứng, bạn đọc chân chính không thích. Ngược lại, cũng có nhà văn khi viết đề tài lịch sử thì rụt rè quá, viết theo lối tô hồng lịch sử, chỉ tốt không xấu, chỉ hay không dở, chỉ hào quang chứ không thấy mặt tối. Trong khi mỗi nhân vật lịch sử đều là một con người với đầy đủ tính cách phức tạp, bên cạnh cái anh hùng thì họ có những cái đời thường, bên cạnh thành công vì đại nghĩa thì cũng có thể họ có những mưu mô, thủ đoạn khiến đời sau lên án. Ví dụ nhân vật Trần Thủ Độ, ông gây dựng triều Trần và mở ra một thời kỳ rực rỡ của lịch sử dân tộc, nhưng ông cũng đã thực thi chính sách giết hại gần hết hậu duệ triều Lý. Về ý này thì đời sau phê phán ông nhiều, nhưng cũng phải thấy là triều Trần vừa lập nước thì giặc Nguyên Mông ngấp nghé bờ cõi, nếu nội bộ vẫn lục đục, tương tàn thì làm sao lo chống giặc ngoại xâm được. Cho nên, trong trường hợp này thì việc nước là việc chung còn việc gia tộc là riêng, giữa được mất của nước và được mất của một gia tộc thì việc nước lớn hơn. Giờ với độ lùi của lịch sử thì chúng ta nhìn việc này rõ hơn, có cái thông cảm cho Trần Thủ Độ hơn…”

V.T.N

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 43
Trong tuần: 697
Lượt truy cập: 415025
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.