Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THÊM MỘT CÔNG TRÌNH...

Trần Đăng Suyền

THÊM MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU MỚI VỀ MA VĂN KHÁNG

          Ma Văn Kháng là cây bút lớn, là nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam đương đại. Tên tuổi và những tác phẩm của ông từ lâu đã trở nên quen thuộc với những nhà lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học, với đông đảo bạn đọc thuộc nhiều thế hệ. Cho đến nay, đã có hơn 200 công trình lớn nhỏ nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của ông. Nhưng, như một hiện tượng, một quy luật tất yếu, với những sáng tác của các cây bút tài năng, những công trình nghiên cứu về họ không bao giờ khép lại mà vẫn luôn mở ra, mời gọi sự nối tiếp, sự suy nghĩ tiếp, suy nghĩ mới. Nó như những người đẹp, đầy hấp dẫn, đang đợi chờ những người có tâm, có tài gặp gỡ, giao lưu, tiếp nhận. Thành ra vừa bất ngờ mà cũng là lẽ đương nhiên, Nhà xuất bản Văn học đầu năm 2024, vừa mới tung ra cuốn chuyên luận Ma Văn Kháng: Thành tựu – Thi pháp – Đẳng cấp văn chương của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu.  

screenshot_1355

          Tác giả của công trình mới về Ma Văn Kháng là Phạm Ngọc Chiểu. Ông được người đọc biết đến, trước hết và trên hết, như một cây bút văn xuôi, đã có những tác phẩm đạt được giải thưởng cao quý, găm được vào trí nhớ của người đọc. Những ai quan tâm đến văn học còn biết thêm một Phạm Ngọc Chiểu với những bài phê bình, nghiên cứu văn học. Ông viết về nhà văn Trần Chiểu, về nhà thơ Mai Phương, về truyện ngắn của Trần Dũng, về nhà thơ Thanh Ứng, về thơ và công trình nghiên cứu của Anh Chi, về nhà thơ Phạm Trọng Thanh… Bài Phạm Trọng Thanh, nhà thơ chính danh của ông đăng trên báo Văn nghệ số 42, ra ngày 15/10/2022, là bài viết vừa tinh tế vừa sâu sắc về một nhà thơ thành Nam đồng hương với ông. Ngòi bút phê bình của Phạm Ngọc Chiểu có cái thế mạnh của một người sáng tác, vừa am hiểu những chuyện bếp núc của văn chương, vừa có cái trực cảm, tinh tường mà không phải nhà nghiên cứu văn học nào cũng có được.

          Nhưng đó mới chỉ là những tiểu luận, những bài phê bình, nghiên cứu văn học. Vẫn biết rằng, viết được một bài phê bình, nghiên cứu văn học hay, khó lắm thay! Như người sáng tác, viết được một truyện ngắn xuất sắc, để đời. Đằng này lại là chuyên luận. Mà chuyên luận – một công trình nghiên cứu một cách có hệ thống về một vấn đề chuyên biệt – lại càng khó hơn. Cũng như có nhà văn viết hay, thậm chí rất hay về truyện ngắn nhưng không thể viết được tiểu thuyết, nói cho chính xác hơn là nếu có viết tiểu thuyết thì tác phẩm đó lại không hay, lại xoàng xĩnh. Đó là vấn đề sở trường, vấn đề của tài năng. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Dân, một nhà lý luận văn học nổi tiếng thì, trong giới khoa học, “chuyên luận” được coi là thành tựu cao cấp của một nhà nghiên cứu. Công trình Ma Văn Kháng: Thành tựu – Thi pháp – Đẳng cấp văn chương của Phạm Ngọc Chiểu, không thể nào khác được, theo cái chữ mà anh thích dùng, “chính danh” là một chuyên luận.                                                                             

k1600_img_2178

          Phạm Ngọc Chiểu quan niệm: “Viết văn là bày tỏ sự nhìn nhận, nghĩ suy của người viết về con người và thời cuộc. Phải trung thực, có trách nhiệm và lương tâm trong sáng khi cầm bút mới mong viết được tác phẩm hay và có ích…” (Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, in lần thứ IV, Hà Nội, 2010, tr. 823). Đúng vậy, bằng sự trải nghiệm, chiêm nghiệm của một người cầm bút, Phạm Ngọc Chiểu đã đúc rút được về nghề văn như vậy. Ở đây, ông đã chạm được vào những nguyên tắc cơ bản của sáng tác văn chương. Rằng chỉ khi nào nhà văn có cái nhìn riêng về hiện thực và con người (ông gọi là “sự nhìn nhận, suy nghĩ của người viết”); rằng nhà văn cần phải “trung thực, có trách nhiệm và lương tâm trong sáng” khi cầm bút thì mới có thể sáng tạo ra những “tác phẩm hay và có ích”. Phạm Ngọc Chiểu đã mang cái quan niệm đúng đắn ấy cùng với những tri thức về văn chương nghệ thuật mà ông chắt lọc được, đã mang sự từng trải về đời về văn của ông để soi vào sáng tác của nhà văn Ma Văn Kháng. Đặc biệt, ông đã đồng cảm, đã đem theo cả trái tim chân thành của một kẻ liên tài để đi vào thế giới nghệ thuật của một nhà văn vừa có tâm vừa có tài, tầm cỡ, thật là tầm cỡ, là Ma Văn Kháng.

          Chuyên luận Ma Văn Kháng: Thành tựu – Thi pháp – Đẳng cấp văn chương, được chia làm ba phần.

   Phần thứ nhất: Lãng du cùng truyện ngắn Ma Văn Kháng. Phạm Ngọc Chiểu thổ lộ, để viết được phần này, ông “đã nhẩn nha đọc lại ngót 800 trang in khổ 14,5 x 20,5 của tuyển chọn Truyện ngắn Ma Văn Kháng” (tr. 32). Không có tấm lòng, không có sự kiên trì, không có “con mắt tinh đời” để nhận ra cái hay của truyện ngắn Ma Văn Kháng thì không thể đọc nổi hàng trăm trang sách như thế. Đọc, phân tích, để đi đến đến khẳng định dứt khoát: “Nhà văn Ma Văn Kháng quả thật là cây bút truyện ngắn sum suê hoa trái!” (tr. 32). Cắt nghĩa căn nguyên làm nên sự thành công của truyện ngắn Ma Văn Kháng, Phạm Ngọc Chiểu đã chỉ ra ba điểm chính. Đó là “tài phát hiện, nắm bắt tình huống truyện”; “vốn chữ nghĩa giàu có”; “kiến văn” của Ma Văn Kháng. Theo Phạm Ngọc Chiểu, nhờ có kiến văn, “một vốn kiến thức dày dặn, phong phú cổ - kim – đông – tây của nhân loại”, Ma Văn Kháng “đã học, đọc, tích cóp được, để khi viết truyện, động đến vấn đề gì, ngành nghề gì, ông có thể hoa bút thoải mái tham góp, bình luận mà không sợ hớ, không sợ sai. Dày tri thức, lại giàu ngôn từ, chữ nghĩa, kể cả hệ thống chữ nghĩa mang tính chuyên môn đặc thù của các ngành, nghề, nên Ma tiên sinh không chỉ viết đúng mà thường còn viết hay, để lại ấn tượng trong tâm trí người đọc” (tr. 30). Cũng trong phần thứ nhất này, Phạm Ngọc Chiểu còn cho rằng: “Ma Văn Kháng không chỉ giỏi trong ngôn ngữ miêu tả. Ông còn có biệt tài sử dụng ngôn ngữ trong những đoạn viết bứt thoát ra khỏi mạch truyện chính. Có thể gọi đó là những đoạn văn “Phiêu”, nói theo ngôn từ của ngành nghệ thuật biểu diễn các ca khúc. Tôi gọi đó là những “lãng du văn chương” của nghệ thuật viết truyện mang thương hiệu Ma Văn Kháng. […]. Chính nó góp phần quan trọng làm nên đặc sắc trong các truyện ngắn của ông, làm nên cá tính riêng biệt của cây bút Ma Văn Kháng trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại” (tr. 26 - 29). Phạm Ngọc Chiểu đã tinh tế chọn ra được những đoạn văn “Phiêu” của Ma Văn Kháng, đồng thời bày tỏ sự “ngạc nhiên” của mình khi có “một số người, trong đó có cả những người nghiên cứu lý luận văn học, lại không thích, thậm chí ỉ eo rằng đấy là những đoạn văn viết lạc đề của Ma Văn Kháng (!)” (tr. 30). Đây là chỗ trực cảm, cái chút linh khiếu “trời cho” của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu. Không quá lệ thuộc vào sách vở, vậy mà ông có khả năng nhận ra một yếu tố mà ông gọi là “những đoạn văn “Phiêu”, đây chính là Trữ tình ngoại đề mà lý luận văn học đã đúc kết. Trữ tình ngoại đề là “một trong những yếu tố ngoài cốt truyện; một bộ phận của ngôn ngữ người kể chuyện trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự, trong đó tác giả hoặc người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình đối với cuộc sống và nhân vật được trình bày qua cốt truyện”. Trữ tình ngoại đề là “một phương tiện quan trọng giúp tác giả soi sáng thêm nội dung tư tưởng của tác phẩm; bộc lộ đầy đủ, tập trung hơn thái độ, sự đánh giá của mình đối với nhân vật cũng như quan niệm nhân sinh của mình”. Trong các truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại, trữ tình ngoại đề là một yếu tố thường xuất hiện và có vai trò quan trọng. Tự mình tìm tòi và đưa ra quan niệm của riêng mình, Phạm Ngọc Chiểu đã có công trong việc nhận diện những đoạn văn mà ông gọi là “Phiêu” trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng.    

  Phần thứ hai: Thế giới tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Trong phần này, Phạm Ngọc Chiểu đã bỏ nhiều tâm huyết và công sức nghiên cứu Bộ tiểu thuyết – sử thi bị lãng quên của Ma Văn Kháng. Đó là, “Đồng bạc trắng hoa xòe” – Thiên hùng ca miền viên miễn. Tác giả của công trình khẳng định: Tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe “đã tái hiện một cách sinh động cuộc chiến đấu của quân và dân Lào Cai, với hai mươi dân tộc anh em đoàn kết dưới ngọn cờ của Việt Minh, đứng đầu là phái viên đặc biệt – Bí thư Tỉnh ủy Lê Chính -, tiêu diệt Quốc dân đảng phản động, giành lại chính quyền của tỉnh, chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới không kém phần gay go phức tạp. Ba năm chiến đấu gian nan thật sự là bản hùng ca thấm đẫm chất sử thi của Ban cán sự và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã viết bằng máu xương và nước mắt, là đóng góp xứng đáng vào lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc” (tr. 44). Đó còn là tiểu thuyết Vùng biên ải – Khúc bi tráng đánh tan nước ma nước quỷ”. Xác định đúng đắn hai cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe Vùng biên ải làm thành bộ tiểu thuyết sử thi của Ma Văn Kháng, Phạm Ngọc Chiểu cho rằng: “Lác đác đây đó  có người nhắc đến hai từ “sử thi” khi bàn về hai tiểu thuyết đó của Ma Văn Kháng. Nhưng là nói riêng về Đồng bạc trắng hoa xòe hoặc Vùng biên ải, mà cũng chỉ là nhắc đến, chứ không phân tích cặn kẽ và kết luận thấu đáo về chất sử thi của bộ tiểu thuyết. […]. Không ai, không một tài liệu chính thức nào, kể cả giáo trình Văn học bậc đại học và sách giáo khoa Văn phổ thông, nói về bộ tiểu thuyết hai tập này của Ma Văn Kháng” (tr. 59). Phạm Ngọc Chiểu đặt câu hỏi: “Tại sao vậy?”. Đây là một câu hỏi đích đáng.

k1600_img_2176

   Tiếp theo, Phạm Ngọc Chiểu khảo sát Những tiểu thuyết – thế sự gây sóng gió dư luận của Ma Văn Kháng. Ông khẳng định, trong mảng tiểu thuyết này, “nổi bật ba đầu sách tiêu biểu: Mưa mù hạ, Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn” (tr. 63). Và ông đã lần lượt khảo sát ba cuốn tiểu thuyết đó: “Mưa mùa hạ” - Những cảnh báo thời cuộc và cái giá phải trả; “Đám cưới không có giấy giá thú – ba mươi tư năm nhìn lại; “Mùa lá rụng trong vườn” – Chuyện một nhà, chuyện một thời. Viết về Mưa mùa hạ, Phạm Ngọc Chiểu chỉ ra những cảnh báo có ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết được xem là bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam thời hiện tại thu nhỏ lại. Đó là, “chính thức cảnh báo về tình trạng xã hội đang đứng sát trước một cuộc khủng hoảng rất nguy hiểm” (tr. 69). Đó còn là, “cái chết của kỹ sư Trọng để bảo vệ con đê có gì đó giống một số biến cố xã hội diễn ra những năm sau đó, như một sự báo động về cái giá khắc nghiệt phải trả khi tiến hành những việc mang tính cách mạng xã hội”. Theo tác giả công trình nghiên cứu, “cảnh báo thứ hai về thời cuộc của Mưa mùa hạ có ý nghĩ xã hội thật lớn lao” (tr. 70). Về tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Phạm Ngọc Chiểu nhận xét: “Tính tư tưởng sâu sắc, bố cục chặt chẽ, lối kể chuyện sinh động với những dòng văn “Phiêu” đậm chất thế sự và nhân văn, đã thành thương hiệu của nhà văn Ma Văn Kháng, ở tiểu thuyết này càng nổi rõ. Sau 34 năm, đọc lại và cảm nhận, thật lòng tôi thấy lạ và nhói lên một câu hỏi:  Sao Đám cưới không có giấy giá thú không được trao giải thưởng?” (tr. 87). Đám cưới không có giấy giá thú là một trong những đỉnh cao nghệ thuật của Ma Văn Kháng. Một cuốn tiểu thuyết lớn, kết tinh tư tưởng và tài năng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn. Với câu hỏi này, ông là nhà nghiên cứu sâu về Ma Văn Kháng, ông phải tự trả lời. Và nếu như ông “thấy lạ và nhói lên một câu hỏi”, thì xin hướng lên trời cao mà hỏi! Dù sao, cũng không thể không ghi nhận, ông là người đầu tiên, chính thức cất lên câu hỏi đầy day dứt ấy. Về tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Phạm Ngọc Chiểu nhận xét: “Với một tiểu thuyết, thời gian, địa điểm và số lượng nhân vật như vậy như vậy là ít, là gọn. Vậy mà nói với độc giả được rất nhiều điều về thời đại, về đất nước, trong đó có điều rất hệ trọng: Gia đình, nhất là gia đình Việt Nam, là gốc rễ, là điểm xuất phát, cũng là nơi để tụ về của các thành viên trong gia đình, chứng kiến những thành công và cả những thất bại của họ, động viên, nâng đỡ họ bước tiếp trên đường đời. Chính vì vậy mà chuyện một nhà cũng là chuyện xã hội, không là tất cả thì cũng mang đầy đủ dấu ấn xã hội. Bởi vậy, tôi gọi Mùa lá rụng trong vườn là chuyện một nhà và chuyện một thời!” (tr. 100). Không lan man, dàn trải, chỉ tập trung vào những cuốn tiểu thuyết có giá trị của Ma Văn Kháng, Phạm Ngọc Chiểu đã rút ra nhận định có tính khái quát: “Với khối lượng có thể là đồ sộ của 20 tiểu thuyết, cộng thêm những năng lực nghề nghiệp cầm bút rất riêng biệt: sự nhạy bén và lòng dũng cảm trong cảnh báo và dự báo, trong xây dựng nhân vật, và nhất là trong sử dụng ngôn từ say mê và điêu luyện, đã làm nên một nhà văn Ma Văn Kháng không chỉ viết nhiều, viết hay truyện ngắn, mà ông còn là “Người vạm vỡ trong thế giới Tiểu thuyết” của văn học Việt Nam” (tr. 108).

   Phần thứ ba: Thi pháp và đẳng cấp văn chương. Trong phần này, Phạm Ngọc Chiểu viết về thi pháp văn chương Ma Văn Kháng, khẳng định đẳng cấp của nhà văn. Nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét tồng quát để khép lại công trình của mình: “Với tất cả những gì vừa có được qua hành trình khảo sát tác phẩm, tác giả, có thể rút ra kết luận: Nhà văn Ma Văn Kháng quả thật ở đẳng cấp vượt trội trên văn đàn văn học đương đại Việt Nam” (tr. 122). Đó là một nhận định đúng đắn, giàu sức thuyết phục.
                                                     k1600_img_2155

   Lịch sử văn học cổ kim đông tây thường thấy xuất hiện những tài năng văn học lớn chỉ sở trường về một thể loại nào đó. Ma Văn Kháng thuộc trong số những nhà văn hiếm hoi khẳng định tài năng của mình ở nhiều thể loại. Ông là cây bút truyện ngắn xuất sắc với những truyện ngắn độc đáo tài hoa, in trong các tập Heo may gió lộng, Trăng soi sân nhỏ, Một chiều giông gió…; một nhà tiểu thuyết lớn có tư tưởng và phong cách nghệ thuật riêng với các tác phẩm Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú… để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc; một ngòi bút viết tiểu luận và bút ký về nghề văn với Phút giây huyền diệu, Nhà văn, anh là ai hấp dẫn người đọc bởi một thứ lý luận mà không khô khan, lý luận mà có phần giống như cây đời luôn xanh tươi vì gắn bó máu thịt với tác phẩm nghệ thuật và cuộc sống, được nảy sinh, chắt lọc từ những suy ngẫm, trải nghiệm và chiêm nghiệm từ chính cuộc đời cầm bút của mình và những đồng nghiệp. Dẫu viết về đề tài nào, sử dụng thể loại nào, trước sau Ma Văn Kháng vẫn là nhà văn luôn hướng về cái đẹp, trân trọng, đề cao con người nhân bản. Cảm hứng nhân văn sâu sắc và cảm hứng phê phán mãnh liệt thực trạng xã hội đương thời, chất bi hùng và chất trữ tình sâu lắng hòa quyện với tính triết lý và tính đối thoại là những đặc trưng nổi bật của những sáng tác tiêu biểu của Ma Văn Kháng. Với Ma Văn Kháng, cuộc sống cao hơn nghệ thuật; thể hiện chân thật, sâu sắc con người và cuộc sống là thước đo chuẩn mực của mọi hình thức văn chương. Là nhà văn tài năng, với những đóng góp quan trọng đối với nền văn học hiện đại Việt Nam, sáng tác của Ma Văn Kháng luôn nhận được sự quan tâm của giới văn chương và bạn đọc. Việc nghiên cứu về Ma Văn Kháng cần được tiếp tục, mở rộng và đào sâu thêm, vận dụng những cách tiếp cận mới, cách nhìn mới để có thêm những khám phá, phát hiện mới về cuộc đời và tác phẩm của ông. Chuyên luận  Ma Văn Kháng: Thành tựu – Thi pháp – Đẳng cấp văn chương của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu là một công trình mới, thể hiện tấm lòng, sự nỗ lực của ông, để góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn đối với hai thể loại chủ yếu là truyện ngắn và tiểu thuyết, làm nên sự nghiệp văn chương của Ma Văn Kháng. Ông đã viết về Ma Văn Kháng với một thái độ nghiêm túc, có chủ kiến riêng, đặc biệt là đã gửi vào đó biết bao trân trọng. Với tôi, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu là bậc đàn anh trong văn giới. Cầm cuốn sách đầy tâm huyết của ông, có lẽ nào, có lẽ nào, tôi không vui mừng, trân trọng viết mấy lời giới thiệu công trình mới của ông với đông đảo bạn đọc gần xa.

                                                                      Trung Văn, ngày 19/5/2024

                                                                                  T.Đ.S

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 52
Trong tuần: 704
Lượt truy cập: 415035
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.