TRÂU LỖ 鄒魯 : Tên hai nước thời Chiến Quốc. LỖ là quê hương của Chí Thánh Khổng Tử; TRÂU là quê hương của Á Thánh Mạnh Tử. Nên TRÂU LỖ dùng để chỉ những vùng đất hưng thịnh về văn hóa văn học, hay chỉ những người học trò học theo đạo Nho ngày xưa. Như trong bài thơ "Rắn Đầu Biếng Học" của Lê Qúy Đôn theo tích sau đây :
Tương truyền, một hôm Tiến sĩ Vũ Công Trấn tới nhà thăm bạn là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ là người bạn cùng đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1724. Đến đầu làng gặp mấy đứa bé đang tắm dưới sông, bèn kêu một đứa bé mặt mày sáng sủa để hỏi thăm nhà của ông Tiến sĩ Thứ. Đứa bé trần truồng leo lên bờ, đứng dang hai tay hai chân ra, hỏi :"Ông biết đây là chữ gì không, nói đúng thì tôi sẽ chỉ đường cho". Thấy thằng bé lí lắc thông minh ngộ nghĩnh, ông mới cười đáp :"Đó là chữ ĐẠI 大, ai mà không biết !" Thằng bé ranh mãnh chỉ tay xuống háng đáp :"Ông nói sai rồi. Đây là chữ THÁI 太! " Nói xong cười ngất, bỏ chạy về nhà. Khi tới nhà bạn mới biết thằng bé khi nảy là Lê Quý Đôn, con của bạn. Nghe kể lại, Lê Trọng Thứ mới gọi con ra trách mắng và đòi đánh đòn. Vũ Công Trấn thấy ông thông minh nên đã xin tha cho ông với điều kiện phải ứng khẩu đọc một bài thơ tạ tội. Ông xin ra đầu đề. Ông Trấn nói: "Phụ thân cậu đã bảo cậu “rắn đầu biếng học”, cậu cứ lấy đó mà làm đề bài". Lê Qúy Đôn ngẫm nghĩ một chốc rồi đọc bài thơ sau đây :
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha.
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm, rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
Từ nay TRÂU, LỖ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Đề bài là do ông Vũ Công Trấn ra, ý nói cậu bé cứng đầu, lười học. Vậy mà Lê Quý Đôn đã rất tài tình sử dụng từ “rắn” để ghép vào trong nội dung các câu thơ của mình; như rắn liu điu, rắn đầu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang và lại tự ví mình như là Khổng Tử và Mạnh Tử (từ nay Trâu Lỗ xin siêng học), làm cho ông Trấn hết sức thán phục.