Ngô Quang Hưng
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÒA BÌNH – THÀNH CÔNG VÀ THÁCH THỨC
Hội VHNT Hòa Bình là một trong số rất ít hội địa phương được thành lập sau cùng của cả nước, vào diện "sinh sau đẻ muộn", ra đời giữa lúc khó khăn chồng chất trăm bề thiếu thốn.
30 năm đủ độ dày độ chín sáng tác cho một hội viên nhưng là chặng đường ngắn ngủi đối với Hội VHNT cấp tỉnh. Nhìn lại chặng hành trình đã qua, lòng mỗi chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động cảm mến, tin yêu và khuôn nguôi trăn trở. Nhưng mỗi chúng ta cũng trào dâng lòng tự hào, tự tin về một thời để nhớ, đáng nhớ của văn nghệ sĩ các dân tộc tỉnh Hòa Bình đồng hành cùng địa phương, đồng hành cùng đất nước đổi mới hội nhập và phát triển.
Suốt 30 năm qua, VHNT, văn nghệ sĩ Hòa Bình đã có một hành trình đầy dấu ăn, đậm nét son ngời sáng những tác phẩm giá trị. Từ bước đi chập chững ban đầu tới những bước tiến chắc chắn hội nhập với VHNT cả nước đó là điều rất đáng khích lệ, trân trọng, nêu gương.
HộiVHNT Hòa Bình 30 năm qua đã đi từ không đến có, từ khó đến dễ, từ nhỏ lẻ đến tập trung, từ yếu ở tới mạnh mẽ, từ phân tán tới hợp thành đội ngũ chuyên ngành, chuyên sâu để vững vàng, thành công, thành đạt như ngày nay.
Đó là 30 năm văn nghệ sĩ Hòa Bình căn cơ, cần mẫn, tự làm mới, tự đổi mới để có những sáng tác mới, sáng tạo mới, tác phẩm mới. Chúng ta đã kịp thời chuyển hướng sáng tác, chuyển mình mạnh mẽ khẳng định vị thế trong dòng chảy VHNT địa phương và cả nước. Với những nỗ lực vượt bậc ấy có thể nói 30 năm VHNT Hòa Bình từ ngày thành lập hội tới nay đã phát triển vượt trội so với 70 năm, 100 năm trước đó về mặt tác giả, tác phẩm, đội ngũ và các công trình nghiên cứu VHNT địa phương và tộc người.
30 năm qua đội ngũ văn nghệ sĩ Hòa Bình ngày càng được tập hợp, phát triển đông đảo hơn trăm hội viên đã lao tâm, khổ tứ, lăn lộn vào thực tiễn sôi động của cuộc sống để chắt lọc tinh chất, tìm kiếm tinh túy, khổ luyện tinh khiết, mong đạt đến tinh hoa trong mỗi tác phẩm của chính mình. Mặc dù quyền lợi vật chất ít ỏi không đáng kể, có khi còn bỏ thêm tiền vào xây dựng tác phẩm nhưng phần lớn văn nghệ sĩ vẫn dồn tâm trí, tâm huyết để hoàn thành tác phẩm phục vụ công chúng mà không mảy may so đo, tính toán. Họ chỉ nung nấu khát vọng đứa con tinh thần, tác phẩm nghệ thuật của mình phục vụ được đông đảo công chúng Hòa Bình và cả nước.
Cũng nhờ sự khổ công, khổ luyện dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thách thức mà văn nghệ sĩ Hòa Bình đã th thấm đạt và biểu đạt được hồn cốt một cộng đồng, một dân tộc, một địa danh, một vùng đất mà rộng hơn nữa là một vùng văn h óa bản địa cửa ngõ Thủ đô, cửa ngõ Tây Bắc, cửa ngõ Bắc Trường Sơn lối mở đi xuống đồng bằng châu thổ vươn ra biển lớn.
Nhìn lại 30 năm qua, với tư cách là một tác giả văn nghệ sĩ Hòa Bình tôi nhận thức HộiVHNT và các tác giả chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức. 30 năm qua với thời đại các cuộc cách mạng công nghệ 3.0 và 4.0 loài người đã có những bước tiến khổng lồ, kỳ diệu. Thế giới đã làm ra khối lượng của cải vật chất và tích lũy được khối lượng tri thức, trí tuệ, khoa học kỹ thuật bằng 3 ngàn năm trước cộng lại.
Những quốc gia đối đầu của chúng ta xưa kia, nay là đối sách trực diện họ đã tiến những bước thần kỳ, vượt bậc tạo ra áp lực không nhỏ cho ta về bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị và giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Trên thế giới và trong khu vực cạnh tranh gay gắt, thách thức phi truyền thống ngày càng quyết liệt hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, vũ khí lợi hại nhất của chúng ta là sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh từ văn hóa Việt với phẩm giá, nhân cách và bản lĩnh Việt Nam. Thế giới đang biến đổi chóng mặt. Đất nước đang đổi mới phát triển tích cực để thích ứng. VHNT cũng bắt buộc tự đổi mới thậm chí lột xác để thích hợp, phù hợp. Không ai và không ngành nghề, vị trí xã hội nào có thể đứng ngoài sự xoay trục của xu thế thế giới, của thời đại cách mạng 4.0.
Thực tiễn sôi động đang diễn ra đó là sự xóa nhòa ranh giới giữa VHNT địa phương với VHNT quốc gia và sự tiệm cận với VHNT thế giới thông qua mạng xã hội, công nghệ thông tin và giao lưu, hợp tác văn hóa. Xu thế này đòi hỏi văn nghệ sĩ phải đổi mới chính mình từ nếp nghĩ, cách làm, cách tiếp cận thực tế, đổi mới tư duy, sáng tạo, sáng tác. Văn nghệ sĩ phải vươn ra khỏi khuôn khổ địa phương, sẵn sàng cho khả năng vươn xa thâm nhập vào VHNT quốc gia và cộng đồng quốc tế.
30 năm qua chúng ta làm được rất nhiều việc nhưng cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội nghiên cứu quảng bá vinh danh di sản văn hóa vùng đất con người Hòa Bình. Trong khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được khẳng định là di sản văn hóa thuộc về nhân loại thì cồng chiêng Mường cổ xưa, bác học, phong phú, biểu cảm và nguồn cội lại chưa được nghiên cứu, quảng bá, vinh danh đúng tầm vóc và vị thế vốn có.
Ví Mường và không gian văn hóa Ví Mường có nguồn cội sâu xa từ thời văn hóa Việt Mường thiên niên kỷ I vậy mà đi sau sự nghiên cứu quảng bá vinh danh quốc tế của Ví dặm Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh, ca trù Bắc Bộ, xòe Thái Tây Bắc và hát Then đàn Tính vùng Đông Bắc - Việt Bắc.
Mo Mường, truyện thơ Mường, truyện cổ Mường còn đang ở dạng thức xuất bản giấy in dựa trên sưu tầm của nghệ nhân dân gian rất ít dấu ấn của nghiên cứu khoa học chuyên sâu đúng tầm. Thật buồn khi những áng văn thơ, ca, nhạc… tuyệt tác của Hòa Bình trong quá khứ còn chưa được khai thác, nghiên cứu, bảo tồn, vinh danh xứng đáng.
Đó là những khoảng trống vắng cần được bồi đắp lấp đầy, tôn tạo phục dựng trả lại vị trí vàng son ấy trong cuộc sống hôm nay. Di sản VHNT của chúng ta không những tương đương, tương đồng, tương phùng, tương ngộ với di sản VHNT ở các vùng miền mà còn có nhiều nội dung vượt trội, nổi trội về giá trị tinh hoa nguồn cội. Không ít những di sản VHNT các tỉnh bạn được vinh danh chỉ là dị bản phiên bản của VHNT Mường đích thực.
Văn nghệ sĩ Hòa Bình là một bộ phận của đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Là trí thức sáng tạo ở các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, văn hóa dân gian, nhiếp ảnh, kiến trúc, hội họa, văn hóa dân tộc… Hơn bao giờ hết văn nghệ sĩ Hòa Bình cần ở công chúng nghe, nhìn, xem, đọc… sự cảm nhận, cảm thụ, cảm thông, cảm mến của một xã hội học tập, cầu thị tiến bộ với khát vọng vươn tới tầm nhận thức hiểu biết mới.
Hơn bao giờ hết, văn nghệ sĩ Hòa Bình thời đại cách mạng 4.0 của kỷ nguyên công nghệ thông tin lại phải kiên nhẫn, kiên định, kiên cường trong sáng tác sáng tạo theo xu thế đổi mới, hội nhập, phát triển của bối cảnh nền kinh tế thị trường XHCN và toàn cầu hóa. Văn nghệ sĩ phải trau dồi sự cần mẫn, cần cù và cẩn trọng học ngoại ngữ phổ biến, phổ cập để có thể tiếp nhận văn hóa quốc tế từ bản gốc và sáng tác được bằng ngôn ngữ nước ngoài. Hoạt động VHNT phải được định hướng về nội dung, định danh về tác phẩm, định hình về nghệ thuật, định hướng được khả năng và định tính về sáng tạo.
Văn nghệ sĩ cần lắm sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, toàn diện, đầy đủ, kịp thời, nhạy bén, sâu sắc thiết thực và hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận tổ quốc mà hội VHNT là thành viên. Thành quả, thành công, thành đạt của văn nghệ sĩ, của Hội VHNT tỉnh không thể tách rời sự lãnh đạo cũng như thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đổi mới và phát triển của địa phương.
Thành tựu của tỉnh luôn là nguồn cổ vũ sáng tạo, là chất liệu sáng tác cho văn nghệ sĩ VHNT Hòa Bình có những tác phẩm sắc bén, sắc sảo, sắc nét, đặc sắc về hiện thực cách mạng và cuộc sống tại địa phương, để tác phẩm trở thành sản phẩm văn hóa tinh thền phục vụ công chúng Hòa BÌnh và cả nước.
Mong mỏi của văn nghệ sĩ Hòa Bình là đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo cơ hội, điều kiện cho những đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về nội dung, hàm lượng trí tuệ VHNT Hòa Bình từ đầu thế kỷ XX đến nay ở các chuyên ngành văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc… Cần sớm có những đúc kết các giá trị tinh hoa văn hóa nghệ t huật các dân tộc Hòa Bình với tư cách là chủ nhân vùng đất cửa ngõ Thủ đô, cửa ngõ Tây Bắc - Bắc Trường Sơn. Đây thực chất là cuộc kiểm kê, kiểm đếm, kiểm tra, kiểm soát được các công trình, tác phẩm tinh hoa VHNT Hòa Bình thế kỷ XX và 25 năm đầu thế kỷ XXI của các tác giả Hòa Bình và các tác giả trong nước, nước ngoài nghiên cứu sáng tác về Hòa Bình.
Có như vậy chúng ta mới từng bước xây dựng được kho tàng dữ liệu bách khoa thư về VHNT Hòa Bình qua các thời kỳ lịch sử. Nếu không làm tới, làm được, làm kịp hẳn sẽ có lỗi với các bậc tiền nhân và thế hệ mai sau.
Điều sau cùng xin được tỏ bày là vấn đề trụ sở Hội VHNT tỉnh, ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ Hòa Bình. Đã qua rồi cái thời mà có thể dồn ép, xin ghép trụ sở, công sở bất chấp công năng chức năng cơ quan, tổ chức xã hội. Văn nghệ sĩ Hòa Bình cần lắm ngôi nhà riêng cho VHNT, tòa nhà đa năng. Đây vừa là trụ sở hội, nhà sáng tác, nơi bồi dưỡng năng khiếu, tài năng trẻ Hòa Bình. Đây cũng là nơi quảng bá, bảo tồn hội tụ và tỏa sáng các giá trị tinh hoa VHNT. Là điểm đến, điểm tựa, điểm sáng của giời văn nghệ sĩ là người Hòa Bình và văn nghệ sĩ trong nước, nước ngoài đến sáng tác vể Hòa Bình.
Đây cũng là nơi công chúng và du khách tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng thức, giao lưu, học hỏi các giá trị tinh hoa, tinh túy của VHNT Hòa Bình trong quá khứ và hiện đại, ươm mầm cho những tác phẩm lớn trong tương lai. Đây đích thực là một công trình văn hóa mới, một thiết chế văn hóa mới, một điểm đến du lịch mới đậm nét dấu ấn vùng đất, con người Hòa Bình. Rất mong được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư, chỉ đạo triển khai thực hiện càng sớm càng tốt.
Xin trân trọng cảm ơn!
N.Q.H
Người gửi / điện thoại