Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THĂM CHÙA

Cầm Sơn

HỘI ĐIỆN ẢNH TỔ CHỨC ĐI DÃ NGOẠI

  Hội Điện ảnh Hà nội tổ chức chuyến đi dã ngoại thâm nhập thực tế tìm hiểu để sáng tác cho hội viên vào ngày 23 tháng 03 năm 2023.

  6h30, đoàn xe gồm 3 chiếc loại chở khách 45 chỗ ngồi xuất phát từ số 01 Chợ Gạo nhằm hướng Quốc lộ 1 thẳng tiến về phía nam. Xe dừng lại tại điểm dừng chân trên đường cao tốc thuộc địa phận tỉnh Hà Nam chờ nhau để cùng đi vào địa phận huyện Thanh Liêm xã Liêm Sơn thôn Ninh Trung có ngôi chùa Địa tạng Phi Lai tọa lạc.

  Do đã có hẹn nên tại đây, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Lê Minh Sơn và chuyên viên phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nam Nguyễn Thị Toan đã có mặt trước ở đây đón và hướng dẫn đoàn tham quan, tìm hiểu ngôi chùa.

   Chùa Điạ Tạng Phi Lai có tên nôm là chùa Đùng. Ngôi chùa dựa lưng vào núi An Nhiên (núi Phi Lai), dưới tán lá của những rặng thông cổ hàng trăm năm tuổi. Vị trí sơn thủy địa linh khiến ngôi chùa thêm phần tôn nghiêm, thanh tịnh và linh thiêng.

   Theo các vị cao niên trong làng, chùa Đùng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 với 120 gian chùa cổ và theo tương truyền thì vua Trần Nghệ Tông có một thời gian chọn địa danh này làm nơi ở ẩn, sau này vua Tự Đức cũng đến chùa để cầu tự. Theo lý giải chữ Phi Lai có thể được hiểu là nơi mà các vị minh quân đi không quay về, và chính vua Tự Đức đặt cái tên Phi Lai cho chùa.

   Xưa kia khi xây dựng chùa Địa Tạng, các bậc tiền nhân đã chọn lựa rất tỉ mỉ theo thế tứ tượng (tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu huyền vũ, tiền chu tước)- là bốn “thánh thú” trong các chòm sao cổ đại. Các thánh thú hợp thành hệ thống ngũ hành: Thanh Long của phương Đông: Mộc; Chu Tước của phương Nam: Hỏa; Bạch Hổ của phương Tây: Kim; Huyền Vũ của phương Bắc: Thủy.

   Đối với phong thủy, hội tụ đủ Tứ tượng là điều cần thiết để có một địa thế đẹp. Ngày xưa, để chọn được nơi đặt Kinh đô, các nhà phong thủy phải tìm nơi hài hòa giữa tứ tượng như nơi đó phải có núi non, sông ngòi, đất phải phì nhiêu, cây cối, chim muông hiền hòa, dễ đón gió và nhận được ánh mặt trời vừa phải.

  Cho đến tháng 12/2015, đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, phát tâm tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai bề thế như ngày nay. Điều đặc biệt là quá trình xây dựng ngôi chùa mới, đã phát hiện và tìm thấy nhiều cổ vật bằng gốm có niên đại từ thời Lý - Trần chứng tỏ bề dày lịch sử ngàn năm của ngôi cổ tự này.

   Chùa được đặt tên mới là Địa Tạng Phi Lai Tự – có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này. Mà nơi nào Đức Địa Tạng không về thì nơi đó thành Phật rồi.

 Phía ngoài bãi đỗ xe là dãy lều quán nhà hàng phục vụ du khách, do thời gian cho phép thoải mái nên trong lúc ngồi nghỉ uống nước, chúng tôi nắm bắt thêm được thông tin về một món quà ăn vặt của vùng đất này là bánh đa Kiện. Bánh đa Kiện được sản xuất tại thị trấn Kiện Khê thuộc huyện Thanh Liêm với nguyên liệu là gạo, lạc, vừng, cùi dừa được chọn lựa kỹ lưỡng nên có hương vị thơm ngon và được đánh giá là một loại đặc sản có tiếng của địa phương.

   Buổi trưa, xe đưa đoàn trở về thành phố Phủ Lý dùng cơm trưa tại nhà hàng Hiệp An. Sau đó xe đưa tiếp đoàn đến thăm ngôi chùa Bà Đanh.

  Trong thời gian thăm chùa, đoàn được ni sư trụ trì chùa Thích Đàm Đam trao đổi những thông tin về ngôi chùa.

     Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ VII trên một diện tích rất nhỏ, đến thời vua Lê Thánh Tông thì chùa được cải biến rộng rãi và to như bây giờ. Chùa thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng Tứ Phủ - một tín ngưỡng dân gian phổ biến ở các ngôi chùa miền Bắc Việt Nam bao gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Chùa Bà Đanh thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ

   Về tên gọi Bà Đanh xuất phát từ truyền thuyết địa phương, chùa thờ nữ thần thiên nhiên giúp mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu nên người dân gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, sau gọi tắt là chùa Bà Đanh.

   Có câu truyền miệng trong dân gian là “Vắng như chùa Bà Đanh”. Rất nhiều lý do để thuyết minh về câu nói này nhưng có lẽ lý do thuyết phục nhất là do trước đây chùa nằm ở vị trí khó khăn cho việc di chuyển, bao quanh là rừng và sông mà lại xa dân cư, có thú dữ nên nhiều người ngại hành hương qua đây. Tuy nhiên, có một lý do khác được người dân kể lại là do chùa rất linh thiêng, người đi qua chùa mà có những lời nói khiếm nhã, thái độ không tốt là sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vì vậy, người dân ít đến nhằm tránh tai họa do vạ miệng mà ra.

  Chùa Bà Đanh có lịch sử hàng ngàn năm tuổi với không gian yên bình, tĩnh lặng cùng nghệ thuật điêu khắc dân gian đặc sắc. Bao quanh chùa là dòng sông Đáy thơ mộng. Phía Nam là bến lên cổng tam quan với tam cấp trải dài có hai hàng trụ chóp hình búp sen. Phía Bắc là núi Ngọc rất nhiều cây xanh, cành lá sum suê, trên đỉnh có một cây si cổ thụ hàng trăm tuổi thõng xuống vô số rễ bám vào vách đá rất kỳ vĩ. Chính vì vậy, người dân ngày càng thích đến chùa Bà Đanh để vãn cảnh.

   Không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, chùa Bà Đanh Hà Nam còn là “căn cứ địa” trong kháng chiến. Từ năm 1946 đến 1950, nơi đây là địa điểm tập luyện của du kích, là đầu não của cách mạng, nơi bộ đội đóng quân và là đầu mối giao thông quan trọng giúp cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

  Rời Chùa Bà Đanh, xe đưa đoàn về Hà Nội, kết thúc chuyến tham quan dã ngoại hai ngôi chùa tại tỉnh Hà Nam. Hy vọng các hội viên sẽ tích lũy được nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho những sáng tác sau này.

                                                                                        C.S



 

 




In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 385
Trong tuần: 1089
Lượt truy cập: 435821
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.