Vũ Nho
TẢN MẠN VỀ NGƯỜI LÀM THƠ LỤC BÁT
Lục bát được một số nhà thơ muốn nâng lên thành Quốc thi, tựa như Haiku của Nhận Bản, Thơ Đường của Trung Quốc. Chắc còn phải có nhiều thảo luận, bàn bạc, tranh cãi.
Tôi chỉ nêu cảm nhận về một số vị làm thơ LỤC BÁT nổi tiếng, quý mến thể thơ này.
Đầu tiên phải kể đến cụ Nguyễn Du danh nhân văn hóa thế giới. Người đã viết “ Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều dài 32 54 câu lục bát “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Dăm vị phẩm bình rằng Cụ truyền y bát thể thơ này cho Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Rồi Tản Đà lại truyền cho Nguyễn Bính. Nguyễn Bính truyền cho ai thì … khó thống nhất! Phạm Công Trứ chăng? Đặng Vương Hưng chăng? Hay là Kienlucbat Nguyễn Thế Kiên? Hay là Hoạ sĩ làm thơ Lê Tiến Vượng? Chịu!
Nguyễn Bính là một cây lục bát trứ danh. Hầu như chị em ai cũng thuộc bài Lỡ bước sang ngang của thi sĩ. Hòa bình lập lại, bài Gửi vợ miền Nam rất nổi tiếng.
Tố Hữu cũng có nhiều bài lục bát hay mà đỉnh cao là Việt Bắc.
Nguyễn Đình Thi đề xướng thơ không vần ở Việt Bắc. Nhưng nhà thơ cũng có những câu lục bát hay trong Bài ca Hắc Hải:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều […]
Tay người như có phép tiên
Trên tre nứa cũng dệt nghìn bài thơ…
Nhà thơ Trúc Thông thích tìm tòi, cách tân, nhưng bài nổi tiếng nhất lại là lục bát “Bờ sông vẫn gió”.
Nguyễn Duy cũng làm nhiều thơ lục bát. Bài đặc sắc được chọn vào sách giáo khoa là Tre Việt Nam.
Tuyển lục bát Nguyễn Duy cả thảy 135 bài được xếp thành sáu mục (sáu mặt của cùng một con xúc xắc thơ chăng?): Dân ơi, Vua ơi, Vợ ơi, Tình tang ơi, Lục bát xa xứ và Lục bát vườn. Chân dung tự họa của Nguyễn Duy khá ấn tượng:
Cứ bèo bọt bước thiên di
Đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng
( Bao cấp thơ)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng làm nhiều Lục bát. Quá nhiều bài nổi tiếng nên không kể hết được ở đây.
Nhà thơ, PGS. TS. Luật Phạm Công Trứ cũng vậy.
Tác giả bắt đầu nổi ở mấy dòng lục bát:
Trên đò các cụ tụng kinh
Chúng mình còn trẻ, chúng mình TỤNG nhau.
Rồi lại nói gia tài của mình chẳng phải của cải ghê gớm gì ( Ấy vậy nhưng Phạm Công Trứ có tòa biệt thự thuộc loại khủng trong số các nhà văn mà tôi biết ở phố Quan Hoa, sau bán vì ồn quá) :
Gia tài có mấy câu thơ
Qua bao tòa soạn vẫn mơ được dùng
Chính chàng thi sĩ Đồng quê đã khái quát đời bằng mấy câu lục bát mà nhà văn xuôi phải viết mấy trăm trang:
Bây giờ lạ lắm người ta
Hiền lành rồi cũng hóa ra lắm lời
Bây giờ lạ nữa cả tôi
Nhà thơ Đồng Thị Chúc là người thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết rằng Lục bát đã chọn chị. “ Có thể bạn chưa biết thơ lục bát của Đồng Thị Chúc đã từng được Ban giám khảo chọn vào vòng chung kết cuộc thi thơ của báo Giáo dục & Thời đại 1996-1998. Ban giám khảo đã tinh tường chọn lục bát cho Đồng Thị Chúc, hay chính thơ lục bát đã chọn chị? Quả là không sai. Chị viết thơ lục bát như thể thơ này đã nằm sẵn trong ngòi bút của chị, trong trái tim đầy ắp hồn quê của chị. Chị thoải mái nối vần lục bát từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ cảm xúc yêu đến cảm xúc đau, từ tiếng khóc đến tiếng cười, từ cây đa bến nước sân đình đến phố thị thênh thang. Nhưng dù nói chuyện gì thì thơ chị vẫn bền bỉ hồn quê”
(Lời giới thiệu tập thơ “ Con gái thì thứ hai”)
Chị dày công sưu tầm hai tập thơ “Lục bát dâng tặng mẹ ta” và có lời tự bạch khá hay:
Giữa Trời Đất rộng mênh mông
Cặp đôi Lục Bát tang bồng mà đi.
(Lục Bát)
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai cũng là tín đồ thể loại thơ này. Chị có nhiều bài lục bát mượt mà, ấn tượng. Phải chăng lục bát mềm mại, gần âm hưởng ca dao, phù hợp với điệu tâm hồn Nguyễn Thị Mai? Và cũng có câu thơ lục bát độc đáo:
Người còn thất vận có khi
Thơ đành lục bát lục gì… cũng thương
( Lục bát em và anh)
Nhà thơ Đoàn Văn Thanh, người in 7 tập thơ và nhận nhiều giải thưởng cũng dành nhiều trang cho Lục bát. Những bài đằm thắm, trữ tình là những bài lục bát nhuần nhị, chỉn chu vần luật. Những câu thơ ấn tượng về người anh yêu là những câu lục bát trẻ trung tươi tắn gắn bó:
Em là câu lục tươi xinh
Anh như câu bát chúng mình giăng tơ
(Ngàn năm hồn Việt)
Cũng cái chuyện thơ phú, Dương Đoàn Trọng thi nhân than thở trong bài thơ vui –vui thơ về thơ Đường và Lục bát:
Lục bát rồi lục túi mình
Đường thi bát cú méo hình đường đi
Đối nhau chan chát tức thì
Hoạ bài vợ xướng là khi… lục nồi
(Thơ ơi là thơ)
Có chuyện chơi chữ lắt léo với những thuật ngữ chuyên môn và từ ngữ đời thường: Lục bát, lục túi, lục nồi, đường thi, bát cú, đường đi, đối, xướng, họa…
Cười vui tếu vậy thôi, nhưng Dương thi nhân có những câu lục bát ấn tượng:
Ngày mưa hoa nở lạnh lùng
Hương thơm giấu kĩ tận cùng ruột hoa
Khoác câu thơ ướt đi qua
Từ trong ngọn gió thổi ra chữ buồn
(Ngày mưa)
Nhà thơ nhiếp ảnh gia Hoàng Văn Năm dùng Lục bát diễn tả sự cô đơn:
Trong phòng kê cái giường đôi
Bao lâu tôi vẫn mình tôi …canh trường
Đêm đông gió rủ lòng thương
Luồn qua khe cửa chung giường cùng tôi
( Chung giường)
Cùng một tinh thần “có nửa cái giường”, nhà thơ Sao Ái Tình Thang Ngọc Pho quảng cáo cho thuê…giường:
Nhà tôi chật chội lắm cơ
Một phòng dành để cho thơ bốn dòng
Chỉ thừa có nửa giường không
Ai thuê xin hãy vui lòng đến xem!
Vũ Nho tôi đã mạn phép chủ nhà chú thích thêm:
Người thuê là khách má hồng
Anh Pho xin được biếu không….nửa giường!
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên làm nhiều lục bát rồi lấy kiênlụcbát làm thương hiệu. Anh viết cả một trường ca “68 nhánh cỏ thi” tuyền thơ lục bát. Trong 68 nhánh cỏ thi, Thế Kiên đã tạo dựng trong trường ca của mình cả một thế giới hình ảnh quê hương, vừa bình dị gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng, độc đáo và thú vị.
Không thể không kể đến Đặng Vương Hưng với tập Lục bát mỗi ngày hơn 1000 trang khổ lớn được giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội. Đặng Vương Hưng cũng là người lập ra trang mạng lucbat.com và quảng bá các tập lục bát mấy năm 1 lần.
Không thể không nhắc nhà thơ họa sĩ Lê Tiến Vượng với nhiều tập thơ lục bát in đẹp, nội dung phong phú, nghệ thuật nhuần nhuyễn mà Vũ Nho, nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng viết bài đánh giá cao.
Sau cùng tôi muốn nhắc đến một vị làm lục bát cách tân. Ấy là nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Tác giả đã viết 108 bài thơ lục bát trong ba tập thơ “ Giấc mơ sông Thương”, “ Chiều” và “Chân quê” có tên chung “ Giấc mơ sông Thương”. PGS.TS Hoàng Kim Ngọc đã viết 20 trang in về “Thiên tính nữ” trong tập lục bát này in ở cuốn “ Đi tìm dấu vân chữ”, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2022.
Sáng 26 tháng 8 năm 2022, có 6 tác giả lục bát được tôn vinh gồm Trần Trọng Giá, Nguyễn Quỳnh, Trương Nam Chi, Lương Khánh, Đặng Cương Lăng và Đặng Vương Hưng. Đặng Vương Hưng thì qua nổi tiếng rồi.
Cuối cùng, tôi cũng thi thoảng ghép vần sáu tám cảm khái:
Buồn cười mấy bác nhà ta
Làm thơ lục bát hóa ra…lục nồi!
Vâng! Lục bát mà thất vận, thiếu nội dung, hời hợt về hình thức thì đúng là tựa như Lục…Nồi! Đùa tếu vui, xây dựng, chứ không có ý coi thường ai cả. Mấy bác ấy có cả tôi và mọi người khi viết lục bát không thành công!
Hà Nội, 25/8 /2022
V.N