Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TAM KHUYỂN

Nguyễn Trần Bé
 
 TAM KHUYỂN
 
Chiều tối.
   Ba Đúng lầm lũi vác về một con Hổ vằn, chột mắt. Cây đoản kiếm gia bảo dài cỡ hai gang tay cắm vào ngực trái con hổ nặng cỡ một tạ. Ném uỵch xác Hổ chột xuống gầm sàn, Ba Đúng nằm vật ra đất, bất tỉnh. Toàn thân ông đẫm máu người, máu hổ và chi chít vết cào xước. Một chiếc răng nanh Hổ chột gãy lìa, cắm sâu vào giữa vầng ngực đầy lông của người thợ săn lừng danh.
   Các trai tráng khoẻ mạnh của bản Phiềng Nôm thay nhau khiêng Ba Đúng chạy về bệnh viện huyện. Đi được nửa đường, người Ba Đúng giật lên mấy cái, rồi tắt thở. Trước khi chết, miệng ông lắp bắp nói điều gì đó với Xạ Nhất, nhưng nghe không rõ.
   Đám ma Ba Đúng to nhất từ trước đến nay. Người ở các phường săn quanh vùng đem đến phúng ông bằng những con lợn rừng, nai, hoãng vừa săn được. Người trong bản Phiềng Nôm xả thịt con Hổ chột cúng ma Ba Đúng. Để giết được con hổ dữ bậc nhất của núi rừng Phiềng Nôm, Ba Đúng đã phải đánh đổi cả tính mạng mình. Lời nguyền về con Hổ chột, thật đau lòng, lại là sự thực.
    Ba Đúng là một thợ săn nổi tiếng khắp cả vùng Việt Bắc. Ông đã vào rừng săn bắt thì bao giờ cũng mang được về nhà những con thú. Biệt tài của ông là biết làm rất nhiều các loại bẫy và sử dụng thành thạo bất cứ loại phương tiện săn bắt nào. Ông bắn súng kíp trăm phát trăm trúng; phóng lao không bao giờ trật con mồi; ném thòng lọng vào đâu được đấy; bắn cung tên nhiều khi xuyên táo cả cặp gà rừng. Đã không ít lần ông dùng đoản kiếm đâm chết cả hổ, báo, lợn lòi. Nhìn ông vác con nai to như con bê, hoặc cõng hẳn một con hổ cỡ bò nghé, đôi khi là con lợn lòi nặng gần một tạ, lúc thì quấn cổ con trăn đất to bằng bắp chân người lớn từ rừng về gầm sàn, ai cũng nể phục. Khi săn bắt được thú rừng lớn, ông Ba Đúng chỉ giữ lại chiếc đầu, một phần thịt cho gia đình, còn lại đem chia cho cả bản. Riêng các cụ ông được Ba Đúng mời đến nhắm rượu với cỗ lòng.
    Ba Đúng mất được một năm, những người thích săn bắn trong bản Phiềng Nôm rủ nhau lập phường săn mang tên ông, do Xạ Nhất, con trai cả của Ba Đúng, làm chủ phường.
   Cũng giống như cha mình, Xạ Nhất có vóc dáng cao lớn, hơi gù, bụng thót, ngực nở, cơ bắp lúc nào cũng cuồn cuộn. Được cha dạy cho các ngón nghề săn bắt thú từ bé nên Xạ Nhất có tài hơn hẳn những người khác.
Mỗi lần phường săn Ba Đúng xuất quân, Xạ Nhất thường thắp hương lên bàn thờ cha, khấn cầu phù hộ. Ngày ấy rừng còn bạt ngàn, muông thú nhiều vô kể, mỗi khi phường săn ra quân thì những phụ nữ và trẻ con ở nhà chỉ việc chờ họ về để chia thịt, ăn uống thâu đêm. Thịt thú nhiều đến nỗi ăn không hết phải sấy khô. Nhà nào cũng có hàng chục ống bương đựng thịt khô trên giàn bếp. Da thú đem làm thảm rải trên cầu thang; đầu, sừng, nanh… thú treo kín các bức vách nhà sàn của những thành viên phường săn. Xương thú phơi khô chất đống trong xó nhà.
                    1473323945-147332384148804-cho-d
    Rừng mỗi ngày một thu hẹp, muông thú cạn dần, trong khi khách đến mua thịt, da, sừng, nanh, xương thú ngày càng nhiều. Họ trả giá rất đắt cho các sản phẩm ấy. Các thành viên phường săn Ba Đúng tiếc đến thẫn thờ mỗi khi nhớ về sự hoang phí của mình trước đây. Những tấm da thú, những ống thịt khô, những sừng, nanh, xương thú cứ lần lượt “sang tay” những người đến từ thị thành, phố xá.
   Các phường săn trong vùng, đứng đầu là phường Ba Đúng, ngày càng tích cực mở những cuộc săn bắt thú rừng để bán kiếm lời. Nhưng rất nhiều lần phường săn ra quân trở về tay không hoặc chỉ săn được những con thú nhỏ, không đủ cho họ uống rượu. Những người chủ sự trong phường săn đã họp nhau lại bàn cách.
Xạ Nhất nói với mọi người:
- Bây giờ thú hiếm, ta phải lập một tốp chó săn làm kẻ dẫn đường tìm thú trong rừng.
- Tìm chó nào được chứ? Chẳng lẽ dùng những con chó nhách à? - Một người trong nhóm chủ sự băn khoăn.
- Cũng được chứ sao. Chó nhách tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn, đánh hơi tốt. Tất nhiên ta phải chọn những con chó tốt nhất.
- Chọn như thế nào?
- Chọn theo kinh nghiệm dân gian “đốm lưỡi, huyền đề” và những con đầu đàn, chó đực. Hồi tôi còn bé cha đã dạy rồi. - Xạ Nhất nói chắc.
   Nhóm chủ sự do Xạ Nhất dẫn đầu đi khắp bản Phiềng Nôm, sang cả những bản khác trong vùng tìm mua chó nhách tốt. Khi đến xem ổ chó con mới đẻ, Xạ Nhất cầm bó lửa dí vào ổ chó, khiến chó mẹ phải ngoặm con chuyển đi chỗ khác. Con nào chó mẹ ngoặm đi đầu tiên được nhặt riêng ra để xem lưỡi, xem chân. Con nào hội đủ yếu tố “đốm lưỡi, huyền đề” và là chó đực sẽ được chọn mua để đem về nuôi, huấn luyện thành chó săn. Những người chủ sự phải chọn lựa từ hàng chục ổ chó con mới chọn được có ba con đủ tiêu chuẩn. Họ đem về nuôi dưỡng theo cách đặc biệt: Cho chúng ăn thịt thú rừng để nhớ hơi, quen miệng, dạy chúng các chiêu trò săn bắt, tập cho chúng biết nghe các hiệu lệnh của người bằng tiếng huýt sáo miệng hoặc tiếng tù và làm từ sừng bò rừng. Khi ba con chó nhách đến tuổi đi tơ, Xạ Nhất thiến mỗi con một bên cà, nhét vào đó mảnh sành sắc rồi khâu lại, để mỗi khi chúng đuổi con mồi, mảnh sành cựa vào bọng dái đau đớn sẽ sinh ra nổi hung, dữ tợn. Xạ Nhất đặt tên riêng cho từng con chó săn: Mốc, Mực, Vện.
Từ ngày ba con chó được sung vào phường săn, hiệu quả khác hẳn. Những con chó được huấn luyện kỹ, nổi máu hoang dã, thả sức trổ tài đánh hơi, sục sạo khắp mọi ngóc ngách trong rừng, khui ra những con thú giỏi trốn trước đây. Để ghi công lũ chó, Xạ Nhất đã quyết định đổi tên phường săn của mình thành phường Tam Khuyển. Bọn Tam Khuyển rất được trọng vọng. Có người ở các phường săn khác đến xin đổi sang ngang mỗi con bằng một trâu mộng mà Xạ Nhất không đổi. Mỗi lần đi săn thắng lợi trở về, bọn Tam Khuyển được thưởng công bằng những bữa thịt thú no nê, được ăn trước cả phần của người.
    Trong bọn Tam Khuyển, mỗi con có một biệt tài riêng. Mốc giỏi đánh hơi. Mỗi khi xung trận nó cứ thúc cái mõm loang lổ của mình vào bụi cây, hang hốc nào là y như rằng ở đó có con mồi. Mực giỏi sủa. Tiếng sủa của nó oang oang khắp rừng, đầy vẻ hăm doạ, khiến bất cứ con mồi nào nghe thấy cũng hoảng hồn rời khỏi nơi ẩn nấp. Vện giỏi lõng mồi. Nó cứ đứng chỗ nào ngửa mõm tru lên là thể nào chỗ ấy con mồi cũng chạy qua. Một tay súng thiện xạ nào đó chạy đến cạnh nó là dễ dàng hạ được con mồi xấu số.                                          
                                                 *
   Rừng tiếp tục cạn kiệt. Muông thú ngày càng hiếm hoi. Trong một lần đi săn, bọn Tam Khuyển phát hiện ra con Gấu ngựa. Hình như con Gấu này đã thành “tinh” nên lẩn rất nhanh. Bọn Tam Khuyển dùng hết khả năng vốn có của chúng để vây bắt, nhưng con gấu vẫn mất dạng. Xạ Nhất và các tay súng của phường săn Tam Khuyển tiếc đến đứt ruột!
    Nghe người ta đồn, ở dưới xuôi có giống chó ngoại, là loại chó săn thượng hạng. Chúng rất cao lớn, bước chạy nhanh bằng ba con chó nhách cộng lại. Tiếng sủa của chúng to và uy lực đến mức con mồi chỉ mới nghe thấy đã rủn chân không thể chạy được. Những người chủ sự ở phường săn Tam Khuyển nghe thế thích lắm. Họ cử Xạ Nhất về xuôi tìm mua giống chó lạ.
   Xạ Nhất ôm bọc tiền của phường săn về Hà Nội, đến chỗ thằng con trai đang học năm thứ ba Đại học Nông nghiệp, bảo nó dẫn mình về trại chó ngoại. Chủ trại chó này là một gã trung niên, đầu trọc lốc, đôi mắt ti hí, chỉ cao chừng mét rưỡi nhưng có cái bụng khá ục ịch. Nhìn đôi chân ngắn cũn của hắn bước đi lạch bạch, Xạ Nhất nghĩ thầm, tay này mà làm chủ trại vịt    thì có vẻ hợp hơn.
   Gã chủ trại chó khấp khởi dẫn cha con Xạ Nhất đi thăm trại khắp một lượt. Tiếng sủa ủng ẳng của lũ chó lấn át cả tiếng giới thiệu của gã. Xạ Nhất thật sự bị choáng trước lũ chó to cao như những con bê. Đến trước một chuồng chó tai vểnh, lông xám, mình thon, gã chủ trại xởi lởi:
- Đây là giống chó Đức, nhập ngoại một trăm phần trăm. Bọn này mà làm chó săn thì tuyệt cú mèo.
- Làm cách nào để biết được đây đúng là chó nhập ngoại chứ không phải chó lai? - Con trai Xạ Nhất hỏi gã chủ.
- Đây, đây, đây, đây. - Gã chủ miệng nói liếng thoắng, tay móc túi quần soóc lấy ra bọc giấy ni lông. Gã giở vội những tờ giấy trong đó, nói với khách: - Đây là giấy chứng nhận xuất xứ của chó, có cả chứng từ nhập khẩu của hải quan. Đây nữa, giấy chứng nhận tiêm chủng phòng dịch. Nói chung không thiếu một thứ giấy tờ nào.
- Ai đảm bảo những giấy tờ này không phải là của giả? Nhỡ ông mua giấy chứng nhận rởm thì sao?- Vẫn là những câu hỏi móc họng của con trai Xạ Nhất.
- Cậu này hỏi lạ thật. Anh làm ăn chân chính, bán mỗi ngày hàng chục con chó ngoại, làm gì có chuyện làm giấy tờ giả. Đây chú nhìn xem, giấy nào cũng có chữ ký và đóng dấu đỏ chót, có cả tem chống giả nữa. Yên tâm đi!
Con trai Xạ Nhất liếc sang bố, nói nhỏ:
- Con thấy lũ chó ngoại này chỉ hợp với những đại gia, xích trước cổng sắt để coi nhà và ra oai với thiên hạ, chứ làm chó săn e không bằng chó nhách, bố ạ.
Chủ trại nghe thấy. Gã nói với cha con Xạ Nhất:
- Cậu nói thế không phải rồi. Đây là giống chó săn thuần chủng một trăm phần trăm. Ngày xưa Sa hoàng Nga dùng giống chó này làm chó săn của Hoàng gia đấy. Chúng mà đã vào rừng thì không có con thú nào chạy thoát. Nói chung đây là giống chó đã có thương hiệu.
- Giá cả thế nào? - Xạ Nhất hỏi.
- Ông yên tâm đi. Giá rẻ bất ngờ.
- Bất ngờ là bao nhiêu?
- Chó con giá mười triệu. Chó nhỡ giá hai mươi triệu. Chó trưởng thành giá ba mươi triệu. Ông thấy có mềm không?
- Ối! Trâu mộng còn không đắt thế! - Xạ Nhất kêu thất thanh.
- Nó đắt hơn trâu mộng là đúng. Ông thử tính xem, “đắt xắt ra miếng”, chỉ cần nó giúp ông bắt được một con gấu hoặc một chú hổ nhỡ thì coi như ông đã hoà vốn rồi. Mà đời một con chó săn loại này sẽ giúp ông săn bắt được biết bao nhiêu con thú, ông đã tính chưa? Đấy là chưa kể, khi mua nó về, đến lúc nó biết đi tơ, ông cho lai giống với chó nhách, bán được khối chó con lai, thu bộn tiền.
Nghe gã chủ huyên thuyên, Xạ Nhất thực sự bị thuyết phục. Trước mặt Xạ Nhất bỗng hiện lên hình ảnh con Gấu ngựa chạy thoát trước bọn chó nhách. Lưỡng lự một lát, Xạ Nhất ghé tai con trai, nói nhỏ:
- Có khi bố mua hai con chó nhỏ về nuôi con ạ. Được không?
- Tuỳ bố thôi!
Xạ Nhất nói với gã chủ trại chó:
- Thôi được. Tôi mua hai con nhỏ. Chó đực.
- Hầy dà, ông mua hẳn hai con nhỡ hoặc trưởng thành đi. Đem về chúng sẽ đi săn được ngay! Bọn này được huấn luyện rồi mà! - Gã chủ trại chó gạ gẫm.
- Nhiều tiền quá, không đủ đâu!
- Thế thì mua một con nhỏ, một con trưởng thành. Lấy kinh nghiệm của con trưởng thành dạy cho con nhỏ!
Sau một hồi lẩm nhẩm tính toán, Xạ Nhất quyết:
- Ông cho tôi mua một con nhỏ và một con trưởng thành.
Khi Xạ Nhất chọn được hai con chó ưng ý, gã chủ trại hỏi:
- Ông có đặt tên cho hai con chó này không?
- Có chứ. Nhưng chưa biết đặt tên gì. Hay là ông đặt tên cho chúng giúp tôi!
- Theo ý tôi, con trưởng thành đặt tên là Pốp, con nhỏ đặt tên là Rốc. Đặt tên thế nghe cho nó Tây ông ạ.
- Được.
Nhìn theo cha con Xạ Nhất đưa hai con chó lên xe, gã chủ trại chó nheo cặp mắt lươn, cười đắc ý: “Đấy chỉ là hai con chó lai thôi, người anh em ạ”.  
                                                    *
    Mốc nằm buồn rầu ở gầm sàn, nói với Mực và Vện:
- Các cậu thấy hai con chó ngoại kia thế nào?
Vện nói:
 
- Đúng là chó Tây có khác. Chúng cao lớn thật. Tiếng sủa mới to làm sao!
Mực nói vẻ nghi ngờ:
- To xác đã chắc gì giỏi săn. Cứ đợi xem!
Mốc so bì:
- Ông chủ mình cưng chiều chúng quá thể. Ngày nào bọn chúng cũng được ăn thịt và cơm ngon. Chả bù cho chúng ta, chỉ được ăn thịt mỗi khi săn được con mồi!
- Bọn mình chưa bị ông chủ đuổi đi là may lắm rồi. Dù sao bọn mình cũng chỉ là chó nhách thôi mà, bì làm sao được với cho ngoại! - Vện an ủi các bạn.
Mực nổi nóng:
- Nhưng trước đây chúng ta đã giúp phường săn và ông chủ bắt được bao nhiêu là thú.
- Cũng tại hôm ấy bọn mình để xổng mất con Gấu ngựa! - Mốc than thở.
Mực nói cứng:
- Bọn mình chưa bị Gấu ngựa tát cho là còn may đấy. Đừng có đùa. Đã chắc gì hai con chó ngoại này bắt được con Gấu ngựa ấy!
Nghe tiếng tù và, tiếng huýt sáo quen thuộc, bọn Tam Khuyển vội chồm dậy lao theo. Xạ Nhất giơ tay ngăn chúng lại:
- Bọn mày ở nhà! Hôm nay chỉ có Pốp và Rốc đi thôi!
Bọn Tam Khuyển lủi thủi quay lại chỗ nằm. Mắt chúng hướng theo hai con chó ngoại và những tay súng trong phường săn tiến về phía rừng sâu, nơi có con Gấu ngựa. Mốc ngân ngấn nước mắt, nói với Vện và Mực:
- Tớ muốn vào rừng quá!
- Tớ cũng thế. Nhưng ông chủ có cho bọn mình đi theo đâu! - Vện nói vẻ buồn bã.
Mực nhổm dậy, nói giọng bực tức:
- Đúng là “có mới nới cũ”. Để rồi xem!
Mốc nói với các bạn:
- Không hiểu sao tớ cứ thấy lo lắng thế nào ấy!
                                                     *
   Lần đầu được xuất trận, Pốp ngạo nghễ lao vào rừng. Nó sục sạo khắp các bụi cây, hang hốc. Tiếng sủa của nó vang vọng tận thâm sơn cùng cốc. Rốc cũng xông xáo không kém. Tuy tiếng sủa của Rốc chưa thực sự có uy lực, nhưng nhìn cái dáng lao vun vút đầy vẻ hăng hái của nó, Xạ Nhất sướng cái bụng.
   Xạ Nhất cắt cử các tay súng chia nhau ra lõng mồi ở những nơi mà con Gấu ngựa có thể chạy qua, rồi xách súng chạy theo tiếng sủa của Pốp, Rốc.
Gấu ngựa bất ngờ xuất hiện ngay trước mũi con Rốc. Tiếng sủa của Rốc ngừng bặt. Nhanh như chớp, Gấu ngựa giơ tay tát một cú như trời giáng vào thẳng mặt Rốc. Rốc bị hất văng ra xa, chỉ kịp oẳng lên một tiếng, rồi giãy đành đạch. Pốp nhìn thấy Rốc bị tấn công vội lao đến. Gấu ngựa xoay lại giơ tay tát. Pốp tránh kịp, phóng đi. Kinh nghiệm đã giúp Pốp thoát được đòn hiểm của Gấu ngựa. Xạ Nhất cầm súng lao theo hướng con Gấu ngựa, lòng đầy sục sôi.
    Vừa nghe tiếng soạt bên hông, chưa kịp xoay người, Xạ Nhất đã bị Gấu ngựa vả một nhát vào mặt. Xạ Nhất choáng váng ngã vật xuống. Con gấu chồm lên người Xạ Nhất tát tới tấp. Trong cơn bi đát đến tuyệt vọng, Xạ Nhất bỗng nghe thấy tiếng sủa điên loạn của bọn Tam Khuyển, rất gần. Xạ Nhất chỉ kịp nhìn thấy Mốc, Vện, Mực đang bất chấp nguy hiểm lao vào cắn xé Gấu ngựa, rồi lịm đi, mê man…
   Cuộc chiến giữa Tam Khuyển với Gấu ngựa diễn ra hết sức quyết liệt. Mốc nhảy lên lưng Gấu ngựa, ngoặm hàm răng sắc nhọn vào cổ nó. Thừa cơ Vện tấn công hạ bộ con mồi. Mực vừa sủa vừa chạy xung quanh để gây rối loạn. Gấu ngựa chộp được Mốc ném xuống. Một mảng da lưng của Mốc bị móng nhọn cào rách, máu chảy ròng ròng. Mốc bất chấp nguy hiểm, tiếp tục nhảy chồm lên lưng Gấu ngựa, cắn thật lực. Mực thôi sủa, nhảy vào đớp mông con mồi dứt ra từng mảng thịt. Gấu ngựa cuống cuồng chống trả sự tấn công dũng mãnh của bọn Tam Khuyển. Sau khi hất được Mốc ra khỏi lưng, nó bỏ chạy thục mạng. 
                                                   *
    Từ bệnh viện trở về với vết sẹo to tướng ở một bên mặt, Xạ Nhất không về nhà ngay, mà ra thẳng mộ cha thắp hương. Giữa ngôi mộ ông Ba Đúng mọc lên cái mầm cây rất lạ, hình thù giống như một chiếc nanh hổ. Bọn Tam Khuyển đi theo chủ, ngồi gần đó canh chừng.
   Xạ Nhất vừa khóc vừa nói chuyện với người cha đang nằm dưới mồ.
   Khi mặt trời trốn khỏi đỉnh Tạ Đú, Xạ Nhất mới lững thững trở về nhà, im lìm như một cái bóng. Đi theo sau chủ vẫn là ba con chó nhách.
   Xạ Nhất lặng lẽ ngồi bệt dưới gầm sàn, nơi ông Ba Đúng ném xác con Hổ chột ngày trước. Hình ảnh chiếc nanh hổ cắm ngập giữa vầng ngực ứ máu của người cha hiện lên rõ mồn một. Bất giác Xạ Nhất đưa tay xoa xoa vết sẹo to trên gương mặt. Bọn Tam Khuyển ngồi xung quanh, nhìn chủ bằng những cặp mắt buồn.
   Xạ Nhất dang tay ôm bọn Tam Khuyển vào lòng. Xoa nhẹ vết sẹo trên lưng con Mốc, Xạ Nhất nói như tâm tình: “Cảm ơn bọn mày đã cứu tao. Hoá ra trong lúc gian nguy chỉ có lũ chó nhách bọn mày mới dám xả thân cứu chủ! Thôi, từ mai trở đi bọn mày không phải vào rừng nữa!”
   Sáng hôm sau, Xạ Nhất cho gọi tất cả những người trong phường săn Tam Khuyển lại để nói một điều quan trọng: Giải tán phường săn. Giao nộp toàn bộ súng săn cho xã, chỉ xin giữ lại một khẩu duy nhất để thờ cúng tổ tiên./.
 
                                                                        N.T.B


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 24
Trong tuần: 599
Lượt truy cập: 416843
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.