Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

SỨC SỐNG MỚI

Nguyễn Xuân Mẫn

SỨC SỐNG MỚI Ở VÙNG QUÊ NÚI (Bút ký)

Tại khu trung tâm xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai nằm trên một bãi đá hình thành từ dung nham núi lửa phun trào, trên bề mặt tuy lồi lõm nhỏ có khi chừng vốc tay nhưng nhìn tổng thể là bãi bằng rộng lớn. Tiếng Quan hỏa gọi bãi bằng lớn là Tả Phìn. Mang địa danh bãi bằng lớn nhưng Tả Phìn là vùng núi cao đèo dốc, nơi thấp nhất cũng nằm trên ngưỡng 1.300 mét so với mặt biển. Trên lưng chừng trời ấy, Tả Phìn thường quanh năm mù sương và cũng không có mùa hè nóng đổ mồ hôi như dưới xuôi, còn mùa đông lưỡi dao giá rét trong sương mù, băng tuyết và gió núi như vô vàn lưỡi dao vô hình cắt thịt khoét xương. Rừng dày, đá núi đèo dốc hợp sức với khí hậu khắc nghiệt biến Tả Phìn thành nơi cùng tận khổ cực. Bởi vậy ngày trước Đạo Công giáo xây dựng ở đây nhà tu dành cho các nữ tu theo dòng khổ hạnh, bây giờ nhà tu ấy chỉ còn lại những bức tường đá bị thời gian phủ đầy rêu phong, giữa những cây cỏ dại đang lấn át mấy cây đào hoang. Cũng như mọi nơi vùng cao Lào Cai, dù đất đai màu mỡ nhưng cây lúa cây ngô chỉ trồng cấy được một vụ từ tháng tư đến tháng chín âm lịch. Mùa đông đến gió rét sương mù và băng tuyết làm chủ ruộng nương, không cho cỏ mọc nên con trâu con ngựa lang thang khắp nơi tìm ăn nhưng bụng vẫn teo tóp rồi bất thình lình bị lăn đùng ra chết vì đói rét. Mặc cho các thầy mo người Mông, thầy cúng người Dao yểm bùa giải hạn nhưng ma đói ma rét và ma bệnh tật đua nhau hành hạ người Tả Phìn đủ đường. Bây giờ nghe người già kể chuyện xưa, con cháu mắt dán vào màn hình điện thoại iphone, miệng cười: “Nghe như truyện thần thoại á!”dautaytaphin

Mấy chục năm nay các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp đã tạo ra diện mạo mới trên ruộng nương của Tả Phìn. Cấy lúa trồng ngô vẫn chỉ một vụ trong năm nhưng sản lượng lương thực gần gấp đôi ngày trước vì đều là giống cho năng suất cao và các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào canh tác. Nhà nhà không lo đói, ngoài việc chăn nuôi, ngô hạt còn bán cả tấn cho thương lái.

 Từ khi làn sóng khách du lịch nườm nượp đổ về Sa Pa thì Tả Phìn là một điểm đến du hành lý tưởng.  Bởi vì đến Tả Phìn là du khách đến với đồng bào Dao đỏ và Hmông đậm đà bản sắc dân tộc. Đến Tả Phìn du khách rất sảng khoái khi được ngâm mình trong thùng thuốc tắm ấm áp ngào ngạt hương rừng vừa xua tan mệt nhọc đường trường và tăng cường sinh lực. Hòa trong dòng du khách, người Tả Phìn nhanh chóng bước vào con đường dịch vụ du lịch như làm hàng thổ cẩm, đun thuốc nước tắm nhưng đông đảo nhất là bán các mặt hàng của địa phương mình làm ra. Cùng với ruộng nương, chuồng trại, chiếc thồ góp cho nhiều gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo vì có ngày nó giúp chiếc túi thổ cẩm thêm tiền bằng bốn năm ngày đi nương đi ruộng. Mải bán hàng, đôi lúc quên ngô nương đang đòi vun gốc, lúa dưới ruộng đang bị cỏ dại đe chiếm đất… Tính lại chi tiêu hàng ngày và nhìn các đồ dùng mua sắm được bằng tiền đi theo khách bán hàng, người Tả Phìn bỗng giật mình khi xem ti vi và nghe đài mới thấy rằng: Mình mới đuổi được ma đói khổ nhưng chưa hẳn đã thoát khỏi vòng tay cái ma nghèo.

Nhận thức rõ thực trạng của đời sống nhân dân và đáp ứng với sự phát triển trong tương lai, Đảng bộ Tả Phìn đã lãnh đạo nhân dân thay đổi cách nghĩ cách làm trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Sau gần 10 năm nỗ lực, đến năm 2018 Đảng bộ và nhân dân xã Tả Phìn đã vinh dự được ngồi vào hàng ghế NÔNG THÔN MỚI.

Xã hội ngày một phát triển do nhu cầu cuộc sống của con người ngày một nâng cao nên tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng phải đáp ứng phù hợp. Không tự mãn với danh hiệu đã giành được; dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Tả Phìn hợp sức chung lòng bước lên con đường làm ăn mới bằng chính nương ruộng của mình. Phát huy ưu thế của vùng trồng cây ôn đới, người Tả Phìn đã ứng dụng nền nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất để đất nở hoa tiền gấp năm mười lần bông lúa bắp ngô. Mấy năm nay Tả Phìn trở thành thủ phủ của các loài hoa xứ lạnh mở cửa đón mùa xuân. Phong lan Kiếm hồng hoàng vốn được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa bởi nhiều màu sắc phong phú, vẻ đẹp kiêu sa lịch lãm. Hiện nay có tới 400 gia đình trồng lại hoa này. Từ khi đặt cây giống đến lúc nở hoa phải chăm sóc vất vả ba năm liền. Tuy là cây ôn đới nhưng không chịu được sương muối hay băng truyết nên trước tết chừng hai tháng, người trồng thường phải di cư phong lan tạm trú nhờ mấy xã vùng thấp. Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng địa lan, ông Lê Lệnh Thương cho biết: “Bù lại công sức chăm sóc cho người trồng, có nhành hoa 40 bông được khách đặt giá tới 400 nghìn đồng!”

Phát huy ưu thế của xứ lạnh, hơn 100 gia đình ở Tả Phìn đã có thu nhập bằng hoa đào, trong đó có 10 gia đình trồng trên diện tích trên dưới 3 héc ta. Cùng với đào phai vốn là loài hoa bản địa, nhân dân Tả Phìn đã đưa đào bích và đào thất thốn về trồng để nâng cao giá trị canh tác. Thất thốn là loại đào khiêm tốn cao chừng bẩy tấc (tương đương một mét), trồng ba năm mới trổ hoa, mỗi tầng hoa có tới bảy cánh. Có lẽ cao bẩy tấc, tầng hoa bẩy cánh màu đỏ thẫm và phải bẩy năm dầy công chăm sóc nên loại đào này được người xưa phong danh là thất thốn (đào tiến vua). Đây là loài hoa đào duy nhất tỏa hương thơm dìu dịu. Là loại đào quý hiếm nên ngày xưa chỉ có trong vườn thượng uyển của vua chúa. Nhờ đất trời và người Tả Phìn giúp sức nên mới về nhập khẩu mấy năm nay mà mỗi cây đào thất thốn có giá vài ba chục triệu đồng. Tích lũy kinh nghiệm trồng đào 15 gia đình Tả Phìn đón nhất chi mai về sinh cơ lập nghiệp. Tuy cánh hoa mai mỏng manh nhưng vẻ đẹp của màu trắng thanh tao mạnh mẽ nên được tôn là hoa tứ quý. Sau 3 năm chăm sóc vất vả, mỗi cây nhất chi mai trả công người làm vườn khoảng 2 triệu đồng mà có khi giữa tháng chạp, vườn mai không còn một gốc.

Các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ…ở miền xuôi chỉ trồng được vụ đông nhưng ở vùng cao Lào Cai canh tác quanh năm. Phát huy lợi thế đó, có năm Tả Phìn trồng tới 120 ha rau theo quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt tiêu chuẩn hàng đầu là rau sạch, đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình “sạch” trong đất canh tác, trong nguồn nước, trong phân bón hữu cơ và trong thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh… Muốn rau quả đứng vững trên các sạp hàng siêu thị lớn và nhận được visa lên tàu viễn dương, ngoài các tiêu chuẩn sạch như rau đại trà, người làm vườn rau còn phải lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tới từng gốc cây nhằm không lãng phí nguồn nước và giảm công lao động. Phải làm khung nhà mái lợp kính và vây kín xung quanh để tránh mưa lớn về mùa hè và sương muối băng giá về mùa đông đồng thời ngăn ngừa sâu bệnh côn trùng phá hoại. Vì vậy gía thành một cân rau cao gấp ba bốn lần cây trồng đại trà. Nhà vườn kính của anh An Xuân Phùng chỉ chuyên cung cấp rau cho các siêu thị tận Hà Nội.  Với số vốn đầu tư cho một ha đến vài tỷ đồng nên trong 30 nhà vườn trồng rau chỉ mới có 6 nhà vườn ở Tả Phìn làm được mô hình này.

Vào thăm vườn dâu tây của hợp tác xã Thắng Lợi cũng sản xuất theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại là nơi kết hợp dịch vụ du lịch. Khách vào vườn dâu tây đươc tận mắt thấy quy trình sản xuất ngặt nghèo đồng thời được cùng người làm vườn chăm sóc vun xới để xua tan mệt mỏi ở nơi phố thị ồn ào. Du khách có thể tự tay hái chọn những quả dâu chín mọng đỏ tươi về làm quà nhưng xin thưa mỗi cân dâu tây loại hảo hạng không có gía dưới 200 nghìn đồng. Sang thăm hợp tác xã Hàm Rồng, chị Đỗ Thị Kim Dung, chủ nhân của 2 héc ta vườn dâu tây cho biết trừ chi phí thì mỗi năm 2 ha này thu lãi ròng hơn một tỷ đồng. 

Ông Tạ Duy Hưng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tả Phìn tâm sự: “Năm năm qua, cây hoa cảnh, cây rau và khóm dâu tây trồng theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần quan trọng cùng với cây lúa lai, ngô giống mới giúp nông dân Tả Phìn mỗi năm thu trên một héc ta canh tác 125 triệu đồng. Giá tiền ấy có được do các hội viên mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất cây hàng hóa. Cùng với các dịch vụ du lịch, ngành nông nghiệp đã trở thành mũi chủ công đưa thu nhập bình quân đầu người từ 31,9 triệu đồng sau 5 năm lên tới 39 triệu!”

Đi trong vườn hoa Tả Phìn dưới nắng hè nhưng vẫn dịu mát như mùa thu, du khách vui mừng được thưởng ngoạn sức sống mới của vùng quê núi trên con đường xây dựng nông thôn mới ngày một tươi đẹp hơn.

                                                                                      Tả Phìn –Lào Cai, Tháng 5 năm 2023

                                                                                                              N.X .M

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 108
Trong tuần: 860
Lượt truy cập: 450874
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.